Chi tiết Made in Việt Nam

29/06/2016 09:01

Ngành cơ khí đang đối mặt với rất nhiều khó khăn khi thị trường trong nước dần rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) ngoại. Do vậy, cùng với sự nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ của nhà nước để DN cơ khí vượt qua khó khăn lúc này là điều rất cần thiết. Các chuyên gia cho rằng, hỗ trợ DN cơ khí lúc này, thiết thực nhất là giảm thuế.

Chế tạo thiết bị tại Công ty CP Lilama 18

Doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường

     Theo ông Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc TCty Lắp máy Việt Nam (LILAMA), Việt Nam đã gia nhập tổ chức Thương mại thế giới, FTA, và mới đây là Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)… nên phải tuân thủ cam kết của các tổ chức này. Thậm chí, thị trường vốn của Chính phủ cũng không phải của Chính phủ nữa mà là vốn vay quốc tế như ADB, WB... nên việc đấu thầu công khai minh bạch là điều bắt buộc phải làm theo yêu cầu của các tổ chức tín dụng quốc tế. Thế nên, DN không thể trông chờ Chính phủ cho thị trường, mà phải tự nỗ lực tìm kiếm thị trường cho mình.

     Tuy nhiên, điều đáng nói là trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế sâu rộng nhưng nhiều DN cơ khí vẫn giữ lối làm việc cũ, chất lượng hàng không ổn định, thời gian giao hàng chậm, dẫn đến đơn hàng nước ngoài ngày càng mất đi, trong khi thị trường trong nước dần rơi vào tay DN ngoại. “Thua trên sân nhà” là cụm từ được nói đến nhiều nhất khi nói về các DN cơ khí trong thời gian gần đây.

     Câu chuyện tập đoàn General Elictric (GE) đi tìm đối tác đặt hàng tại Việt Nam là một ví dụ. GE có trụ sở tại Hải Phòng và họ muốn đặt hàng đúc phôi tại khu vực gần đó để thuận tiện cho việc vận chuyển. GE đã đi khảo sát tại một DN cơ khí ở Hải Dương. Tuy nhiên qua khảo sát thì DN này không đáp ứng được yêu cầu. Cuối cùng, dù rất muốn hợp tác để cho thuận tiện, hợp đồng cũng đã ký nhưng cuối cùng GE vẫn phải hủy. Họ buộc phải đặt hàng một DN khác tại Thái Nguyên với giá cả và chi phí vận chuyển cao hơn rất nhiều. Điều đáng nói, DN được GE ký hợp đồng đặt hàng là một DN của Hàn Quốc đóng tại Thái Nguyên chứ không phải là DN nội nào khác.

     Như vậy, vô hình trung, sự yếu kém của DN cơ khí trong nước đã đẩy đơn hàng vào tay DN ngoại, mà đa phần là Hàn Quốc, Đài Loan. Điều này có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân chính là do DN nội không đáp ứng được yêu cầu của đối tác. Có những DN ban đầu đáp ứng được nhưng chỉ là những đơn hàng ban đầu. Sau đó, chất lượng ngày càng đi xuống khiến đối tác mất niềm tin. Đó là chưa kể, DN nội nếu có ký được hợp đồng thì cũng khó có thể cạnh tranh được tiến độ giao hàng bởi Việt Nam không có nguồn nguyên liệu sắt thép cho cơ khí mà phải phụ thuộc phần lớn vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu từ Trung Quốc. Chưa kể thời gian giao hàng dài, nguy cơ chậm tiến độ cao thì nhiều DN cơ khí ngoại cũng không muốn đặt hàng sản phẩm có nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.

Chế tạo thiết bị bồn bể là một trong những thế mạnh của Lilama

Chi tiết ‘Made in Việt Nam’

     Theo Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 14.800 DN cơ khí. Tuy nhiên, chỉ có 12 DN có trên 5.000 lao động và 116 DN có trên 1.000 lao động. Nếu tính quy mô vốn trên 500 tỷ đồng, có khoảng gần 100 DN. Như vậy, số lượng không nhiều, mà quy mô lại rất khiêm tốn. Trong khi thị trường trong nước đang mất dần, DN phải tìm cách vươn ra thị trường thế giới bằng cách tham gia vào chuỗi liên kết toàn cầu của các tập đoàn lớn. Ông Lê Văn Tuấn cho rằng, với tiềm lực của ngành cơ khí như hiện nay, việc xây dựng một sản phẩm cơ khí ‘Made in Việt Nam’ là vô cùng khó. Thay vào đó, có thể xây dựng chi tiết ‘Made in Việt Nam’. Bởi khi tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, cả một sản phẩm máy móc có thể mang thương hiệu khác, nhưng một chi tiết máy trong đó vẫn có thể ‘Made in Việt Nam’. Câu chuyện của ngành ô tô Thái Lan là một ví dụ. Thực ra Thái Lan không có thương hiệu ô tô nào cả, nhưng rất nhiều chi tiết máy của xe Toyota Nhật Bản lắp ráp tại Việt Nam là của Thái Lan. “Chỉ cần chi tiết ‘Made in Việt Nam’ trong chuỗi liên kết toàn cầu đã là quý lắm rồi”, ông Tuấn khẳng định.

     Cùng với sự nỗ lực của DN thì sự hỗ trợ của Chính phủ để DN cơ khí vượt qua khó khăn lúc này là điều rất cần thiết. Và các DN cơ khí cho rằng, hỗ trợ DN cơ khí lúc này, thiết thực nhất là giảm thuế. Thực tế cho thấy, DN cơ khí hầu hết đặt ở vùng sâu vùng xa, điều kiện đi lại khó khăn. Các công trình cũng thường ở những nơi có điều kiện sống khắc nghiệt, thu hút lao động không hề đơn giản. Trong khi đó, họ đang chịu cùng một mức thuế với những DN đóng ở các vùng trung tâm như Hà Nội, Hải Phòng, TP HCM... vốn có điều kiện thuận lợi và thu hút lao động dễ dàng. Do đó, để khuyến khích và tạo sự công bằng cho DN, thiết nghĩ, cùng với việc giảm thuế thì nên phân chia ra thành các mức thuế khác nhau. Chẳng hạn, DN ở Hà Nội đóng thuế 10% thì DN ở Lai Châu chỉ đóng 5%. Ngay giữa nội thành và ngoại thành cũng nên có mức thuế khác nhau để khuyến khích đầu tư đến các vùng xa xôi. Các DN cơ khí đều cho rằng, mức thuế 22% như hiện nay là quá cao. Với thuế xuất khẩu, nên để mức 0% để khuyến khích DN xuất khẩu, thu ngoại tệ, tạo công ăn việc làm và quảng bá thương hiệu Việt Nam ra thế giới.

     Nhưng đó là chuyện trước mắt, còn về lâu dài, DN cơ khí cần phải chủ động chuyển đổi dần từ lắp đặt sang chế tạo, xây dựng tài chính ổn định với nhà máy tốt, hệ thống quản trị tốt để có thể chuyển đổi ngành nghề khi cần thiết.

Vân Anh, ảnh: Mai Phương