21.6- Ngày hội của những người làm báo.

21/06/2011 14:16
Trong những ngày này, ngày hội của những người làm báo, cũng là ngày tri ân của doanh nghiệp với báo chí bởi những đóng góp không ngừng cho sự phát triển đi lên của mình. Ngày 21.6 năm nay 2011, Lilama.com.vn xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc loạt bài viết nói lên những suy nghĩ đa chiều của cả những người Lilama và các nhà báo đã nhiều năm gắn bó trong công tác tuyên truyền

Lãnh đạo Lilama chúc mừng Báo Xây Dựng ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21-06-2011

LÀM DÂU
Tuấn Minh- CTy Lilama18
Vốn cũng xuất thân từ dân làm báo, đi nhiều nơi, “ăn mày” nhiều doanh nghiệp- bén duyên với một chàng họ Doanh, thế là về với họ. Tưởng có thể bỏ viết, nào ngờ về phụ trách mảng báo chí tuyên truyền, tiếp xúc báo chí, lại viết mạng nội bộ- xem ra nghề báo vẫn là cái nghiệp. Nếu trước kia mình đi cùng các nhà báo, cùng viết với họ, giờ đây với vai doanh nghiệp phục vụ nhà báo, tạo điều kiện để các nhà báo tác nghiệp và có cái nhìn thực tế về cung cách làm ăn của doanh nghiệp mà mình đầu quân- Vai đổi, thấy nhà báo ngưỡng mộ, họ thật tự do và cao quý quá.
Phải nói là gặp may lắm mới có vị trí để được tiếp xúc với nhiều nhà báo như chúng tôi hiện nay, thôi thì đủ cả từ báo trung ương, báo địa phương, các nhà báo thuộc các đài truyền hình, có không ít lần được gặp cả những nhà báo tên tuổi mà trước đây chỉ biết họ qua tivi như nhà báo, đạo diễn- nghệ sĩ ưu tú Vi Hòa, anh nổi tiếng với nhiều bộ phim tài liệu lịch sử có thể được xếp vào hàng kinh điển cho thể loại tài liệu sau này. Còn nhớ đi cùng anh một chuyến ngang dọc mấy tỉnh miền tây Nam bộ, ghi lại những thước phim tư liệu về các công trình nhiệt điện tại Cà Mau, xi măng Kiên Lương, dầu khí Vũng Tàu…anh để lại cho chúng tôi nhiều ấn tượng khó quên, tại mỗi nơi làm việc Vi Hòa như hóa thân thành người của lắp máy, anh quên hết xung quanh, toàn tâm toàn ý cho những thước phim mình thể hiện, chỉ xong việc mới lại nhận ra một Vi Hòa với hàng trăm mẩu chuyện vui có thật mà anh tích góp được trong đời làm báo của mình, chúng tôi và cả các công nhân công trường cười bể bụng với những chuyện khôi hài của anh, anh chốt lại: Ngành lắp máy của các ông vất vả thật nhưng cũng để lại cho đời nhiều công trình tầm cỡ và những câu chuyện hay có một không hai…” Chính những cảm nhận như thế của Vi Hòa đã cho cả nước biết đến một ngành lắp máy nhiều gian nan của chúng tôi ngày hôm nay và tác phẩm “ bài ca Lilama” của anh đã ra đời trong nguồn cảm xúc như thế.
Được gặp và phục vụ nhà báo Khắc Hường- Trưởng phòng ảnh báo Nhân Dân, giáng người to cao, dọng nói sang sảng như một tư lệnh, một ba lô đầy các dụng cụ nhiếp ảnh với các loại ống kính như vũ khí, anh say nghề và đặc biệt say những công trình do Lilama lắp đặt và chế tạo, gặp công trình nào Khắc Hường cũng lăn lộn đến mệt nhoài, có những đêm anh rủ chúng tôi đi săn ảnh ở Cà Mau khi còn đang thi công nhiệt điện, muỗi ôi thôi là muỗi, thế mà Khắc Hường cứ nhẹ tênh, bấm xong nhiếu kiểu ảnh xuýt xoa tâm đắc, lúc đó mới thấy Khắc Hường gãi và cười sảng khoái khen ngợi về sự mạnh mẽ, dũng mãnh của muỗi vùng đất mũi…Ảnh của Khắc Hường về lắp máy bao giờ cũng có cái hồn của người thợ, khi thì nhửng trùm lửa hàn bắn như sao, lúc thấy cả những giọt mồ hôi trên má anh thợ trẻ, chúng tôi cứ khen máy anh sịn, nhưng Khắc Hường thì cho rằng nó là cái tâm của mình với lắp máy. Có điều lạ cứ tưởng nhà báo đi nhiều, nhậu chắc giỏi lắm nhưng không phải vậy, họ ăn uống thật đơn giản, không cầu kỳ và bao giờ trong bữa ăn cũng lo và bàn tới câu chuyện viết gì, chụp gì, quay gì trong tiết
Có thể nói “ phận làm dâu” như chúng tôi hôm nay thật hạnh phúc, chúng tôi được phục vụ các nhà báo tên tuổi và họ, với tấm lòng của mình, cảm với những chàng “ dâu hiền” và cảm nhận về công việc mà lắp máy thể hiện, tác phẩm của các nhà báo về chúng tôi về những công trình “ rộn tiếng ca” luôn có đủ sắc màu long lanh, hàm chứa công lao của người làm báo và sự đóng góp quên mình của các công nhân, kỹ sư trên khắp các công trình lắp máy ở mọi miền Tổ Quốc. Chúng tôi trưởng thành ngày hôm nay, Ngành Lắp máy có nhiều người biết đến hôm nay không ai khác có sự góp công rất lớn của các nhà báo, chúng tôi những người làm Nghề Lắp máy hôm nay luôn trân trọng công lao các Nhà Báo.

Tuấn Minh Lilama 18

“ANH Ở BÀ CON THƯƠNG, ANH ĐI BÀ CON NHỚ ”
Minh Thành- Pv báo Nhân dân
Đó là những câu nói vui đùa khi đi công tác cùng các người thợ lắp máy. Thợ lắp máy luôn có sự cân bằng giữa công việc và sinh hoạt, tập trung cao độ vào công việc, hết mình vui chơi, được người dân yêu mến và “thương nhớ” mỗi lần “cắm quán” sau những ngày làm việc vất vả. Nói vui vậy thôi, thực sự công việc làm kỹ thuật, đặc biệt tại những công trình trọng điểm quốc gia của người thợ Lilama rất căng thẳng và mệt mỏi và chúng tôi những người làm báo trẻ thực sự trưởng thành từ các câu chuyện, công việc của các anh. Có thể kể đến những lần lên thuỷ điện Sơn La, nhiệt điện Vũng Áng 1… Chập chững vào nghề như chúng tôi thì những sự kiện như lắp đặt Tổ máy số 1 nhà máy Thuỷ điện Sơn La hay lắp đặt bao hơi nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 1 để lại nhiều cảm xúc. Đây đều là những công trình có quy mô, tính chất phức tạp, mang đậm dấu ấn trưởng thành vượt bậc của người thợ lắp máy, từ những vùng đất hoang sơ ngày xưa nay trở thành những nhà máy quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á.
Lần đầu tiên vào Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh) là một ngày mưa gió sụt sùi, ảm đạm, lần thứ hai lại là một ngày nắng đỏ lửa, lần thứ ba lắp đặt bao hơi nhà máy lại là ngày gió bão. Mọi người ở đây thường nói vui thời tiết ở đây là nắng dịu khoảng 390C còn mưa xuân thì kéo dài khoảng 15 – 20 ngày. Tôi còn nhớ như in khi lần đầu leo lên khu vực lắp đặt bao hơi và bộ phận tời rút, gió thổi lồng lộng, mưa quất rát mặt, chúng tôi phải đeo một bộ dây bảo hộ lao động để khỏi “rơi bẹt” xuống đất, dò dẫm từng bước đi trên độ cao hàng chục mét, nhưng những người thợ lắp máy thì đi lại thoăn thoắt như thể dưới mặt đất. Trong cái gió rét khắc nghiệt của thời tiết, thợ lắp máy vẫn miệt mài công việc, dường như họ đã quá quen với những áp lực và hoàn cảnh như vậy. Gần 9 giờ đồng hồ công việc mới hoàn tất và chúng tôi đã có một trải nghiệm để đời khi cùng tham gia, chứng kiến công việc tại thời khắc quan trọng của nhà máy với người thợ lắp máy.
Những chuyến đi thực tế một mặt tuyên truyền không khí lao động trên các công trình, mặt khác nâng cao tay nghề của các nhà báo. Đội ngũ người lao động Lilama đều gắn bó với công việc trên các công trường khắp cả nước, đòi hỏi trình độ chuyên môn, kỹ thuật cao, vì vậy khi tiếp xúc với họ đôi khi thấy khô khan, nhưng thực sự họ chỉ tập trung cho công việc. Lúc này, những nhà báo thực sự là một cầu nối để bạn đọc đồng hành với những người thợ, góp phần phản ánh chân thực công việc, sinh hoạt của những người thợ, từng bước tháo gỡ khó khăn cho những người trực tiếp làm việc ở công trường để họ yên tâm cống hiến, góp phần đem lại nhiều giá trị cuộc sống.


Minh Thành – PV Báo Nhân Dân
Tác nghiệp tại công trình Lắp máy lọc dầu Dung Quất số 1


DOANH NGHIỆP - BÁO CHÍ BẮC NHỊP CẦU THÔNG TIN
Hải Anh- Pv Báo QĐND
Được phân công theo dõi lĩnh vực xây dựng, những chuyến đi thực tế ở công trường đã trở thành một phần quan trọng trong công việc của tôi. Trong số rất nhiều chuyến đi đến khắp mọi miến đất nước, đến với những người công nhân xây dựng đang làm việc miệt mài ngày đêm, những lần đi cùng đoàn công tác của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) luôn để lại nhiều ấn tượng sâu đậm. Cơ hội để được cọ xát, thâm nhập thực tế luôn là điều đáng quý đối với mỗi người cầm bút, chính các doanh nghiệp, những đơn vị sản xuất kinh doanh cũng tạo điều kiện cho phóng viên được tiếp xúc với thực tế.
Thủy điện Sơn La có thể xem là công trình tiêu biểu cho công việc của những người thợ lắp máy nói riêng và công nhân xây dựng Việt Nam nói chung, không chỉ bởi quy mô kỷ lục mà còn tính chất và độ phức tạp trong thi công. Chính vì vậy, mỗi lần đến với công trường thủy điện Sơn La đều mang lại cho tôi những cảm xúc khác nhau. Đó là niềm vui khi được chứng kiến sự đổi thay từng ngày của công trường. Đặc biệt hơn cả đó được tiếp xúc, chia sẻ, cảm nhận lòng nhiệt huyết, tình yêu nghề và tinh thần lao động hăng say của những người công nhân lao động.
Không chỉ có những chuyến đi thực tế, bản thân các đơn vị sản xuất, kinh doanh là một nguồn tin quan trọng của người làm báo bên cạnh nhiều đầu mối cung cấp thông tin khác. Đội ngũ những người lao động của Lilama đều gắn bó với công việc, bám sát các công trường, chính vì thế, thông tin từ phía họ mang đầy hơi thở của cuộc sống. Có tiếp xúc với những người công nhân trên công trường mới cảm nhận rõ một điều, họ chỉ toàn tâm toàn ý cho công việc, ít khi có cơ hội được tiếp xúc, giao lưu với đông đảo mọi người. Báo chí lúc đó thực sự là một cầu nối giữa những người lao động và bạn đọc, giữa người trực tiếp thi công và cơ quan quản lý.
Mối quan hệ giữa báo chí và doanh nghiệp có thể tạo thành cầu nối đi đến thành công nếu dựa trên sự hợp tác tích cực, tin tưởng và hỗ trợ đắc lực cho nhau. Bản thân tôi không từ chối cơ hội được đến với người lao động trên những công trường khắp cả nước. Những công trình mà tôi thường đến chủ yếu nằm ở vùng sâu, vùng xa, đặt chân đến đó cũng đủ mang đến cho những người theo “chủ nghĩa xê dịch” tràn đầy cảm xúc cho bài viết của mình.
Hải Anh - PV báo QĐND

KHI DOANH NGHIỆP VÀ BÁO CHÍ VÌ SỰ PHÁT TRIỂN CHUNG
Doanh nghiệp và báo chí có mối liên hệ thân thiết, bổ trợ nhau cùng phát triển. Doanh nghiệp thông qua báo chí để có thêm thông tin về thị trường, đối tác, nhu cầu tiêu dùng xã hội và các chính sách pháp luật của nhà nước ban hành. Báo chí cần đến doanh nghiệp để có đối tượng phản ánh. Mối quan hệ này ngày càng minh bạch, khách quan trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và được đặt trên nền tảng vì lợi ích chung của xã hội.
Báo chí thực sự là người bạn đồng hành, cổ vũ, tôn vinh những doanh nghiệp giỏi, các điển hình tiên tiến đồng thời chia sẽ những khó khăn, trở ngại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Thực tế chứng minh dù một doanh nghiệp giỏi, các giá trị sản xuất kinh doanh cao, nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật, có đóng góp to lớn cho sự phát triển của nền kinh tế đất nước, nhưng nếu không có báo chí phản ánh thì những thành quả đó ít được mọi người biết đến, do vậy chỉ mang tính chất “khu vực, vùng miền”. Đó là tổn thất vô cùng to lớn của doanh nghiệp trên phương diện thương hiệu.
Tổng công ty Lilama nói riêng và các doanh nghiệp khác nói chung, thương hiệu là tài sản vô hình và quý giá được dày công xây dựng qua nhiều thế hệ. Để đảm bảo tính an toàn của thương hiệu, báo chí cần phải thể hiện tính chuyên nghiệp cao. Trên thực tế nhiều khi doanh nghiệp vẫn phải chịu những rủi ro khó lường qua các nhận định chủ quan của các nhà báo. Doanh nghiệp luôn mong mỏi báo chí phản ánh đúng sự thật, không thổi phồng quá đáng, hay sai sự thật.
Trong xã hội thông tin như hiện nay, yêu cầu của báo chí là phải nhanh, nóng hổi, tuy nhiên báo chí không nên chạy đua với thời gian mà cắt gọt sự việc đi theo chiều hướng khác. Thông tin mang tính chất đa chiều, do nhiều nguồn cung cấp. Nhà báo phải biết chắt lọc, kiểm chứng thông tin qua nhiều kênh khác nhau để thông tin đến người đọc mang tính khách quan nhất.
Ở các đơn vị doanh nghiệp hiện nay, quan hệ công chúng đã được chú trọng. Đó là cầu nối giữa doanh nghiệp với báo chí để quảng bá hình ảnh, xây dựng thương hiệu. Tuy nhiên việc giải quyết mối quan hệ này để đôi bên cùng có lợi nhưng không ảnh hưởng đến uy tín nghề nghiệp và thương hiệu phụ thuộc vào cách nhìn nhận của doanh nghiệp và báo chí đối với lĩnh vực này.
Trong thời gian qua báo chí đã có những đóng góp to lớn cho sự phát triển của Tổng công ty Lilama. Thông qua báo chí, thương hiệu Lilama được nhiều đối tác trong và ngoài nước biết tới như là điểm sáng trong nền kinh tế của đất nước. Các dự án do Lilama thi công, các gương điển hình tiên tiến, các sáng kiến kỹ thuật… luôn được báo chí theo dõi và phản ánh một cách đầy đủ và trung thực.
Duy Tình - Lilama


DOANH NGHIỆP VÀ BÁO CHÍ- HAI BƯỚC ĐI SONG HÀNH
Nguyễn Duyên- Pv Báo Công thương
Thực tế hiện nay cho thấy, báo chí ngày càng chiếm lĩnh sâu vào đời sống, cung cấp thông tin muôn mặt của đời sống thực tiễn, phản ánh mọi hoạt động của xã hội. Báo chí trở thành cầu nối giữa Chính phủ, doanh nghiệp và người dân, kết nối Trung ương và địa phương, giữa trong nước và quốc tế. Thông tin trên báo chí nước ta đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế, chính trị và góp phần nâng cao nhận thức của xã hội.
Thực tế, nếu không có sự giúp đỡ từ phía doanh nghiệp, báo chí không thể có được nguồn thông tin đầy đủ, sinh động và mang đầy tính thời sự. Có thể thấy, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay đã và đang nỗ lực rất nhiều trong công tác hợp tác tuyên truyền với báo chí, qua đó vừa góp phần đưa đến công chúng nguồn thông tin kịp thời, trung thực, sinh động nhất, đồng thời đây cũng chính là kênh quảng bá doanh nghiệp rất tốt.
Không chỉ còn là phóng viên “salon” nữa, cùng với đội ngũ tuyên truyền của Lilama, rất nhiều phóng viên đã vào cuộc, đã đi đến tận các ngõ ngách của những công trình trọng điểm quốc gia, để chứng kiến và ghi lại cảnh lao động miệt mài, hăng say của những người thợ, ghi lại nhịp sống sôi động, hối hả nơi công trường. Cũng từ đó, những bài báo hay, những tấm hình sinh động được truyền tải tới bạn đọc, mang đầy hơi thở của cuộc sống.
Là những phóng viên có may mắn được đi nhiều công trình trọng điểm của đất nước, nơi đã ghi dấu bước chân người thợ Lilama, đến đâu chúng tôi cũng cảm thấy hơi thở và nhịp sống mới. Có đi mới biết, mới hiểu và viết được sâu sắc hơn. Nếu không đi, chúng tôi không thể ngồi trong phòng máy lạnh tại Hà Nội mà “nếm” thử cái nắng như đổ lửa nơi công trường nhiệt điện Vũng Áng giữa tháng sáu, mới thông cảm cho người công nhân vất vả nơi đây. Có trèo lên đỉnh đập cao nhất của Thủy điện Sơn La, mới thấy cái kỳ diệu của sức mạnh bàn tay người thợ... Tất cả những trải nghiệm đó, chúng tôi coi là kỷ niệm, là vốn sống, vốn nghề, mỗi chuyến đi ngày càng làm đầy thêm hành trang cho những người làm báo.
Cuộc sống luôn sôi động từng ngày, mỗi doanh nghiệp để tồn tại và phát triển cũng đang nỗ lực trong cuộc đua ấy. Và chính báo chí đã góp phần đưa hơi thở, nhịp sống ấy đến với bạn đọc. Nếu như không có đội ngũ làm tuyên truyền tốt, những người làm báo như chúng tôi cũng không thể có đầy đủ thông tin để truyền tải tới bạn đọc. Xu hướng chuyên nghiệp hóa đội ngũ tuyên truyền của doanh nghiệp mà điển hình là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã và đang làm là một mô hình tốt mà nhiều doanh nghiệp khác cũng đang hướng tới.
Nguyễn Duyên - PV báo Công Thương