Thủ tướng Chính phủ làm việc với các Doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia

04/10/2024 14:22

Chiều 3/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia. Cùng dự có các Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Hoà Bình, Trần Hồng Hà và Hồ Đức Phớc; lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương; các hiệp hội, nhà thầu xây dựng.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với các doanh nghiệp xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia

Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, Nghị quyết Đại hội XIII tiếp tục xác định 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá chiến lược về hạ tầng, gồm hạ tầng giao thông vận tải, hạ tầng năng lượng, hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu, hạ tầng y tế, văn hóa, giáo dục…

Thủ tướng nhấn mạnh, các dự án hạ tầng đã tạo không gian phát triển mới, giúp hình thành các khu công nghiệp, đô thị, dịch vụ mới, làm tăng giá trị của đất đai, tạo thuận lợi cho người dân đi lại, giảm chi phí lotistics, giảm giá thành, tăng sức cạnh tranh của hàng hóa, sản phẩm, của nền kinh tế.

Thủ tướng đánh giá thời gian qua, các doanh nghiệp xây dựng đã có nhiều đóng góp tích cực, quan trọng trong triển khai các công trình, dự án trọng điểm quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nhất là thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, kiểm soát tốt nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi ngân sách…

Thủ tướng cho biết, Thường trực Chính phủ tổ chức cuộc làm việc để lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp về kinh nghiệm triển khai các dự án; việc huy động nguồn vốn cho các dự án; tiếp tục hoàn thiện thể chế, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như liên quan mỏ nguyên vật liệu thông thường cho các dự án…

Thủ tướng cũng mong muốn các doanh nghiệp tiếp tục nỗ lực, vượt qua giới hạn của chính mình và đẩy mạnh liên kết, hợp tác với các đối tác nước ngoài, từ đó tiếp tục tham gia triển khai, xây dựng các dự án lớn khác của đất nước trong thời gian tới.

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam

Tại cuộc làm việc, đại diện lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành nhiều giải pháp tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho các tập đoàn, doanh nghiệp xây dựng trong nước vươn lên phát triển mạnh mẽ, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong giai đoạn mới, nhất là đủ khả năng đảm đương các dự án trọng điểm quốc gia

Ông Nguyễn Quốc Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) nêu rõ, các nhà thầu đang đối mặt khó khăn, trong đó có cơ chế đặc thù giao nhà thầu quản lý khai thác các mỏ vật liệu xây dựng. Một số nhà thầu vẫn vướng mắc liên quan thủ tục cấp phép mở mỏ, quy hoạch, xác định trữ lượng thực tế. Thí dụ mỏ đó gấp đôi nhu cầu của doanh nghiệp xây dựng nhưng chủ mỏ yêu cầu doanh nghiệp phải mua toàn bộ, vậy sản lượng dư thừa thì doanh nghiệp không biết phải làm gì. Do đó cần giao địa phương có cơ chế cụ thể đền bù giải phóng mặt bằng các mỏ. Ông kiến nghị cần thay bằng có đơn giá định mức tổng hợp thay thế cho các đơn giá chi tiết mà suốt ngày chúng ta phải “đuổi theo để quản lý”, xây dựng các định mức chuyên ngành. Về cơ chế vận dụng cần có sự linh hoạt, sát thực tế, tránh thiệt thòi cho các nhà thầu…

Ông Nguyễn Văn Hùng - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam phát biểu tại cuộc làm việc

Ông Nguyễn Văn Hùng, Tổng giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam – CTCP (Lilama) kiến nghị: hiện Lilama nói riêng, doanh nghiệp xây dựng nói chung cực kỳ khó khăn trong tuyển dụng thợ lành nghề; nguy cơ thiếu hụt lao động tay nghề cao trong lĩnh vực công nghiệp lành nghề tay nghề cao như thợ hàn, thợ căn chỉnh lắp máy… Hơn nữa, gần đây, các công nhân lành nghề đều chọn đi xuất khẩu lao động ở nước ngoài với lương cao hơn, ổn định hơn.

Hiện ở các dự án trọng điểm mà Lilama đang thi công cũng gặp nhiều khó khăn huy động công nhân tay nghề cao, dù có lúc phải trả tới 800 nghìn-1 triệu đồng/người/ngày mà không thuê được thợ lành nghề. Do đó, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế, chính sách chú trọng đào tạo nghề cho công nhân kỹ thuật cao.

Lilama cũng kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành cần hỗ trợ nâng cao năng lực các doanh nghiệp trong nước có thể tham gia các dự án trọng điểm; có quy định có doanh nghiệp Việt Nam tham gia trong vai trò liên danh nhà thầu EPC...

Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Fecon Phạm Việt Khoa kiến nghị, Chính phủ, các bộ, ngành cần có cơ chế đặc thù vì khi đấu thầu thường bị đòi hỏi phải có kinh nghiệm làm các dự án tương tự, nhưng đối với dự án mới sau đây như Dự án đường sắt đô thị, đường sắt tốc độ cao bắc-nam có yêu cầu công nghệ cao, phức tạp thì Chính phủ cần có cơ chế chỉ định thầu để khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam tham gia những dự án lớn này với vai trò chính thức chứ không phải là thầu phụ cho các doanh nghiệp nước ngoài để các doanh nghiệp trong nước có điều kiện đầu tư phát triển công nghệ, phát triển bền vững.

Với các doanh nghiệp trong nước chưa từng làm các dự án này thì có thể đi thuê chuyên gia nước ngoài. Hình thức này nên áp dụng cho các dự án trọng điểm có yêu cầu công nghệ cao, độ khó và phức tạp.

Liên quan việc quản lý dự án bằng đơn giá, ông cho biết, thế giới hiện nay đã áp dụng đơn giá trọn gói, hoặc tốt nhất quản lý bằng phương thức “chìa khoá trao tay”, trong khi hiện nay, chúng ta vẫn quản lý quá chi tiết cụ thể. Ông cũng nêu nợ đọng xây dựng vẫn là vấn nạn hiện nay, bị “câu giờ” trong thanh toán đối với các nhà thầu.

Trước tình hình khó khăn hiện nay trong tuyển dụng lao động, Công ty kiến nghị Chính phủ cần có cơ chế ưu đãi để giúp doanh nghiệp xây dựng tuyển dụng lao động...

Ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường kiến nghị, cần có cơ chế để các doanh nghiệp cần chủ động về nguồn vật liệu, thí dụ kết hợp đào hồ, ao, nạo vét để lấy tận dụng nguồn này làm vật liệu san lấp các dự án giao thông khu vực đó, không để lãng phí tài nguyên. Ông kiến nghị các bộ, ngành cần linh hoạt chỗ này, nên ủy quyền cho các địa phương cấp mỏ vật liệu san lấp.

Ông Trường nêu thực tế, chỉ có địa phương mới nắm được rõ mỏ nào khai thác được để làm vật liệu san lấp. Từ kinh nghiệm những dự án đã triển khai, ông Trường cho biết, những công trình liên quan vốn Nhà nước thì thủ tục giải quyết rất khó khăn, nhưng doanh nghiệp tư nhân tự làm thì đơn giản hơn.

Điều quan trọng là các địa phương phải đổi mới tư duy, cách quản lý điều hành, khai thác mỏ vật liệu nhưng phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Trong thời đại khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ như hiện nay thì cần ứng dụng những công nghệ, thiết bị hiện đại vào khai thác mỏ vật liệu, không nhất thiết phải làm theo cách truyền thống là nổ mìn, khoan phá đá... làm ảnh hưởng môi trường chung quanh.

Cần phối hợp chặt chẽ với nhau giữa các bộ, ngành, thí dụ phối hợp chính sách trong kết hợp nạo vét sông, kênh để lấy vật liệu làm đường. Chính vì vậy, ông đề nghị Thủ tướng Chính phủ triệt để phân cấp, phân quyền cho lãnh đạo tỉnh phụ trách việc này.

Ông cũng kiến nghị, cần xử lý ngay các hệ thống hầm chui trong giai đoạn 2 của tuyến cao tốc bắc–nam hiện nay, nếu không sau này khi mở rộng, việc xử lý các hầm chui sẽ rất tốn kém, phức tạp.

Một vấn đề nan giải nữa hiện nay các các doanh nghiệp hay gặp tình trạng bị nợ đọng vốn, như doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường bị nợ đọng đến 5 năm nay khoảng 1.000 tỷ đồng khi làm dự án ở Thái Nguyên. Do đó, Chính phủ, các bộ ngành cần tích cực giải quyết vấn đề này, phải có cơ chế thông thoáng khuyến khích doanh nghiệp bỏ vốn tham gia đầu tư dự án.

Duy Tình tổng hợp

Comment

Minimum of 10 words Accented Vietnamese Does not contain links

Post a comment