Đêm trắng - Thủy điện Sơn La

04/01/2012 11:59

22h ngày 8/12/2011, màn đêm bao phủ khắp không gian huyện vùng núi Mường La, nhưng công trường nhà máy thuỷ điện Sơn La vẫn bừng sáng những ánh điện, tất bật cảnh những người thợ máy LILAMA 10 chi nhánh Sơn La đang "Tay năm tay mười" chạy đua với thời gian để hoàn thành việc lắp đặt các tổ máy của nhà máy thuỷ điện Sơn La đúng tiến độ. Để một ngày không xa, ánh sáng dòng điện từ nơi đây sẽ toả đi mọi miền đất nước...

     Miệt mài trắng đêm

     Trong cái căm căm lạnh của đợt không khí lạnh tăng cường đổ về, anh Chu Tuấn Dũng - Trưởng ban An toàn lao động Cty CP LILAMA 10 chi nhánh Sơn La đưa tôi vào công trường nhà máy thủy điện Sơn La, ở cao độ 118, nơi các thợ máy đang làm việc. Lúc ấy là 22h, "thời điểm này, trên công trường nhà máy thuỷ điện Sơn La, chỉ duy nhất còn công nhân LILAMA 10 làm ca 3", anh Dũng nói.

Khi chúng tôi vào trong nhà máy, trong ánh điện sáng trắng của hàng trăm bóng đèn, những chiếc áo xanh LILAMA 10 hiện lên rõ nét, khoẻ khoắn trong động tác nghiệp vụ, làm cho không gian công trường nhà máy sống động, như một cơ thể sống đang vận động một cách gắn kết, nhịp nhàng và trơn tru nhất. "Cơ thể" ấy không ngủ, hay chính những công nhân đang thức trắng đêm để hoàn thành nhiệm vụ đặt ra. 

     Gần chân cầu thang bộ, Trưởng ca đội rôto Lê Văn Hiệp đang cùng các thành viên đội rôto nhanh tay lau lần lượt những tấm tôn từ trước khi xếp vào mang cá của rôto tổ máy số 5. Việc lắp đặt các tấm tôn từ được thực hiện cẩn thận, đảm bảo sự chính xác gần như tuyệt đối. Mỗi tấm tôn khi xếp được cố định bởi những mang cá và 3 chốt tròn. 3 chiếc chốt này sẽ được rút ra khi việc xếp tôn hoàn thành, khớp chặt vào mang cá.

Trước khi tiến hành xếp tôn, công nhân đều phải cởi bỏ giầy, di chuyển bằng chân tất trên các tấm tôn. Thậm chí khi tiếp xúc với những tấm tôn từ, công nhân bắt buộc phải mang bao tay để tránh mồ hôi tay bám vào tôn từ. Vì trong mồ hôi, chất muối sẽ làm ảnh hưởng đến tuổi thọ của tôn từ. "Mọi hoạt động xếp tôn từ ở rôto gần như đòi hỏi sự sạch sẽ, chính xác và sự kết hợp ăn ý giữa những công nhân, để các lớp tôn từ đảm bảo sự hài hoà, cân bằng. Khi xếp, phải chỉnh được bán kính của tôn đúng thiết kế, xếp đúng như sơ đồ đã xây dựng", Trưởng ca Hiệp cho biết.

     Trong đêm nay, đội rôto của anh Hiệp đặt ra chỉ tiêu sẽ hoàn thành lắp đặt 20 lớp tôn từ, mỗi lớp 20 tấm, mỗi tấm dày 4mm. Hiện rôto tổ máy số 5 đã tiến hành ép tôn từ đợt 1, với 118 lớp, còn 3 đợt ép tiếp theo, với số lớp tôn từ tương tự. Dự kiến, công việc xếp các tấm tôn của rôto tổ máy số 5 (và các máy khác) này sẽ hoàn thành sau 4 - 5 ngày, sau đó đó là các công việc phụ khác để hoàn thiện rôto.

     Để tổ máy số 4 của nhà máy thuỷ điện Sơn La sẽ phát điện trước tiến độ, hoà vào lưới điện quốc gia, LILAMA 10 chi nhánh Sơn La đang tập trung cao độ nguồn nhân lực làm việc liên tục ba ca. Đội tua-bin, trong đó có gần 30 công nhân đã hoàn thành việc lắp đặt ổ đỡ mặt gương, tổ hợp cánh hướng cũng sec-vo đóng mở cánh hướng... những bộ phận đòi hỏi kỹ thuật, độ chính xác gần như tuyệt đối về cao độ và hành trình.

     "Ca này (từ 22h - 6h sáng hôm sau), đội tua-bin sẽ hoàn thiện bể dầu, tổ hợp sàn phân phối khí gần rôto máy phát, vệ sinh các bộ phận để chuẩn bị cho chạy máy. Đây là những phần việc cuối cùng trong giai đoạn kiện toàn tổ máy số 4, trước khi tổ máy phát điện vào cuối tháng 12 này", anh Nguyễn Trọng Khoa - Trưởng ca đội tua-bin cho biết. Những phần việc mà đội tua-bin thực hiện, diễn ra ở cao độ 109.


     Đang loay hoay với những thước ảnh, nghe thấy những tiếng lốp cốp của chiếc mũ bảo hộ lao động xoay cọ trên trần. Ngước nhìn, một thợ máy thu lu người, xoay xở trong không gian chật hẹp để xoáy chặt chiếc ốc vít. "Vặn ốc là công việc đơn giản, nhưng chỗ này quá hẹp, mình co người hết mức nên rất mỏi cổ và lưng" - người thợ máy nói với trong lúc co người như một nhộng tằm, để siết ốc. Khi hỏi tên, được biết anh là Đỗ Quốc Đông, quê ở huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hoá, đang siết lại lần cuối các ốc ở đáy bể dầu.

     Không phải mỏi cổ vì nghển liên tục để siết ốc trên trần nhà như thợ máy Đông, thợ máy Phùng Văn Viện lại thọt lỏm giữa dọc ngang những ô sắt phía dưới tua-bin để dán đệm cao su chặn hành trình đóng, mở cánh hướng. Tổng số đệm cao su mà công nhân Viện phải thực hiện là 48 chiếc đệm chia đều cho mỗi hành trình đóng hoặc mở cánh cứng. Phần việc này sẽ được thợ máy Viện hoàn thành trong đêm nay.

     "Tổ ong thợ" giữa nhà máy

     Nếu như phần việc của đội rôto và tua-bin diễn ra dường như "lộ thiên" thì công việc của đội stato lại diễn ra trong không gian gần như tách biệt với môi trường bên ngoài. Nơi làm việc của đội stato được phủ "kín như bưng" bằng vải bạt, như một chiếc tổ chim. "Khi lắp đặt stato thì phải phủ kín bạt, để ngăn không cho bụi từ ngoài bay vào. Việc tiến hành đảm bảo yêu cầu cao nhất về điều kiện cũng như kỹ thuật cho stato" - Trưởng ca đội stato Nguyễn Văn Thịnh cho biết.

     Bất kỳ ai khi vào trong "tổ" cũng phải cởi bỏ giày dép ở ngoài. Trong "tổ", hơn mười công nhân đang tỉ mẩn làm việc như những chú ong thợ miệt mài xây đắp. Ngoài những phương tiện kỹ thuật dùng để lắp stato, trong "tổ" còn được trang bị 4 chiếc điều hòa phục vụ các thợ máy làm việc: "Không gian làm việc của đội như một chiếc phòng khép kín, nên cần phải có điều hòa để vừa đảm bảo điều kiện làm việc cho công nhân ("tổ" được quây kín nên rất nóng, dù là đêm đông) vừa có tác dụng làm khô không khí, tránh hơi nước đọng trên các tấm tôn từ" - anh Thịnh cho biết.

     Khi tôi bước vào "tổ", các thợ máy đang khẩn trương vặn, siết cùng những chiếc máy siết ốc. Hiện, tiến trình lắp đặt Starto đã bước vào công đoạn siết bulông vòng 5 - vòng cuối cùng. Nếu như bên ngoài nhìn lại, stato tổ máy số 5 như một vùng phủ bạt im lìm tĩnh tại bao nhiêu thì bên trong nó lại tất bật rộn ràng bấy nhiêu. Những tiếng hiệu liên tiếp: "100, chưa được! lên 200 (Niutơn) Xong!" của những thợ máy đang siết bulông tới người điều khiển máy, khiến không gian nơi đây sôi động và hối hả.

     Trên vòng stato, thợ máy Trần Văn Dương tay cầm 1 cờ lê cùng với chiếc máy siết bulông đang di chuyển đều đặn để siết chặt lại những vòng ốc, cho biết: "Việc siết bulông tiến vòng tròn một lượt, cách một ốc siết một ốc để tránh dồn tôn. Sau đó những lượt siết sau đó sẽ đảm bảo toàn bộ bulông sẽ được siết chặt". Dương là một trong số những thợ máy mới được tăng cường về đội stato, để giúp tiến độ lắp đặt stato tổ máy số 5 đảm bảo hoàn thành trong tháng 02/2012 theo kế hoạch chung toàn Cty.

     Đêm nay, ngoài việc siết chặt bulông ở stato, ở tổ máy số 5, anh Thịnh cùng các thợ máy đội stato còn tiến hành đồng thời các phần việc như, chỉnh khe hở vành chắn lửa giữa rôto và stato, siết chặt bulông sàn phân phối khí. Ngoài ra, đội stato còn hoàn thiện đồng thời các phần việc lắp cổ góp, giá đỡ chổi than và vệ sinh tổ máy số 4 để chuẩn bị cho việc phát điện tổ máy này...

     Thời gian cứ thế trôi theo những phần việc được hoàn thành. Đêm dần về sáng. Những công nhân LILAMA 10 chi nhánh Sơn La dời nhà máy, cất bước lên ô tô chờ sẵn để đưa về khu tập thể, kết thúc một ca, cũng là một đêm trắng làm việc miệt mài. Ra ô tô chờ sẵn để về khu tập thể, bước chân của những người thợ máy đã có phần mệt mỏi sau một đêm thức trắng. Chính nhờ sự mệt mỏi ấy của các anh mà dự án nhà máy thuỷ điện Sơn La dự kiến sẽ hoàn thành trước 2 năm so với thời hạn ban đầu đặt ra (năm 2012 thay vì năm 2014 như lúc đầu).

Trần Triều Phong