Giữa rừng cao su - Một nhà máy chế tạo thiết bị cơ khí (phần 2)

15/10/2012 10:53

Vẫn con đường rợp bóng cây cao su dẫn chúng tôi vào nhà máy. Vẫn diện tích 7ha nằm gọn giữa rừng mà hôm nay chật chội hơn bởi nhiều lô hàng chế tạo đã hoàn thành chờ ngày xuất xưởng.

>>>Xem phần 1.

    

     Tôi ngồi cùng xe với Giám đốc Nguyễn Khắc Thành lên thăm nhà máy của anh. Cũng định hỏi han về tình hình sản xuất của các anh trên đó mà không còn cơ hội. Chiếc điện thoại trong tay Thành nóng lên bởi các cuộc gọi đến, toàn là công việc cả. Tay này trả lời điện thoại, tay kia nhận thư Email đến, gửi thư đi với chiếc laptop. Một giám đốc “tay năm tay mười”.

       Nhưng rồi cũng có một khoảng lặng cho tôi được hỏi, Thành tâm sự:

     - Anh biết đấy (quả là tôi cũng hiểu phần nào nội dung các cuộc điện thoại của Thành) mảng chế tạo thiết bị cơ khí này cạnh tranh khốc liệt lắm. Không phải mình không đủ sức cạnh tranh với các tổ hợp sản xuất cơ khí ngoài thị trường mà là muốn có giá thành thấp thì phải hạ chất lượng sản phẩm. Điều này thì bọn em quyết không làm. Đây cũng là chủ trương của công ty nhằm xây dựng nhà máy này như bộ mặt để quảng bá đến khách hàng và đối tác trong, ngoài nước. Nói vậy không có nghĩa là mình để mất, mình vẫn phải cạnh tranh, vẫn hạ giá thành sản phẩm nhưng bằng những biện pháp tích cực và bền vững, chẳng hạn cải tiến công tác quản lý để tăng năng suất lao động; chăm lo tốt đời sống công nhân để họ gắn bó hơn với nhà máy; chú ý đến công tác tuyên truyền thông qua việc thực hiện các hợp đồng đã ký với chất lượng tốt, đúng hẹn nhằm tạo lòng tin trong khách hàng. Làm được như vậy thì không lo gì nhà máy hết việc anh ạ.

     - Tới nơi rồi anh!

     Hiện ra trước mắt tôi, Vẫn con đường rợp bóng cây cao su dẫn chúng tôi vào nhà máy. Vẫn diện tích 7ha nằm gọn giữa rừng mà hôm nay chật chội hơn bởi nhiều lô hàng chế tạo đã hoàn thành chờ ngày xuất xưởng.


     Hiện nay, đơn vị đang thực hiện nhiều hợp đồng chế tạo thiết bị cho các dự án như: Hai chiếc cẩu bốc hàng container 50 tấn với dầm chính dài 84 m nặng gần 400 tấn mỗi chiếc, được chế tạo từ tháng 3 đã hoàn thành; 26 chiếc bồn ASME dung tích từ 5 đến 100 m3 chuẩn bị bàn giao cho nhà thầu Nhật Bản Shinko xuất đi Thái Lan; Vỏ máy nghiền xi măng nặng trên 100 tấn chế tạo cho hãng Loesche xuất đi Inđônêxia cũng đã thực hiện xong.

      Cũng tại thời điểm này, nhà máy đang chế tạo thiết bị và kết cấu thép của bộ lọc bụi tay áo cho nhà máy xi măng theo hợp đồng đã ký với Redcame với khối lượng trên 300 tấn kết cấu thép. 50 % công việc đã hoàn thành và cuối tháng 10 sẽ bàn giao cho chủ đầu tư. Ngoài ra nhà máy còn thực hiện bảo trì, bảo dưỡng các nhà máy xi măng Bình Phước, Hợp Phước, Cát Lái, Fico…

     Lúc chia tay chúng tôi về thành phố, kỹ sư Ngô Đức Ngợi - Phó giám đốc nhà máy cho biết: với hơn 300 CBCNV trong đó 20 kỹ sư và cán bộ quản lý thì để hoàn thành một khối lượng công việc kể trên là một cố gắng rất lớn. Chúng tôi luôn cố gắng để nhà máy xứng đáng là bộ mặt, góp phần không nhỏ vào giá trị SXKD hàng năm của Lilama 18.

Bài NHS, ảnh Đức Bảo