Sẽ có nghị quyết tốt cho cơ khí Việt Nam

24/09/2019 16:52

Tạo dựng thị trường cho các doanh nghiệp (DN) cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước…

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo tại hội nghị

Thủ tướng nêu rõ điều này tại “Hội nghị về các giải pháp thúc đẩy phát triển ngành cơ khí Việt Nam” vào sáng nay, 24/9.

Cùng dự có Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và 350 đại biểu gồm lãnh đạo và đại diện các cơ quan Trung ương và địa phương, các đơn vị phối hợp, các DN, doanh nhân trên cả nước, các học giả đến từ các trường đại học uy tín trong và ngoài nước.

Theo các tham luận tại hội nghị, hiện nay, cơ khí Việt Nam có thế mạnh tập trung ở 3 phân ngành gồm: Xe máy và phụ tùng linh kiện xe máy, cơ khí gia dụng và dụng cụ, ô tô và phụ tùng ô tô. 3 phân ngành này chiếm gần 70% tổng giá trị sản xuất công nghiệp của cơ khí cả nước. 

Đơn cử, trong nước đã sản xuất được các loại thiết bị cơ khí thuỷ công cho các nhà máy thuỷ điện, dây chuyền thiết bị cán thép xây dựng công suất đến 30.000 tấn/năm, dây chuyền thiết bị đồng bộ cho nhà máy xi măng công suất đến 800.000 tấn/năm...

Hiện nay, trong nước có khoảng gần 40 DN sản xuất, lắp ráp ô tô, với tổng công suất lắp ráp thiết kế khoảng hơn 680.000 xe/năm. Tỷ lệ nội địa hoá các loại xe gắn máy đạt khoảng 85-95%.

Đặc biệt, ngành cơ khí dầu khí đã chế tạo thành công và bàn giao đi vào hoạt động giàn khoan tự nâng có độ sâu đến 90 m nước, thay thế cho việc nhập khẩu sản phẩm này từ nước ngoài. Đây là sản phẩm cơ khí chế tạo ứng dụng công nghệ cao lần đầu tiên được tổ chức sản xuất tại Việt Nam, với tỷ lệ nội địa hóa 35%.

Đặc biệt, ngày 13/9 vừa qua, Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh đã tổ chức lễ xuất xưởng máy biến áp nguồn 3 pha 500 kV-467 MVA đầu tiên tại Việt Nam. Dòng máy biến áp nguồn 3 pha điện áp siêu cao áp công suất lớn rất ít nước trên thế giới có công nghệ chế tạo, do đó, đây có thể coi là một thành tựu lớn đối với ngành chế tạo thiết bị điện của Việt Nam.

Một số ý kiến cho rằng, tổng nhu cầu thị trường cơ khí của Việt Nam giai đoạn 2019-2030 có thể đạt 310 tỷ USD, trong khi đó ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng hơn 32% nhu cầu. Theo số liệu sơ bộ, hàng năm Việt Nam nhập khẩu từ nước ngoài hàng chục tỷ USD trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế.

TS. Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội DN Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, phát triển công nghiệp cơ khí sẽ đem lại lợi nhuận đến vài chục tỷ USD trong một, hai chục năm tới đặc biệt khi triển khai đầu tư các nhà máy công nghiệp, các công trình lớn của đất nước. Ví dụ, trước năm 2003, các sản phẩm cơ khí thủy công Việt Nam phải nhập từ Nga, Ukraine, Trung Quốc với giá trung bình 2.000 USD/tấn, khi chúng ta làm chủ thiết kế, chế tạo, giá thành trung bình giảm xuống dưới 1.500 USD/tấn.

Theo tính toán của các chuyên gia trong ngành nông nghiệp, mặc dù dung lượng thị trường cho máy và thiết bị phục vụ ngành nông nghiệp chỉ khoảng 500 triệu USD/năm, nhưng giá trị gia tăng cho các nông sản, thực phẩm do cơ giới hóa ngành có thể đạt 5 tỷ USD/năm.

Tổng Giám đốc LILAMA - Lê Văn Tuấn phát biểu tại hội nghị.

Theo ý kiến một số DN, hiệp hội, Việt Nam hiện chỉ có khoảng 21.000 DN cơ khí nội địa (không tính DN FDI) đang sản xuất, kinh doanh để tồn tại và phát triển. Những DN cơ khí có số lượng lao động từ 500 người trở lên còn rất ít (chỉ khoảng 100 DN), còn lại đa phần là DN cơ khí có quy mô nhỏ. Với nguồn lực hạn chế về tài chính, công nghệ yếu, kinh nghiệm quản trị lạc hậu so với quốc tế, nhưng ngành cơ khí Việt Nam phải cạnh tranh trong một nền kinh tế thế giới hội nhập hoàn toàn như hiện nay. Nếu không có “bàn tay” hỗ trợ của Nhà nước, định hướng hỗ trợ của Nhà nước thì sẽ vô cùng khó khăn, nhất là ngành cơ khí là ngành có công nghệ rất khó, vốn đầu tư lớn mà thu hồi vốn lại chậm.

Cơ hội lớn nhất cho ngành Cơ khí Việt Nam là Chính phủ cần có chiến lược cụ thể để giữ được thị trường cho DN trong nước phát triển, đặc biệt là trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng của đất nước. Nếu đánh mất thị trường vào tay nước ngoài thì các DN trong nước sẽ rất khó có dư địa để phát triển, lãnh đạo Tổng công ty Cơ điện xây dựng góp ý.

Ghi nhận các ý kiến đóng góp, Thủ tướng khẳng định, hội nghị sẽ có một sản phẩm là nghị quyết của Chính phủ về giải pháp phát triển ngành cơ khí Việt Nam. Đây cũng là mong mỏi của các DN, những người làm trong ngành công nghiệp nền tảng, trụ cột, xương sống của nền kinh tế. Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương tiếp thu các ý kiến để có một nghị quyết tốt, mang hơi thở cuộc sống.

“Tôi tin hội nghị lần này, trên nền tảng 21.000 DN cơ khí và định hướng chiến lược mà Chính phủ đưa ra, chúng ta sẽ xây dựng ngành cơ khí Việt Nam phát triển”, Thủ tướng nói và trả lời dứt khoát vấn đề mà ông Nguyễn Thế Hà, đại diện Công ty TNHH cơ khí Bùi Văn Ngọ nêu ra là “Thủ tướng có ‘quyết chiến’ không, Chính phủ có ‘quyết chiến’ không, để đưa ngành cơ khí Việt Nam tiến bước”.

Cho rằng có một số mặt còn bất cập, tồn tại, “đuối sức”, Thủ tướng nêu rõ, phải đổi mới tư duy về sản xuất cơ khí, chống bao cấp, nhưng tạo mọi điều kiện về chính sách, kể cả chính sách đầu vào và đầu ra cho sản phẩm cơ khí Việt Nam.

“Trước hết chúng ta phải có khát vọng, tâm huyết với phát triển kinh tế Việt Nam, cơ khí Việt Nam để gia tăng trong chuỗi giá trị toàn cầu”, Thủ tướng nói. Phải xác định thị trường rõ nét hơn, xác định phân khúc thị trường trong nước, ngoài nước, từ đó có các chính sách vĩ mô kèm theo, đặc biệt là chính sách thuế và lãi suất cho ngành cơ khí rõ hơn.

Chính sách phải “đi tắt đón đầu” để cơ khí phát huy lợi thế người đi sau trong bối cảnh hội nhập.

Ghi nhận các ý kiến nêu về các bất cập thiếu vốn, thiếu thị trường, lãi suất cao chưa tạo điều kiện cho cơ khí phát triển, Thủ tướng nhấn mạnh, sẽ hoàn thiện thể chế cơ chế chính sách đồng bộ và đủ mạnh, đặc biệt chính sách nội địa hóa.

Tạo dựng thị trường cho các DN cơ khí phát triển, trong đó Nhà nước đóng vai trò “bà đỡ” cho DN, thúc đẩy đội ngũ DN cơ khí. Nghiên cứu chính sách hỗ trợ các DN trong nước tham gia nhiều hơn vào các công trình, dự án trong nước. Nghiên cứu ban hành các quy định đấu thầu nhằm nâng cao tỷ lệ sử dụng vật tư, hàng sản xuất trong nước để có thể tạo thị trường cho DN trong nước phát triển phù hợp với quy định hiện hành và thông lệ quốc tế.

Nâng cao chất lượng hoạt động xúc tiến thương mại, thu hút đầu tư từ các DN cơ khí có tên tuổi trên thế giới để dần hình thành chuỗi cung ứng trong nước và tìm kiếm mở rộng thị trường xuất khẩu cho các DN cơ khí trong nước.

Triển khai các chương trình kết nối kinh doanh nhằm tăng cường liên kết, liên doanh giữa DN trong nước với nhau và với các DN lớn trên thế giới trong chuỗi giá trị để tiếp cận công nghệ và tiêu chuẩn hóa sản phẩm.

Cần xây dựng và phát triển hệ thống quản lý, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ thuật nghề quốc gia, đặc biệt đối với các kỹ năng nghề trong lĩnh vực cơ khí. Thủ tướng lưu ý, hiện nay chúng ta đang thiếu nhân lực ngành cơ khí rất trầm trọng. Xây dựng đội ngũ doanh nhân cơ khí lớn mạnh có ý nghĩa quyết định. Đội ngũ DN ấy sẽ có bản lĩnh, khát vọng của người Việt Nam trên thương trường.

Giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư, đấu thầu nhằm khuyến khích phát triển các sản phẩm cơ khí trọng điểm trong nước. Đề xuất các chính sách hỗ trợ, ưu đãi đầu tư vượt trội nhằm thu hút các dự án FDI trong ngành cơ khí bảo đảm định hướng của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 50 của Bộ Chính trị. Khẩn trương ban hành hướng dẫn và chế tài cụ thể thực hiện chủ trương sử dụng vật tư hàng hóa sản xuất trong nước trong công tác đấu thầu.

Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, hoàn thiện các chính sách thuế, phí hợp lý nhằm giúp các DN sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước nâng cao tỷ lệ giá trị nội địa, giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, với thời hạn của chính sách là từ 5-10 năm. Đề xuất chính sách không áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô điện, ô tô thân thiện với môi trường.

Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật trong ngành cơ khí phù hợp để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.

“Việt Nam chúng ta cần xây dựng một ngành cơ khí ngang tầm các nước trong khu vực. Vì vậy, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ mong muốn cộng đồng DN, các nhà đầu tư, các DN trong nước và nước ngoài hoạt động trong ngành cơ khí đang sản xuất kinh doanh tại Việt Nam cần nỗ lực hơn nữa, chủ động hơn nữa trong đầu tư và ứng dụng khoa học, công nghệ, quản trị hiện đại để tăng sức cạnh tranh của DN cơ khí nói riêng và DN ngành chế biến, chế tạo nói chung”, Thủ tướng bày tỏ.

Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành cùng các DN, đội ngũ doanh nhân cơ khí có khát vọng vươn tới những tầm cao, tận dụng tốt các thời cơ, điều kiện, chiếm lĩnh các đỉnh cao khoa học công nghệ...

Đức Tuân (Theo Baochinhphu.vn)

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận