Mở hướng xuất khẩu dịch vụ lao động
Từ trước đến giờ, nói đến xuất khẩu lao động, Việt Nam chủ yếu cung cấp lao động trình độ thấp, làm những việc giản đơn, nặng nhọc. Vài năm gần đây, một số đơn vị đã tìm cách tiếp cận khác góp phần nâng tầm lao động Việt Nam, sẵn sàng cho sân chơi lớn trên thế giới.
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (Lilama) đã mở ra hướng đi mới, xuất khẩu dịch vụ lao động qua việc hoàn thành các gói thầu gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí cho dự án nhà máy phân bón A/U tại Bru-nây Ða-rút-xa-lam.
Cung cấp toàn bộ dịch vụ lao động
Theo phạm vi hợp đồng lắp đặt thiết bị cơ khí nhà máy phân bón A/U ký giữa Lilama và Tổng thầu EPC Thyssenkrupp Industrial Solution AG, tiến độ gia công chế tạo lắp đặt cơ khí kéo dài 23 tháng (từ tháng 12-2018 đến tháng 10-2020), gồm thi công sơn và bảo ôn. Thời điểm hiện tại, tiến độ gói thầu lắp đặt kết cấu thép của Lilama đạt 98,5%; lắp đặt thiết bị, bồn bể 90%; lắp đặt ống 80%; thi công sơn 60%; thi công bảo ôn 30%,... Giám đốc dự án Nhà máy phân bón A/U của Lilama Ðặng Thiện Thuật cho biết, các phần việc liên quan lắp đặt kết cấu thép, thiết bị, bồn bể, sơn sẽ hoàn thành theo đúng tiến độ hợp đồng. Riêng phần bảo ôn do điều kiện “bất khả kháng”, ảnh hưởng của dịch Covid-19, Lilama không huy động được thợ bảo ôn từ Việt Nam sang do Chính phủ Bru-nây ngừng cấp giấy phép lao động cho người nước ngoài, ngừng các chuyến bay thương mại từ Việt Nam sang Bru-nây. Lilama đã thông báo đến Tổng thầu, hai bên đang đàm phán, xem xét để thống nhất tiến độ thi công bảo ôn cho dự án. Việc triển khai các gói thầu tại nước ngoài, nhất là nước theo đạo Hồi như Bru-nây gặp nhiều khó khăn, lớn nhất chính là việc huy động và quản lý người lao động. Ðơn vị đã xây dựng kế hoạch xin thị thực, giấy phép lao động và huy động con người hợp lý, phù hợp khối lượng và nhu cầu công việc tại công trường trong từng thời điểm nhằm tối ưu hóa các chi phí liên quan, đặc biệt là lương và hậu cần; phổ biến cho người lao động về pháp luật nước sở tại, tuân thủ nghiêm các quy định của pháp luật Bru-nây, truyền thống và phong tục của người Hồi giáo; bố trí, sắp xếp ăn ở nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người lao động được nghỉ ngơi để tái tạo sức lao động. Về vấn đề này, Lilama đã huy động hơn 40 đầu bếp người Việt Nam sang nhằm bảo đảm khẩu vị ăn uống cho người lao động; quản lý người lao động trong quá trình làm việc trên công trường và sinh hoạt trong Khu cư xá,...
Xét về tổng thể, tham gia dự án này, Lilama đã ghi dấu mốc quan trọng, khác xa các dự án thi công tại nước ngoài trước đây, nhất là trong lĩnh vực cơ khí, xây lắp khi cung cấp hoàn chỉnh dịch vụ lao động, bao gồm: cung cấp vật tư, sắp xếp và cung ứng nhân lực, máy móc và thi công công trình. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn đánh giá, đây là dự án yêu cầu khắt khe về chất lượng, tiến độ và đặc biệt là an toàn trong thi công. Thời kỳ cao điểm, Lilama huy động đến 1.600 nhân công tham gia thi công và nguồn nhân lực thực hiện lắp đặt tại Bru-nây đều lấy từ các đơn vị thành viên của Lilama. Trong đó, phần chế tạo thiết bị cho dự án chủ yếu đặt tại Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh và Xưởng gia công, chế tạo Phà Rừng (Hải Phòng) thuộc Công ty cổ phần Lilama 69-1. Ðội ngũ kỹ sư, công nhân giàu kinh nghiệm, làm việc trực tiếp tại nhà máy đã góp phần đưa chất xám vào sản phẩm thông qua thiết kế, mã hóa bản vẽ, bóc tách khối lượng, pha cắt vật tư và giám sát chế tạo. Các sản phẩm cung cấp cho dự án Nhà máy phân bón A/U tại Bru-nây có độ chính xác cao, đáp ứng tốt yêu cầu về chất lượng, tiến độ, góp phần vào thành công chung của dự án.
Sẵn sàng tham gia sâu hơn
Theo Giám đốc dự án Nhà máy phân bón A/U (Lilama) Ðặng Thiện Thuật, có thể nói, đây là dự án Lilama “tự thân vận động” một cách đúng nghĩa. Ðể trúng thầu và thực hiện toàn bộ công việc theo hợp đồng đã ký, Lilama nghiên cứu, tìm hiểu và triển khai các bước công việc một cách bài bản. Trước hết là nghiên cứu và tìm hiểu thị trường Bru-nây, các thủ tục pháp lý để thi công trong quá trình đấu thầu. Thành lập công ty (pháp nhân) tại Bru-nây để ký hợp đồng thực hiện dự án với Tổng thầu xin thị thực và giấy phép lao động, ký các hợp đồng thầu phụ/hợp đồng dịch vụ để thực hiện dự án theo đúng quy định của pháp luật Bru-nây. Thực hiện toàn bộ các công việc hậu cần liên quan như huy động người lao động, tổ chức và sắp xếp ăn ở cho người lao động, các dịch vụ vận chuyển hàng hóa/vật tư từ Việt Nam và các nước lân cận sang Bru-nây để thực hiện dự án. Huy động máy móc và thiết bị thi công, trong đó các thiết bị thi công lớn (cẩu 1.600 tấn, cẩu 600 tấn, cẩu 250 tấn, cẩu tháp 50 tấn) đều phải huy động từ nước ngoài. Mua sắm toàn bộ dụng cụ, vật tư chính (vật tư bảo ôn, sơn), vật tư phụ, giàn giáo… và nhập khẩu vào Bru-nây; quản lý các hoạt động thi công trên công trường dự án. Do vậy, cái được lớn nhất là kinh nghiệm quản lý dự án thi công xây lắp tại nước ngoài. Mặt khác, loại bỏ sự e dè, tạo sự tự tin trong việc tiếp tục mở rộng sản xuất, kinh doanh ra nước ngoài.
Thời điểm này, phần việc của Lilama được Tổng thầu EPC đánh giá cao nhất về kết quả thực hiện, đáp ứng các yêu cầu về chất lượng, tiến độ và an toàn của hợp đồng. Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn chia sẻ, sau thành công của dự án này, Lilama sẽ mở hướng đi mới trong xuất khẩu dịch vụ lao động. Không chỉ dừng lại ở việc xuất khẩu lao động thông thường, Lilama sẽ đứng ra ký hợp đồng trọn gói với đối tác về xây lắp. Sau đó sẽ tự tính toán, tự trả lương, thuê máy móc nhân công thiết bị, bố trí ăn ở,… cho người lao động. Từ thực hiện các dự án, Lilama tích lũy thêm được rất nhiều kinh nghiệm. Khi bắt tay vào ký dự án tại Bru-nây, Lilama chỉ nhằm mục tiêu lấy kinh nghiệm là chính, không xác định lợi nhuận, bởi Lilama “chỉ cần hòa là đã thắng”. Thắng ở đây chính là có được kinh nghiệm quý báu sau mỗi dự án triển khai ở nước ngoài. Nhưng hiện tại, đối với dự án Bru-nây, Lilama tự tin khẳng định đã “lãi kép”, cả về kinh nghiệm và thu nhập. Hiện tại, Công ty cổ phần Lilama 18 (đơn vị thành viên của Lilama) đang tiếp tục thương thảo hợp đồng lắp đặt một nhà máy điện tại Băng-la-đét. Thời gian tới, Lilama định hướng phải tăng giá trị, chú trọng phát triển mảng xuất khẩu dịch vụ lao động.
Nhà máy phân bón A/U Bru-nây nằm ở Khu công nghiệp Sungai Liang (SPARK), cách thủ đô Ban-đa Xê-ri Bê-ga-oan của Bru-nây khoảng 100 km. Công suất dự án đạt 2.200 tấn a-mô-ni và 3.900 tấn u-rê/ngày; Tổng thầu EPC là Thyssenkrupp Industrial Solution AG. Dự án gồm khu nhà máy chính, diện tích khoảng 23 ha với tổng mức đầu tư 1,3 tỷ USD do Công ty Bru-nây Fertilizer Industries Sdn Bhd (BFI) làm chủ đầu tư. |
Minh Thành
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận