Lilama duy trì nhịp độ sản xuất

05/07/2012 17:02

Bức tranh màu xám của kinh tế thế giới và những ảnh hưởng trực tiếp của nó đến kinh tế Việt Nam đã đẩy hơn 70% doanh nghiệp vào tình trạng nợ nần, thua lỗ. Gồng mình vượt lên hay chấp nhận số phận là chuyện không của riêng ai, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp như Lilama. 6 tháng đầu năm là thời gian để từng con người, từng đơn vị Lilama bộc lộ năng lực và bản lĩnh vượt khó của mình.

     Nửa đầu 2012 với nhịp độ sản xuất được duy trì

     6 tháng qua và trong tháng 6 này, tại nhiều công ty thành viên, do biết cách tổ chức sản xuất, đặc biệt biết quan tâm đến quyền lợi của người lao động, bình đẳng về lợi ích giữa các bộ phận khác nhau trong công ty nên người lao động yên tâm, không hoảng loạn, từ đó gắn bó với đơn vị. Những tấm gương vượt khó nảy nở trong giai đoạn đầy khó khăn này phải kể đến Lilama 69 - 1, Lilama 10, Lilama 18. Lilama 10 với việc hoàn thành đúng tiến độ và chất lượng toàn bộ công việc tại 1 công trình lớn nhất Đông Nam Á - thủy điện Sơn La cùng nhiều nhà máy thủy điện vừa và nhỏ khác. Lilama 69 - 1 hoàn thành bàn giao nhiều công trình cho chủ đầu tư, ký kết nhiều hợp đồng kinh tế mới kiểm soát đẩy nhanh tiến độ thi công các công trình đang thực hiện. Hợp đồng gói thầu số 1 EPC nhà máy sản xuất Amon Nitrat vừa được đơn vị ký với chủ đầu tư. Lilama 18 với việc hoàn thành trạm phát điện khí thải xi măng Hòn Chông và Lisemco với việc hạ thủy thành công con tàu số 8 trong 10 con tàu xuất đi CHLB Đức.

Tại các Công ty thành viên, nhiều HĐ mới vẫn được ký kết

     Còn tại Tổng công ty, là cơ quan điều hành mọi hoạt động của Lilama nên việc bộ máy quản lý khỏe hay không ảnh hưởng rất lớn đến kết quả sản xuất kinh doanh. Hai lần “tái cơ cấu” và kết quả chưa được như mong muốn, cái tốt chưa có đất phát sáng, cái bất cập chưa được gọi tên, lòng người chưa an. Mặc dù vậy công tác thi công trên tất cả các công trình thông qua các ban dự án vẫn trong tầm kiểm soát. Tuy nhiên Lilama cũng gặp không ít khó khăn, nhiều công trình đã hoàn thành, bàn giao cho chủ đầu tư quản lý và vận hành thương mại đến vài năm nay mà quyết toán vẫn đang trong quá trình. Có thể kể ra đây một vài tiêu biểu: Dự án xi măng Sông Thao với tổng giá trị hợp đồng 1.243 tỷ đồng; dự án DA 239/05 Bộ Công an 131 tỷ đồng; Bảo tàng Hà Nội 147 tỷ đồng; dự án tăng cường giao thông Hà Nội 147,2 tỷ đồng; Hangar A75 19,2 triệu USD; xi măng Thăng Long, trạm nghiền Hiệp Phước…

     Khó khăn là vậy nhưng tại các công trình lớn, người lao động với bề dày lịch sử truyền thống trên vai họ chưa quay lưng lại với chính mình. Lương tháng có thể chưa nhiều và còn chậm nhưng công việc vẫn luôn được hoàn thành. Tại công trình nhiệt điện Vũng Áng 1, nhiều hạng mục đã hoàn thành 100% như thiết kế xây dựng, cơ điện; các gói thầu cung cấp thiết bị chính đã hoàn thành, thiết bị phục vụ cho công tác lắp đặt đã được chuyển đến chân công trình. Thủy điện Hủa Na: các hợp đồng cung cấp thiết bị đã được hoàn tất; 100% thiết kế kỹ thuật giai đoạn 1, 2, thiết kế chi tiết thiết bị thủy công và 90% thiết kế cơ điện đã được phê duyệt… Phần việc ban đầu được giao tại thủy điện Lai Châu đã hoàn thành, nhiệt điện Mông Dương 2 đã triển khai lắp đặt 269 tấn kết cấu thép nhà tuabin và đang triển khai chế tạo thiết bị, kết cấu thép cho dự án tuyển quặng Núi Pháo (Thái Nguyên). Bên cạnh các công trình đã bàn giao, đang thực hiện, là những dự án đang xúc tiến chào giá đấu thầu với niềm tin “thắng thầu”, cùng hàng chục dự án đang trong quá trình thương thảo và ký kết hợp đồng.

     Thay cho lời kết

     Hoạt động 6 tháng đầu năm đã bộ lộ những cái được và chưa được về mọi mặt, Lilama đã chỉ đạo các ban dự án trên các công trình đẩy nhanh công tác thi công đảm bảo an toàn, chất lượng và tiến độ. Công tác thu hồi vốn còn yếu, cần có những biện pháp quyết đoán, mạnh dạn giao cho các cán bộ trẻ có năng lực thực hiện. Đẩy mạnh công tác đấu thầu, tiếp thị. Lilama đang có quá nhiều cán bộ nhưng lại thiếu người làm nên công tác này còn nhiều hạn chế.

     Không khó khăn nào không thể vượt qua, nhưng điều kiện cần cho nó cũng là sinh tử mà người chèo lái, cầm cân nảy mực cần sớm nhìn ra. Một doanh nghiệp chỉ có thể đứng vững và phát triển được trong điều kiện hiện nay khi mọi người được đối xử công bằng; quyền lợi của người lao động có người bảo vệ; người tốt được vinh danh, kẻ xấu được gọi tên; một ban lãnh đạo sáng suốt, có bản lĩnh và tầm nhìn. Tựu đủ các yếu tố trên doanh nghiệp sẽ thách thức khó khăn và phát triển bền vững. Chúng ta sẽ lại thấy một Lilama “khỏe mạnh” như đã từng trong mắt bạn bè và đối tác.

Vân Anh - Báo Xây dựng