Đội công trình 5: GIải bải toán cho tồn tại và tăng trưởng

03/08/2011 15:52

Châm ngôn có câu : “ buôn tàu bán bè, không bằng ăn dè hà tiện” – hà tiện ở đây được hiểu là sự tiết kiệm trong chi tiêu, kế hoạch khoa học trong tài chính, sản xuất. Ở những nước phát triển như Đức, Nhật Bản, nhưng nghèo tài nguyên, ngoài yếu tố KHKT vượt trội, tiết kiệm là phương châm sống và hành động để các quốc gia đó trở nên hùng cường và thịnh vượng. Xem ra bài học tiết kiệm không phải mới và xa lạ… Tuy nhiên tiết kiệm thế nào, làm thế nào để tiết kiệm lại là vấn đề không đơn giản.

     Có thể nó, tiết kiệm ngoài mục đích đem về cái lợi vật chất kinh tế cho xã hội, cho tập thể, nó còn là biểu hiện của cái tâm và tầm nghĩ của người lãnh đạo. Bởi để tiết kiệm được một kilogram vật tư thôi người phụ trách phải lao tâm khổ tứ, đầu tư trí lực mà cái lợi thu về cho chính họ chắc chắn sẽ tỷ lệ nghịch với cái lợi cho tập thể. Chính thế lâu nay tiết kiệm cứ được bàn đi bàn lại, xới lên và khó thực hiện…Trong nhiều cuộc họp giao ban lãnh đạo công ty, Tổng Gíam Đốc Lê Quốc Ân luôn nhắc và yêu cầu một cách kiên quyết với tiêu chí: “Chỉ có tiết kiệm, giảm tiêu hao vật tư trong sản xuất, tăng cường năng lực chuyên môn mới là những điều kiện tiên quyết để chúng ta vượt qua khủng hoảng và có cơ hội tăng trưởng, tích lũy, nâng cao đời sống người lao động…”

     

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

     Đột phá vào khâu khó khăn và không kém phần “ nhạy cảm” này đội công trình 5, xi măng Công Thanh – Tĩnh Gia – Thanh Hóa, do kỹ sư  Ngô Quang Định làm đội trưởng đã quyết tâm đi thằng vào trọng tâm của công việc mình làm. Qua tìm hiểu trong các giáo trình, căn cứ vào thực tế thi công trên nhiều công trình, đội trưởng Định nhận thấy: Phần lớn các “ lỗi” lãng phí vật tư nằm ở khâu quản lý đồng thời chưa nghiên cứu thấu đáo các phương án pha tôn thành các phôi mẫu…Rõ ràng ở công tác này, đòi hỏi sự chuẩn bị rất chu đáo và tốn nhiều thời gian công sức…Nhưng nếu khi đã tìm ra một phương án tối ưu, việc tiếp theo trở nên đơn giản hơn. Để cho dễ hiểu, đội trưởng Ngô Quang Định cho tôi biết: “ Anh cứ hình dung việc làm của chúng tôi như người thợ may, trước khi cắt áo, bao giờ người thợ may cũng làm việc đo vẽ rồi cắt ra một mẫu trên giấy sau đó mới giác vào vải, tìm ra cách tiết kiệm nhất để ra sản phẩm…Chúng tôi thay vì trên vải thì làm trên sắt thép….”

      Khi đã có tài liệu khoa học giải được bài toán tiết kiệm vật tư, một thuận lý, logic trong sản xuất đó là giảm được đáng kể nhân công trong sản xuất. Trên công trình xi măng Công Thanh vói hơn 3000 tấn thiết bị gia công, chế tạo số nhân công thực tế chỉ 150 công nhân, giảm được 50 nhân công theo kế hoạch tính toán lý thuyết. Chỉ trong thời gian ngắn, nằm trên địa bàn núi non, giao thông rất khó khăn đội công trình số 5 đã triển khai quân số một cách linh hoạt, việc khoán được khuyến khích xuống từng tổ với các chỉ tiêu minh bạch, tạo động lực tích cực cho tăng năng xuất lao động. Kỹ sư Đoàn Ngọc Tường- kỹ sư trưởng, Bí thư đoàn, tốt nghiệp bằng ưu bách khoa Đà Nẵng, gương mặt đen sạm cho chúng tôi biết: Tại công trình này, mỗi kỹ sư, công nhân phải thực sự là những người năng động và chủ động trong mỗi công việc được giao… theo chân kỹ sư Tường, đội trưởng Định chúng tôi chứng kiến nhiều công nhân hàn, lốc tôn thuần thục…tìm hiểu được biết công nhân Lê Văn Cường người có thâm niên không nhiều, nhưng biết học hỏi đã trở thành một trong những chủ lực của thợ lốc tôn, và như vậy nhóm lốc tôn của Cường đã tạo thành “ nhà máy” tôn uốn di động trên công trình, tạo cho các dây truyền hoạt động một cách đồng bộ, không ách tắc, chờ đợi nhau…

      Có được chìa khóa vật tư và nhân công, đội công trình 5 đã cho tôi kiểm nhận một thực tế phấn chấn và không khỏi bất ngờ khi đưa ra con số: Đội công trình đã đảm bảo giảm tiêu hao vật tư chính còn dưới 5%, con số tiêu hao mà nhiều đơn vị còn đang loay hoay không biết làm thế nào để kéo giảm. Có thể nói đây là số tiêu hao vật tư nhỏ kỷ lục hiện nay do đội công trình 5 lập được.  Hãy cùng cảm nhận cứ trung bình 1% tiêu hao có giá trị tương ứng 600 triệu đồng, một con số không nhỏ. Thế mới biết làm giàu bắt đầu có lẽ phải là từ khâu học cách tiết kiệm.Tiết kiệm vật tư chính, cùng với đó là việc nuôi quân. Quan điểm xuyên suốt này đã được đội công trình 5 xem như mấu chốt trong hoạt động thi đua sản xuất, lấy con người làm trọng tâm. 150 công nhân của đội được ở trong những phòng ở khang trang với 2 quạt máy/ phòng, nhà ăn với suất ăn vệ sinh đảm bảo dinh dưỡng chế biến tươi sống, ti vi màn hình lớn được bố trí ngay phòng ăn, sân bóng đá và bóng chuyền…Có thể nói, người thành phố như chúng tôi, nhìn thấy cảnh thanh bình mê mẩn trước vẻ đẹp núi đồi, sự hiền hòa của công nhân nơi vùng xa hẻo lánh…Nhưng để để có được như thế sức lao động của công nhân lắp máy bỏ ra không ít. Vui bên mâm cơm kỹ sư Châu cho tôi biết: “ nguồn nước mà chúng tôi có được hôm nay phải vất vả lắm mới có được, ban đầu cũng dùng nước giếng bơm, nhưng phèn quá, chỉ có thể phục vụ cho sinh hoạt thông thường…sức khỏe của hàng trăm công nhân làm việc lâu dài thế này không đảm bảo…” Hướng theo tay kỹ sư Châu, trên núi cao hàng trăm mét, từ nơi ấy hơn 3000m ống nước của lắp máy được dẫn về từ đầu nguồn…Dòng nước suối mát lạnh, nhưng nghe như đâu đây có vị mặn của công sức, mồ hôi thẫm đẫm người thợ Lilama 18. Dòng nước, cùng với đường điện Lilama 18 cũng làm nên sức sống mới cho 18 nếp nhà thôn bản đồng bào dân tộc tại đây. Tối, trong ánh điện chan hòa, là tiếng nhạc rộn ràng phát ra từ những máy nghe nhạc của các gia đình gần đó, núi rừng như vui lây, ánh sáng đã phần nào xua đi cái ngột ngạt của ngày hè, đêm tối…

      “Trời tháng năm chưa nằm đã sáng” mặt trời ngày hè miền trung lên thật sớm, công nhân đội công trình 5 Lilama18 phải chạy đua với cả ông mặt trời, họ đi làm từ sớm để tránh cái nắng oi ả, bóng những áo thợ Lilama đổ dài theo các khoảng nắng sớm mai, dưới tay họ lại là những mét hàn, những tấm tôn cuộn lên từ những máy lốc vươn mãi lên cao như muốn che nắng cho những tấm lưng…họ lại vào ca như thế…sức sống, và sự vững vàng của đội công trình 5 bắt nguồn từ những điều tưởng chừng như nhỏ bé, nhưng hàm chứa biết bao, sâu lắng biết bao ý nghĩa của từng việc làm…nó là đòn bẩy để đội công trình này bước tiếp vững chắc trên những công trình lớn tiếp  theo.

Tuấn Minh