Phát triển cơ khí xứng tầm - Kỳ II: Thay đổi để phát triển

03/08/2016 09:19

Trong bối cảnh, các doanh nghiệp cơ khí vẫn đang loay hoay “đường đi nước bước”, việc định hướng đầu ra sản phẩm rất quan trọng. Nó quyết định sự bứt phá, tạo giá trị thặng dư, cũng như tăng cường tiềm lực cho DN, nhưng cũng đòi hỏi sự mạnh dạn thay đổi cách nghĩ, cách làm.

Cần những cách nhìn mới

     Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho rằng, không phải Nhà nước không quan tâm đầu tư cho cơ khí, đã phát hành trái phiếu để phát triển ngành đóng tàu trước đây, tuy nhiên do cách thức đầu tư phân tán, dàn trải dẫn đến thiếu hiệu quả. Tư tưởng nhiều DN cơ khí hiện nay là hướng nội theo kiểu chỉ “chăm chăm” chờ đợi vào những chính sách ưu đãi của Nhà nước mà quên đi việc hướng ngoại nhằm nâng cao sức cạnh tranh, không bứt phá được. Hơn nữa, nhiều DN vẫn chưa thoát khỏi “chiếc áo không chuyên”, chất lượng các đơn hàng không đồng đều, dẫn đến nhiều bạn hàng “một đi không trở lại”. Đây là vấn đề tư tưởng trong phát triển DN. Ngay kể cả trong Lilama, có đến hàng chục nhà máy chế tạo, xưởng cơ khí, dẫn đến phân tán và chưa hiệu quả, lẽ ra nếu được ưu đãi như vậy thì phải tận dụng bứt phá. Bên cạnh đó, thủ tục cho phá sản các đơn vị cũng khá phức tạp, ảnh hưởng đến quá trình tái cơ cấu của DN, trong khi đó tái cơ cấu chính là một cách tăng cường khả năng tài chính, quản trị, giúp các DN, đặc biệt là DN cơ khí duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.

     Có một thực tế hiện nay rất lãng phí khi nhiều DN cơ khí để trống nhà xưởng, máy móc, thiết bị, trong khi nhiều DN cơ khí khác lại không có điều kiện, khả năng để “sở hữu” những nguồn lực này. Lý do chủ yếu là hệ quả của hàng loạt chính sách sai lầm, đầu tư tràn lan ngoài ngành từ nhiều năm trước hoặc khả năng tiếp cận thị trường của các DN này không như mong đợi, rủi ro cao. Đồng thời, chưa có bước chuẩn bị tốt các nguồn lực đi kèm, dẫn đến tính cạnh tranh thấp, đơn hàng “èo uột”… Trong khi đó, nếu những thiết bị này nằm trong tay các đơn vị khác, có đầu ra ổn định sẽ phát huy hiệu quả hơn nhiều. Một bên có nguồn đầu ra, nhưng không đủ nguồn lực tài chính, thiết bị để bảo đảm nguồn hàng và một bên có thiết bị, nhưng không thể đưa vào sử dụng trong tương lai gần cần một câu trả lời thỏa đáng, Đặc biệt trong điều kiện nguồn lực nhà nước còn hạn chế, việc để những nguồn lực này “nằm phơi mưa nắng” thì quá lãng phí. Hiện nay, các chính sách điều chuyển nguồn lực giữa các đơn vị sử dụng nguồn vốn Nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Mục tiêu là tối đa hóa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực vốn đã hạn hẹp của DN, do vậy đã đến lúc cần mạnh dạn ban hành các chính sách sắp xếp, chuyển giao các nguồn lực để phát huy hiệu quả cao nhất. Theo Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, nếu Nhà nước có chính sách chuyển giao các thiết bị, dây chuyền, nhà xưởng theo hướng bổ sung như vốn chủ sở hữu, chắc chắn sẽ DN sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả hơn vì “có nghề” và bảo đảm được đầu ra. Tuy nhiên, các chính sách cũng cần minh bạch, rõ ràng trong khâu tài chính, công nợ, giá trị thiết bị, nhà xưởng… để các DN tiếp nhận lên kế hoạch sản xuất kinh doanh hợp lý. 

     Một trong những mảng đang được nhiều DN cơ khí tập trung hơn trong thời gian qua là thiết kế. Đây có thể nói là khâu các DN nước ta còn yếu, nhưng lại là khâu mang lại nhiều giá trị nhất so với phần mua sắm và lắp đặt. Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Vinashin Dung Quất, nguyên Tổng giám đốc Công ty CP chế tạo giàn khoan dầu khí (PVShipyard) Phan Tử Giang nhận xét, trước đây nhiều DN cơ khí trong nước thường tập trung lớn vào phần sản xuất mà ít để tâm đến phần thiết kế. Ngay từ khi thành lập năm 2007, công ty đã chú trọng đến khâu thiết kế và nắm bắt công nghệ vì nếu chủ động được phần thiết kế sẽ tối ưu hóa được phần gia công. Thiết kế và gia công phải là một nhóm thì mới đủ lợi nhuận, tích lũy để phát triển, nếu không tất cả chi phí sẽ đổ hết vào phần mua sắm, thiết kế, còn lợi nhuận từ phần gia công là rất thấp. Đơn cử tại công ty Samsung (Hàn Quốc), trước đây phần thiết kế tách biệt, có thể tại Hàn Quốc hoặc các nước khác, còn phần gia công, chế tạo chuyển hướng sang các nước có nguồn nhân công rẻ hơn. Tuy nhiên, đến nay, họ cũng phải chuyển phần thiết kế sang các nước này để đồng bộ hóa, tối ưu hóa hiệu quả công việc. Chẳng hạn như thiết kế máy điện thoại di động không thể áp dụng thiết kế của người Hàn Quốc cho người Việt Nam hay người Trung Quốc. Về phía PVShipyard, hiện nay, ngoại trừ các thiết kế công nghệ lớn, có bản quyền, hầu hết các thiết kế chi tiết, phụ trên Giàn khoan tự nâng Tam Đảo 5 đều do cán bộ, kỹ sư PVShipyard đảm nhận, đồng thời từng bước giảm sự phụ thuộc vào các chuyên gia nước ngoài so với chế tạo giàn khoan Tam Đảo 3 trước đây. “Nếu có nguồn việc ổn định và một lộ trình thích hợp, các DN cũng nên phát triển sâu hơn nữa từ phần thiết kế đến gia công”, anh Giang nhận định.

Bám vào những lợi thế trong nước để phát triển

     Đây là câu chuyện nhiều DN cơ khí bỏ quên hoặc do mãi chạy theo những thứ “to tát” mà “ngó lơ” những “miếng sát sườn”. Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ phân tích, với lợi thế bờ biển trải dài, sông ngòi chằng chịt đáng nhẽ chúng ta phải có một ngành kinh tế mạnh về biển, thủy hải sản và ngành công nghiệp không thể thiếu là đóng tàu. Trước đây, Nhà nước đã tập trung cho lĩnh vực này, tuy nhiên do cách thức đầu tư sai lầm, dàn trải, dẫn đến chưa hình thành được ngành công nghiệp đóng tàu, các DN đã phá sản, thoi thóp hoặc chết yểu. Do vậy, nếu không đầu tư cơ khí đóng tàu thì quá lãng phí. Có thể nguyên liệu sắt thép và những máy chính có thể đi mua, nhưng thiết kế, tổ hợp thành con tàu phải làm chủ được. Và khi đào tạo được lực lượng thiết kế, hình thành thị trường đóng tàu, chúng ta có thể chủ động đặt các chi tiết, hệ thống, thiết bị khắp nơi trên thế giới. Tuy nhiên để làm được điều này đòi hỏi tính chuyên môn hóa, phân công công việc và tính chuyên nghiệp rất cao. Cũng tương tự như vậy là ngành nông nghiệp. Dư địa phát triển cơ khí cho nông nghiệp còn rất lớn, chứ đừng nghĩ nông nghiệp chỉ là cây lúa, cây cà phê, cây hồ tiêu… mà còn cả hệ thống chăm sóc nông nghiệp, công nghệ chế biến sau thu hoạch… Nông nghiệp chiếm 70% cơ cấu kinh tế, do vậy, nếu không chủ động được phát triển cơ khí cho nông nghiệp, coi như “vứt luôn”. Hiện nay, các máy móc phục vụ nông nghiệp hầu hết là hàng ngoại nhập, trong khi các DN cơ khí trong nước hoàn toàn có thể sản xuất những loại máy móc này.

     Đứng trên góc độ DN, Tổng giám đốc Công ty đóng tàu Vinashin Dung Quất Phan Tử Giang nhận định, cách đầu tư là từng bước hình thành thị trường đóng tàu để từ đấy các DN trong nước hay nước ngoài sẽ tự động tập trung vào ngành này. Rộng hơn cơ khí muốn phát triển phải dựa trên những lợi thế sẵn có và Nhà nước nên tập trung cho khu vực này, còn các ngành cơ khí khác nên mở rộng cho tư nhân hóa, nước ngoài. Chẳng hạn như ngành đóng tàu, không nên chỉ chú trọng phát triển đội tàu cá đánh bắt xa bờ, mà còn phải tập trung phát triển các tàu lớn hậu cần nghề cá. Điều này sẽ giúp tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả và giảm thiểu rủi ro. Có thể quy định rõ bao nhiêu tàu cá phải có một tàu hậu cần. Hay đối với lĩnh vực nông nghiệp, Nhà nước cần có những chính sách mở để thu hút nguồn lực xã hội hóa. Việt Nam không thiếu những ý tưởng sáng tạo của người nông dân trong lĩnh vực nông nghiệp và đây cũng là câu chuyện rất thành công tại các quốc gia trên thế giới như I-xra-en, Nhật Bản... “Chỉ có điều, chưa có những chính sách để phát huy những “khả năng tiềm ẩn” này mà thôi”, anh Giang nhận định.

     Một trong những lợi thế nữa của Việt Nam là giá nhân công rẻ, dân số trong độ tuổi lao động lớn. Đây là một trong những yếu tố quan trọng “hút” các đơn hàng của các nước trên thế giới. Đối với các DN cơ khí, các đơn hàng xuất khẩu cơ khí đến và đi rất nhiều vì nhiều lý do chủ quan và khách quan. Đồng thời cũng là phân khúc đem lại nhiều lợi ích từ lợi nhuận, trình độ tay nghề, đến tính chuyên nghiệp, quản trị DN…, nhưng để được đối tác nước ngoài chấp nhận, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu là cả một quá trình phấn đấu liên tục của DN nội. Phó Tổng giám đốc Công ty CP Lilama 18 Phạm Văn Vân cho biết, Lilama 18 hiện chiếm khoảng 20% xuất khẩu thiết bị cơ khí của các nhà máy trong nước với giá trị khoảng 400 tỷ đồng/năm. Công ty đã chế tạo thiết bị cẩu trục cho hãng Koch (Cộng hòa liên bang Đức), thiết bị lò cán thép nguội cho đối tác Đa-ni-e-li (I-ta-li-a)… Đây đều là các DN nổi tiếng trên thế giới trong các lĩnh vực này. Để được các đối tác này chấp nhận, Lilama 18 đã phải trải qua một quá trình “lột xác” từ tất cả các khâu từ sản xuất đến chăm lo đời sống người lao động dưới dự giám sát của các bạn hàng. Mặc dù lợi nhuận từ xuất khẩu cao hơn so với gia công trong nước, nhưng vẫn còn thua xa các DN cơ khí nước ngoài vì Lilama 18 mới chỉ được đối tác trả công theo tấn nguyên liệu (khoảng 2 – 4 USD/kg), trong khi DN khác được tính công trên tấn thiết bị, tức là có hàm lượng chất xám trong đó và giá sẽ khoảng từ 10 USD/kg trở lên.

Cơ khí ứng phó biến đổi khí hậu
Chúng ta hiện nay vẫn còn lúng túng trước những biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Nhiều nước trên thế giới đã có sẵn các kịch bản ứng phó, trong đó có thể xây các đập ngăn nước biển, triều cường. Những kinh nghiệm tích lũy qua nhiều công trình lớn, như: Thủy điện Sơn La, Lai Châu...  về xây đập, chế tạo những cánh van, cánh phay cho các đập ngăn nước nếu được áp dụng vào xây dựng đê biển chắc chắn sẽ thành công và các DN xây dựng và cơ khí trong nước hoàn toàn đảm nhiệm được.

Nguyễn Văn Thụ
Chủ tịch VAMI

Xuân Thủy - Duy Tình