Doanh nghiệp đầu tiên Bộ Xây dựng phê duyệt đề án tái cấu trúc

17/01/2013 17:23

Bộ trưởng Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định số 26/QĐ-BXD ngày 9/1/2013 phê duyệt Đề án “Tái cấu trúc và nâng cao năng lực quản trị của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam giai đoạn 2012-2015, định hướng đến năm 2020”.

    

     Quyết định nhằm đảm bảo mục tiêu Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) có cơ cấu hợp lý, tập trung vào các lĩnh vực tổng thầu EPC, gia công, chế tạo cơ khí, chế tạo thiết bị, tư vấn xây dựng cho thị trường trong nước và xuất khẩu, tiến tới nhận thầu các công trình thi công xây lắp ở nước ngoài; nâng cao sức cạnh tranh, bảo đảm hiệu quả sản xuất kinh doanh; thu hút và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao; đổi mới phương thức quản trị doanh nghiệp và quy chế quản lý. Các ngành, nghề kinh doanh chính của LILAMA gồm: Ngành tổng thầu EPC  bao gồm tư vấn, mua sắm thiết bị, xây dựng và lắp đặt các công trình xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông thủy lợi, bưu điện, hạ tầng kỹ thuật đô thị và khu công nghiệp, các công trình đường dây trạm biến thế điện); Ngành Cơ khí, chế tạo; Ngành Tư vấn (bao gồm tư vấn thiết kế, giám sát và quản lý dự án). Ngành nghề kinh doanh liên quan là xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị và các ngành, nghề kinh doanh khác được Bộ Xây dựng chấp thuận.

     Cũng theo quyết định 67, việc cổ phần hóa LILAMA sẽ được thực hiện chậm nhất trước năm 2016, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các đơn vị nằm trong cơ cấu Công ty mẹ giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động. Đến năm 2015, LILAMA sẽ thực hiện lộ trình thoái vốn tại 15 doanh nghiệp khác gồm:   Công ty cổ phần Tôn mạ màu Việt Pháp, Công ty cổ phần LILAMA Hà Nội, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Vàng, Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ông, Công ty cổ phần Xi măng Sông Thao, Công ty cổ phần Xi măng Đô Lương,  Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na, Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long, Công ty cổ phần LILAMA Land, Công ty cổ phần Cơ điện Môi trường LILAMA, Công ty cổ phần Bảo hiểm Hàng Không, Công ty cổ phần Cảng và vận tải LILAMA, Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế xây dựng và Công nghệ LILAMA, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn - Hà Nội (SHB), Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí.

     Theo quyết định 26, việc phân loại, sắp xếp các doanh nghiệp hiện có trực thuộc LILAMA được tiến hành như sau: Cổ phần hóa Công ty mẹ chậm nhất trước năm 2016, trong đó Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối. Các đơn vị giữ nguyên tổ chức, cơ chế hoạt động và nằm trong cơ cấu Công ty mẹ, gồm: Văn phòng cơ quan Tổng công ty, Phòng tổ chức nhân sự, Phòng kinh tế kỹ thuật, Phòng kế hoạch đầu tư, Phòng quản lý cơ giới, Phòng Tài chính kế toán, Phòng Pháp chế - thẩm định, Viện Công nghệ Hàn; Một số Ban quản lý dự án, Ban điều hành, văn phòng đại diện và Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1.

     Các doanh nghiệp LILAMA nắm giữ trên 75% vốn điều lệ gồm: Công ty cổ phần LISEMCO, Công ty cổ phần LILAMA 10, Công ty cổ phần LILAMA 69-1, Công ty cổ phần LILAMA 69-2, Công ty cổ phần LILAMA 69-3, Công ty cổ phần LILAMA 18, Công ty cổ phần LILAMA 45-1, Công ty cổ phần Tư vấn quốc tế LHT.

      Các doanh nghiệp LILAMA nắm giữ từ 36% vốn điều lệ trở lên, gồm: Công ty cổ phần LILAMA 3, Công ty cổ phần LILAMA 5, Công ty cổ phần LILAMA 7, Công ty cổ phần LILAMA 45-3, Công ty cổ phần LILAMA 45-4, Công ty cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA, Công ty cổ phần LILAMA - Thí nghiệm cơ điện, Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị LILAMA, Công ty TNHH Tư vấn Thiết kế CIMAS.
Quá trình tái cấu trúc quản trị doanh nghiệp, LILAMA tập trung vào các nội dung như: Xây dựng, hoàn thiện Điều lệ Tổ chức và hoạt động; rà soát, sửa đổi, bổ sung hệ thống nội quy, quy chế, quy định quản lý nội bộ; Hoàn thiện Chiến lược phát triển giai đoạn 2012- 2015, tầm nhìn đến 2020; trong đó tập trung đầu tư phát triển chiều sâu, nâng cao năng lực thi công, máy móc thiết bị, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; Sắp xếp, kiện toàn mô hình tổ chức, bộ máy quản lý, điều hành theo hướng tinh gọn, chuyên môn hóa; Áp dụng các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp theo thông lệ quản trị doanh nghiệp quốc tế; tăng cường công tác kiểm soát nội bộ; Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ và thực hiện các giải pháp tăng năng lực sản xuất, năng suất lao động, tiết kiệm chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh...

     Đến nay, LILAMA là DN nhà nước đầu tiên được Bộ Xây dựng phê duyệt đề án tái cơ cấu sau khi rời khỏi tập đoàn.

Vân Anh