Thợ lắp máy LILAMA tổ hợp, căn chỉnh thiết bị của module điện phân hydro.
Anh hùng Lao động Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc LILAMA đánh giá, hợp tác cùng Tập đoàn Thyssenkrupp (Đức), thợ lắp máy đã nhanh chóng xác lập vị thế trong chuỗi dây chuyền sản xuất hydro xanh toàn cầu, góp phần thực hiện mục tiêu Net Zero mà Việt Nam đang hướng tới; đồng thời có cơ hội lớn tham gia các dự án hydro xanh tiếp theo.
Chế tạo thiết bị cho dự án hydro xanh
Đầu năm 2021, Thái tử Mohammed bin Salman (Vương quốc Saudi Arabia) lần đầu tiên công bố ý tưởng xây dựng The Line - “thành phố thẳng” thân thiện môi trường dọc theo một trục trung tâm kết nối bờ Biển Đỏ với vùng tây bắc Saudi Arabia dài 170 km, gồm chuỗi đô thị khổng lồ với nhiều cụm công trình, áp dụng nhiều công nghệ hiện đại.
Đây là dự án mang tính cách mạng, đặt con người lên vị trí hàng đầu bằng việc sử dụng 100% năng lượng sạch tái tạo, thông qua trang trại điện gió, năng lượng mặt trời và công nghệ tiên tiến biến đổi nước thành oxy và hydro.
Thành phố The Line có tổng vốn đầu tư ước tính từ 100-200 tỷ USD, do Chính phủ Saudi Arabia, Quỹ đầu tư công của Saudi Arabia (PIF) cùng các nhà đầu tư địa phương và quốc tế tài trợ.
The Line chính là mảnh ghép đầu tiên, giữ vai trò trục xương sống của “siêu đô thị” mang tên NEOM, có nghĩa là Tương lai mới, ghép từ “Neos” (mới) tiếng Hy Lạp và “Mustaqbal” (tương lai) trong tiếng Arab.
“Siêu đô thị” NEOM có tổng giá trị đầu tư khổng lồ khoảng 500 tỷ USD (tương đương hơn 12,3 triệu tỷ đồng Việt Nam), nằm trọn trên sa mạc vùng Tabuk của Saudi Arabia, gần biên giới Jordan và Ai Cập, quy mô diện tích khoảng 26.500 km2.
Thành phố được vận hành hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo, trong tương lai sẽ là thiên đường nghỉ dưỡng và trung tâm công nghệ toàn cầu, được kỳ vọng thu hút khoảng 100 triệu lượt du khách tham quan hằng năm, tạo ra 380 nghìn việc làm mới, giúp GDP của vương quốc này tăng khoảng 48 tỷ USD vào năm 2030.
Ngay sau khi Thái tử Mohammed bin Salman công bố ý tưởng một thời gian ngắn, việc xây dựng NEOM đã chính thức được khởi động.
Công việc đầu tiên của thành phố tương lai là dành nguồn ngân sách khoảng 8,4 tỷ USD (tương đương gần 210 nghìn tỷ đồng) đầu tư xây dựng dự án Hydrogen NEOM lớn nhất thế giới, sử dụng 100% nguồn năng lượng tái tạo từ điện gió và điện mặt trời, cung cấp khoảng 600 tấn hydro xanh mỗi ngày.
Nhiên liệu hydro xanh từ dự án sẽ được cung cấp cho các phương tiện giao thông và nhà máy công nghiệp nặng, góp phần giảm mức phát thải CO2 ở mức 5 triệu tấn/năm.
Giữ vai trò chủ đầu tư dự án hydro xanh khổng lồ nêu trên, Tập đoàn Air Products (Mỹ) đã ký hợp đồng Tổng thầu với Thyssenkrupp Nucera cung cấp 110 module thiết bị điện phân sản xuất hydro xanh với tổng công suất 2,2 GW.
Quá trình làm việc với Thyssenkrupp ở một số dự án trước đó, nhất là dự án Nhà máy sản xuất phân bón A/U ở Brunei trong vai trò nhà thầu gia công chế tạo và lắp đặt thiết bị cơ khí, LILAMA đã được Thyssenkrupp tín nhiệm, lựa chọn hợp tác để gia công chế tạo kết cấu thép, tổ hợp lắp đặt 110 module cho dự án Hydrogen NEOM.
Ông Jose Soares, Giám đốc Quản lý thi công của Thyssenkrupp Nucera cho biết, LILAMA đã khẳng định năng lực và uy tín của một doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực lắp máy, Thyssenkrupp Nucera rất tin tưởng sự hợp tác giữa hai bên sẽ tạo ra nhiều sản phẩm giá trị và chất lượng cao.
Khẳng định năng lực chế tạo
Ông Nguyễn Thanh Bình, Trưởng phòng thi công của LILAMA cho biết, nhà máy Hydrogen do Thyssenkrupp giữ bản quyền công nghệ hệ thống điện phân, mỗi module được tổ hợp hoàn chỉnh tại LILAMA bao gồm hàng nghìn linh kiện, thiết bị tinh vi, phức tạp, có chiều dài 55m, rộng 5m, cao 8m, trọng lượng khoảng 200 tấn.
Các module khi chế tạo, lắp đặt và tổ hợp có độ chính xác rất cao, dung sai luôn luôn dưới 2 mm, đồng thời hệ thống đường ống dẫn khí đòi hỏi độ sạch tuyệt đối bởi chỉ cần 1 hạt cát lọt vào cũng có thể phát sinh cháy nổ, gây rủi ro rất lớn khi vận hành thiết bị.
Khi xuất khẩu sang Saudi Arabia, các module này được kết nối với nhau rất dễ dàng, đơn giản. Dự kiến, đến tháng 8/2025, LILAMA sẽ hoàn thành cung cấp toàn bộ 110 module điện phân cho nhà máy này.
Tại công trường chế tạo kết cấu thép ở Hải Dương, chúng tôi gặp anh Trần Hữu Cao, một người thợ lành nghề chuyên xử lý nhiệt, nắn thẳng kết cấu thép bị cong vênh sau khi hàn để đạt độ chính xác đúng tiêu chuẩn.
Những người thợ lành nghề của LILAMA như anh Cao, chỉ bằng mắt thường và một máy đo nhiệt đơn giản, họ sẽ biết ngay phải hơ lửa và nắn chỉnh ở vị trí nào trong thời gian bao lâu để kết cấu thép trở lại chính xác với độ dung sai dưới 2 mm theo đúng thiết kế.
Trải qua quá trình hơn 10 năm làm công việc xử lý nhiệt tại LILAMA, anh Cao đã đào tạo được lớp công nhân kế cận có tay nghề thuần thục, đủ khả năng xử lý công việc, thay thế mình sau khi về hưu.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, trước khi tham gia chế tạo 110 module này, từ tháng 7/2022, với sự hỗ trợ của đối tác Thyssenkrupp, đội ngũ LILAMA đã thử nghiệm gia công chế tạo, lắp đặt 2 module đầu tiên có kết cấu tương tự cho nhà máy hydro xanh West Coast (Mỹ), mày mò mất tròn 1 năm mới hoàn thành.
Nhưng chính từ quá trình “vạn sự khởi đầu nan” này, LILAMA đã tích lũy nhiều kinh nghiệm thực tiễn để cải thiện, tối ưu biện pháp tổ chức thi công nhằm nâng cao hơn nữa năng suất gia công chế tạo, tổ hợp lắp đặt theo mô hình dây chuyền sản xuất hàng loạt khi thực hiện dự án Hydrogen NEOM.
Các module được LILAMA chia thành 24 Lot giao hàng, mỗi Lot gồm 4-6 module, hiện đã bàn giao 4 Lot (gồm 16 module) đầu tiên, trong thời gian tới tiếp tục bàn giao 2 Lot tiếp theo. Thời điểm hiện tại, năng suất thi công, tổ hợp của thợ lắp máy Việt Nam đã đạt theo đúng yêu cầu của Thyssenkrupp, bình quân mỗi tháng LILAMA sẽ hoàn thành 5-6 module, thành một chu trình khép kín.
Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn đánh giá: Có thể nói, việc tham gia chế tạo module thiết bị điện phân cho nhà máy Hydrogen NEOM đã mở ra hướng đi đúng đắn cho LILAMA trong bối cảnh sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp ngành cơ khí đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay.
Triển khai dự án, LILAMA đã nhanh chóng bắt nhịp chiến lược kinh doanh mới theo xu thế chuyển dịch năng lượng toàn cầu, hướng đến các nguồn năng lượng xanh và bền vững, không phát thải CO2,...
Những kinh nghiệm quý giá của LILAMA tích lũy được hứa hẹn sẽ giúp ngành cơ khí Việt Nam sẵn sàng triển khai các hệ thống năng lượng sạch bền vững, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, chống biến đổi khí hậu và thực hiện cam kết mạnh mẽ của Việt Nam về giảm phát thải tại Hội nghị COP26.
Bài, ảnh: Quang Hưng và Xuân Thủy- (Theo Báo Nhandan.vn)
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận