LILAMA: Hành trình trở thành nhà Tổng thầu
Từ một DN chuyên về lắp máy, bằng sự nỗ lực không ngừng, LILAMA giờ đây đã trở thành nhà thầu EPC chuyên nghiệp hàng đầu Việt Nam.Đến nay, LILAMA đã thực hiện thành công nhiều dự án lớn, có công nghệ phức tạp, được bạn bè quốc tế đánh giá cao. Thành công đó không có được chỉ trong một sớm một chiều, mà là cả một qúa trình phấn đấu không ngừng nghỉ của những cán bộ, kỹ sư và những người thợ khoác trên mình màu áo xanh mang dòng chữ LILAMA.
Nửa thế kỷ ghi dấu ấn LILAMA
Trong suốt chặng đường 51 năm phấn đầu không ngừng nghỉ, LILAMA giờ đây là một trong những Tổng công ty hàng đầu của Việt Nam, đã tham gia lắp đặt và đưa vào sử dụng hàng nghìn công trình lớn nhỏ thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng, văn hoá, quốc phòng… Thương hiệu LILAMA đã và đang được khẳng định một cách vững chắc trên thị trường trong và ngoài nước, màu áo xanh LILAMA đã tràn ngập trên hầu hết các công trình trọng điểm có tầm cỡ quốc gia, được Đảng và Nhà nước đánh giá cao...
LILAMA hiện đang đi đầu trong lĩnh vực lắp đặt, chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn cho các dự án công nghiệp lớn và đã đảm nhận tốt vai trò Tổng thầu EPC nhiều dự án điện, xi măng, lọc dầu. Với sự nhạy bén về thị trường, LILAMA đã mạnh dạn vươn lên đa dạng hóa ngành nghề, đặc biệt trong lĩnh vực cơ khí chế tạo. Tỷ trọng chế tạo cơ khí, sản xuất công nghiệp, sản xuất vật liệu xây dựng của LILAMA ngày một tăng cao. Đây được xem là lĩnh vực sản xuất chủ đạo của Tổng công ty được chuyên môn hoá sâu. Đến nay, LILAMA đã có hơn 10 Nhà máy cơ khí ở 3 miền Bắc - Trung - Nam với năng lực chế tạo đạt hơn 150.000 tấn thiết bị mỗi năm, chế tạo hàng chục nghìn tấn thiết bị cho các dự án lớn, đạt tỷ lệ nội địa hóa chế tạo thiết bị tại các công trình thi công từ 50 - 70% tổng khối lượng toàn dự án.
Đến nay, LILAMA đã hoàn thành bàn giao hàng ngàn dự án lớn nhỏ, góp phần quan trọng trong sự nghiệp bảo vệ và phát triển kinh tế đất nước. Hiện nay, LILAMA đang tiếp tục đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC Dự án Nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1, thuỷ điện Hủa Na, xi măng Đô Lương, Hang Ga A75... Với việc đảm nhận hầu hết công tác chế tạo thiết bị trong nước, đạt tỷ lệ nội địa hoá khoảng 50 - 70% về khối lượng, chiếm 30 - 50% về giá trị toàn nhà máy, LILAMA đã mở ra một hướng mới trong quan hệ hợp tác với nhiều Tập đoàn nổi tiếng trên thế giới như Mitsubishi, Hyundai, Technip, Siemens... để cùng liên doanh đấu thầu, thi công công trình và thành lập các Cty hoạt động tại Việt Nam cũng như nước ngoài nhằm tăng cường năng lực về tư vấn thiết kế, ổn định và phát huy khả năng cạnh tranh.
Để đảm bảo mục tiêu tăng khả năng cạnh tranh, tăng thị phần và hiệu quả kinh tế lớn, LILAMA đã xây dựng được thương hiệu có bản sắc riêng không chỉ tại thị trường trong nước mà vươn ra ngoài thế giới. Với mong muốn cháy bỏng là xây dựng được một thương hiệu mạnh góp phần vào công cuộc CNH, HĐH đất nước, khẳng định vững chắc đơn vị dẫn đầu trong ngành cơ khí chế tạo và thi công các dự án lớn trong nước cũng như vươn ra thi công tại nước ngoài.
Thành công vượt kế hoạch
Bằng chứng sống động gần đây nhất về thành công của LILAMA trong vai trò tổng thầu EPC là dự án Nhà máy nhiệt điện Nhơn Trạch 2. Tính đến ngày LILAMA bàn giao cho chủ đầu tư vận hành an toàn, ổn định, sớm hơn 45 ngày so với cam kết. Trong bối cảnh một loạt các dự án trong quy hoạch chậm tiến độ, ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng cung cấp điện cho nền kinh tế thì đây là dự án theo phương thức chìa kháo trao tay hoàn thành nhanh nhất. Thậm chí dự án còn vượt công suất 9,2 MWh. Ông Hoàng Xuân Quốc, TGĐ Cty CP điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 khẳng định: “ Chất lượng của nhà máy rất ổn định. Tất cả các thông số đầu vượt các chỉ tiêu trong hợp đồng EPC. Các thông số về môi trường, khí thải đều dưới ngưỡng cho phép rất nhiều”.
Trong lộ trình trở thành tổng thầu EPC lớn nhất Việt Nam của LILAMA thì Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 được đánh giá là thành công trên tất cả các chỉ tiêu kinh tế, kỹ thuật, môi trường và chất lượng công trình. Lớn hơn thế, thành công này còn thể hiện thắng lợi của chủ trương giao cho các nhà thầu trong nước thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia. Còn đối với LILAMA, trong vai trò tổng thầu EPC, LILAMA đã xây dựng được một đội ngũ kỹ sư quản lý dự án chuyên nghiệp, như đánh gia của ông Max Sosel (Giám đốc tư vấn giám sát Đức tại dự án Nhơn Trạch): “Qua dự án Nhơn Trạch 2, tôi thấy các kỹ sư LILAMA rất giỏi trong lĩnh vực lắp máy. Tôi đã từng làm việc với một số nhà thầu EPC nước ngoài tại một vài dự án ở Việt Nam nhưng tôi đánh giá cao hơn LILAMA ở cách họ triển khai và thực hiện một dự án. Chúng tôi đã kết hợp với nhau khá nhuần nhuyễn và tôi không nhận thấy có sự khác biệt giữa kỹ sư LILAMA với kỹ sư của chúng tôi”.
Khẳng định vị thế vững chắc trong vai trò tổng thầu
Trước dự án Nhơn Trạch 2, thành công đầu tiên theo mô hình tổng thầu EPC phải kể đến là dự án xây dựng Nhà máy Xi măng Sông Thao (Phú Thọ). Đây là lần đầu tiên LILAMA làm lãnh đạo một dự án EPC có sự tham gia của các nhà thầu trong nước và nước ngoài. Và đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam chế tạo một số thiết bị chính trong dây chuyền trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn clinker/ngày. Kết quả nhà máy xi măng Sông Thao đã đạt tỷ lệ nội địa hóa tới trên 70% khối lượng và 40% giá trị. Đây còn là một thành công rất lớn của ngành cơ khí Việt Nam nói chung.
Có được những thành công hôm nay không thế không nhắc đến những ngày đầu gian khó. Dấu ấn đầu tiên trên hành trình mang tên gọi “ tổng thầu EPC” của Việt Nam, và cũng là của LILAMA phải kể đến là khi trúng thầu gói thầu số 2 và số 3 khu bồn bể chứa dầu thô, sản phẩm xăng dầu và hệ thống công nghệ của Nhà máy lọc dầu Dung Quất, công suất 6,5 triệu tấn/năm.
Lúc này, khái niệm tổng thầu EPC vẫn còn khá mởi mẻ ở Việt Nam. Vì vậy, mục tiêu của hình thức tổng thầu EPC do LILAMA thực hiện là nhằm phát huy cao nhất nội lực, trên cơ sở tập hợp các lực lượng cơ khí trong nước, các thành phần kinh tế, trước mắt là huy động sức mạnh tổng hợp của các đơn vị thành viên của LILAMA, cùng các nhà tư vấn thiết kế, các nhà thầu phụ trong nước và ngoài nước tham gia thực hiện dự án từ khâu khảo sát thiết kế đến chế tạo, cung cấp thiết bị và tổ chức quản lý thi công xây lắp. Ðây là công việc mà hầu hết các công trình trọng điểm trước đây của ta đều do các nhà thầu nước ngoài thực hiện, còn LILAMA chỉ là nhà thầu phụ với vai trò của người lắp đặt thiết bị. Vì vậy, việc được Chính phủ giao làm tổng thầu EPC thật sự là một thử thách đối với Lilama.
TGĐ LILAMA Lê Văn Tuấn khẳng định: “ Từ những dự án EPC đầu tiên, đội ngũ cán bộ quản lý dự án của LILAMA trưởng thành vượt bậc, là tiền đề để nhân rộng ra các dự án EPC tiếp theo như Nhà máy nhiệt điện Cà Mau 1,2 với 2 tổ máy công suất 750MW; Nhơn Trạch 1 công suất 450MW, Nhơn Trạch 2 , Vũng Áng 1...”.
Từ một DN phải đi làm nhà thầu phụ cho nhà thầu nước ngoài trong các dự án EPC, LILAMA đã xây dựng được cho mình một đội ngũ cán bộ tinh nhuệ, là tiềm lực để thực hiện tiếp nhiều dự án quan trọng sau này. Hằng năm, ngoài việc cử hàng trăm kỹ sư, cán bộ, công nhân kỹ thuật theo học các khóa chuyên sâu nâng cao, tiếp thu công nghệ mới tại các trường, học viện đào tạo ở trong nước và ngoài nước, LILAMA còn mạnh dạn đầu tư hàng trăm tỷ đồng để mua thiết bị hiện đại cho các nhà máy cơ khí, chế tạo, gia công lấy các sản phẩm cơ khí với chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế, cũng như các tiêu chuẩn của các nước có nền công nghiệp tiên tiến như Anh, Mỹ, Nhật Bản, Ðức...
Thành công của các dự án do LILAMA làm tổng thầu EPC như Nhà máy điện Cà Mau 1, Cà Mau 2; Xi măng Sông Thao, Nhơn Trạch 1 và mới đây là nhà máy điện Nhơn Trạch 2 về đích trước tiến độ 45, tiết kiệm hàng 100 triệu USD cho ngân sách nhà nước đã ngày càng khẳng định vị trí vững chắc của LILAMA trong vai trò làm tổng thầu EPC các dự án có quy mô lớn. Với những dự án quy mô lớn như vậy, trước đây nhà thầu Việt Nam chỉ biết làm thầu phụ dưới trướng của nhà thầu EPC nước ngoài và được trả công thấp hơn nhiều so với đơn giá mà chủ thầu EPC nước ngoài nhận được từ Nhà nước. Không chỉ có khả năng triển khai các nhà máy nhiệt điện, Lilama còn có khả năng thực thi nhiều nhà máy ximăng công suất lớn, nhà máy thuỷ điện với vai trò tổng thầu EPC như thuỷ điện Sông Vàng, thuỷ điện Sông Ông, ximăng Sông Thao... trị giá hàng trăm triệu USD.
Chính sự vượt mình trở thành tổng thầu EPC của các nhà thầu xây dựng công nghiệp Việt Nam mà LILAMA đi đầu đã tạo việc làm cho hàng triệu lao động, giảm chảy máu ngoại tệ, nhập siêu, tạo lợi ích đa chiều cho quốc gia.
Vân Anh