Chọn nhà thầu EPC cho các dự án năng lượng
Theo quy hoạch điện VII mà Chính phủ vừa ban hành, đến năm 2020 phải xây dựng được 75.000MW điện, gấp 3 lần công suất hiện nay. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, mấy năm qua, tình trạng chậm tiến độ kéo dài và vận hành thiếu ổn định của hàng loạt dự án nguồn đã đưa cả nước lâm vào tình trạng thiếu điện nghiêm trọng. Vì vậy, mục tiêu này của Quy hoạch điện VII sẽ khó thực hiện nếu không cải thiện được tình hình chọn thầu như hiện nay.
Nhà máy điện Nhơn Trạch 2 vận hành an toàn dưới sự kiểm soát của tư vấn và kỹ sư Lilama
Hàng loạt dự án nguồn bị chậm tiến độ
Kết quả đánh giá việc triển khai các dự án điện trong Quy hoạch Điện VI cho thấy, các dự án nguồn chỉ đạt khoảng 60% kế hoạch. Số liệu thống kê tại hội thảo “Bàn về các giải pháp đẩy nhanh tiến độ năng lượng” do Hiệp hội năng lượng Việt Nam (VEA) tổ chức tại Hà Nội mới đây cho thấy, hầu hết các dự án do nhà thầu Trung Quốc làm tổng thầu bị chậm tiến độ từ 1-3 năm hoặc hơn. Điển hình là các dự án: nhiệt điện Hải Phòng 1, Hải Phòng 2, Cẩm Phả 1, Cẩm Phả 2, Quảng Ninh 1, Quảng Ninh 2, Mạo Khê, Thái Nguyên, Vĩnh Tân 2, Duyên Hải 1… Nguyên nhân là do các nhà thầu năng lực yếu, kinh nghiệm kém, không thu xếp được tài chính, không thực hiện được các cam kết với chủ đầu tư. Ước tính hiện nay có tới 70% - 80% các gói thầu xây lắp trên cả nước thực hiện theo phương thức EPC đã thuộc về các công ty Trung Quốc, trong đó các dự án năng lượng chiếm phần lớn. Không chỉ yếu kém trong giai đoạn triển khai dự án mà cả đến giai đoạn vận hành sau này cũng bộc lộ nhiều bất cập. Đó là công nghệ và các tiêu chuẩn áp dụng của Trung Quốc không tiên tiến, thiết bị thường gặp nhiều lỗi kỹ thuật, sự cố trong quá trình vận hành. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thiếu điện vào mùa khô mấy năm gần đây.
Theo VEA, có rất nhiều nguyên nhân khiến các dự án nguồn bị chậm tiến độ. Cụ thể: Giai đoạn chuẩn bị đầu tư quá dài (1-2 năm lập quy hoạch địa điểm, 2-3 năm đánh giá tác động môi trường). Thủ tục xin giao đất giải phóng mặt bằng, tổ chức đầu thầu còn phức tạp. Thời gian thực hiện hợp đồng EPC thường kéo dài (4-5 năm). Việc ký hợp đồng mua bán điện khó khăn và kéo dài. Đặc biệt, việc chọn nhà thầu EPC có thiết bị và nhân lực xuất xứ từ các nước phát triển thời gian qua chưa tốt dẫn đến chậm tiến độ dự án. Mặt khác, hiện Việt Nam chưa ban hành tiêu chuẩn thiết kế cho các nhà máy nhiệt điện mà chủ yếu áp dụng tiêu chuẩn Trung Quốc nên còn khó khăn cho khâu thẩm định, trình duyệt. Chưa nói tiêu chuẩn của Trung Quốc không phải là tiêu chuẩn tiên tiến.
Vì sao các nhà thầu Việt Nam hay bị “thua trên sân nhà”?
Là một trong những nhà thầu EPC có uy tín trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo thiết bị nhà máy điện, Dự án Nhơn Trạch 2 vừa được Lilama chạy thử tin cậy và bàn giao cho chủ đầu tư vận hành trước kế hoạch cam kết trong hợp đồng 45 ngày. Đặc biệt, LiLama và các nhà thầu trong nước đã tận dụng được tối đa nguồn nội lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc và chi phí quản lý dự án so với tổng thầu EPC nước ngoài, giúp chủ đầu tư giảm gần 100 triệu USD so với ký kết với tổng thầu nước ngoài. Trong bối cảnh hàng loạt các dự án điện trong quy hoạch điện VI do các nhà thấu nước ngoài bị chậm tiến độ thì dự án Nhơn Trạch 2 về đích trước hẹn 45 ngày có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc đảm bảo cung ứng điện cho đất nước, đồng thời, khẳng định năng lực các nhà thầu trong nước.
Công ty Công nghiệp nặng Doosan Vina, đơn vị chuyên sản xuất các sản phẩm công nghiệp nặng bao gồm nồi hơi cho các nhà máy nhiệt điện có nhà máy tại Khu kinh tế Dung Quất đang tạo công ăn việc làm cho trên 2.000 lao động, đem lại nguồn thu hàng trăm tỷ đồng/năm cho tỉnh Quảng Ngãi. Công ty hoạt động với sự hỗ trợ kỹ thuật từ Công ty Công nghiệp nặng Doosan tại Hàn Quốc và hệ thống hợp tác toàn cầu của Tập đoàn (bao gồm: Công ty Doosan Bobcock tại Anh chuyên về thiết kế nồi hơi và Công ty Skoda tại Cộng hòa Séc chuyên về sản xuất tua-bin). Đây cũng là 2 công ty nằm trong số ít các tập đoàn nắm giữ bản quyền công nghệ ngành của thế giới hiện nay, trong đó có ngành chế tạo các thiết bị cho nhà máy nhiệt điện. Đặc biệt, Doosan Vina hiện đang đóng vai trò rất quan trọng trong chương trình của Chính phủ về nghiên cứu, thiết kế và chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện chạy than (Quỳnh Lập 1). Dự án này sẽ góp phần nâng cao năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí trong nước, giúp Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, Viện Nghiên cứu Cơ khí và các doanh nghiệp trong nước nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị, tiến dần tới làm chủ công nghệ, sản xuất thiết bị cho các nhà máy kỹ thuật cao. Đây cũng là biện pháp hữu hiệu giúp Việt Nam giảm nhập siêu những năm tới. Tuy nhiên, dù đã đầu tư 300 triệu USD ở Dung Quất sản xuất thiết bị lò hơi và cầu trục nhưng Doosan vẫn rất khó chen vào được các gói thầu.
Đặc biệt, nhà máy Thủy điện Sơn La do Tập đoàn sông Đà làm Tổng thầu đang hứa hẹn về đích trước 2 năm đã chứng minh năng lực của các nhà thầu Việt Nam trước một công trình “made in Việt Nam” lớn nhất Đông Nam Á. Đáng tiếc là, không ít những nhà thầu như LiLama hay Sông Đà rất có năng lực vẫn phải làm thầu phụ cho nhà thầu quốc tế yếu hơn mình.
Theo ông Trần Viết Ngãi, chủ tịch VEA, nguyên nhân chính khiến các nhà thầu Việt Nam khó cạnh tranh là do cơ chế đấu thầu của Việt Nam thường đặt tiêu chí giá rẻ lên hàng đầu, mà giá rẻ là thế mạnh của các nhà thầu Trung Quốc. Thực tế, nhiều nhà thầu bỏ giá rẻ để trúng thầu rồi sau đó lại tìm lý do phát sinh thêm một số hạng mục khiến giá thành của gói thầu bị đẩy lên, thậm chí còn cao hơn cả giá của những nhà thầu bị loại lúc đầu. Lúc này chủ đầu tư rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan nên phải chấp nhận. Trong khi đó, những nhà thầu Việt Nam rất có năng lực vẫn phải làm thầu phụ cho nhà thầu quốc tế yếu hơn mình. Ngoài ra còn nhiều quy định khác cũng làm khó cho doanh nghiệp. Ví dụ, Công ty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh - đơn vị duy nhất đã sản xuất được máy biến áp 500kV cũng rất vướng vì theo quy định, những dự án của ngành điện sử dụng vốn vay nước ngoài thì công ty không được tham gia đấu thầu (vì EVN giữ cổ phần chi phối). Vì vậy, ở nhiều dự án, dù giá sản phẩm của công ty chỉ bằng 80% giá của các “đối thủ” quốc tế, chất lượng không thua kém nhưng vẫn không được xét trúng thầu.
Đặc biệt, khó khăn về tài chính đang là rào cản lớn nhất khiến các chủ đầu tư không có nhiều cơ hội lựa chọn nhà thầu đạt yêu cầu. Trong đó, sự bất cập về chính sách tín dụng cũng là rào cản không nhỏ. Thực tế cho thấy, do quy mô của các dự án năng lượng thường rất lớn, nằm ngoài khả năng đáp ứng vốn của các tổ chức tài chính, tín dụng trong nước. Một số dự án yêu cầu công nghệ kỹ thuật phức tạp và chịu sự chi phối ràng buộc của nhiều yếu tố, vượt quá khả năng thẩm định của các ngân hàng Việt Nam. Mặt khác, quy định chỉ cho vay tối đa 15% vốn tự có đối với mỗi doanh nghiệp và sử dụng vốn ngắn hạn cho vay dài hạn tối đa 30% đã làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của các ngân hàng thương mại cho các dự án năng lượng. Một số dự án kéo dài đã làm tăng mức đầu tư, ảnh hưởng đến tiến độ dự án và khả năng trả nợ với các ngân hàng. Mặt khác, theo yêu cầu của ngân hàng nước ngoài, nguồn vốn đối ứng Việt Nam trong gói thầu EPC phải giải ngân trước và giải ngân hết mới được giải ngân vốn vay ngân hàng nước ngoài. Trong khi đó, chính sách thắt chặt tín dụng của nhà nước đã làm cho các doanh nghiệp rất khó giải ngân được nguồn vốn này và kéo theo đó là không thể giải ngân được vốn vay ngân hàng nước ngoài. Trong điều kiện khó khăn về tài chính, tiêu chí quan trọng để xét trúng thầu là yếu tố giá thầu rẻ, các nhà thầu lại cam kết cho vay 85% vốn đầu tư đã khiến chủ đầu tư không thể “kén cá chọn canh” mà buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC giá thấp, đồng nghĩa với việc chấp nhận những nhà thầu kém, trình độ thấp và tất nhiên là chất lượng công trình kém, tiến độ chậm.
Bên cạnh đó, điểm vướng lớn nhất là trong quy định hiện nay, các nhà thầu cùng có tiêu chí kỹ thuật đạt 70 - 80% thì ai trả giá thấp hơn được chọn thầu. Điều đó khiến cho nhà thầu có điểm kỹ thuật 100% nhưng bỏ thầu giá cao hơn sẽ phải thua nhà thầu có điểm kỹ thuật 70%. Điều này sẽ làm tăng rủi ro trong thực hiện hợp đồng. Mặt khác, lại có những tiêu chí dự thầu quá cao như quy định ưu tiên lựa chọn thiết bị công nghệ hiện đại, đạt tiêu chuẩn, có số năm kinh nghiệm nhất định mà chỉ quốc tế mới đáp ứng được. Đây cũng là yếu tố cản đường những công ty mới, những nhân tố mới trong nước khiến công ty nước ngoài luôn thắng thầu. Chính những quy định pháp lý chưa phù hợp là một trong những yếu tố cản trở khả năng cạnh tranh của nhà thầu Việt.
Đặc biệt, hiện nay giá mua điện còn thấp nên các dự án nguồn không hấp dẫn được nhà đầu tư, nhất là những nhà thầu có năng lực tài chính và kinh nghiệm. Điều đó đã khiến EVN gặp nhiều khó khăn về tài chính. Trong khi sức ép tạo nguồn điện mới luôn gia tăng. Vì vậy, họ buộc phải lựa chọn những gói thầu EPC giá thấp, đồng nghĩa với việc chấp nhận những nhà thầu kém, trình độ thấp và tất nhiên là chất lượng công trình kém, tiến độ chậm, không đáp ứng được yêu cầu của chủ đầu tư.
Cần tạo cơ hội cho các nhà thầu trong nước
Theo ông Nguyễn Văn Thụ, chủ tịch Hiệp hội cơ khí Việt Nam, để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng dự án, không nên coi giá dự thầu là tiêu chí quyết định trong việc trao hợp đồng EPC. Chính phủ cần chú trọng ưu tiên các vấn đề như chất lượng, tiến độ, tổng chi phí (bao gồm dịch vụ sau bán hàng, mức độ tiên tiến của công nghệ và khả năng chuyển giao công nghệ cho lao động trong nước). Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách ưu đãi cần được áp dụng để tạo cơ hội cho các nhà thầu Việt Nam và các nhà đầu tư nước ngoài có cơ sở sản xuất, chế tạo thiết bị năng lượng tại Việt Nam. Nếu tiếp tục kéo dài cơ chế chọn nhà thầu như hiện nay, doanh nghiệp trong nước không thể thắng thầu, nền kinh tế sẽ lãng phí một nguồn lực lớn từ các doanh nghiệp trong nước đã được đầu tư bài bản, có công nghệ hiện đại.
Ông Thụ cũng cho rằng, Chính phủ cần có cơ chế để các doanh nghiệp cơ khí trong nước được làm những gói thầu nhỏ. Các chủ đầu tư Việt Nam như EVN, PVN, Vinacomin cần chủ động tách các hạng mục công việc trong một dự án lớn thành các gói độc lập nhỏ phù hợp với năng lực sản xuất trong nước. Cũng cần có cơ chế, chính sách để nhà đầu tư và nhà thầu EPC phải cam kết sử dụng tối đa các nhà thầu phụ trong nước cho các hạng mục cơ khí, xây dựng...; chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc đòi hỏi công nghệ cao cho các đơn vị thi công trong nước. Đây là giải pháp quan trọng giúp ngành điện Việt Nam phát huy nội lực, công nhân Việt Nam có điều kiện nâng cao tay nghề, giải quyết công ăn việc làm mà còn góp phần giảm nhập siêu cho đất nước. Tất nhiên, để được tin tưởng, các doanh nghiệp cơ khí trong nước cũng cần phấn đấu hơn nữa để đáp ứng yêu cầu của quá trình hội nhập.
Về vấn đề tài chính, các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ có cơ chế đặc thù cho các ngân hàng thương mại trong nước khi tham gia thu xếp vốn cho các dự án như bảo lãnh các khoản vay trong và ngoài nước, được sử dụng trước nguồn vốn đầu tư của các ngân hàng trong nước. Cho phép doanh nghiệp vay vượt 15% vốn tự có đối với các dự án năng lượng trọng điểm. Ưu tiên các doanh nghiệp được vay vốn với lãi suất thấp, thời gian vay vốn dài như vốn vay nước ngoài, vốn ODA, phát hành cổ phiếu, trái phiếu công trình, kêu gọi đầu tư trực tiếp từ các nhà đầu tư khác. Tạo điều kiện cho chủ đầu tư vận động các thành phần kinh tế, các doanh nghiệp trong và ngoài nước có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm tham gia dự án. Tạo điều kiện cho EVN ký các khoản vay thương mại, vay ưu đãi để đầu tư các dự án. Cho phép các Tổng công ty chủ động tìm kiếm các nguồn vay nước ngoài để giảm bớt gánh nặng cho EVN.
Theo các doanh nghiệp, Nhà nước cần bổ sung và sửa đổi một số quy định hiện hành về đấu thầu để cho phép các chủ đầu tư (đặc biệt là các chủ dự án có sử dụng nguồn vốn Nhà nước) lựa chọn các thiết bị chất lượng cao, các nhà thầu EPC có kinh nghiệm từ các nước công nghiệp phát triển như: G7, Nhật Bản, Hàn Quốc… Sửa đổi quy định về hồ sơ mời thầu bằng cách đưa hệ số tính điểm về xuất xứ thiết bị vào để xét thầu. Đặc biệt, cần quy định cụ thể về việc nhà thầu EPC phải cam kết đủ điều kiện về năng lực, tài chính. Chính phủ cũng cần có chính sách, quy chế định hướng lựa chọn thiết bị công nghệ nhập khẩu, nhất là về cấp độ tiên tiến và hiện đại của công nghệ. Trong một số trường hợp đặc biệt, các chủ đầu tư được phép chỉ định trực tiếp nhà thiết kế chế tạo thiết bị, nhà thầu EPC và các tư vấn khi đã biết rõ năng lực, kinh nghiệm và khả năng tài chính của họ.
Ngọc Loan