Ngành cơ khí: Tìm lối đi hẹp trong TPP

06/01/2016 08:42

Các doanh nghiệp (DN) cơ khí Việt Nam sẽ gặp thách thức không nhỏ trong việc cạnh tranh với các đối tác nước ngoài, khi Việt Nam gia nhập các tổ chức thương mại tự do, đặc biệt tới đây là Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Tuy nhiên, thách thức bao giờ cũng đến cùng cơ hội, liệu các DN cơ khí Việt trong bối cảnh khó khăn này có nắm bắt được hay không?

Công thức “Trung Quốc cộng một”!

     Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hiệp hội DN cơ khí Việt Nam cho rằng, khi gia nhập TPP, các DN cơ khí Việt Nam sẽ có nhiều điểm yếu hơn các DN nước ngoài. Hiện đa phần các DN cơ khí Việt Nam vẫn là DN nhỏ, vốn ít, sẽ không thể nào “đấu” lại được với các DN nước ngoài trong cuộc chơi này. Đó là cái khó đầu tiên. Cái khó thứ hai là khi gia nhập TPP, các đối tác trong TPP đều là những nước có nền kinh tế phát triển, do đó chuẩn mực sản phẩm cũng cao hơn. Họ đưa ra những yêu cầu rất khắt khe về chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, con người, thời gian, tiến độ giao hàng… mà đa phần các DN cơ khí Việt Nam quen với lối tư duy làm việc cũ sẽ khó có thể đáp ứng được.

     Ông Lê Văn Tuấn – Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) chia sẻ: thực tế nhiều năm trước, các DN lớn trên thế giới đã đến đặt hàng DN Việt Nam theo kiểu phương án “Trung Quốc cộng một”. Nghĩa là phương án dự phòng nếu thị trường Trung Quốc có biến động sẽ chuyển sang nước thứ hai để sản xuất. Nhưng, rất đáng tiếc rằng các DN Việt Nam không “bắt” được cơ hội này. Và cho đến nay, khi thị trường Trung Quốc có vấn đề thì sự dịch chuyển sang Việt Nam cũng không nhiều. Thay vì đó, họ dịch chuyển sang Indonesia, Thái Lan và nổi lên nữa là Ấn Độ. Hiện rất nhiều tên tuổi lớn về chế tạo đã mở chi nhánh tại Ấn Độ như Alstom, Doosan… Khu vực Châu Á đang chứng kiến dần sự dịch chuyển này, và có thể thấy Việt Nam đang dần dần mất đi cơ hội đó.

Không làm tốt sẽ bị đói

     Ông Nguyễn Văn Thụ cho biết, đến thời điểm này, mặc dù đơn đặt hàng cho ngành chế tạo không thiếu, nhưng các DN kể cả nhà nước, hay cổ phần, tư nhân, nếu không biết cách tổ chức lại sản xuất vẫn sẽ bị thua.
Vậy câu hỏi đặt ra là: làm thế nào để tổ chức lại sản xuất? Ông Lê Văn Tuấn cho rằng, trước tiên chúng ta phải thay đổi ngay hệ thống quản trị. Cần quán triệt một tư tưởng chủ đạo đến tận người lao động rằng, nếu không làm tốt sẽ không có việc, sẽ bị đói. Chỉ khi người lao động hiểu được gốc rễ vấn đề thì họ mới làm tốt lên được.


     “Chúng ta không thể đổ lỗi mãi cho cơ chế được. Bởi ngành cơ khí hiện tại, thị trường vẫn rộng “mênh mông” với việc tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Máy móc và nguyên liệu không có thì đi thuê, đi mua, mấu chốt vấn đề vẫn là con người. Thị trường, đơn hàng không thiếu, vấn đề là do mình tiếp cận” – ông Tuấn nhấn mạnh.

     Và con đường tiếp cận với đối tác nước ngoài để có thể “chen chân” vào chuỗi cung ứng toàn cầu không hề đơn giản!  Ông Lê Văn Tuấn đưa ra ví dụ, gần 2 năm nay, Lilama đã và đang tiến hành làm việc với GE (General Electric) với mong muốn trở thành đối tác lâu dài. Và quãng đường gần 2 năm đó vẫn tiếp tục là quá trình đánh giá và khảo sát, đồng thời là quá trình DN cơ khí Việt chứng minh năng lực của mình. Nói như vậy để thấy, không thể ngày một ngày hai mà trở thành bạn hàng được.

     Chia sẻ thêm, ông Nguyễn Khắc Thành – Phó giám đốc Công ty Cổ phần Lilama 18 – một đơn vị trong Tổng công ty Lắp máy Lilama đang nổi lên như một địa chỉ uy tín về xuất khẩu các thiết bị chế tạo cho đối tác nước ngoài chia sẻ: Ước tính sơ bộ năm 2015, Lilama 18 xuất khẩu thiết bị đạt khoảng 17 triệu USD. Con số này năm 2014 là 15 triệu USD. Doanh thu xuất khẩu chiếm khoảng 25% tổng doanh thu của Lilama 18.


     Nhưng Lilama 18 không phải có được những thành công như vậy ngay từ bước đầu. Ông Thành cho biết, họ cũng đã phải trải qua rất nhiều những “thử thách” và những đòi hỏi khắt khe từ phía đối tác. Bắt đầu hợp tác từ năm 2009, hãng Kocks Ardelt Kranbau đã chọn Lilama 18 là đơn vị chế tạo kết cấu thép cẩu container duy nhất tại Việt Nam cho những dự án quan trọng của mình. Hai công ty đã hợp tác tốt đẹp trong nhiều dự án và xuất thành công nhiều cẩu container đến các nước Myanma, Nga, Canada. Riêng năm 2014, Lilama 18 đã ký hợp đồng chế tạo 10 cẩu, Bước sang năm 2015, tính đến thời điểm này hai bên đã ký kết hợp đồng chế tạo tiếp 09 cẩu và đang tiếp tục xem xét ký thêm nhiều hợp đồng trong thời gian tới.

     Ông Thành chia sẻ, để có được sự hợp tác lâu dài, yếu tố quan trọng đầu tiên vẫn là chất lượng. Thứ hai là đáp ứng được tiến độ. Ngày mới làm việc với các đối tác nước ngoài, trước những yêu cầu quá khắt khe của đối tác, nhiều lúc tưởng như họ cố tình “làm khó” mình. Nhưng dần dần qua đó, chính bản thân người lao động Việt Nam đã học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm cũng như phương thức quản trị của họ.

Nguyên liệu không có, DN tìm lối đi nào?

     Lâu nay, với ngành cơ khí, chúng ta vẫn kêu những điều “vĩ mô” như cơ chế, chính sách, vốn… trong khi có một thực tế khiến cho ngành cơ khí trong nước không thể cạnh tranh được với các nước lân cận đó chính là nguồn nguyên liệu. Ông Nguyễn Khắc Thành cho hay: tất cả các DN cơ khí Việt Nam cũng mới chỉ dừng lại ở việc gia công cho đối tác nước ngoài. Thế nhưng, nguyên liệu lại hầu như nhập khẩu 100%. Như vậy, giá thành đội lên rất nhiều, lại bị phụ thuộc vào thời gian. Các hãng lớn thuê Việt Nam gia công đều lấy Trung Quốc làm thước đo để so sánh và đưa ra mức giá để “ép” với Việt Nam. Trong khi thực tế Trung Quốc có rất nhiều lợi thế so với Việt Nam do giá nguyên liệu rẻ hơn (các DN chế tạo của VN hầu hết phải nhập nguyên liệu từ Trung Quốc). Như vậy, đây là cái khó cho các DN cơ khí Việt Nam khi chúng ta không có hẳn 1 ngành luyện kim để cung cấp nguyên liệu cho ngành cơ khí.

     Biết là vậy, nên cách mà các DN cơ khí Việt Nam muốn “sống còn” trong cuộc chơi TPP đó chính là làm tốt khâu quản trị, tham gia vào chuỗi chế tạo toàn cầu, chủ động tìm công việc cho mình và khi có việc rồi thì cố gắng làm cho tốt để giữ chữ tín và tăng đơn hàng, mở rộng thị trường. Đó là lối đi giúp các DN cơ khí tìm đường ra trong bối cảnh khó khăn hiện tại – ông Thụ phân tích.

Nguyễn Duyên, Duy Tình