Phát triển cơ khí xứng tầm - Kỳ I: Doanh nghiệp cơ khí “lận đận” phát triển

29/07/2016 10:28

Đảng và Nhà nước đã đặt mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đưa Việt Nam trở thành một nước công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước theo hướng hiện đại. Để làm được điều này, phát triển các ngành công nghiệp cốt lõi, trong đó có cơ khí cần được ưu tiên vì tầm ảnh hưởng của cơ khí lên các ngành kinh tế khác rất lớn. Tuy nhiên, đến nay  ngành công nghiệp “xương sống” này dường như vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chưa xứng tầm vị thế quan trọng của mình so với các ngành kinh tế khác.

“Miếng bánh” công việc trong nước ngày càng ít, trong khi xuất khẩu cơ khí dường như vẫn là một mục tiêu xa vời, các doanh nghiệp (DN) cơ khí đa phần vẫn trong quá trình sống “lay lắt”. Thặng dư để quay vòng phát triển gần như rất ít, khiến điều kiện đầu tư chuyên sâu không khả thi, DN cơ khí vẫn chỉ “tuần tự nhi tiến” một cách chậm chạp.

“Ráo mồ hôi là hết việc”

     Đưa chúng tôi xuống thăm nhà xưởng chế tạo thiết bị, kỹ sư phụ trách công nghệ Công ty CP Lilama 69-3, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Đặng Văn Phương chỉ vào chiếc xe xúc bánh xích “made in Việt Nam” LX 2000 cho biết, ngoại trừ các bộ phận thủy lực, điều khiển phải nhập từ nước ngoài, các bộ phận còn lại cấu thành chiếc xe đều do các kỹ sư, công nhân Lilama 69-3 sản xuất, chế tạo, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là một trong những sản phẩm khoa học có hàm lượng chất xám cao, khẳng định năng lực chế tạo thiết bị, máy móc của công ty. Thế nhưng, chiếc xe này vẫn chỉ hoạt động “quanh quẩn” trong phạm vi xưởng chế tạo thiết bị của công ty. Mặc dù, Công ty đã mạnh dạn đầu tư chiều sâu để sản xuất các sản phẩm chất lượng cao, nhưng vấn đề đầu ra cho sản phẩm “tắc”, trong khi đây là một trong những đề tài khoa học đạt giải thưởng quốc gia và nằm trong chương trình phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm. Đã thế, khi triển khai, mặc dù các sản phẩm này được hưởng các ưu đãi, nhưng các hướng dẫn còn rất chung chung, thậm chí nhiều nơi trả lời “ráo hoảnh” không biết có chương trình này, khiến đơn vị chán nản và thực tế các sản phẩm làm ra cũng chỉ để trình diễn, không có “đất” áp dụng. Có thể giá thành đơn chiếc còn cao, nhưng nếu có đầu ra sản xuất nhiều chiếc, chắc chắn giá thành sẽ hạ, phát huy được năng lực của các DN cơ khí trong nước. Tương tự như vậy, công ty cũng đã chế tạo thành công quạt công suất lớn phục vụ cho các nhà máy xi-măng, tuy nhiên cũng chỉ có một số nhà máy xi-măng đặt hàng, còn đa số vẫn nhập sản phẩm này. DN đành phải quay về với những thị trường truyền thống vốn ngày càng thu hẹp, cạnh tranh cao và tất yếu tăng trưởng sẽ chậm lại.

     Tương tự tại Công ty chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) thuộc Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Xưởng trưởng xưởng kết cấu 2 Lê Thành Huy cho biết, giàn khoan tự nâng Tam đảo 5 đang được hoàn thiện, phấn đấu vượt mức tiến độ đề ra. Nhiều bộ phận trước đây nhập nguyên chiếc để lắp đặt giàn khoan Tam đảo 3 nay đã được các kỹ sư, công nhân của công ty lắp đặt từng phần nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa đối với giàn Tam đảo 5 như phần vỏ hộp số, chân đế một số bộ phận… đạt tiêu chuẩn của công trình. Tuy nhiên, do một số khó khăn khách quan trên thị trường thế giới, giá dầu thô giảm mạnh, do vậy sau khi bàn giao Tam đảo 5, phần việc chủ yếu chắc chỉ là duy tu, bảo dưỡng các giàn khoan dầu khí. Lãnh đạo công ty cũng đang đẩy mạnh xúc tiến thương thảo để có các bản hợp đồng chế tạo giàn khoan dầu khí mới, nhưng có lẽ sẽ rất khó khăn.

     Có thể thấy, đây là tình cảnh chung của nhiều DN cơ khí, nguồn việc không còn dồi dào, cạnh tranh nội địa ngày càng gắt gao, trong khi các gói thầu công việc tại Việt Nam thường rơi vào tay nước ngoài, khiến ngành cơ khí cứ “lẹt đẹt” phát triển. Mặc dù Chính phủ đã mạnh dạn giao chỉ định tổng thầu những dự án lớn cho một số DN cơ khí uy tín và mô hình này đã và đang phát huy hiệu quả, nhưng cũng vì nhiều lý do khách quan, chủ quan, không có thêm những dự án gối đầu, “ráo mồ hôi đã hết việc”, khiến các DN khó hoạch định đường hướng phát triển.

Còn quá nhiều rào cản chưa được giải quyết

     Bất cập lớn nhất của ngành cơ khí là thiếu tính đồng bộ trong quản lý nhà nước và không có sự lồng ghép hiệu quả với các ngành công nghiệp khác. Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí (VAMI) Nguyễn Văn Thụ phân tích, các ngành công nghiệp chính là đầu ra sản phẩm cho ngành cơ khí. Câu chuyện về các nhà máy đường và xi-măng là một ví dụ. Nhà nước đã dành hẳn nhiều ưu đãi để phát triển các chương trình này, tuy nhiên thực tế lại mọc lên hàng trăm, hàng chục nhà máy sử dụng các công nghệ lạc hậu, “rẻ rách” từ những năm 60 thế kỷ trước, tất yếu sản xuất không hiệu quả. Trong khi đó, năng lực của ngành cơ khí trong nước đủ sức đảm nhận chế tạo, lắp đặt các loại nhà máy này lại chỉ được tham gia một vài dự án, rồi dừng lại và tiếp tục điệp khúc “thầu phụ” cho các dự án khác. Nếu có cơ chế chặt chẽ lồng ghép, phối hợp giữa các ngành công nghiệp và ngành cơ khí, chí ít mỗi lĩnh vực có khoảng từ ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên giao DN trong nước làm chủ, chắc chắn chúng ta đã hình thành được ngành cơ khí chuyên sâu về các lĩnh vực công nghiệp khác nhau.

     Cùng chung nhận xét, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Cơ khí Xây dựng (Coma) Lê Văn Khương cho biết, đối với lĩnh vực cơ khí chế tạo phục vụ ngành xây dựng, khó khăn chính là do chưa phát triển được một số ngành mũi nhọn trong chế tạo cơ khí dẫn đến tình trạng thiếu định hướng, thiếu tập trung trong phát triển ngành. Các DN cơ khí chủ yếu là DN vừa và nhỏ, điều kiện tài chính khó khăn nên chưa có khả năng tích lũy nhiều về tài chính cũng như công nghệ. Ngoài ra, các sản phẩm chính của ngành hiện nay vẫn chủ yếu là gia công, giá trị kinh tế thấp, sản xuất trên dây chuyền, nhà máy cũ, phần lớn máỵ móc, thiết bị đều phải nhập từ bên ngoài không đồng bộ, thiếu nguồn nguyên liệu... khiến các DN thường xuyên sản xuất trong tình trạng bị động, năng suất, chất lượng không cao, sàn phầm nhìn chung chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của thị trường. Ngoài ra công nghệ cũ, lạc hậu gây ra tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại nhiều điểm khác nhau trong khu vực sản xuất và các vùng xung quanh. Bên canh đó, còn phải kể đến việc thiếu vốn đầu tư nên đa phần các nhà máy sản xuất cơ khí có dây chuyền công nghệ lạc hậu, kém đồng bộ nên sản phẩm làm ra không có sức cạnh tranh trên thị trường... Đồng thời, đầu tư cho cơ khí cần nguồn vốn lớn và dài hạn, sản xuất kinh doanh mặt hàng cơ khí lợi nhuận không cao. Vì vậy, nếu không có những ưu đãi về lãi suất cho vay, kỳ hạn trả nợ… sẽ rất khó khăn cho ngành cơ khí có thể bứt phá.

     Một vấn đề nữa khiến DN cơ khí không có “đất diễn” ngay trên sân nhà là cơ chế đấu thầu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhất là vốn vay, do vậy khiến đầu ra ngành cơ khí “kẹt cứng”. Hàng loạt các sản phẩm có hàm lượng nội địa hóa cao hoặc sáng chế, chế tạo “made in Việt Nam” như máy biến áp, bộ sấy khí các nhà máy nhiệt điện, quạt công suất lớn cho nhà máy xi-măng… sản xuất thành công, nhưng vướng cơ chế đấu thầu nên không “len chân” được vào các dự án, sản phẩm làm ra bỏ đấy rất lãng phí. Phó Tổng giám đốc công ty CP Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cho biết, sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, công ty đã sản xuất thành công bộ sấy khí cho các nhà máy nhiệt điện, đạt tiêu chuẩn, nhưng khi chào hàng với bên điện lực, hầu hết đều bị từ chối, trong khi đó vẫn nhập sản phẩm này cho các dự án. “Thực sự điều này khiến các DN cơ khí rất tủi thân”, ông Thịnh tâm sự.

Nhiều bộ định mức dành cho lắp máy từ những năm 1960
Nhiều cách tính định mức cho ngành lắp máy vẫn đang áp dụng các tiêu chuẩn cũ của Nga từ năm 1961. Chẳng hạn như trước đây bộ định mức chỉ tính đến cẩu nặng nhất là 16 tấn, nhưng đến nay cẩu đã nặng đến cả nghìn tấn. Hay những định mức về cắt, hàn thiết bị bằng gas, khí nén… hàng chục năm vẫn không thay đổi, gây nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tế công việc hiện nay.

Ông Nguyễn Văn Quang
Trưởng đại diện Lilama tại TP Hồ Chí Minh


Thủ tục hành chính còn nhiều rắc rối
Công tác nhập khẩu nguyên liệu (thép tấm, thép hình) gặp rất nhiều thủ tục nhiêu khê, giấy tờ phải xin qua nhiều bên liên quan, kể cả những loại thép thông thường, dẫn đến nguyên liệu và sản phẩm của công ty phải nằm kho quá lâu. Thậm chí cùng một loại sản phẩm, nếu chiếu theo hướng dẫn này bị tính thuế, còn theo quy định khác thì không.

Ông Trần Việt Khánh
Tổng giám đốc Công ty CP Lisemco

Xuân Thủy - Duy Tình