Gian nan chuyện điều chỉnh giá (Kỳ 1): Chủ đầu tư và nhà thầu đều “gặp khó”

21/08/2017 08:15

Quyết định 2414/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc điều chỉnh danh mục, tiến độ một số dự án điện và quy định một số cơ chế, chính sách đặc thù để đầu tư các công trình điện cấp bách trong giai đoạn 2013 - 2020 (gọi tắt là QĐ 2414) hy vọng đem lại một luồng sinh khí mới cho chủ đầu tư và nhà thầu trong việc đẩy nhanh tiến độ thi công các dự án điện.

Định mức xây dựng thiếu và lạc hậu khiến chủ đầu tư và nhà thầu gặp nhiều khó khăn trong thi công xây dựng

     Tuy nhiên, sau một thời gian triển khai thực hiện, cả chủ đầu tư và nhà thầu đều “kêu trời” khi có quá nhiều điểm còn chưa hợp lý, gây khó khăn cho DN, thậm chí làm chậm tiến độ các dự án, nhất là các dự án, công trình trọng điểm quốc gia.

Đơn giá định mức thiếu và lạc hậu

     Điểm nổi bật nhất của QĐ 2414 chính là làm đến đâu thanh toán đến đó, hay còn gọi là cơ chế thực thanh thực chi. Nghĩa là, dù DN có là tổng thầu EPC một dự án lớn nào đó nằm trong danh mục thực hiện theo QĐ 2414, thì cũng không có toàn quyền quyết định đối với các phần việc thi công lắp đặt của dự án.

     Mọi hạng mục lớn nhỏ đều phải được trình chủ đầu tư thanh quyết toán theo tiến độ công trình, dẫn đến sự chồng chéo trong quản lý, kéo dài thời gian phê duyệt thực hiện, thêm cồng kềnh về bộ máy quản lý. . .

     Tuy nhiên, khi bắt tay vào làm thủ tục thanh toán cho các hạng mục công việc mới thấy, hệ thống đơn giá định mức hiện có đang thiếu quá nhiều, hoặc đã quá lạc hậu so với thực tế, dẫn đến việc chậm thanh quyết toán, hoặc không thanh toán được do không có cơ sở để tính toán. Không thanh toán được khiến nhà thầu bị nợ đọng, không có vốn để triển khai, hoặc rơi vào tình trạng “càng làm càng lỗ”.

     Ông Phạm Hồng Sơn, Giám đốc Ban Dự án nhiệt điện Sông Hậu LILAMA (đơn vị làm tổng thầu EPC tại dự án này) cho biết: Định mức đơn giá không có, hoặc là chưa cập nhật được đối với lĩnh vực lắp máy. Ngay như khi thi công nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, nhiều kỹ thuật mới trong thi công chưa có đơn giá.

     Chẳng hạn, đường tạm của công trường cần được duy tu bảo dưỡng nhưng chủ đầu tư không có cơ sở để duyệt, hoặc việc đầu tư mua sắm các thiết bị siêu trường siêu trọng cũng thế. Thậm chí, có những thiết bị công nghệ mới, khi sử dụng có thể đem lại nguồn lợi hàng chục tỷ đồng chỉ trong vài ngày... nhưng không ai dám quyết định sử dụng vì không có trong danh mục.

     Hay như hạng mục cung cấp thợ hàn cho nhà máy. Trong danh mục chỉ có cung cấp thợ hàn đến dự án, nhưng để tuyển chọn được những thợ hàn có chất lượng, đáp ứng được yêu cầu thì phải có công tác sát hạch thợ hàn.

     Đây là yếu tố bắt buộc theo tiêu chuẩn của thế giới. Thậm chí, ở nhà máy nhiệt điện Sông Hậu, LILAMA còn đầu tư xây dựng cả khu nhà xưởng để phục vụ cho công tác sát hạch thợ hàn. Vậy nhưng, hạng mục này vẫn chưa được chủ đầu tư thanh toán do không có trong danh mục.

     Cùng chung tình trạng trên, ông Nguyễn Anh Tuấn - Giám đốc Ban Dự án điện Long Phú 1 LILAMA cho biết, tại thời điểm này, câu chuyện đơn giá tạm tính, đơn giá cố định đang là vướng mắc lớn nhất của LILAMA tại dự án nhiệt điện Long Phú 1.

     Lý do vẫn bởi nhiều định mức đơn giá cơ bản đã cũ, lỗi thời, đơn giá không đủ cho chi phí của nhà thầu; hoặc có những đầu mục công việc chưa có đơn giá theo định mức nhà nước nên mặc dù nhà thầu phải làm nhưng chưa có cơ sở để thanh toán giải ngân được cho nhà thầu.

     Ông Tuấn dẫn chứng, theo đơn giá tạm tính thì hạng mục lắp đặt kết cấu thép nhà điều khiển trung tâm, gian tuabin/máy phát có đơn giá là 2 triệu đồng/tấn.

     Chi phí này thậm chí còn chưa đủ tiền nhân công chứ chưa kể đến chi phí cho trang thiết bị dụng cụ, máy móc và các chi phí khác. Trong khi khối lượng hạng mục này lên đến gần 15 nghìn tấn.

     Dự kiến đơn giá sau khi TMĐT được áp dụng cho hạng mục này là 3,8 triệu đồng/tấn thì cũng chưa được bằng một nửa chi phí thực tế mà LILAMA bỏ ra để lắp đặt, chưa kể lợi nhuận.

     Điều đáng nói, chủ đầu tư dù biết như vậy nhưng cũng chưa có cơ sở để thanh toán phần phụ trội so với đơn giá nhà nước. Và một lần, nữa khó khăn lại chồng lên vai các nhà thầu như LILAMA. Thiếu tiền sẽ dẫn đến chậm tiến độ và nhiều hệ lụy khác.

Chủ đầu và nhà thầu đều ... gặp khó

     Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thanh Bình - Phó Trưởng Ban Quản lý Điện lực Dầu khí Sông Hậu - đại diện chủ đầu tư Tập đoàn Dầu khí Quốc gia thừa nhận, QĐ 2414 đang khiến cả chủ đầu tư và nhà thầu gặp khó.

     Theo ông Bình, phương án điều chỉnh giá phụ thuộc vào các đơn giá, mà đơn giá biến động theo thị trường và thời gian, trong khi đơn giá của nhà nước chưa cập nhật thậm chí không có, nên có khi toàn bộ hồ sơ thanh toán không đủ cơ sở để phê duyệt mặc dù công việc đã được hoàn thành từ lâu. Chẳng hạn, gần đây, giá cát tăng vọt gấp 3 - 4 lần do cấm nạo vét, trong khi đó nhà thầu ký hợp đồng trong thời điểm giá cát chỉ bằng 1/3.

     “Việc điều chỉnh giá rất phức tạp. Chúng tôi phải tính toán từng sản phẩm, chi tiết, trong khi đó nhà máy có tới hơn 100 triệu tấn thiết bị. Hậu quả là đến nay dự án mới giải ngân đạt 15%, trong khi nhà thầu đang thiếu khoảng 23%, tương đương 1.600 tỷ đồng. Trong khi đó, dự án chậm một ngày là mất hàng tỷ đồng”, ông Bình cho biết.

     Ở một góc độ khác, cả chủ đầu tư và DN đều cho rằng, việc áp dụng cơ chế 2414 còn làm hạn chế khả năng sáng tạo cũng như áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào việc lắp đặt, thi công các dự án lớn như nhà máy nhiệt điện Long Phú hay Sông Hậu 1.

     Ông Phạm Hồng Sơn chia sẻ: “Việc thanh toán tiền thi công theo tấn sản phẩm mà không tính đến yếu tố chất xám ít nhiều đã ảnh hưởng đến tâm lý anh em, người ta thậm chí không dám sáng kiến bởi sáng kiến không áp dụng được vào đơn giá nào. Chẳng hạn, nếu thay đổi thiết kế cửa nhận nước dự án có thể giảm được 50-70 tỷ, nhưng nhìn thấy thời gian phê duyệt kéo dài hàng năm thì không ai dám làm, đành quay về thiết kế ban đầu”.

     Trong khi đó, việc làm hồ sơ điều chỉnh giá trình cơ quan chức năng phê duyệt phải qua rất nhiều khâu, mất nhiều thời gian, đi lại lòng vòng, phát sinh chi phí.

     Trước thực trạng đó, chủ đầu tư đã phối hợp với nhà thầu kiến nghị Bộ Xây dựng sớm đưa ra định mức đơn giá cho từng hạng mục. Đồng thời, nên chăng, việc áp dụng QĐ 2414 chỉ nên áp dụng cho các công trình xây dựng phổ thông chứ chưa nên thực hiện với những công trình đặc thù như nhiệt điện.

Theo Vân Anh báo Xây dựng