Vất vả đôi khi không đến từ công việc

29/02/2012 15:38

Những ngày đầu năm, chúng tôi đến với công trình thủy điện Hủa Na thuộc bản Huổi Muồng, xã Đồng Văn, huyện biên giới Quế Phong của tỉnh Nghệ An. Mặc dù đã đi nhiều thủy điện, song chúng tôi vẫn không khỏi bất ngờ bởi địa hình hiểm trở của chốn rừng sâu núi thẳm này. Con đường dẫn vào công trình thủy điện cheo leo, gập ghềnh những đèo và dốc. Rời đường nhựa, phải mất tới gần một giờ đồng hồ đi lòng vòng qua đồi, núi, xe chúng tôi mới đến được công trường.

    

      Kỹ sư Cồ Ngọc Cường, PGĐ Ban Dự án thủy điện Hủa Na LILAMA cho biết: “địa hình bây giờ đã khá hơn trước rất nhiều rồi. Ngày trước đoạn đường mà nhà báo vừa đi vào đây, chúng tôi đều phải đi bộ đấy. Giờ chúng tôi đang nỗ lực để có thể phát điện cả hai tổ máy vào cuối năm nay”.


        Thủy điện có địa hình hiểm trở nhất

     So với một số công trình thủy điện khác, quy mô của thủy điện Hủa Na không lớn bằng, nhưng đây lại là thủy điện có địa hình hiểm trở, công tác khảo sát, thi công khó khăn vào bậc nhất, nhì ở nước ta hiện nay. KS Cồ Ngọc Cường, người chịu trách nhiệm dự án sớm nhất của Tcty LILAMA có mặt ở đây từ năm 2008 kể: Đây là huyện miền núi biên giới đặc biệt khó khăn, thuộc diện 62 huyện nghèo nhất cả nước. Khi đó, ở đây còn là một vùng đồi núi hoang vu, không có gì cả. Để khảo sát được địa hình, mọi người phải đi bộ hàng chục km.  Muốn đọc tài liệu phải thắp nến. KS Lưu Minh Đức, trưởng phòng Kỹ thuật BDA thủy điện Hủa Na LILAMA, cũng là một trong những người có mặt tại đây sớm nhất, vẫn còn nhớ kỷ niệm về những ngày đầu tiên khó khăn ấy. Anh kể: “Đường dốc đến mức xe máy cài số 1 mà đi lên vẫn phải người đùn. Còn đi xuống thì phải có người đằng sau kéo lại. Ngã xe máy là chuyện thường xuyên xảy ra với tôi”. Và thực tế là khó khăn không cản được bước chân của những con người mang trên mình màu áo xanh LILAMA thực hiện sứ mệnh lắp máy công trình quan trọng này của miền Trung.

     Cho đến giờ, thủy điện Hủa Na vẫn là công trình có những đặc điểm ấn tượng: ngoài địa hình hiểm trở, đây là thủy điện duy nhất đi vào từ thượng lưu. Khi tích nước thì cả một vùng đồi núi rộng lớn hiện nay sẽ là lòng hồ. Chi phí tái định cư cho bà con vùng lòng hồ là một số tiền lớn, khoảng 1000 tỷ đồng trên tổng số 5.900 tỷ đồng vốn đầu tư. Toàn bộ thiết bị của nhà máy được cung cấp bởi nhà thầu Alstom, do LILAMA chế tạo trong nước và một số nhà thầu uy tín khác, đảm bảo độ bền của thiết bị.

     Biện pháp thi công đột phá

     Dự án Nhà máy thủy điện Hủa Na do Công ty cổ phần thủy điện Hủa Na làm chủ đầu tư, LILAMA thi công lắp máy. Đến nay, công tác thiết kế phần thiết bị công nghệ nhà máy đã đáp ứng tiến độ, phục vụ kịp thời cho công tác thi công các hạng mục của nhà máy. Hiện tại, LILAMA đã lắp đặt, căn chỉnh, nghiệm thu và bàn giao đổ bê tông ngưỡng khe van sửa chữa khoang 1 và khoang 2 đập tràn đạt khoảng 3 nghìn tấn. Các hạng mục ở cửa nhận nước, đường ống áp lực và tháp điều áp, thiết bị thủy lực TM2, TM1, thiết bị nhà máy và hạ lưu… đều bám sát tiến độ đề ra. Mặc dù địa hình phức tạp nhưng cho đến nay, tiến độ lắp máy các hạng mục đã được các cán bộ, kỹ sư và công nhân LILAMA bám sát. Toàn bộ thiết bị đã được vận chuyển đến chân công trình. Có thể nói, 70% khối lượng công việc đã được LILAMA hoàn thành đúng tiến độ đã ký kết.

     Khác với các thủy điện khác, thủy điện Hủa Na là công trình duy nhất đi vào từ thượng lưu nên các cán bộ, kỹ sư của LILAMA phải tính toán, tìm ra biện pháp thi công hữu hiệu nhất để phù hợp với điều này. KS Lưu Minh Đức kể kể :Thông thường các dự án khác lắp đặt côn, khuỷu, buồng xoắn…từ hạ lưu, nhưng nếu ở đây mà lắp đặt như vậy sẽ rất tốn kém. Sẽ phải mất tới hàng chục nghìn tấn đất đá đổ vào khu vực này, sau khi thi công xong lại mất rất nhiều công sức và thời gian, tiền bạc để xúc đi. Trước thực tế đó, qua nghiên cứu các cán bộ, kỹ sư của LILAMA đã quyết định lắp từ thượng lưu vào bằng cách dùng một chiếc cẩu đứng ở vị trí đồng thời có thể lắp đặt được cả tổ máy và đường ống áp lực. Biện pháp thi công này hợp lý và không phải phải di chuyển. Biện pháp thi công này chưa từng có trong tiền lệ nên lúc đầu đưa ra chủ đầu tư rất phản đối. Nhưng sau đó chủ đầu tư đã bị thuyết phục bởi hiệu quả và tính sáng tạo đột phát của biện pháp thi công mới này.

     Vất vả đôi khi không đến từ công trường

     Đó là điều mà hầu hết cán bộ, kỹ sư, công nhân LILAMA đang làm việc trên công trường nhà máy thủy điện Hủa Na chia sẻ. Theo họ, sự vất vả nhất đôi khi lại là nỗi nhớ nhà. Không nhớ sao được khi tất cả đều để lại gia đình, vợ con ở Hà Nội hoặc các địa phương khác trên khắp cả nước. Hủa Na được xây dựng ở vùng sâu vùng xa, điều kiện sống và đi lại khó khăn nên không phải lúc nào muốn là về được. PGĐ BDA thủy điện Hủa Na LILAMA Vũ Duy Thêm tâm sự: “cán bộ BDA thì 2 tuần được về nhà một lần, lãnh đạo có khi tháng rưỡi mới được về nhà. Việc công trường bận nhiều khi không dứt ra mà về được. Nhưng về rồi lại lấn bấn không muốn đi”. Còn PGĐ Cồ Ngọc Cường cũng không khỏi bùi ngùi: “Mình cũng hơn 50 tuổi rồi, đã bốn năm rưỡi gắn bó với công trình này, chưa kể thời gian làm các công trình khác nữa. Nhiều việc trong gia đình cần mình giải quyết mà cũng không về được”.

     Ngày nào cũng vậy, 9 giờ tối, khu bếp của BĐH dự án Hủa Na LILAMA vẫn còn sáng đèn. Giờ này, nhóm kỹ sư cuối cùng mới từ công trường về ăn cơm. Sự vất vả của họ có thể nhìn mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải vì thế mà họ mất đi niềm lạc quan, tin tưởng. Tất cả vẫn đang nỗ lực hết mình để có thể phát điện hai tổ máy vào cuối năm nay.