Tiến lên “nấc thang” cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu - Bài 2: Nhiều rào cản “trói chân” doanh nghiệp

02/10/2019 08:26

Cùng với xuất phát điểm thấp, nhiều chính sách hỗ trợ tuy chủ trương đúng đắn, nhưng thực tế việc tổ chức, triển khai không hiệu quả, thậm chí “đá nhau” khiến doanh nghiệp (DN) bị mất phương hướng, không dám mạnh dạn đầu tư chiều sâu để tham gia các “sân chơi lớn”. Nếu còn tiếp diễn đà này, rất có thể trong tương lai gần, Việt Nam sẽ trở thành “vùng trũng” trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Sản xuất mặt hàng veston xuất khẩu tại Chi nhánh Hải Phòng (Công ty cổ phần Vinatex quốc tế).

Chưa được hưởng lợi nhiều từ chính sách

Phân tích sâu hơn về câu chuyện của ngành điện tử, Tổng Giám đốc Công ty CP Viettronics Tân Bình (VTB) Vũ Dương Ngọc Duy cho biết, những năm 90 của thế kỷ trước, do công nghệ và máy móc lạc hậu, DN điện tử Việt Nam chủ yếu lắp ráp SKD (phân nửa rời). Lúc đó, thuế nhập khẩu thành phẩm khoảng 40 đến 50%; SKD khoảng 30%, CKD (toàn bộ rời) là 15% và IKD (rời và có một phần nội địa hóa) là 5%.
Dưới tác động của chính sách thuế như vậy, các DN hầu hết đều cố gắng chuyển sang CKD và IKD, đầu tư dây chuyền, công nghệ hiện đại hơn cũng như nỗ lực nâng cao tỷ lệ nội địa hóa các linh kiện. Chính sách đúng đã giúp trình độ công nghệ của đất nước đi lên. Đến năm 2000, phần lớn các DN trong nước đã chuyển sang IKD và “sức nâng” từ chính sách đột ngột chững lại khi Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 49/2010/TT-BTC, hướng dẫn việc phân loại, áp dụng mức thuế đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Thông tư này đã “xóa sổ” lập tức các mức thuế cũ, không phân biệt IKD hay CKD, cứ nhập linh kiện sẽ tính thuế linh kiện, nhập thành phẩm tính thuế thành phẩm. Nếu nhập linh kiện đầy đủ hết và lắp ráp đơn giản cũng bị tính thuế thành phẩm. Năm 2015, khi Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) tiếp tục đưa thuế nhập khẩu sản phẩm điện tử thành phẩm từ các nước ASEAN về 5% (và về 0% vào năm 2018 theo lộ trình), trong khi thuế nhập khẩu linh kiện từ các thị trường truyền thống như Trung Quốc, Hàn Quốc,… vẫn như cũ. Lúc này, sản xuất hàng điện tử trở nên không có lợi nhuận, thậm chí chi phí còn cao hơn nhiều so nhập khẩu nguyên chiếc. Hàng loạt DN đối tác nước ngoài như Sony, LG,... đã giải tán hết liên doanh trong nước để chuyển sang nhập thành phẩm. Chỉ trong thời gian ngắn, ngành sản xuất điện tử trong nước lại quay về tình trạng như trước những năm 90, chỉ nhập thành phẩm mà không sản xuất. “Năm 2015, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 14/2015/TT-BTC chấm dứt hiệu lực của Thông tư 49, nhưng lại chậm ban hành các văn bản hướng dẫn khiến cơ quan hải quan khi kiểm tra hàng nhập khẩu của DN không có căn cứ cụ thể nào nên áp thuế theo cảm tính, chủ quan duy ý chí, khiến nhiều DN bức xúc. Thực tế khảo sát tại Thái-lan của các DN cho thấy, ngoài giá nhân công cao hơn trong nước, hầu hết các điều kiện và chính sách cho DN đều thông thoáng hơn, như thuế nhập khẩu linh kiện bằng 0%, dễ dàng thuê đất giá rẻ hay vay vốn lãi suất thấp,... nên chi phí sản xuất cuối cùng rẻ hơn nhiều. Nếu thời gian tới, môi trường kinh doanh trong nước không có chuyển biến, chắc chắn sẽ có DN chuyển sang xây dựng nhà máy tại Thái-lan và xuất khẩu ngược lại trong nước”, ông Duy bày tỏ lo ngại.

Đối với ngành “xương sống” công nghiệp cơ khí, nhiều chính sách ban hành trúng và đúng, nhưng việc tổ chức triển khai không hiệu quả, dẫn đến DN nói riêng và ngành cơ khí nói chung không được hưởng lợi nhiều. Theo Bộ trưởng Công thương Trần Tuấn Anh, Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2010, tầm nhìn tới năm 2020 của Chính phủ ban hành năm 2002, đã được Bộ Chính trị kết luận tại văn bản Kết luận số 25/KL-TW ngày 17-10-2003, nhưng phải gần mười năm sau, nhiều chính sách thực thi mới được ban hành. Chính sách không đồng bộ, cũng không có chế tài buộc phải thực hiện, cho nên quá trình triển khai thiếu sự nhất quán. Chẳng hạn, đã có chính sách cho các dự án sản xuất các sản phẩm cơ khí trọng điểm được vay vốn theo Nghị quyết số 11/NQ-CP với mức lãi suất tín dụng 3%/năm, thời hạn vay 12 năm, hai năm đầu không phải trả lãi và bắt đầu trả nợ vào năm thứ năm hoặc được bù chênh lệch lãi suất nếu các DN vay vốn thương mại, tuy nhiên, trên thực tế, các DN ngành cơ khí không được hưởng chính sách này. Bên cạnh đó, chưa có các chính sách hữu hiệu để bảo vệ, tạo dựng thị trường cho DN cơ khí trong nước phát triển. Một số cơ chế, chính sách tạo thị trường cho DN cơ khí trong nước từ các dự án mua sắm, đầu tư sử dụng nguồn vốn ngân sách nhưng ít được thực hiện trên thực tế. Các tiêu chí đấu thầu đối với các dự án lớn sử dụng sản phẩm cơ khí theo quy định trong nhiều trường hợp lại “ưu đãi ngược”, giúp các DN nước ngoài thắng thầu; điều kiện đàm phán mua sắm máy móc, thiết bị cũng thường gây bất lợi cho DN trong nước,... Các DN cơ khí mới chỉ đáp ứng khoảng 32% nhu cầu trong nước và nếu không có những chiến lược hợp lý, sẽ khó giữ được thị phần, chứ chưa nói đến việc mở rộng, đầu tư chiều sâu, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Một trong những vấn đề khiến DN trong nước còn “tâm tư” là chính sách thiên về ưu đãi DN nước ngoài. Chẳng hạn, Samsung được hưởng chính sách miễn giảm thuế thu nhập DN 10% trong 30 năm kể từ ngày có doanh thu chịu thuế, miễn bốn năm đầu, giảm 50% trong chín năm tiếp theo, cùng nhiều ưu đãi về hạ tầng,… trong khi đó, DN trong nước phải chịu thuế DN đến 20%. Theo các chuyên gia, những chính sách ngược như vậy chẳng khác gì “chắp cánh, thêm vây” cho các DN nước ngoài vốn có tiềm lực lớn. Đi kèm với các DN nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam là cả một hệ thống các chính sách về nguồn lực tài chính, kỹ thuật, con người hùng hậu của chính phủ các nước. Do đó, các DN trong nước khó có thể cạnh tranh và việc thua ngay trên sân nhà trong nhiều lĩnh vực cũng không có gì bất ngờ.

Bị động về nguồn nguyên liệu

Mặc dù chiếm lực lượng lao động nhiều nhất trong chuỗi dệt may và giá trị mang lại thấp nhưng phần lớn các DN dệt may vẫn chỉ lựa chọn phương thức sản xuất “lấy công làm lãi”, thích làm gia công hơn đầu tư chiều sâu. Sở dĩ có tình trạng trên do các DN chưa chủ động được nguồn nguyên phụ liệu (NPL), e dè đầu tư các trang thiết bị hiện đại, tốn kém, khó mang lại hiệu quả.

Theo Giám đốc chi nhánh Hải Phòng (Công ty cổ phần Vinatex Quốc tế) Vũ Quyết Chiến, khi làm gia công, khách hàng đưa cho công ty tài liệu kỹ thuật, mẫu thiết kế để công ty sản xuất. Đối với cắt may thông thường, khách hàng cung cấp NPL và DN gia công, hoàn thiện, xuất khẩu theo địa chỉ khách hàng. Trường hợp còn lại, khách hàng cho phép DN mua NPL theo chỉ định của họ. DN phải tự bỏ tiền ra, đồng thời phải gánh thêm các khoản chi phí khác về ngân hàng, lãi suất,… do đó nếu các đơn hàng kéo dài, mức thiệt hại sẽ cao hơn và giá trị gia tăng ở phương thức sản xuất này cũng bị hạn chế. Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) kiêm Chủ tịch HĐQT Tổng công ty May Hưng Yên (Hugaco) Nguyễn Xuân Dương cho rằng, Việt Nam đang tham gia vào chuỗi cung ứng dệt may toàn cầu nhưng mới chỉ dừng lại ở khâu may, tuy có làm sợi nhưng sợi chỉ ở cấp thấp. Do khó khăn về chủ động NPL, để gia tăng giá trị trong chuỗi, bắt buộc các DN phải chuyển sang phương thức sản xuất ODM (thiết kế sản phẩm gốc), OBM (sản xuất thương hiệu gốc),... Vấn đề nảy sinh, các DN làm hàng ODM giá trị cao nhưng bán cho ai mới là điều quan trọng. Việt Nam đã có DN bỏ tiền ra mua thương hiệu của Vương quốc Anh (thiết kế gốc của Anh) sau thuê đội ngũ nhân lực người Ấn Độ làm nhưng một năm cũng chỉ làm ra được khối lượng sản phẩm tương đương 50 đến 60 triệu USD, trong khi thị trường tính bằng tỷ USD khiến hiệu quả không cao và đang phải tìm hướng đi mới để giải bài toán tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

Nguồn nguyên liệu cũng là trở ngại lớn đối với ngành cơ khí. Thực tế, công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí chưa đáp ứng được yêu cầu cung cấp nguyên liệu, linh kiện, phụ tùng cho các nhà sản xuất sản phẩm hoàn chỉnh. Các phân ngành cơ khí chế tạo cơ bản như tạo phôi, gia công áp lực, gia công chính xác, nhiệt luyện, xử lý bề mặt và sản xuất khuôn mẫu,... đang rất kém do hầu hết các nguyên vật liệu cơ bản đầu vào (thép cán nóng, thép chế tạo, nhựa,...) chưa sản xuất được trong nước, đều phải nhập khẩu. Mặt khác, các chính sách hỗ trợ về tài chính, lãi suất, thuế có tính khả thi thấp và kết quả không cao. Ông Nguyễn Văn Hào, Phó Tổng Giám đốc Công ty HTMP Việt Nam cho hay, vốn vay ngân hàng thương mại thường ngắn hạn, lãi suất cao và hay biến động, trong khi đó vốn cố định cho sản xuất cơ khí thường lớn, vòng quay vốn lưu động thấp dẫn đến thu hồi vốn chậm, vì vậy các dự án cơ khí kém thuyết phục ngân hàng “mở hầu bao” hơn so với các dự án thuộc lĩnh vực khác. Công ty đã thử tiếp cận một gói ưu đãi dành cho ngành cơ khí khoảng 30 tỷ đồng, nhưng tỷ lệ lãi suất cũng chỉ giảm khoảng 1% so mặt bằng chung và là cho vay ngắn hạn, còn một số gói ưu đãi khác rất khó tiếp cận. Bên cạnh đó, lãi suất của các khoản vay trung và dài hạn hiện nay đều bị “thả nổi”, nếu có biến động sẽ gây ảnh hưởng rất xấu đến hoạt động của DN.

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam (VAMI) Đào Phan Long, xét về chủ quan các DN, tính liên kết còn khá lỏng lẻo, mức độ chuyên môn hóa không cao, trình độ tay nghề, kỹ thuật còn hạn chế. Một số DN thuộc sở hữu nhà nước có nhiều điều kiện về cơ sở vật chất, nguồn tài chính, đội ngũ nhân lực có kinh nghiệm,… nhưng sản xuất, kinh doanh chưa hiệu quả, lãng phí và thất thoát. Trong khi, các DN thuộc các thành phần kinh tế khác xuất phát điểm thấp, yếu kém nhưng đầu tư một cách chủ quan, tự phát, dẫn đến tình trạng chồng chéo, hiệu quả kém, tạo ra các sản phẩm thiếu sự cạnh tranh so với sản phẩm nhập khẩu. Hơn nữa, điểm nghẽn khiến các DN Việt Nam nói chung và cơ khí nói riêng chưa thể tham gia mạnh vào chuỗi giá trị toàn cầu là do thiếu quan tâm công tác nghiên cứu và phát triển (R&D). Hầu hết các DN Việt Nam không có bộ phận R&D, kinh phí đầu tư cho hoạt động này cũng rất thấp so với DN các nước. Báo cáo của Ngân hàng Thế giới năm 2017 cho thấy, các DN Việt Nam chỉ chi khoảng 1,6% doanh thu hằng năm cho R&D, trong khi tỷ lệ này ở Ma-lai-xi-a là 2,6% và Lào là 14,5%. Không những vậy, DN Việt Nam còn thiếu cơ chế khuyến khích xây dựng lực lượng tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo. Trong số nhân lực lao động trực tiếp (chiếm hơn 75% tổng số lao động hoạt động trong các DN cơ khí), lượng công nhân có tay nghề cao chiếm tỷ trọng nhỏ và chủ yếu làm bằng kinh nghiệm, phần còn lại tay nghề thấp, khả năng tiếp nhận các kiến thức mới còn hạn chế.

Bên cạnh công nghệ lạc hậu, các khâu từ dệt, nhuộm hoàn tất đến thiết kế,... ngành dệt may Việt Nam cũng non kém. Nhiều nhãn hàng nội địa nổi tiếng trên thị trường trong nước, nhưng cũng không thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu đó ra thế giới, cho nên giá trị gia tăng không cao. Hiện nay, dệt may Việt Nam đang nằm ở vùng trũng, vùng thấp trong chuỗi dệt may toàn cầu. Nếu chủ động được nguồn NPL, đẩy mạnh được khâu thiết kế chắc chắn giá trị mang lại sẽ cao hơn.

TRƯƠNG VĂN CẨM

Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Vitas

BÀI, ẢNH: XUÂN THỦY, VIỆT HẢI VÀ HOÀNG ANH

(Theo Nhandan.com.vn)

 

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận