Đi tìm sản phẩm “lõi” cho ngành công nghiệp chế tạo: Kỳ 2 - “Đòn bẩy” chính sách

13/09/2016 09:03

Tại cuộc tọa đàm về chính sách công nghiệp do Ban Kinh tế T.Ư tổ chức cuối tháng 8 vừa qua, các nhà hoạch định chính sách, chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đã nhận định khá chua xót: Sau hơn 30 năm đổi mới và mở cửa, nền công nghiệp của Việt Nam đã bị tụt hậu, ở “dưới đáy” theo đúng nghĩa. Những chiến lược, mục tiêu được “vẽ ra” quá xa vời, không dựa trên căn cứ xác thực, chính sách phát triển sản phẩm duy ý chí. Giá trị của chế biến, chế tạo chiếm tới 90% giá trị sản xuất công nghiệp, nhưng đóng góp cho GDP rất thấp do phải nhập khẩu linh kiện, phụ tùng mỗi năm khoảng 50 tỷ USD.

Chế tạo thiết bị xuất khẩu tại Công ty CP Lilama 18

Nốt lặng trên bản nhạc nhân lực

     Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan kể rằng, khi ông đến thăm một DN FDI đầu tư tại Việt Nam, thấy họ dành ra một căn phòng có đầy đủ máy móc, thiết bị để cho công nhân, kỹ sư sau giờ làm nghiên cứu, thực hành các ý tưởng sáng tạo. Một nhóm công nhân Việt Nam đã nghiên cứu chế tạo thành công một chiếc máy dán tem cho sản phẩm và được thưởng 15 triệu đồng. Các em rất vui với món tiền thưởng, còn DN cũng “vớ bẫm” vì từ ý tưởng này, họ thiết kế hoàn thiện hơn và triển khai máy dán tem ở các nhà máy trên toàn thế giới. Ông nói một cách dí dỏm: Chúng ta nên theo phương châm: “Work smart, not work hard” (Làm việc thông minh, không phải làm việc cần cù).

     Tuy nhiên, chưa nói tới nguồn nhân lực chất lượng cao, nhân lực thông thường của ngành công nghiệp chế tạo cũng đang thiếu hụt trầm trọng. Theo TS Dương Đình Giám (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam), về nguồn nhân lực, trong tổng số gần 54,5 triệu người trong độ tuổi lao động, chỉ có 21% qua đào tạo. Riêng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, tỷ lệ người lao động qua đào tạo chỉ đạt 18%. Một ngành đòi hỏi cao về kỹ thuật, công nghệ như vậy mà tỷ lệ lao động được đào tạo như vậy, làm sao có thể nói đến chuyện “work smart”? Tổng Giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn cho hay, Lilama có trường đào tạo nghề, hằng năm về tận các vùng quê tuyển sinh, sẵn sàng đầu tư hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề, bảo đảm việc làm khi ra trường, tuy nhiên vẫn không đủ chỉ tiêu.Giám đốc một DN cơ khí phàn nàn, khi trực tiếp phỏng vấn tuyển dụng, đã giật mình vì nhiều người cầm tấm bằng kỹ sư mới ra trường không biết cách tính diện tích hình tròn. Từ bất ổn của đào tạo, đã dẫn tới hệ quả “nhân công giá rẻ”, năng suất lao động của Việt Nam đang ở “cuối bảng” các nước châu Á.

     Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nhận định: Nguồn nhân lực chất lượng cao là lực lượng trực tiếp tạo ra tri thức và sáng tạo trong quá trình CNH, HĐH. Trên cơ sở đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ giáo dục và đào tạo, nhất là giáo dục đại học và đào tạo nghề; cần quan tâm khuyến khích đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, tận dụng có hiệu quả lợi thế cơ cấu “dân số vàng” để bứt phá phát triển, tránh nguy cơ “chưa giàu đã già”, gắn đào tạo với nghiên cứu và ứng dụng khoa học, công nghệ, đồng thời gắn với nhu cầu của thị trường và DN. Chú trọng phát triển đội ngũ cán bộ quản lý, quản trị DN giỏi, chuyên gia khoa học, công nghệ đầu đàn và lao động có tay nghề cao,...

     Khi “chất xám” bị coi rẻ, sẽ không thể tạo ra động lực cho quá trình phát triển, chỉ là những nốt lặng trên bản nhạc nhân lực.

Chính sách cần đồng bộ, nhất quán

     Kỹ sư Đặng Văn Phương, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Lilama 69-3 giới thiệu cho chúng tôi chiếc máy xúc bánh xích LX 2000 “made in Việt Nam” do kỹ sư, công nhân Lilama 69-3 sản xuất, chế tạo. Trừ các bộ phận thủy lực, điều khiển phải nhập khẩu, toàn bộ các bộ phận còn lại cấu thành chiếc xe đều, đạt tiêu chuẩn chất lượng. Đây là sản phẩm nằm trong chương trình cơ khí trọng điểm, đoạt giải thưởng khoa học quốc gia, có hàm lượng chất xám cao, khẳng định năng lực chế tạo thiết bị, máy móc của công ty. Thế nhưng, máy xúc LX 2000 chỉ hoạt động quanh quẩn trong phạm vi xưởng chế tạo thiết bị của Lilama 69-3. Mặc dù máy xúc là thiết bị phổ thông ở hầu hết các công trình xây dựng, song đầu ra cho sản phẩm vẫn “bị tắc”. Giá như, Nhà nước có cơ chế ưu đãi, tìm hướng tiêu thụ cho sản phẩm trong nước, chắc chắn Lilama 69-3 sẽ có đủ năng lực tạo ra những phiên bản LX 2005, LX 2010,… có tính năng ưu việt hơn, không chỉ sản xuất đơn chiếc “mang tính minh họa” như LX 2000. Tương tự, công ty cũng chế tạo thành công quạt công suất lớn phục vụ các nhà máy xi-măng, tuy nhiên chỉ một số ít nhà máy xi-măng đặt hàng, còn lại phần lớn vẫn chọn nhập khẩu, nhanh và … “có lợi” cho ai đó hơn. Phó tổng Giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cũng tỏ ra khá bức xúc về cơ chế đấu  thầu: Hàng loạt sản phẩm chế tạo có hàm lượng nội địa hóa cao, hoặc sáng chế như máy biến áp, bộ sấy khí của nhà máy nhiệt điện sản xuất thành công, nhưng vướng cơ chế đấu thầu nên DN không “len chân” được vào các dự án, sản phẩm làm ra bỏ đấy rất lãng phí. Sau nhiều năm mày mò nghiên cứu, Lilama 69-1 đã sản xuất thành công bộ sấy khí cho các nhà máy nhiệt điện đạt tiêu chuẩn chất lượng, nhưng đi chào hàng, chủ đầu tư thẳng thừng lắc đầu, trong khi vẫn nhập sản phẩm này từ nước ngoài cho các dự án.

     Hàng chục năm qua, nguồn lực đầu tư cho công nghiệp chế biến, chế tạo thấp hơn những ngành kinh tế khác, để ngành phát triển tự phát, không theo quy hoạch tổng thể. Các chính sách tuy đã có, nhưng thiếu thực tế và không ổn định, lâu dài. Vì thế, các bộ, ngành cần rà soát, lựa chọn các nhóm ngành, danh mục sản phẩm thật sự là mũi nhọn để có cơ chế hỗ trợ phát triển, tránh dàn trải hàng chục nhóm ngành. Các sản phẩm mới có tính dài hạn, khả năng áp dụng vào thực tế cao và có thị trường tiềm năng, phải nghiên cứu áp dụng những cơ chế ưu tiên ở mức cao nhất. Cần mạnh dạn giao cho các DN có năng lực trong nước thực hiện các gói thầu EPC và có chính sách ưu đãi về tài chính đối với chủ đầu tư ưu tiên sử dụng sản phẩm cơ khí, chế tạo trọng điểm,... Để tháo gỡ về chính sách, quan trọng nhất là tư duy của người lãnh đạo về ngành công nghiệp chế tạo, rất cần sự đánh giá khách quan, đúng tầm, nhất quán và xuyên suốt trong xây dựng và triển khai cơ chế hỗ trợ, tránh tình trạng “chính sách một đằng, triển khai một nẻo”.

     Thực tế, các cấp lãnh đạo đã chưa đánh giá đầy đủ, đúng mức về tầm quan trọng, những đóng góp âm thầm, bền bỉ và lâu dài của ngành công nghiệp chế tạo đối với sự phát triển mang tầm vóc quốc gia. Trước đây, ở Chính phủ, từng thành lập Vụ Khoa học – Kỹ thuật (Vụ 10), chuyên phụ trách, nghiên cứu về khoa học kỹ thuật, tập hợp được lực lượng nhiều nhà khoa học uy tín; có Bộ Công nghiệp nặng, Cơ khí - Luyện kim để quản lý, quán xuyến ngành cơ khí, chế tạo. Hiện nay, Bộ Công thương chỉ có Vụ Công nghiệp nặng, nguồn nhân lực cũng mỏng, khó có thể gánh vác nổi những nhiệm vụ quản lý nặng nề của ngành. Trong thời gian qua, quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp do Bộ Công thương soạn thảo, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2014 đã bộc lộ nhiều bất cập, nhiều nội dung không còn phù hợp bối cảnh công nghiệp Việt Nam và thế giới. Theo đồng chí Nguyễn Văn Bình, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Kinh tế T.Ư, sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã có những chuyển biến sâu sắc, vị trí trên trường quốc tế không ngừng được nâng cao. Mục tiêu trở thành nước công nghiệp được kiên trì thực hiện, trong đó chú trọng phát triển theo chiều sâu, nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh. Trên cơ sở đó, một trong những nhiệm vụ quan trọng là rà soát chiến lược phát triển công nghiệp quốc gia. Bộ Chính trị đã giao Ban Kinh tế T.Ư nghiên cứu, xây dựng Đề án về chính sách công nghiệp quốc gia làm căn cứ giúp Chính phủ rà soát chiến lược phát triển công nghiệp, hiện đang tiến hành tổng hợp ý kiến các chuyên gia đóng góp cho Đề án, hoàn thành trình Bộ Chính trị vào tháng 11 năm nay.


Để phát triển ngành công nghiệp chế tạo, Chính phủ Việt Nam cần duy trì bảo hộ nhất định đối với các sản phẩm trong nước, xây dựng hàng rào kỹ thuật hạn chế nhập khẩu. Các dự án trọng điểm cần nhất quán ưu tiên sử dụng hàng trong nước nâng cao ý thức sử dụng sản phẩm của nhau. Các cơ quan quản lý cần nghiên cứu, điều chỉnh Luật Đấu thầu theo hướng đấu thầu các trang thiết bị trong nước sản xuất được mới đến đấu thầu quốc tế, quy định rõ và bắt buộc tỷ lệ phần trăm giá trị gói thầu dành cho nhà thầu trong nước. Đồng thời, đề xuất danh mục cụ thể các sản phẩm trọng điểm được ưu đãi để tránh những phiền hà về thủ tục với cơ quan thuế, hải quan.

(Đại diện lãnh đạo một DN cơ khí FDI)

Nhóm phóng viên KT - báo Nhân dân