
Ở công trình thủy điện Hủa Na ( huyện Quế Phong, tỉnh Nghệ An), anh Lê Hồng Tú, được nhiều người biết đến là một công nhân yêu nghề, say mê công việc. Dù trên cương vị nào, anh cũng luôn cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao. Anh hiện là công nhân bậc cao 6/7, đội trưởng đội lắp máy thuộc Cty CP LILAMA 7 trên công trường thủy điện Hủa Na.
Sinh năm 1965, năm nay vừa tròn 47 tuổi, anh Tú đã có 24 năm làm công nhân lắp máy. Tuổi trẻ của anh gắn liền với các công trường, nay đây mai đó. Quê anh ở Đà Nẵng, gia đình anh đang sống ở Phú Thọ, còn anh thì lại đang ở Nghệ An. Mỗi lần đi lại là mỗi lần vất vả. Vậy nhưng, anh chưa bao giờ nản lòng. Anh kể: Công trình anh làm lâu nhất là thủy điện SeSan (Gia Lai) 4 năm. Sau đó, anh đến các công trình thủy điện khác theo sự phân công của lãnh đạo Cty LILAMA 7, rồi đến các nhà máy đường, nhà máy xi măng. Đợt LILAMA 7 lắp đặt thiết bị hầm thông gió đèo Hải Vân cũng có tên anh.
Mặc dù đã làm nhiều thủy điện, nhưng thủy điện Hủa Na mà anh đang tham gia lần này có sự khác biệt hơn hẳn. Công việc ở đây không chỉ vất vả mà đường đi lại thì khó khăn, địa hình hiểm trở. Nhiệt độ ban ngày và đêm chênh nhau có khi lên đến 20 độ. Mùa đông thì lạnh hơn, còn mùa hè thì nóng hơn nơi khác. Điều kiện khí hậu không hợp đã có những ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của anh và mọi người, nhưng không vì thế mà mọi người nản chí. Từ trước đến nay, anh luôn tin vào sự lựa chọn nghề nghiệp của mình.
Những ngày đầu khi đến với công trường, công nhân, kỹ sư muốn vào được công trường còn phải đi bộ tới 10 km. Sạt lở đất, tắc đường thường xuyên xảy ra. Có lúc, anh em còn không có thực phẩm để ăn. Khó khăn như vậy, nhưng anh xác định: đã chấp nhận đi làm thợ lắp máy, làm thủy điện là phải chấp nhận sống chung với vất vả, chấp nhận sống ở vùng sâu vùng xa. Đường sá xa xôi, hai tháng anh mới được về nhà /lần. Nhiều lúc, hẹn với gia đình, vợ con ngày này ngày kia về nhà. Nhưng vì công việc, điều kiện thời tiết khắc nghiệt, có khi không về được, không tránh khỏi sự trách móc của mọi người. Song anh tự nhủ, không có cách nào khác là phải cố gắng. Thành quả công việc, bóng dáng của công trình thủy điện hiện ra mỗi ngày là kết quả xứng đáng cho sự cố gắng đó của anh và đồng nghiệp.
Làm lâu năm nên kinh nghiệm không ít, anh không ngại ngần truyền lại cho lớp trẻ. Hơn ai hết anh hiểu rằng, công việc lắp máy đòi hỏi sự chuyên nghiệp, tỷ mỉ đến từng chi tiết. Đó cũng là lý do khiến công nhân lắp máy không bao giờ là những thợ phổ thông, mà đều phải được bài bản. Đào tạo trong nhà trường rồi, đến công trường, dưới sự dìu dắt của những người thợ bậc cao như anh, từng công nhân trẻ đã trưởng thành lên mỗi ngày.
Khủng hoảng kinh tế đã có những tác động không nhỏ đến cuộc sống của người thợ lắp máy, trong đó có anh. Nhưng anh vẫn tin rằng, một ngày nào đó khó khăn rồi sẽ qua. Anh tự hào vì mình đã góp chút công sức nhỏ bé, dựng xây nên những công trình lớn cho Tổ quốc.
Vân Anh - Duy Tình