Khác với lính văn phòng, nghề may thêu, hay thương mại, nơi chủ yếu tập trung lao động nữ. Trên các công trình xây dựng bóng dáng phái đẹp hầu như không còn nữa…và những bóng Hồng ấy lại trở nên hiếm hoi hơn cả khi đặc thù ấy ở các công trình lắp máy.
Giữa cái nắng như đổ lửa vào tiết tháng 5, trên công trình xi măng Công Thanh- Tĩnh Gia- Thanh Hóa, giữa cái không khí ồn ào của tiếng máy, tiếng búa, tiếng hiệu lệnh của hàng trăm công nhân nam giới đang chạy đua với thời gian, đánh vật với thời tiết…Tôi thấy thấp thoáng bóng chị, có lẽ là người phụ nữ duy nhất, mang áo thợ Lilama 18 đi lại trên công trình. Có thể nói là ngạc nhiên, và hơn thế nữa sự thán phục về sức chịu đựng của chị, đó là nữ công nhân Lilama18 Nguyễn Thị Anh, hơn 50 tuổi đời, nhưng đã có hơn 20 năm theo chân các công trình lắp máy trên khắp cả nước.
Xuất thân là một nữ công nhân nhà máy dệt Nam Định, hơn 30 năm trước cô công nhân dệt thành Nam đem lòng yêu thương chàng công nhân lắp máy Cao Đức Nghĩa. Nghề lắp máy của chồng đã dần ảnh hưởng tới cô, để dần sau đó Nguyễn Thị Anh trở thành một công nhân lắp máy thực thụ. Hạnh phúc những tưởng sẽ trôi đi êm đềm. Nhưng không lâu sau khi ổn định nơi ở và làm việc tại Kiên Lương, anh Cao Đức Nghĩa lâm trọng bệnh qua đời, khi chị còn đang mang thai đứa con đầu. Vượt lên sự đau buồn, Nguyễn Thị Anh đã vững vàng vượt cạn, mẹ tròn con vuông, cô con gái Nguyễn Thị Thu Thương ra đòi trong sự thương yêu đùm bọc sẻ chia của những người thợ Kiên Lương, như hàm chứa biết bao yêu thương hoài niệm về những ngày tháng hạnh phúc đã qua.
Dấn thân vào lắp máy, từ đó Nguyễn Thị Anh đi khắp các công trình lắp máy với nhiệm vụ thủ kho vật tư cho các đội công trình. Không lâu sau khi hoàn thành nhiệm vụ tại nhà máy lọc dầu Dung Quất, đầu năm 2011 chị lại đã có mặt tại đội công trình 5 Thanh Hóa.
Cái thành công của đội công trình số 5, không chỉ bởi họ có một đội ngũ kỹ sư và công nhân lành nghề, mà chính là họ đã có được những “nữ tướng” nội chợ tài ba, tâm huyết. Nếu như ngoài kho đã có Nguyễn Thị Anh. Bữa cơm bổ dưỡng tại nhà bếp đã có Phạm Thị Hằng. Cũng như chị Anh, bếp trưởng Hằng tỏ ra có tài thao lược khác thường. Nếu không thưởng thức bữa ăn trong khung cảnh công trường, khó có thể tin được những món ăn mà chúng tôi có được lại từ tay của bà “ nội tướng`” này với đủ cả hương vị của món thịt nguội, dăm bông, gỏi các loại, riêu cá…hương vị khó quên trong một bối cảnh của vùng núi hẻo lánh xa chợ như thế. Phục vụ hơn trăm công nhân, nhưng bếp ăn của Chị Hằng luôn vệ sinh, sạch sẽ.
Đúng là dù có làm ra bao nhiêu sản phẩm, thành tích trên công trình có nhiều đến thế nào…nếu thiếu bàn tay chăm lo của người phụ nữ cho những bữa cơm dẻo canh ngọt quả thực sẽ khó nói đến thành công khi sức khỏe người lao động không được đảm bảo. Những phụ nữ như Nguyễn Thị Anh, Phạm Thị Hằng đã cùng với công nhân, kỹ sư đội công trình số 5 Lilama18 đang làm nên một sức sống cho đội công trình để họ có thể hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình.
Tuấn Minh