Khánh thành nhà máy thủy điện Lai Châu

20/12/2016 13:09

Ngày 20/12, tại huyện Nậm Nhùn tỉnh Lai Châu đã diễn ra Lễ khánh thành Công trình thủy điện Lai Châu. Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà cùng lãnh đạo các Bộ ngành, lãnh đạo và đông đảo bà con các dân tộc hai tỉnh tỉnh Lai Châu và Điện Biên tham dự buổi lễ.

     Phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng  đánh giá cao và biểu dương nỗ lực của hàng vạn cán bộ, kỹ sư, công nhân, người lao động của các đơn vị thi công, cung cấp thiết bị  và các đơn vị tư vấn (Tổng Công ty Sông Đà, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Tổng công ty Xây dựng và Phát triển hạ tầng và Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn,….) đã tập trung hoàn thành công trình vượt tiến độ. Đây là tập hợp những nhà thầu hàng đầu Việt Nam, đã tạo được niềm tin trong xây dựng các công trình lớn, phức tạp, kỹ thuật hiện đại, khẳng định sự lớn mạnh của ngành xây dựng Việt Nam.


     Phó Thủ tướng  ghi nhận và đánh giá cao Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có tiến bộ vượt bậc trong công tác quản lý và thiết kế, đưa những công nghệ tiên tiến xây dựng công trình thuỷ điện của thế giới ứng dụng trong công trình thủy điện Lai Châu. Ban Chỉ đạo Nhà nước dự án thuỷ điện Sơn La - Lai Châu đã chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và đề xuất các giải pháp hợp lý, hiệu quả đối với các cơ quan có thẩm quyền, góp phần hoàn thành công trình vượt tiến độ.

     Ủy ban Khoa học Công nghệ và Môi trườngcủa Quốc hội, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng và các Bộ ngành liên quan đã quan tâm đặc biệt, kiểm tra, giám sát chặt chẽ; các đối tác, các ngân hàng trong và ngoài nước đã tạo điều kiện tốt nhất cho việc chuẩn bị và thực hiện đầu tư dự án...

     Theo thiết kế, nhà máy thủy điện Lai Châu lắp đặt 37 nghìn tấn thiết bị, trong đó, riêng LILAMA 10 đã lắp 35 nghìn tấn. Lúc cao điểm, có khoảng 1.200 lao động, trong đó hơn 100 cán bộ, kỹ sư LILAMA 10 có mặt trên công trường. Mặt bằng thi công chật hẹp, địa hình núi cao hiểm trở, có lúc thiết kế chậm, nhưng do tổ chức thi công tốt, LILAMA 10 vẫn đảm bảo và vượt tiến độ đề ra.


     Đạt được kết quả đó, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật đã được LILAMA 10 triển khai như: Cải tiến phương án lắp đặt gối xoay van cung so với thủy điện Sơn La. Sáng kiến này tiết kiệm cho chủ đầu tư trên 10 tỷ đồng, rút ngắn tiến độ thi công chung tại mục đập tràn xả mặt được 3 tháng, đảm bảo tiến độ đóng cống dẫn dòng, tích nước hồ chứa vào ngày 20/6/2015. Hay như sáng kiến lắp đặt gối xoay van cung xả sâu, nghiên cứu và phát hiện được sai sót về mặt thiết kế vận hành, yêu cầu thiết kế sửa đổi phương án, đáp ứng yêu cầu lắp đặt gioăng biên của van cung xả sâu kịp thời đảm bảo mục tiêu tích nước...

     Thủy điện Lai Châu  là công trình quốc gia đặc biệt quan trọng, đa mục tiêu, được xây dựng tại bậc thang trên cùng của dòng chính Sông Đà với tổng công suất 1200 MW. Đây là công trình thủy điện lớn thứ ba của cả nước nằm trên dòng sông Đà, được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư và Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 819/QĐ- TTg ngày 07/6/2010. Hàng năm, nhà máy thuỷ điện Lai Châu sẽ sản xuất lượng điện năng khoảng 4,67 tỷ kWh(năm 2017 sản xuất khoảng 4,2 tỷ kWh, chiếm 2,1% lượng điện cả nước), cung cấp trực tiếp điệncho hệ thống điện quốc gia, góp phần đáp ứng điện năng cho quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.

     Với sự kiện hoàn thành thủy điện Lai Châu hôm nay, cơ bản chúng ta đã khai thác được tiềm năng thủy điện trên sông Đà với tổng công suất các nhà máy thủy điện lên đến 6.500 MW và tổng sản lượng điện khoảng 25 tỷ kWh, chiếm gần 1/3 sản lượng thủy điện toàn quốc đến năm 2020.

     Cùng với các nhà máy thủy điện khác trên sông Đà, thủy điện Lai Châu sẽ góp phần quan trọng vào việc hạn chế các tác động của biến đổi khí hậu, điều tiết lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng các tỉnh Lai Châu, tỉnh Điện Biên và cả khu vực Tây Bắc của Tổ quốc. Việc hoàn thành đưa công trình vào hoạt động sẽ tạo ra nhiều công ăn việc làm, đóng góp thêm vào ngân sách hàng năm của địa phương, góp phần phát triển và thay đổi cơ cấu kinh tế tỉnh Lai Châu và Điện Biên.

     Trong quá trình thực hiện dự án, bằng trí tuệ, năng lực và trách nhiệm của mình, các đơn vị và hàng vạn người lao động trên công trường đã kề vai sát cánh, vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành công trình trước tiến độ, đảm bảo chất lượng, an toàn và vệ sinh môi trường, được Hội đồng nghiệm thu nhà nước đánh giá là công trình chất lượng cao.

     Quá trình thực hiện đầu tư xây dựng với các mốc thời gian quan trọng đã ghi dấu sự sáng tạo, thành quả lao động xuất sắc cũng như sự trưởng thành vượt bậc của ngành năng lượng và xây dựng Việt Nam. Đặc biệt, các cấp chính quyền và đồng bào các dân tộc hai tỉnh Lai Châu và Điện Biên, nhất là đồng bào các dân tộc trong vùng dự án đã hết sức tích cực phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện; nhiều hộ dân đã sẵn sàng hi sinh cả lợi ích của mình để có thể hoàn thành công trình quan trọng này.

     Việc hoàn thành công trình sớm hơn tiến độ 01 năm đã mang lại nguồn lợi to lớn về kinh tế (theo tính toán mang lại khoảng hơn 5000 tỷ đồng doanh thu/năm), góp phần vào việc vận hành an toàn, ổn định hệ thống điện Quốc gia.

     Bên cạnh đó, hồ chứa thủy điện Lai Châu đưa vào sử dụng năm 2015 đã góp phần cải thiện việc cấp nước tưới cho đồng bằng Bắc Bộ và tăng thời gian hoạt động hữu ích cho các nhà máy thủy điện Sơn La, Hòa Bình.

     Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam tiếp tục tập trung đầu tư phát triển nguồn và hệ thống lưới điện, chú trọng nguồn vốn đầu tư ngoài nhà nước nhằm đảm bảo cơ cấu điện năng hợp lý, đáp ứng đầy đủ, ổn định nhu cầu điện năngphục vụ phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tái cơ cấu, nâng cao trình độ công nghệ và quản lý, làm tốt nhiệm vụ an sinh xã hội, ổn định đời sống nhân dân khu vực dự án, góp phần giữ vững an ninh, quốc phòng.

     Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Công ty thủy điện Sơn La tổ chức vận hành Công trình thủy điện Lai Châu an toàn, khoa học, đạt hiệu quả cao nhất. Đặc biệt, trong quá trình vận hành nhà máy, cần tuân thủ tuyệt đối các quy trình vận hành liên hồ chứa để phát huy hiệu quả điều tiết lũ, đảm bảo nước tưới cho nông nghiệp, điều tiết nước hợp lý cho vùng hạ du.

     Các cấp chính quyền tỉnh Lai Châu và Điện Biên phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thường xuyên chăm lo, không ngừng cải thiện, nâng cao đời sống đồng bào các dân tộc vùng dự án. Các nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên là phải chú trọng sinh kế lâu dài, bền vững, đủ đất sản xuất, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, chăm lo giáo dục, đào tạo, từng bước đáp ứng toàn diện nhu cầu vật chất và tinh thần của người dân.

     Công trình thủy điện Lai Châu là công trình thủy điện lớn thứ ba được xây dựng trên sông Đà và gắn liền với thủy điện Sơn La, thủy điện Hòa Bình. Đây là công trình xây dựng cấp đặc biệt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Dự án đầu tư tại Quyết định số 819/QĐ-TTg ngày 7/6/2010; Thiết kế kỹ thuật đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định số 6022/QĐ-BCT ngày 21/11/2011.

     Các nhiệm vụ chính  của dự án là: Cung cấp điện cho Hệ thống điện quốc gia và cùng với các nhà máy thuỷ điện Sơn La, Hòa Bình ở hạ lưu sông Đà phục vụ chống lũ về mùa mưa, cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc Bộ, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Lai Châu, Điện Biên và cả vùng Tây Bắc, đảm bảo an ninh quốc phòng khu vực Tây Bắc.

Duy Tình - Việt Cường