Thành công và những bài học rút ra từ việc thực hiên một dự án cấp Nhà nước về cơ khí chế tạo - Phần 2.

15/10/2011 09:43

Hiện nay các cơ chế chính sách cho cơ khí đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, vấn đề là các đơn vị khi tiến hành triển khai thực hiện chọn cho mình phương thức hợp lý nhất, và trong quá trình triển khai cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự thành công của  doanh nghiệp. 

     Lilama.com.vn trân trọng giới thiệu Phần 2. Bài viết:"Thành công và những bài học rút ra từ việc thực hiện một dự án cấp Nhà nước về cơ khí chế tạo" của Kỹ sư Phạm Quang Nhân, P.TGĐ Lilama.  Xem phần I

    

Phấn đấu đến 2015, 70% thiết bị trong các nhà máy Xi măng và 40% trong các nhà máy nhiệt điện được thiết kế và chế tạo trong nước - Ảnh: Ngụy Hoàng Sơn, Nguyễn Viết Bình

      Những bài học kinh nghiệm rút ra từ việc triển khai Dự án

      Đây là những mô hình Dự án KHCN cấp Nhà nước kiểu mới và triển khai cho một ngành công nghiệp với công nghệ phức tạp, tổng mức đầu tư lớn, bao gồm nhiều lĩnh vực chuyên môn khác nhau, vì vậy trước khi triển khai thực hiện cần nghiên cứu kỹ lưỡng về phương thức triển khai thực hiện và coi đây là yếu tố vô cùng quan trọng có ảnh hưởng đến kết quả và sự thành công của toàn bộ Dự án KHCN. Đó là việc lựa chọn quy mô Dự án KHCN, lựa chọn Chủ trì Dự án KHCN và Chủ trì Đề tài thuộc Dự án, lựa chọn địa chỉ ứng dụng kết quả Dự án KHCN, phương pháp nghiên cứu, phương thức điều hành Dự án KHCN, phương thức quản lý Dự án KHCN,...

     Do yêu cầu của Dự án KHCN là phải gắn kết sản phẩm nghiên cứu, chế tạo vào thực tế, vì vậy việc tìm địa chỉ ứng dụng sẽ rất quan trọng. Bởi vì từ trước đến nay, do năng lực chế tạo thiết bị trong nước chưa thực sự đảm nhận được vai trò cung cấp trọn bộ một dây chuyền xi măng lò quay cũng như tâm lý chung của các Chủ đầu tư trong nước thường thiên về nhập khẩu các dây chuyền thiết bị đồng bộ của nước ngoài cho dù chi phí này rất lớn. Vì vậy việc tìm kiếm, thuyết phục làm thay đổi quan điểm cũng như tạo các cơ chế để các Chủ đầu tư chấp thuận việc hợp tác ứng dụng các kết quả nghiên cứu, thiết kế, chế tạo vào trong dây chuyền sản xuất có ý nghĩa quyết định trong thành công của Dự án KHCN.

     Thông qua các Dự án KHCN, các cơ quan quản lý nhà nước cùng các đơn vị chủ trì Dự án, Đề tài đã rút ra được bài học kinh nghiệm trong việc tổ chức thực hiện Dự án, Đề tài KHCN quy mô lớn, kết hợp nhiều Bộ, Ban, Ngành từ khâu tổ chức triển khai thực hiện Dự án, lựa chọn địa chỉ ứng dụng và sự phối hợp chặt chẽ trong quá trình chỉ đạo triển khai để Dự án KHCN thành công. Dự án KHCN xi măng thành công được là nhờ Chính phủ tin tưởng chỉ định Tổ hợp EPC bao gồm LILAMA, HUD, CCBM, Thiên tân (LILAMA Leader) để cùng triển khai thi công nhà máy xi măng Sông Thao. Đồng thời Bộ KHCN và Bộ Xây dựng thống nhất giao cho LILAMA đồng thời là Chủ nhiệm Dự án KHCN, các đơn vị nhận thầu thi công các công đoạn đồng thời là Chủ nhiệm Đề tài KHCN nhánh. Việc gắn trách nhiệm 2 vai như vậy đảm bảo các doanh nghiệp được hưởng 2 nguồn vốn để thực hiện Dự án KHCN và khép kín từ đầu đến cuối quá trình nghiên cứu của mình.

     Dự án KHCN đã được sự chỉ đạo của Ban chỉ đạo Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm Quốc gia, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Xây dựng, Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương... Đặc biệt vai trò của Bộ KH&CN là cơ quan quản lý Nhà nước về KHCN trực tiếp bám sát vào quá trình triển khai thực hiện Dự án KHCN để kịp thời đưa ra các chính sách phù hợp. Đây là điều kiện cần để đảm bảo cho việc triển khai công tác nghiên cứu được thuận lợi, đúng luật pháp quy định. Vai trò của Chủ đầu tư Dự án có tính quyết định trong việc đảm bảo thành công của Dự án KHCN. Bởi vì khi Chủ đầu tư dám chấp nhận sử dụng các sản phẩm thiết bị KHCN vào Dự án của mình thì mới có sự phối hợp chặt chẽ vốn Chủ nhiệm Dự án KHCN để đưa đến kết quả tốt vừa đảm bảo lợi chích của Chủ đầu tư cũng như lợi ích của các đơn vị tham gia thi công.

     Qua thực tế triển khai Dự án xi măng Sông Thao đã giúp chúng ta đúc kết được những bài học kinh nghiệm trong việc đẩy nhanh các thủ tục pháp lý trong việc chỉ định Tổng thầu EPC, kinh nghiệm đàm phán để đưa sản phẩm nghiên cứu KHCN vào Dự án, kinh nghiệm trong việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện đầu tư xây dựng các Nhà máy,... từ đó làm cơ sở để triển khai thực hiện tại các Dự án xi măng tiếp theo hiệu quả hơn.

     Kinh nghiệm trong công tác hợp tác quốc tế, chuyển giao khoa học công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới để khai thác các kiến thức còn thiếu cũng như kinh nghiệm để các doanh nghiệp trong nước nâng cao khả năng chuyên môn hóa và hợp tác hóa, tăng năng lực của ngành cơ khí nói chung, tạo tiền đề phát triển các ngành công nghiệp khác của đất nước trong tương lai. Trong điều kiện của Việt Nam còn rất khó khăn, thì nguồn Ngân sách sự nghiệp hỗ trợ cho công tác nghiên cứu cùng với một phần vốn tự có của doanh nghiệp đã thực sự mang đến hiệu quả tốt cho công tác nghiên cứu cũng như quản lý tài chính trong quá trình thực hiện Dự án KHCN.

     Định hướng từ nay đến 2015.

     Kết quả đạt được, những bài học kinh nghiệm rút ra qua 10 năm thực hiện dự án và đứng trước yêu cầu bức thiết của sự nghiệp phát triển ngành cơ khí, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã định hướng cho công tác này từ nay đến 2015, cụ thể như sau:

     Trong lĩnh vực Xi măng: Tiếp tục triển khai ứng dụng các kết quả của Dự án KHCN nghiên cứu thiết kế chế tạo các thiết bị chủ yếu trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay 2.500T Clinker/ngày, phấn đấu đạt tỷ lệ nội địa hóa trong nước trên 70% về khối lượng tại các Dự án đầu tư xây dựng mới nhà máy xi măng trong nước.
Thành công của Dự án KHCN xi măng 2.500T Clinker/ngày đã mở ra hướng tiếp tục đề xuất nghiên cứu chế tạo cho các Nhà máy xi măng công suất lớn hơn..Ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu đã có vào việc duy tu, bảo dưỡng, nâng cấp, cung cấp phụ tùng thay thế tại các Nhà máy xi măng trong nước, đồng thời kết hợp với các Hãng trên thế giới để mở rộng thị trường cung cấp thiết bị và xuất khẩu.

     Lĩnh vực nhiệt điện: Việc đẩy nhanh thực hiện Dự án KHCN nhiệt điện 600MW có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển không những của LILAMA mà còn của Ngành cơ khí Việt Nam do đối tượng nghiên cứu là một dây chuyền thiết bị đồng bộ sản xuất điện. Đây là một lĩnh vực có tiềm năng rất lớn về thị trường, vì vậy việc nâng cao năng lực cho các đơn vị tư vấn thiết kế, chế tạo của Việt Nam và tạo điều kiện cho chúng ta chủ động trong việc xây dựng các Nhà máy điện theo quy hoạch phát triển cũng như theo kịp được tiến trình phát triển kinh tế xã hội đất nước. Mục tiêu đặt ra là: Triển khai đúng tiến độ Dự án KHCN nghiên cứu thiết kế chế tạo thiết bị Nhà máy nhiệt điện đốt than 600 MW, phấn đấu đảm bảo đạt trên 40% thiết bị nội địa hóa; Lộ trình Dự án KHCN và ứng dụng sản phẩm nghiên cứu vào Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và nhiệt điện Long Phú 2 như sau:

     Giai đoạn 1: Tập trung triển khai nghiên cứu đảm bảo tiến độ một số Đề tài thuộc Dự án KHCN nhiệt điện 600 MW và áp dụng sản phẩm nghiên cứu vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Các Đề tài KHCN và sản phẩm mới nghiên cứu chế tạo như: Nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo khung chính lò hơi; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống cung cấp than; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống FGD; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống nước làm mát tuần hoàn; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thải tro xỉ; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý nước thải công nghiệp; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống đo lường kiểm soát môi trường NM…

     Giai đoạn 2: triển khai các Đề tài KHCN để nâng tỷ lệ nội địa hóa trong nước, áp dụng sản phẩm nghiên cứu vào Dự án NM nhiệt điện Long Phú 2. Các Đề tài KHCN và sản phẩm mới nghiên cứu chế tạo như: Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bộ sấy không khí lò hơi; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo bộ hâm nước lò hơi; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo quạt gió lò hơi CS 500.000 m3/h; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống thổi bụi lò hơi; Nghiên cứu, TK, CT van hơi, van nước, van dầu phục vụ hệ thống  lò hơi; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống nghiền than; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống xử lý nước cấp lò hơi.

     Sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn là điều kiện quan trọng...

     Việc triển khai các Dự án KHCN trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện thời gian qua là bước đi của Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm theo sự chỉ đạo của Nhà nước nhằm kết hợp các kinh nghiệm và triển khai thực tế nhiều năm của các đơn vị tư vấn thiết kế, chế tạo thiết bị trong nước kết hợp với sự hợp tác của các đơn vị tư vấn nước ngoài nhằm giải quyết đồng bộ những khâu then chốt nhất trong việc đầu tư các Nhà máy xi măng, nhiệt điện trong nước. Đây có thể xem là con đường ngắn giúp các doanh nghiệp trong nước nhanh chóng nắm bắt, phối kết hợp với nhau để làm chủ công nghệ sản xuất từ đầu đến cuối một dây chuyền sản xuất hiện đại, tiến tới đảm nhận đầy đủ vai trò Tổng thầu EPC các dự án trong tương lai. Sự thành công của các Dự án KHCN tạo ra bước đột phá trong việc phát triển ngành cơ khí xi măng, nhiệt điện nói riêng và góp phần để đẩy nhanh phát triển ngành cơ khí Việt Nam nói chung.

     Hiện nay các cơ chế chính sách cho cơ khí đã được Đảng, Nhà nước quan tâm, vấn đề là các đơn vị khi tiến hành triển khai thực hiện chọn cho mình phương thức hợp lý nhất, và trong quá trình triển khai cố gắng giải quyết mọi vấn đề phát sinh. Tuy nhiên sự hỗ trợ của Nhà nước vẫn là điều kiện quan trọng để đảm bảo sự thành công của  doanh nghiệp.

     Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đề nghị Chính phủ tin tưởng và có các cơ chế đặc thù để tiếp tục chỉ định các đơn vị tư vấn, chế tạo cơ khí trong nước có năng lực được tiếp tục thực hiện làm Tổng thầu EPC các Dự án trọng điểm quốc gia trong lĩnh vực xi măng, nhiệt điện,... để có điều kiện áp dụng các sản phẩm của Dự án KHCN vào thực tiễn, đồng thời tiếp tục hỗ trợ, tạo điều kiện để các Dự án KHCN được nghiên cứu sâu hơn nữa cũng như mở rộng nghiên cứu thêm những Dự án mới, phấn đấu ngày càng tăng cao tỷ lệ nội địa hóa, giảm nhập siêu thiết bị trong tương lai./.

Tháng 10/2011