Các Bộ, ngành, doanh nghiệp đề xuất phát triển ngành Xây dựng bền vững
Đã có nhiều nhận định, ý kiến đánh giá xác đáng, mang tính xây dựng để phát triển ngành Xây dựng bền vững tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016 - 2020 và triển khai kế hoạch, nhiệm vụ chủ yếu năm 2021, giai đoạn 2021 - 2025 của Bộ Xây dựng.
Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo xử lý những tồn tại của dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1, thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện các dự án lớn để hạn chế lãng phí, sai phạm…
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường:
Bộ Xây dựng và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp rất tốt trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới
Ngành Xây dựng là thành viên rất quan trọng trong thực hiện Chương trình mục tiêu xây dựng nông thôn mới, hỗ trợ ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rà soát, hoàn chỉnh quy hoạch, bổ sung kiến trúc quy hoạch… Rút kinh nghiệm từ nhiệm kỳ 2010 - 2015, nhiệm kỳ này đã phân làm 03 nhóm nông thôn: nhóm ven đô, nhóm miền núi và nhóm vùng ngoại ô, để thực hiện các thiết chế hạ tầng phục vụ sản xuất, phục vụ đời sống, đón đô thị hóa… Đây là cách thức triển khai phù hợp cho tái cơ cấu nền nông nghiệp hướng tới hiện đại. Nhờ đó, đã có 62% xã hoàn thành mục tiêu Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đường sá đẹp, đời sống tinh thần, vật chất của người dân cải thiện...
Kiến nghị, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có sự phối hợp chặt chẽ trong đề xuất, triển khai thực hiện các nhóm đề án lớn liên quan đến các chương trình nhà ở cho người dân vùng lũ, chống ngập cho các địa phương ven biển, nước sạch nông thôn…
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà:
Ngành Xây đựng đang thực hiện rất tốt kinh tế tuần hoàn
Rất ấn tượng với ngành Xây dựng trong nhiệm kỳ 05 năm đã đạt ở mức cao hầu hết các chỉ tiêu phát triển, chỉ có 1 chỉ tiêu chưa đạt về diện tích nhà ở trung bình trên đầu người, nhưng riêng chỉ tiêu này đối với nhiều nước trên thế giới cũng khó đạt.
Cần thiết đổi mới tư duy về quy hoạch và phương pháp lập quy hoạch khi có quy hoạch tích hợp ở địa phương. Để thực hiện được điều này, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẵn sàng cung cấp cho Bộ Xây dựng những cơ sở khoa học phục vụ cho việc thực hiện quy hoạch tích hợp, đó là những điều tra về địa chất công trình và thủy văn, điều tra về khí hậu… để mọi quy hoạch, thiết kế xây dựng thích ứng và giải quyết bài toán chủ động với thiên nhiên.
Ngành Xây đựng đang thực hiện rất tốt kinh tế tuần hoàn, xu hướng tái chế tro xỉ của các nhà máy nhiệt điện nếu trở thành nhận thức chung của toàn ngành sẽ giảm bớt khai thác, sử dụng không hợp lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên. Với tỷ lệ tăng trưởng trên 8%/năm, không thể không có vai trò của ngành Xi măng, tuy nhiên, đã đến lúc định hướng phát triển ngành công nghiệp xi măng chỉ đủ dùng cho nhu cầu, thân thiện hơn với môi trường.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Dương Đức Tuấn:
Đẩy nhanh lộ trình di dời các cơ sở sản xuất, điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô
Kiến nghị Chính phủ, các Bộ, ngành đẩy nhanh thực hiện lộ trình di dời cơ sở sản xuất công nghiệp, bệnh viện, cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp và các cơ quan, đơn vị trong nội thành Hà Nội theo Quyết định số 130/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, để bàn giao quỹ đất cho thành phố thực hiện quy hoạch các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, phục vụ tái thiết đô thị.
Kiến nghị Chính phủ, Bộ Xây dựng cho phép điều chỉnh tổng thể quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050; nghiên cứu, xây dựng quy định đối với quy hoạch Thủ đô theo hướng tích hợp, kế thừa và bổ sung đồng bộ, đồng thời các nội dung điều chỉnh mới; báo cáo Chính phủ trình Quốc hội chấp thuận ban hành Luật Quản lý, phát triển đô thị làm công cụ để quản lý, phát triển ngành kinh tế đô thị, Đề án thí điểm cải tạo xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố Hà Nội…
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm hỗ trợ, hướng dẫn thành phố điều chỉnh quy hoạch đê điều, phòng chống lũ, làm cơ sở hoàn chỉnh, phê duyệt quy hoạch phân khu đô thị sông Hồng, sông Đuống, triển khai quy hoạch chung xây dựng Thủ đô còn tồn tại.
Tổng Giám đốc LILAMA Lê Văn Tuấn:
Vươn hoạt động ra nước ngoài để xây dựng thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp
Năm 2020 dù gặp nhiều khó khăn do dịch bệnh Covid-19 nhưng LILAMA vẫn hoàn thành kế hoạch vượt 36%, lợi nhuận vượt 30%, tất cả các chỉ tiêu kinh tế đều hoàn thành. Có được thành quả này là nhờ những dự án do LILAMA thực hiện ở trong nước và dự án của LILAMA trúng thầu tại Brunei năm 2019. Lần đầu tiên LILAMA xuất khẩu khoảng 1.500 người là lãnh đạo, kỹ sư lắp máy để thực hiện dự án tại Brunei có giá trị hơn 1 tỷ USD, trong đó LILAMA đảm nhiệm công tác chế tạo một phần thiết bị và lắp đặt toàn bộ thiết bị, dự án đã hoàn thành 100% phần lắp đặt và đang chạy thử.
LILAMA xác định, muốn xây dựng thương hiệu quốc gia phải xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, mà muốn xây dựng thương hiệu doanh nghiệp thì phải hoạt động ở nước ngoài, không thể chỉ hoạt động ở trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 nằm trong chuỗi khó khăn của LILAMA chưa được khắc phục mặc dù dự án được khởi công trước Đại hội 11, khánh thành trước Đại hội 12, nhưng đến nay trải qua 05 năm khánh thành, bàn giao cho chủ đầu tư vẫn chưa được xử lý dứt điểm các tồn tại về tài chính. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo xử lý những tồn tại của dự án này. Kiến nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập Ban chỉ đạo quốc gia thực hiện các dự án lớn để hạn chế lãng phí, không xảy ra sai phạm…
Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu Việt Nam Nguyễn Quốc Hiệp:
Nợ đọng trong xây dựng cơ bản không được khắc phục, cần sự bình đẳng giữa nhà thầu và chủ đầu tư
Trong 05 năm 2016 - 2020, có một sự chuyển đổi rõ ràng về sở hữu của doanh nghiệp ngành Xây dựng, nếu như cách đây 10 năm các đơn vị dẫn đầu ngành Xây dựng là những tổng công ty Nhà nước thì hiện nay là những doanh nghiệp ngoài quốc doanh với tiềm lực về kinh tế, tài chính rất lớn, chiếm ưu thế lớn trong các công trình xây dựng dân dụng. Ngành Xây dựng đã vươn lên đẳng cấp khu vực và quốc tế, sử dụng công nghệ BIM trong các dự án. Công trình Landmark 81 tầng, cao 462m hoàn thành an toàn, không xảy ra bất kỳ tai nạn nào, nằm trong top 10 công trình cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, báo động tình hình nợ đọng trong xây dựng cơ bản tràn lan, kéo dài nhiều năm không được khắc phục, không có cơ quan nào xử lý, Thanh tra Chính phủ cũng im lặng không trả lời; Công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo; Lao động thời vụ không được hưởng bảo hiểm xã hội nhưng doanh nghiệp xây dựng vẫn phải thực hiện nghĩa vụ…
Kiến nghị, Luật Xây dựng cần quy định chủ đầu tư phải có bảo lãnh thanh toán cho triển khai dự án, chủ đầu tư phải bảo đảm thanh toán hết cho các nhà thầu mới được đưa công trình vào vận hành, sử dụng, quản lý chi phí đầu tư xây dựng phải từng bước chuyển sang cơ chế thị trường.
Thanh Nga - Duy Tình
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận