Hiệu quả tái cấu trúc LILAMA

23/04/2015 11:50

Sau hai năm thực hiện đề án tái cấu trúc, TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) đã đạt được những kết quả khá tích cực. Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐTV LILAMA đã có cuộc trao đổi với Báo Xây dựng xung quanh vấn đề này.

    

Ông Nguyễn Đình Hải - Chủ tịch HĐTV Lilama

Cái được lớn nhất sau khi LILAMA thực hiện tái cấu trúc là gì, thưa ông?

     - Có thể nói, ngay sau khi được Bộ Xây dựng phê duyệt đề án Tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị Cty (tháng 1/2013), LILAMA đã tích cực và khẩn trương triển khai thực hiện đề án, cụ thể là trên 4 lĩnh vực: Ngành nghề, quản trị, tài chính và cơ cấu tổ chức, đến nay đã thu được những kết quả rõ rệt.

     Trước hết, về ngành nghề: LILAMA tập trung vào 3 ngành kinh doanh mà LILAMA có thế mạnh, có tiềm năng tăng trưởng và khả năng cạnh tranh lớn là: (1) tổng thầu EPC, xây lắp; (2) cơ khí chế tạo; (3) tư vấn thiết kế, quản lý dự án.

     Về quản trị: LILAMA đã xây dựng được cơ chế quản trị phù hợp với pháp luật và theo thông lệ tốt nhất, từng bước cải thiện và nâng cao năng lực quản trị công ty, nhờ đó mà chi phí quản lý được tiết giảm, cải thiện lợi nhuận, tăng năng suất lao động, tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.

     Về tài chính: Chúng tôi đã chấm dứt việc đầu tư dàn trải, thoái vốn khỏi những ngành nghề không cốt lõi (ngành bất động sản, ngân hàng, bảo hiểm, xi măng) dùng số tiền thu được để tập trung vốn cho SXKD, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, và đang trong tiến trình cổ phần hóa. LILAMA đã hoàn thành xác định giá trị doanh nghiệp và đang được Bộ Xây dựng trình Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa.

     Cuối cùng về cơ cấu tổ chức: Bộ máy đã gọn nhẹ, có khả năng linh hoạt để thích ứng tốt với môi trường kinh doanh. Người lao động đều có việc làm. Ngay cả sau khi Cổ phần hóa (CPH) nhân sự cũng không bị cắt giảm.

     Nhưng cái được nhất là năng lực quản trị được nâng lên. Từ trong nhận thức đến tư duy, quản lý đến điều hành của lãnh đạo doanh nghiệp có sự thay đổi rõ rệt. Các phòng ban làm việc hiệu quả hơn. TCty từng bước ổn định, tìm kiếm được hợp đồng, tăng năng suất lao động, khả năng cạnh tranh. Rất nhiều dự án lớn mà LILAMA đã ký thời gian gần đây đã khẳng định hiệu quả của đề án Tái cấu trúc là đúng như dự án Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương I, II, Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn, Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình, Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 và mới đây nhất là Nhà máy Nhiệt điện sông Hậu với giá trị hợp đồng hơn 1 tỷ đô la do LILAMA làm tổng thầu EPC...

Lilama ký hợp đồng EPC nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1

     Được biết, LILAMA đã thành lập hệ thống quản trị rủi ro để tránh những rủi ro trong sản xuất kinh doanh có thể xảy ra. Ông có thể cho biết rõ hơn về mô hình này?

     - Đúng vậy! Quản trị rủi ro là một lĩnh vực mới, thường được áp dụng với ngành ngân hàng. Tuy nhiên, chúng tôi nhận thức được sự quan trọng của quản trị, trong đó có quản trị rủi ro. Đây là một trong những công cụ nhằm nâng cao năng lực hệ thống quản trị của TCty để thích ứng với mọi hoàn cảnh.

     LILAMA hoạt động kinh doanh với ngành nghề đặc thù nên việc nhận diện các rủi ro trong hoạt động SXKD và đưa ra được các biện pháp kiểm soát và ngăn ngừa rủi ro là hết sức cần thiết. Chúng tôi đã thành lập Phòng Quản trị rủi ro và đang thể chế hóa các chức năng nhiệm vụ của phòng, nghiên cứu thuê tư vấn về vấn đề này.

     Ngoài việc thành lập và đưa vào hoạt động bộ phận Quản trị rủi ro, chúng tôi cũng thành lập Ban kiểm toán nội bộ để tăng cường công tác kiểm tra giám sát hạn chế rủi ro về mặt pháp lý, cũng như kiểm tra giám sát hoạt động SXKD của TCty.

     Vậy sau tái cấu trúc, mô hình hoạt động cũng như chiến lược phát triển sản xuất kinh doanh của LILAMA có những thay đổi gì so với trước đây, thưa ông?

     - Có thay đổi nhiều chứ! Trước đây, TCty có 20 Cty do TCty chi phối 50% trở lên và 13 Cty liên kết/đầu tư dài hạn. Sau khi tái cấu trúc, đối với các Cty thuộc ngành kinh doanh chính: LILAMA sẽ chỉ nắm giữ 8 Cty mạnh làm nòng cốt và tăng vốn điều lệ cũng như tỷ lệ sở hữu của Cty mẹ tại các Cty này; cơ cấu 8 Cty (7 Cty con chuyển thành Cty liên kết, và giữ 1 Cty liên kết) làm vệ tinh cho các Cty nòng cốt. Đối với các Cty ngoài ngành kinh doanh chính và/hoặc hoạt động kém hiệu quả: LILAMA sẽ thoái vốn toàn bộ.

     Còn trong phương án tái cấu trúc ngành nghề kinh doanh, LILAMA sẽ tập trung vào ba ngành nghề chính là: Tổng thầu EPC, xây lắp; cơ khí chế tạo và tư vấn (tư vấn, thiết kế, giám sát và quản lý dự án). Trong đó, EPC đã, đang và sẽ vẫn là ngành kinh doanh lớn nhất của LILAMA, đóng góp hơn 70% vào tổng giá trị sản xuất kinh doanh và doanh thu.

     Riêng đối với ngành cơ khí, chế tạo: Đây cũng là lĩnh vực sản xuất chủ đạo của LILAMA, đảm nhận tỷ trọng lớn giá trị của các hợp đồng tổng thầu EPC. Doanh thu từ cơ khí chế tạo chiếm đến 80% doanh thu ngành EPC cũng như theo đuổi mục tiêu tham gia vào chuỗi liên kết cung ứng sản phẩm phụ trợ toàn cầu cho các hãng trên thế giới. Do đó, việc tổ chức hợp lý, khoa học các đơn vị chế tạo sẽ tạo được sức mạnh tổng hợp, đảm bảo hiệu quả cho sự thực hiện thành công đối với công tác cung cấp thiết bị cho toàn dự án.

     Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)