Lilama 10: Lắp đặt thành công Rotor tổ máy số 1 Nhà máy Thuỷ điện Ialy mở rộng.

31/07/2024 09:55

Ngày 26/07/2024 vừa qua, Công ty Cổ phần Lilama 10 (Thành viên của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) đã lắp đặt thành công Rotor tổ máy số 1 Nhà máy Thuỷ điện Ilay mở rộng.

Chỉ huy trưởng công trường thuộc Lilama 10, Ông Ninh Văn Đức cho biết, Rotor thuộc tổ máy số 1 có tổng trọng lượng trên 400 tấn và được lắp đặt vào Stator bằng cẩu trục đôi 500 tấn.

Trước đó Ông Ninh Văn Đức cho hay bánh xe công tác, Stator thuộc tổ máy số 1 đã được cán bộ, công nhân của Lilama 10 tại dự án lắp đặt thành công vào ngày 14 tháng 07 năm 2024 và ngày 20 tháng 07 năm 2024. Trước khi lắp đặt Rotor, Lilama 10 đã hoàn thành việc lắp đặt turbine, stator, cầu trục gian máy. Theo đó Rotor, Stator máy phát của tổ máy số 1 đã được thí nghiệm cách điện và thí nghiệm cao thế đúng theo các tiêu chuẩn hiện hành. Các khâu chuẩn bị và kiểm tra lần cuối đã được Cán bộ, công nhân viên của Lilama 10 thực hiện một cách chuyên nghiệp, cẩn thận với nhiệm vụ và trách nhiệm cao nhất.

 Rotor được nâng lên và di chuyển vào vị trí lắp đặt

Đúng 09h10 cùng ngày Rotor đã được lắp đặt thành công vào Stator tổ máy số 1

Với việc Lilama 10 lắp đặt thành công Rotor tổ máy 1 Nhà máy Thủy điện Ialy Mở rộng, đây là dấu mốc quan trọng nhằm đảm bảo tiến độ của kế hoạch thử nghiệm chạy thử tổ máy số 1, qua đó đáp ứng mục tiêu phát điện tổ máy số 1 vào tháng 11 năm 2024.

Công trình xây dựng Nhà máy thủy điện Ialy mở rộng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư tại Quyết định số 38/TTg-CN ngày 10/01/2018.

Khởi công tháng 5/2021, mặc dù đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 và cuộc xung đột Nga – Ukraine, song với sự nỗ lực, quyết tâm cao, tổ chức điều hành, thi công hợp lý của chủ đầu tư và các nhà thầu tham gia dự án, đến nay phần xây dựng công trình cơ bản đã hoàn thành. Hiện nay, các đơn vị đang tiến hành lắp đặt thiết bị chính của nhà máy.

Công trình Thủy điện Ialy mở rộng khi đi vào hoạt động sẽ tăng khả năng huy động công suất cho phụ tải khu vực miền Nam, đặc biệt là trong các giờ cao điểm; Góp phần cải thiện chế độ làm việc của Hệ thống điện (tăng nguồn và điện năng phủ đỉnh của biểu đồ phụ tải, tăng tính linh hoạt trong vận hành, tăng hệ số tin cậy, an toàn…), qua đó góp phần giảm chi phí sản xuất của hệ thống; Tận dụng tối đa khả năng của dòng chảy thông qua việc hạn chế lượng xả thừa hàng năm, tăng thêm giá trị sản lượng điện trung bình năm khoảng 233,20 triệu kWh/năm.

Theo: Lilama10.com

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận