Cách nào tạo thị trường cho ngành cơ khí?
Nhiều kiến nghị được các thành viên Hiệp hội đưa ra để phát triển ngành cơ khí Việt Nam tại Đại hội nhiệm kỳ V (nhiệm kỳ 2023 - 2028) do Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) tổ chức ngày 20/10 tại Hà Nội.
Ngành cơ khí vẫn khó
Báo cáo của Đại hội nhiệm kỳ V (2023-2028) - Hiệp hội Doanh nghiệp Cơ khí Việt Nam (VAMI) cho thấy: Bước sang giai đoạn mới, bên cạnh nhiều thuận lợi, ngành cơ khí cũng phải đối mặt với nhiều thách thức. Dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển ngành cơ khí không còn nhiều do phải tuân thủ các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Giai đoạn nhiệm kỳ IV của Hiệp hội (2018-202), ngành cơ khí trong nước bị ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu Covid-19. Ngành cơ khí bị thu hẹp thị trường, giảm sức tiêu thụ, đối mặt với vấn đề tăng giá nguyên vật liệu và đứt gãy chuỗi cung ứng.
Tiếp theo cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, xung đột quân sự Nga-Ukraine kéo dài làm tăng hơn các khó khăn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, thời gian gần đây, các dự án quy mô lớn ngành cơ khí đang trong xu hướng chững lại nên nhiều doanh nghiệp thuộc VAMI vẫn tiếp tục thiếu việc làm, không có tích lũy để đầu tư đổi mới công nghệ, tăng thêm năng lực cạnh tranh.
Không ít doanh nghiệp đang phải vật lộn để tồn tại nên chậm và không có điều kiện tiếp cận công nghệ mới, quan tâm đến chuyển đối số và Cách mạng công nghiệp 4.0.
Các Hiệp định thương mại tự do có hiệu lực đã gỡ bỏ dần nhiều hàng rào thuế quan, nhưng các doanh nghiệp cơ khí cũng còn quá ít kinh nghiệm bảo vệ thị trường và tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước.
Về chính sách phát triển cho ngành cơ khí, Chính phủ tuy có ban hành các chính sách hỗ trợ đổi mới công nghệ, hỗ trợ vốn, phát triển công nghiệp hỗ trợ, miễn giảm thuế nhập khẩu,… nhưng nhiều doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp cơ khí vẫn khó tiếp cận.
Phát biểu ý kiến tại Đại hội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, cơ khí là một trong những ngành công nghiệp có lịch sử lâu đời, được Đảng và Nhà nước xác định là ngành công nghiệp mang tính nền tảng, đóng vai trò là động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.
Thời gian qua, Bộ Công Thương với vai trò cơ quan đầu mối của Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với ngành cơ khí đã tham mưu để Chính phủ ban hành nhiều chính sách, chiến lược quan trọng để phát triển ngành. Bộ Công thương cũng đã triển khai đồng bộ nhiều biện pháp hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong nước, đa dạng hóa nguồn cung, tăng cường xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường, cũng như phối hợp các bộ, ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp ứng phó với các rào cản thương mại, biện pháp phòng vệ thương mại nhằm phát triển ngành cơ khí trong nước.
Ông Đào Phan Long - Chủ tịch VAMI nhiệm kỳ IV cho biết, thời gian tới, dự báo ngành cơ khí vẫn chưa thoát khỏi các khó khăn. Nguyên nhân chính là thị trường bị thu hẹp do tình hình chính trị quốc tế bất ổn dẫn đến tiêu dùng giảm, tích lũy tăng.
Cộng với việc mất giá nhiều đồng tiền mạnh, kéo theo giá nguyên vật liệu và dịch vụ tăng làm sản xuất thiếu ổn định, sụt giảm. Tiêu dùng giảm, kéo theo đầu tư giảm và dự báo đầu tư nước ngoài cũng sụt giảm đáng kể.
Cần tạo ra thị trường cho ngành cơ khí
Nhận định rõ những khó khăn, thách thức cũng như điểm yếu, trong nhiệm kỳ tới, VAMI định hướng sẽ tiếp tục làm việc với Bộ Công Thương để đề xuất điều chỉnh chiến lược phát triển cơ khí phù hợp giai đoạn mới; xây dựng các sản phẩm cơ khí chủ lực; đề xuất các cơ chế, chính sách để ngành cơ khí có thể cung cấp dịch vụ tư vấn thiết kế, quản lý dự án cũng như cung cấp máy móc thiết bị cho các dự án trọng điểm quốc gia.
Bên cạnh đó, tăng cường sự kết nối của các doanh nghiệp trong hiệp hội để phản ánh tốt nhất yêu cầu về cơ chế, chính sách; làm việc với các bộ, ngành, địa phương về tháo gỡ kịp thời khó khăn cho doanh nghiệp.
VAMI cũng sẽ tập trung đề xuất với Chính phủ có cơ chế, chính sách nội địa hóa các sản phẩm mà đất nước có nhu cầu thị trường lớn trong giai đoạn tới như điện gió, điện khí, giao thông đường sắt, nhà ga hàng không, cảng biến, máy nông nghiệp,…
Đề xuất lộ trình nội địa hóa với sự tham gia của các doanh nghiệp cơ khí trong nước, trên cơ sở đó giúp các doanh nghiệp nâng cao năng lực, làm chủ thị trường nội địa, tạo đà cho xuất khẩu.
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc LILAMA phát biểu tại Đại hội
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam - Phó Chủ tịch VAMI cũng thừa nhận: Ngành cơ khí trong nước thời gian qua đang thiếu vắng một yếu tố cơ bản đó chính là thị trường. Phải có thị trường mới có được việc làm, có việc làm mới có thể đổi mới sáng tạo. Yếu tố thị trường quyết định lớn đến công tác phát triển ngành cơ khí.
Và để có thị trường cho ngành cơ khí, ông Lê Văn Tuấn cũng mạnh dạn đề nghị, Nhà nước, Chính phủ cần có cơ chế riêng cho ngành. Cụ thể như có chính sách rõ ràng đối với các sản phẩm cơ khí sản xuất được trong nước. Nếu những thiết bị nào trong nước đã sản xuất được thì kiên quyết không cho nhập khẩu. Có như vậy, ngành cơ khí trong nước mới có được thị trường để phát triển được.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, trong thời gian tới, để tiếp tục thúc đẩy sự phát triển của ngành, Bộ Công Thương trân trọng đề nghị VAMI tăng cường hơn nữa công tác phối hợp với Bộ Công Thương nói riêng, các bộ, ngành, địa phương và Chính phủ nói chung trong việc xây dựng, hoàn thiện các chiến lược, chính sách quan trọng để phát triển ngành.
Trong đó, có việc sửa đổi, bổ sung Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư về thuế, đất đai, tín dụng cho doanh nghiệp cơ khí; các chính sách phát triển thị trường, nội địa hóa ngành. Đặc biệt là việc nghiên cứu xây dựng đạo luật về phát triển các ngành công nghiệp trọng điểm, công nghiệp nền tảng, trong đó có ngành cơ khí, tạo cơ sở pháp lý bền vững, thống nhất cho việc phát triển ngành.
Ông Nguyễn Chỉ Sáng (bên phải), Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VAMI được bầu làm Chủ tịch VAMI nhiệm kỳ V (2023 - 2028)
Ngoài ra, VAMI cần phối hợp xây dựng cơ chế phát triển, kết nối, thu hút nhân lực chất lượng cao cho ngành cơ khí; đẩy mạnh hợp tác giữa doanh nghiệp trong ngành, giữa cơ sở đào tạo nghề với doanh nghiệp gắn với nhu cầu thực tiễn.
Tiếp tục củng cố, tăng cường việc kết nối thông tin giữa các doanh nghiệp trong ngành nhằm tránh đầu tư chồng chéo, không hợp lý, cạnh tranh không lành mạnh, tạo chuyên môn hóa trong sản xuất để nâng cao năng lực sản xuất và cạnh tranh.
Duy Tình - Nguyễn Duyên
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận