Nghiên cứu tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cơ khí

18/07/2011 15:45

Thực hiện chương trình cơ khí trọng điểm, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã chủ động nghiên cứu, chế tạo nhằm tăng tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm cơ khí trong các nhà máy ximăng và nhiệt điện.

 

Chế tạo thiết bị lò nung cho các nhà máy xi măng - Ảnh: Việt Cường

Điển hình trong nỗ lực này là việc nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất ximăng lò quay với công suất 2.500 tấn clinker/ngày để thay thế hàng nhập ngoại.

       Lilama đã chế tạo lò quay; tháp điều hòa và tháp trao đổi nhiệt, làm nguội clinker; máy nghiền đứng nghiền than, ximăng, clinker; búa đập đá vôi, clinker, đất sét; quạt công suất lớn. Đây cũng chính là đề tài nghiên cứu khoa học cấp nhà nước do Lilama thực hiện và đã được nghiệm thu.

       Hiện các sản phẩm này đã được ứng dụng cho dự án ximăng Sông Thao, đưa dây chuyền thiết bị của nhà máy đạt tỷ lệ nội địa hóa trên 70% về khối lượng, chiếm tới 40% tổng giá trị nhà máy.

       Một số thiết bị khác được ứng dụng vào các dây chuyền của Nhà máy ximăng Thăng Long, Phúc Sơn, Thái Nguyên… và sắp tới là dự án ximăng Đô Lương.

       Gắn bó với nhiều công trình nhiệt điện trong suốt thời gian qua, Lilama đã nghiên cứu, thiết kế và chế tạo thiết bị đồng bộ cho nhà máy nhiệt điện than công suất 600MW. Đề án này được thực hiện trên cơ sở điều chỉnh từ dự án chỉ có công suất 300MW của nhà máy nhiệt điện Hải Phòng 3 để tăng lên công suất gấp đôi.

       Dự kiến, các kết quả nghiên cứu sau khi hoàn thành sẽ triển khai, ứng dụng vào nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 ở Nghệ An và Long Phú 2 tại tỉnh Sóc Trăng với mục tiêu đề ra là đạt tỷ lệ nội địa hóa các nhà máy này khoảng 40%.

       Hiện Lilama được đánh giá là một trong những doanh nghiệp cơ khí chế tạo hàng đầu của Việt Nam. Việc nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các sản phẩm cơ khí chất lượng cao không chỉ tăng tỷ lệ nội địa hóa, thay thế hàng nhập khẩu, giúp giải bài toán nhập siêu mà còn giúp doanh nghiệp Việt Nam khẳng định được khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.

       Theo chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam năm 2010, tầm nhìn đến 2020 đã được Chính phủ phê duyệt, Việt Nam phấn đấu đáp ứng 45-50% nhu cầu sản phẩm cơ khí của cả nước, trong đó xuất khẩu đạt 30% giá trị sản lượng./.