Công ty CP LILAMA 10: Chuyển biến mạnh, thành công lớn

22/12/2016 09:19

“Những năm gần đây, khi các nhà máy thủy điện trong nước - vốn được coi là thế mạnh truyền thống - dần khép lại, Công ty Cổ phần Lilama 10 đã nhanh nhạy chuyển hướng thành công sang các lĩnh vực mới như: Nhiệt điện, hóa dầu, hóa chất… Đó cũng chính là hướng đi chiến lược của Lilama 10 trong thời gian tới” - Tổng giám đốc Đặng Văn Long chia sẻ với phóng viên Báo Công Thương.

LILAMA 10 tham gia lắp đặt nhà máy thủy điện Lai Châu

Chuyển hướng nhanh

     Được biết đến như một đơn vị mạnh trong công tác chế tạo và lắp đặt các thiết bị, dấu chân của những người thợ Lilama 10 đã đến và góp phần tạo nên thành công cho những nhà máy thủy điện lớn như: Vĩnh Sơn, Yaly, Sơn La, Lai Châu… Đặc biệt, Nhà máy Thủy điện Sơn La - công trình có quy mô lớn nhất Đông Nam Á gồm 6 tổ máy, 2.400MW - với đủ các cung bậc khó khăn, thách thức LILAMA 10 đã tập trung đội ngũ kỹ sư, kỹ thuật, công nhân lành nghề và các phương tiện thi công ngày đêm để hoàn thành 6 tổ máy, sớm 2 năm so với Nghị quyết của Quốc hội đề ra. Ngay trong tháng 12 này, Nhà máy Thủy điện Lai Châu công suất 1.200 MW cũng sẽ hoàn thiện, đánh một dấu mốc lớn cho sự nỗ lực của tập thể cán bộ, công nhân viên Lilama 10 trên công trình này.


LILAMA 10 tham gia lắp đặt thiết bị tại lọc dầu Nghi Sơn

     Như vậy, sau Nhà máy Thủy điện Lai Châu, những công trình thủy điện lớn đang đi vào giai đoạn kết thúc. Đúng như nhìn nhận và chỉ đạo của Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam Lê Văn Tuấn, Lilama 10 đã nhanh chóng tìm hiểu và chuyển đổi hướng đi phù hợp. Thực tế công ty đã tìm hiểu, thực hiện những công việc ngoài lắp đặt thủy điện từ cách đây 3, 4 năm. Cụ thể, về công tác chế tạo thiết bị cơ khí, Lilama 10 đã có một nhà máy chế tạo tại thành phố Hải Dương. Hiện công ty đang được tích cực đầu tư để đưa nhà máy trở thành một cơ sở chế tạo thiết bị kết cấu, có thể đảm nhiệm mọi công việc về chế tạo thiết bị của công ty cho các dự án lớn trong nước và xuất khẩu với công suất 10 nghìn tấn/năm.

     Bên cạnh đó, trong công tác lắp đặt, Lilama 10 đã có rất nhiều kinh nghiệm từ nhiều năm nay. Đặc biệt, Lilama 10 đã đảm nhiệm được công tác lắp đặt thiết bị lò - là hạng mục khó nhất của nhà máy nhiệt điện. Đến nay, Lilama 10 đã lắp đặt thành công thiết bị lò của Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Vĩnh Tân 1 và tới đây sẽ là Dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1. Tổng giám đốc Đặng Văn Long - khẳng định, thiết bị lò là một hạng mục khó nhất trong nhà máy nhiệt điện. Khi đã thực hiện được hạng mục này đồng nghĩa với việc Lilama 10 sẽ đảm đương được nhiều hạng mục khác của nhà máy nhiệt điện trong tương lai.

     Không chỉ với các dự án nhiệt điện, Lilama 10 cũng đã chinh phục thành công các dự án khác trong lĩnh vực lọc dầu, hóa chất… Với Dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nghi Sơn, Lilama 10 đã huy động hơn 1.000 nhân công, thực hiện công tác lắp đặt kết cấu thép; lắp đặt thiết bị, chế tạo và lắp đặt hệ thống ống công nghệ, hệ thống bồn bể chứa dầu thô và sản phẩm thành phẩm của dự án với tổng khối lượng thi công chính gồm lắp đặt 16.000 tấn kết cấu thép và thiết bị, chế tạo 431.000 ID đường ống công nghệ các loại…

“Xuất khẩu” lao động

     Tâm sự với chúng tôi, ông Đặng Văn Long cho biết, với nghề cơ khí chế tạo, cái quý nhất chính là bàn tay, khối óc của người lao động. Từ nhiều năm nay, công ty đã đưa cán bộ, kỹ sư, công nhân đi tham gia các dự án ở nước ngoài rất thành công. Lilama 10 là đơn vị đầu tiên của Tổng công ty Lilama Việt Nam ký được hợp đồng với hai nhà thầu hàng đầu châu Âu trong lĩnh vực xây lắp là DOOSAN BABCOCK ENERGY & WEIR ENGINEERING SERVICE LIMITED về việc sửa chữa đại tu nhà máy nhiệt điện tại Libya. Theo đó, Lilama 10 đã đưa gần 200 kỹ sư, công nhân sang Libya để thực hiện trọn gói dự án trong 12 tháng, bao gồm đại tu phục hồi nhà máy nhiệt điện Lisco-Libya. Với đội ngũ kỹ sư giỏi cùng những người thợ chuyên nghiệp, Lilama 10 đã được các nhà thầu đánh giá cao. Từ thành công này, đối tác đã mời Lilama 10 tiếp tục hợp tác thực hiện giai đoạn 2 của dự án.

Kỹ sư, công nhân LILAMA 10 chụp ảnh lưu niệm trước khi sang nước ngoài làm việc

     Ngoài Libya, công ty còn đưa người lao động đi Nga, Ghine... “Thông qua việc xuất khẩu lao động, Lilama 10 “được” rất nhiều. Đó là đảm bảo việc làm và thu nhập cao cho người lao động, đem ngoại tệ về cho đất nước; nâng cao tính chuyên nghiệp, kỷ luật lao động của người lao động…” - Tổng giám đốc Đặng Văn Long chia sẻ.

Tồn tại bằng uy tín và thương hiệu

     Theo ông Đặng Văn Long, với nghề lắp máy, con người là số một. Cần phải có đội ngũ công nhân có tay nghề, kỹ sư có chuyên môn và ngoại ngữ. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, tham gia vào các dự án lớn nên Lilama 10 thường xuyên phải làm việc với các đối tác nước ngoài. Chính vì thế, trong 2 năm vừa qua, Lilama 10 đã đưa 15 cán bộ sang Philippine học tiếng Anh tập trung cao độ trong thời gian khoảng 4 đến 6 tháng. Kết quả thu được rất khả quan. Kỹ sư của Lilama 10 đã có thể trao đổi, làm việc thành thạo với các đối tác nước ngoài. Đây cũng là mục tiêu và chủ trương chung của Tổng công ty trong thời gian tới.

     Ông Đặng Văn Long nhận định: Trong tương lai, ngành Cơ khí của đất nước vẫn có cơ hội phát triển, bởi còn rất nhiều những nhà máy nhiệt điện, hóa chất, lọc hóa dầu… đang được đầu tư. Quan trọng là các đơn vị cơ khí phải giữ được thương hiệu ổn định bằng cách nâng cao tay nghề của người lao động, năng suất lao động, kỹ năng quản trị doanh nghiệp… “Chỉ bằng uy tín của mình, các đơn vị cơ khí mới tồn tại được trong bối cảnh khó khăn hiện nay”- ông Long dẫn chỉ đạo của Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn và cho biết đó cũng là kim chỉ nam hoạt động thông suốt của Lilama 10.

Nguyễn Duyên