Đi tìm sản phẩm “lõi” cho ngành công nghiệp chế tạo: Kỳ 1 - Những con chim đầu đàn gãy cánh

09/09/2016 08:35

Sau 30 năm đổi mới, ngành công nghiệp - xây dựng nước ta đạt mức tăng trưởng khá ấn tượng (16%/năm), song chủ yếu dựa vào các ngành khai khoáng, gia công, nặng về thâm dụng tài nguyên mà coi nhẹ lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo có giá trị gia tăng cao, bền vững và lâu dài. Mức tăng trưởng lĩnh vực chế biến, chế tạo chỉ đạt 1,6%/năm, nếu theo xu hướng của thế giới, đó là bước thụt lùi đáng lo ngại. Trong “cuộc chơi” hội nhập rộng mở như hiện nay, nếu không thay đổi tư duy và chiến lược phát triển công nghiệp, tìm ra những sản phẩm “lõi” có lợi thế để tập trung đầu tư thì mục tiêu “sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại” có nguy cơ ngày càng xa vời.

     Những năm 60 của thế kỷ trước, trong hoàn cảnh đất nước chiến tranh, khó khăn thiếu thốn bộn bề, song nhờ sự giúp đỡ của một số nước anh em, chúng ta đã xây dựng được một số cơ sở công nghiệp lớn, hình thành những “cỗ máy cái”, biểu tượng của ngành công nghiệp nặng một thuở, một thời. Tuy nhiên, theo thời gian, những “con chim đầu đàn” này dần bị đuối sức, gục ngã trong nền kinh tế thị trường, …

Vang bóng một thời

     Năm 1958, Nhà máy Cơ khí Hà Nội - “cánh chim đầu đàn” của ngành cơ khí Việt Nam ra đời, trong bối cảnh những ngày đầu tạo dựng nền công nghiệp non trẻ, với những tên gọi thân thương đã đi vào ký ức của bao thế hệ như: Nhà máy Cơ khí Hà Nội, Nhà máy Chế tạo máy Công cụ số 1,… Khi đó, Cơ khí Hà Nội có quy mô lớn nhất miền bắc, và được xếp tầm cỡ lớn trong khu vực Đông - Nam Á. Cũng trong thời gian này, Nhà nước đã cải tạo, mở rộng nhiều cơ sở cơ khí sửa chữa cũ thành xưởng cơ khí chế tạo, như Cơ khí Trần Hưng Đạo, Cơ khí Gia Lâm, Cơ khí Duyên Hải,… với máy móc đạt độ chính xác cấp 3.

     Chúng tôi tìm gặp “ông vua bánh răng” Tạ Quang Minh, nguyên Phó Giám đốc kỹ thuật Nhà máy Cơ khí Hà Nội, một trong số ít các kỹ sư chế tạo bánh răng hàng đầu của Việt Nam những năm 60 - 70 của thế kỷ trước. Ông Minh cho biết, trong những năm tháng nền kinh tế đất nước còn khó khăn, Nhà máy Cơ khí Hà Nội luôn là đơn vị chủ lực trong lĩnh vực sản xuất máy công cụ, công nghiệp nặng của Việt Nam, sản xuất và cung ứng cho thị trường hàng chục nghìn máy công cụ, hàng trăm nghìn tấn thiết bị các loại, cũng như thiết bị, máy móc cho các ngành công nghiệp điện, xi-măng, mía đường, công nghiệp cán thép,… đóng góp to lớn vào sự phát triển các ngành công nghiệp của đất nước. Khoảng những năm 1965, ngành cơ khí đã có khả năng chế tạo các máy công cụ đạt độ chính xác cấp 2, các thiết bị toàn bộ cho một số ngành công nghiệp nhẹ; cơ khí chế tạo đã chiếm tỷ trọng tới 80%, cơ khí sửa chữa 20%. Tự hào biết mấy, khi những dây chuyền máy công cụ đủ loại, từ máy tiện, máy phay, doa, khoan,… được gắn mác “Cơ khí Hà Nội chế tạo”.

     Năm 1965, tại Nhà máy Đóng tàu Bạch Đằng (Hải Phòng), con tàu 1.000 tấn đầu tiên mang tên “20-7” (lấy tên Ngày Tổng tuyển cử thống nhất đất nước theo Hiệp định Giơ-ne-vơ) đã được đóng thành công. Theo nhận định của một số chuyên gia ngành đóng tàu, từ chỗ chỉ đóng và sửa chữa các tàu phà nhỏ đi sông, việc chế tạo thành công tàu máy hơi nước 620 mã lực vươn ra biển xa này, dù còn nhiều hạn chế về tiến bộ công nghệ thời bấy giờ, song đã góp phần quan trọng trong việc đặt nền móng đào tạo, xây dựng đội ngũ đóng tàu và phát triển các ngành liên quan như thiết kế, đăng kiểm, bảo hiểm, vận tải,...

     Mốc phát triển ngành luyện kim được ghi dấu bằng một sự kiện rất trọng đại: Theo Nghị định 214-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngày 4-6-1959, Ban chỉ huy công trường Khu gang thép Thái Nguyên được thành lập để triển khai công việc xây dựng Khu công nghiệp Gang thép lớn nhất của đất nước, công suất 200 nghìn tấn/năm, đợt đầu 100 nghìn tấn/năm. Sau hơn ba năm tập trung sức xây dựng, ngày 29-11-1963, mẻ gang đầu tiên của Nhà máy gang thép ra lò, đưa Thái Nguyên trở thành “cái nôi” của ngành luyện kim cả nước. Đây là khu công nghiệp thép đầu tiên tại Việt Nam có dây chuyền sản xuất liên hợp khép kín từ khai thác quặng sắt đến luyện gang, luyện thép và cán thép. Trên phương diện một ngành công nghiệp nền tảng, quan trọng hàng đầu của nền kinh tế quốc dân, sản phẩm thép được xác định là nguồn cung ứng vật tư chiến lược đầu vào không thể thiếu cho các ngành công nghiệp, xây dựng và quốc phòng, thúc đẩy các ngành công nghiệp khác phát triển.

Mất dần thương hiệu

     Ngành thép được coi là ngành công nghiệp quan trọng hàng đầu trong nền kinh tế. Để đạt mục tiêu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, ngành thép giữ vị trí rất quan trọng. Năm 1995, Tổng công ty Thép Việt Nam (VnSteel) được thành lập, với tham vọng tạo dựng thành một Posco (tập đoàn thép lớn Hàn Quốc) của Việt Nam; trong đó, Công ty Gang thép Thái Nguyên (Tisco) được coi là “quả đấm thép” của VnSteel. Dù được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng ngành thép Việt Nam, điển hình là VnSteel, đã phát triển lệch hướng, thiếu tầm nhìn và chiến lược dài hạn. Giữa năm 2009, Công ty cổ phần cán thép Thái Trung đổ ra hơn 1.300 tỷ đồng xây dựng nhà máy cán thép công suất 500 nghìn tấn/năm tại Khu liên hợp Gang thép Thái Nguyên, nằm trong dự án tổng thể cải tạo và mở rộng Tisco giai đoạn 2. Thời điểm này, đây là dự án cán thép lớn nhất Việt Nam, nhưng sản phẩm làm ra chỉ là thép xây dựng thông thường.

     Trong bối cảnh thị trường ảm đạm, thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc ồ ạt tràn về, viễn cảnh sản phẩm thép trong nước ế ẩm đã được dự báo trước. Năm 2014, sau vài tháng đi vào hoạt động, công ty chỉ sản xuất cầm chừng 100 nghìn tấn thép cán (bằng 20% công suất), số lỗ đã lên gần 100 tỷ đồng. Thái Trung chỉ là một điển hình của nhiều doanh nghiệp (DN) ngành thép âm ỉ trong lò những cục nợ lớn. Nhìn rộng ra dự án đầu tư mở rộng sản xuất giai đoạn 2 của Tisco, do nhà thầu Tập đoàn Xây lắp luyện kim Trung Quốc (MCC) trúng thầu gói thầu EPC số 1 dây chuyền công nghệ luyện kim, sau nhiều năm triển khai ì ạch, đã bị đội vốn từ 3.850 tỷ đồng lên hơn 8.100 tỷ đồng và hiện vẫn chưa thể rõ số phận của nó sẽ đi về đâu. Trong quá trình thực hiện, dự án nhiều lần gặp khó khăn, ngừng trệ thi công và hiện tại đang “đắp chiếu”. Thời điểm này, Tisco đang ở trong “thế kẹt” giữa việc tiếp tục hay buông bỏ dự án khi số tiền giải ngân đã quá lớn. Mặc dù Tisco vẫn trông chờ được Chính phủ tiếp tục hỗ trợ, song Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiên quyết khẳng định: “Chính phủ không thể tiếp tục ném tiền vào Gang thép Thái Nguyên, như thế chẳng khác gì ném tiền vào lửa”.

     Ngành thép được “nuông chiều” quá lâu, trở nên còi cọc và yếu đuối trước sóng gió thị trường. Quy hoạch phát triển ngành thép liên tục bị phá vỡ, vênh, lệch lạc với ngành cơ khí chế tạo. VnSteel đã mất vai trò dẫn đầu ngành thép, nhường lại vị trí trụ cột cho những doanh nghiệp tư nhân như Pomina, Hoa Sen, Hòa Phát,… Chừng 20 năm trở lại đây, các DN ồ ạt đầu tư sản xuất thép nhưng quy mô nhỏ, công nghệ lạc hậu, chỉ dừng lại ở công đoạn giản đơn nhất là cán thép. Các DN gần như không quan tâm đầu tư chiều sâu, đầu tư vào luyện gang từ quặng thô, vì đây là công nghệ đòi hỏi đầu tư lớn, cho nên bị mất cân đối trong các phân khúc sản phẩm, không sản xuất nổi thép chất lượng cao phục vụ công nghiệp chế tạo.

     Chuỗi sản xuất thép chỉ hớt phần “ngọn”, luôn bị động theo giá phôi thế giới. Việc bảo hộ sản xuất thép trong nước đã phản tác dụng, không làm cho ngành thép bắt kịp xu thế hội nhập như kỳ vọng mà còn khuyến khích nhiều DN nhập về các dây chuyền lạc hậu. GS, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhận định: Không phủ nhận những tác động tích cực của ngành thép đến vấn đề giải quyết việc làm cho hàng vạn người lao động, đóng góp cho ngân sách, song điểm lại, hơn 20 năm qua, nội lực của ngành thép hết sức yếu ớt, công nghệ cũ kỹ, lạc hậu, thiếu hụt sản phẩm trọng điểm. Thép xây dựng tuy là thế mạnh, sản phẩm chủ lực của ngành, song chất lượng rất thấp, không đủ tiêu chuẩn để “đặt chân” vào những công trình lớn, quan trọng của đất nước.

     Trên nền Nhà máy Cơ khí Hà Nội rộng hơn 100 nghìn m2 ngày nào, giờ đây mọc lên Tổ hợp Royal City - “thành phố châu Âu thu nhỏ” nguy nga, tráng lệ. Một chút dấu tích xưa cũ cũng không còn, để lại cho những lớp người từng gắn bó cả một quãng đời trai trẻ với máy tiện, máy phay ít nhiều tiếc nuối. Họa sĩ Đinh Quang Tỉnh (Ba Tỉnh), người trưởng thành trong đội ngũ “thế hệ vàng” của Cơ khí Hà Nội năm xưa nói, giọng nghẹn đắng: Trong khuôn viên Cơ khí Hà Nội, dọc trục lộ nhà máy trồng những hàng nhãn rất đẹp, ghi tên các kỹ sư, công trình sư nổi tiếng của Liên Xô và của ta góp công dựng xây nhà máy. Những thế hệ cán bộ, công nhân có nguyện vọng thiết tha được lưu giữ lại hàng cây, thế nhưng lời hứa đã không được xem xét, thực hiện.

     Vẫn biết chủ trương di dời các cơ sở công nghiệp khỏi nội đô là điều tất yếu, song với một nhà máy trong vòng 5 năm (1958 - 1963) vinh dự được Bác Hồ chín lần về thăm như Cơ khí Hà Nội, rất cần giữ lại chút gì cho thế hệ con cháu mai sau nhớ về lịch sử, quá khứ oanh liệt, thiêng liêng. Năm 2010, Nhà máy Cơ khí Hà Nội thực hiện chuyển dời về Bắc Ninh, hoàn thành xây dựng các hạng mục hạ tầng, lắp đặt hàng trăm loại thiết bị hiện đại, trong đó có những máy cỡ lớn như máy tiện đứng SKJ, máy doa W250, máy tiện nằm SUT160,... Tuy nhiên, nhiều chuyên gia, kỹ sư ngành cơ khí tỏ ra nghi ngại, bởi tuy có nhiều loại máy móc, thiết bị hiện đại, hoành tráng, nhưng đó chỉ là đống máy lộn xộn, các hệ thống kiểm tra, đo lường, nhiệt luyện, gia công bánh răng,… đều không có, thiết bị hiện đại chỉ để “làm cảnh”. Thực tế, Cơ khí Hà Nội hiện nay đã không đủ khả năng chế tạo loại máy công cụ đơn giản nhất mà nhà máy trước đây từng chế tạo.

     Câu chuyện Cơ khí Hà Nội, cùng hàng loạt tên tuổi như Cơ khí Trần Hưng Đạo, “Sóng Duyên Hải”,… lừng lẫy một thời đã bị mai một, kéo theo cả một ngành công nghiệp chế tạo, với những “bàn tay vàng” tài hoa chìm vào quên lãng, thật xót xa!

     Tháng 5 vừa qua, Thường trực Chính phủ đã phải dành riêng một cuộc họp về dự án của Tisco giai đoạn 2. Sau cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo giao Bộ Công thương thành lập tổ công tác, thuê tư vấn độc lập để đánh giá toàn diện dự án và đưa ra phương án xử lý theo ba hướng: bán dự án, bán Tisco hoặc kêu gọi doanh nghiệp góp vốn đầu tư. Giữa tháng 6, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đồng ý về nguyên tắc cho phép Bộ Công thương lựa chọn nhà thầu tư vấn độc lập đánh giá dự án theo hình thức chỉ định thầu. (Nguồn: Chính phủ)

     Bất cập lớn nhất của ngành cơ khí là thiếu tính đồng bộ trong quản lý nhà nước và không có sự lồng ghép hiệu quả các ngành công nghiệp khác. Câu chuyện về các nhà máy đường và xi-măng là một thí dụ. Nhà nước dành nhiều ưu đãi để phát triển các chương trình này, tuy nhiên thực tế lại mọc lên hàng chục, hàng trăm nhà máy sử dụng công nghệ “giẻ rách” từ những năm 60 của thế kỷ trước. Trong khi đó, năng lực của ngành cơ khí trong nước đủ sức đảm nhận chế tạo, lắp đặt các loại nhà máy hiện đại hơn lại chỉ được tham gia một vài dự án, rồi dừng lại và tiếp tục điệp khúc “làm thầu phụ” cho các dự án khác. Nếu có cơ chế lồng ghép chặt chẽ, phối hợp giữa các ngành công nghiệp và cơ khí, chí ít mỗi lĩnh vực có từ ba dự án cơ khí trọng điểm trở lên giao doanh nghiệp trong nước làm chủ, chắc chắn chúng ta đã hình thành được ngành cơ khí chuyên sâu về các lĩnh vực công nghiệp khác nhau. (Nguyễn Văn Thụ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI).

Nhóm PV Kinh tế - báo Nhân dân