Bao giờ hết “xuất khẩu ô sin, nhập khẩu ông chủ ?”

21/11/2012 10:31

Trong khi nhiều lao động Việt Nam phải bỏ biết bao tiền của để được đi xuất khẩu lao động thì ở trong nước, có những nơi đào tạo miễn phí mà vẫn ít người theo học.

     Trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 (Ninh Bình) là một ví dụ. Năm 2012, TCty LILAMA cấp tiền đào tạo miễn phí công nhân, ra trường bố trí công ăn việc làm mà vẫn không tuyển được đủ người theo học.


     Nguyên nhân theo nhiều người là do hiện nay có quá nhiều trường đại học được mở ra đã “vét” hết sinh viên của các trường nghề. Thậm chí, có trường đại học “5 trong 1”, nghĩa là đào tạo từ công nhân đến tiến sĩ, khiến ai cũng muốn học đại học, không còn mấy người muốn học nghề. Trong khi đó, nhu cầu tuyển dụng lao động công nhân có tay nghề trong các DN lúc nào cũng có. Ông Nguyễn Đình Hải, Chủ tịch HĐTV TCty LILAMA cho biết, trong tương lai gần LILAMA rất cần nguồn nhân lực làm việc trong các dự án cơ khí nên đã cấp kinh phí để trường Cao đẳng nghề LILAMA 1 đào tạo miễn phí 1000 học viên. Số này sau khi ra trường sẽ được nhận vào làm việc tại các công trình của LILAMA.

     Thế nhưng, dù được đào tạo miễn phí thì trường LILAMA 1 vẫn không thể nào tuyển đủ sinh viên theo học. NGƯT Hoàng Công Thi, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nguồn kinh phí TCty cấp để đào tạo 1000 học viên tương đương khoảng 8,5 tỷ đồng. Để thu hút học  sinh, trường đã thực hiện cả một chiến dịch tuyên truyền dưới nhiều hình thức: gửi công văn đến các công ty thành viên, căng pa nô áp phích, tuyên truyền ở 7 tỉnh trong khu vực…Thế nhưng từ đầu năm đến nay, toàn trường mới tuyển được 540 học sinh, trong đó chỉ có 170 em đồng ý theo học chương trình đào tạo miễn phí, còn 370 em tự bỏ tiền ra học. Nguyên nhân một phần là do ngày càng ít học sinh muốn theo học ngành cơ khí vì ra trường thường làm việc ở các công trình vùng sâu vùng xa. Mặt khác, do chưa có quy hoạch trong khâu đào tạo dẫn đến các trường nghề không thể cạnh tranh được với trường đại học trong công tác tuyển sinh.

     “Sính” đi xuất khẩu lao động

     Trăn trở với câu chuyện về tuyển dụng và đào tạo lao động, ông Lê Văn Tuấn, TGĐ TCty LILAMA kể một câu chuyện xúc động: “Hai mươi năm trước, Tổng thống Hàn Quốc khi đó trong chuyến công du Châu Âu, khi đi qua một vùng lạnh giá đã nhìn thấy những công nhân người Hàn Quốc đang xúc tuyết. Vị tổng thống đã xuống ôm hôn những công nhân này và nói rằng: Tôi hứa với các bạn và các bạn cũng phải đồng lòng với tôi để mai này, người lao động nước ngoài phải đến Hàn Quốc lao động chứ người Hàn Quốc không phải sang nước ngoài làm những công việc như thế này nữa. Và kết quả là bây giờ, Hàn Quốc đã là một nước phát triển, tỷ lệ lao động nước ngoài đến làm việc khá cao”.

     Câu chuyện của ông Tuấn cho thấy một điều: không phải cứ đi xuất khẩu lao động là giàu có, sung sướng. Trên thực tế, rất nhiều người lao động Việt Nam phải làm việc chui lủi hoặc trong các hầm sâu ở Malaixia, hay khổ sở như công nhân may ở Nga, thậm chí bị đánh đập, hành hạ…trong khi đó ở trong nước, người lao động có việc nhưng không làm. Nhiều người bằng mọi giá, qua nhiều khâu trung gian, bỏ ra nhiều tiền để được đi xuất khẩu lao động. Theo ông Tuấn, đáng lẽ người ta phải mong muốn được làm việc trong nước, làm chủ đất nước chứ không phải đi xuất khẩu lao động. Vì vậy, công tác định hướng giáo dục, đào tạo phải được coi trọng phải hết sức coi trọng. “Chả lẽ chúng ta cứ xuất khẩu ô sin, nhập khẩu ông chủ mãi. Về lâu dài, chúng ta phải phát triển làm sao để lao động nước ngoài phải đến làm thuê cho nước ta, đó mới là hướng đúng”, ông Tuấn khẳng định.

     Trên thực tế hiện nay, công tác giáo dục đào tạo đang tồn tại nhiều bất cập khi có quá nhiều cử nhân, kỹ sư, ít công nhân  lao động. Do vậy, cần thiết phải có những tuyên truyền, định hướng để người lao động có nhận thức đúng về ngành nghề. Theo ông Tuấn, các tổ chức như Công đoàn, Lao động thương binh xã hội phải làm sao ghi lại được những hình ảnh người lao động Việt Nam ở nước ngoài, tuyên truyền đến với người lao động trong nước để họ hiểu.

Vân Anh - Duy Tình