Đi tìm sản phẩm “lõi” cho ngành công nghiệp chế tạo: Kỳ cuối - Thay đổi tư duy

15/09/2016 09:22

Trong “sân chơi” hội nhập, thị trường rộng mở, khái niệm nền công nghiệp quốc gia đang “mờ dần”, thay vào đó là nền công nghiệp mang tính khu vực và thế giới. Tư duy “làm tất ăn cả” như trước đây hoặc coi nhẹ, bỏ lửng lĩnh vực chế biến, chế tạo vừa qua đã khiến chúng ta đi ngược lại xu thế của thế giới và thất bại trong chiến lược phát triển công nghiệp. Việc định hướng sản phẩm có ưu thế để đầu tư đúng hướng, có trọng tâm, trọng điểm, tham gia được vào chuỗi cung ứng toàn cầu có ý nghĩa rất quan trọng. Muốn làm được điều đó, yếu tố tiên quyết phải bắt đầu từ thay đổi từ tư duy.

Ưu tiên nhóm ngành có lợi thế

     Sản xuất công nghiệp là ngành đòi hỏi tích lũy lâu dài, đầu tư lớn nhưng tỷ suất lợi nhuận thấp. Một giai đoạn dài, người người đổ xô “lướt sóng” chứng khoán, nhà nhà tham gia đầu tư bất động sản,… nguồn lực xã hội bị quay với tốc độ chóng mặt của lợi nhuận “ảo” mà những nhóm ngành này đem lại. Sản xuất công nghiệp bị bỏ bê, ngày càng tụt hậu, bị các quốc gia trong khu vực bỏ lại rất xa. Một thời gian dài, DN đã quen sản xuất tích hợp theo chiều dọc, mọi khâu của quá trình sản xuất khép kín trong nội bộ DN theo kiểu “làm tất, ăn cả”, thiếu tính liên kết, từ thiết kế, chế tạo linh kiện đến lắp ráp, phân phối. Đây là cách thức sản xuất lạc hậu, làm nguồn lực bị phân tán, tăng chi phí và giảm sức cạnh tranh. Mối liên kết công nghiệp bị bó chân nhau do không tuân theo quy luật chuỗi giá trị, nên trong quá trình hội nhập, các sản phẩm công nghiệp chế tạo gần như “biến mất” trên thị trường. Để ngành công nghiệp Việt Nam thật sự ổn định và phát triển bền vững, lâu dài, cần tập trung định hướng vào những lĩnh vực đem lại giá trị gia tăng cao, có đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào nền kinh tế, giảm tình trạng nhập siêu và tạo nhiều việc làm cho người lao động. PGS, TS Trần Đình Thiên nhấn mạnh: Cách duy nhất để DN Việt Nam trở thành “vệ tinh” của các tập đoàn lớn là buộc phải thay đổi tư duy, định hướng chiến lược, phải chuyên môn hóa, kiên trì theo đuổi mục tiêu, hướng vào sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh. Những thành công trong công nghiệp không bao giờ thành công ngắn hạn, không thể là thương vụ mang tính chụp giật, đầu cơ, ăn xổi ở thì.

     Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhận định: Công nghiệp mũi nhọn phải là các ngành công nghiệp tạo ra động lực và dẫn dắt các ngành kinh tế khác phát triển, tạo ra vị trí, thương hiệu đặc trưng cho sản phẩm quốc gia. Hệ thống quản trị quốc gia và thể chế kinh tế đang bộc lộ một số bất cập, không gian kinh tế bị chia cắt bởi địa giới hành chính, việc phân bổ nguồn lực dàn trải, khiến những ngành công nghiệp mũi nhọn biến thành “gai mít”. Trong điều kiện nợ công đã chạm ngưỡng hiện nay, việc đầu tư những công trình, dự án lớn như sân bay, cảng biển hàng tỷ USD là không có tính khả thi. Nông nghiệp – thủy sản nước ta chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu kinh tế, do vậy, rất cần có chính sách ưu tiên đầu tư công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ phát triển ngành nông nghiệp. Kinh nghiệm nhiều quốc gia phát triển cho thấy thành công của họ bắt đầu từ xây dựng cơ sở kinh tế nông thôn vững chắc, sau đó chuyển sang xuất khẩu hàng công nghiệp và tự sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu. Hiện nay, máy móc phục vụ nông nghiệp tuyệt đại đa số là hàng ngoại nhập, trong khi trước đây, các nhà máy cơ khí chế tạo trong nước hoàn toàn đủ năng lực cung ứng. Bao nhiêu kỹ sư, tiến sĩ mà không làm nổi chiếc máy cày, máy bừa, gặt – đập, cấy lúa,… cho nông dân, phải để cho những nông dân chân đất, học hết lớp 3 tự mày mò nghiên cứu, chế tạo máy móc phục vụ chính mình, đó là thực tế hết sức đáng buồn.

     Khi nước ta trở thành “cứ điểm” sản xuất sản phẩm công nghệ cao của Samsung, đã mở ra cơ hội lớn cho các DN sản xuất linh kiện, phụ tùng. “Miếng bánh” bày ra ngay trước mặt, song thực tế, rất nhiều DN Việt Nam đã không đủ năng lực cần thiết để chen chân vào chuỗi cung ứng của Samsung. Thực trạng này cần được xem xét một cách nghiêm túc, rà soát để phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT). Hơn mười năm qua, mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành hàng loạt cơ chế, chính sách nhằm thúc đẩy CNHT phát triển, nhưng “chính sách ở trên trời, cuộc đời ở dưới đất”. TS Trần Du Lịch, nguyên đại biểu QH từng thổ lộ, hơn mười năm ròng, từ khi chính sách CNHT được bàn thảo, nhưng ngành vẫn “trắng tay”. Bàn bạc bao nhiêu, nhưng cuối cùng chỉ là những tập tài liệu cất trong hộc bàn, chỉ tiêu đề ra “hoành tráng” mà không rõ căn cứ vào đâu. Không phát triển ngành CNHT, sẽ không có ngành công nghiệp chế tạo. Cơ chế, chính sách ưu tiên không đủ mạnh, con đường phát triển CNHT trong nước sẽ sa vào cái vòng luẩn quẩn, chịu mãi “kiếp gia công” không cách nào dứt ra được.

Tăng liên kết, tránh lãng phí nguồn lực

     Thép được coi là “thức ăn” quan trọng của ngành cơ khí chế tạo. Theo con số thống kê, năm 2015, Việt Nam nhập khẩu khoảng 18,75 triệu tấn thép; trong đó, ước tính 14,5 triệu tấn là thép chế tạo. Tổng kim ngạch nhập khẩu thép khoảng 9 tỷ USD, trong khi xuất khẩu chỉ dưới 2 tỷ USD, đưa nhập siêu của ngành thép hơn 7 tỷ USD, tăng cao nhất trong ba năm gần đây. Kim ngạch nhập khẩu thép hằng năm tương đương mức thu về từ xuất khẩu gạo và các mặt hàng thủy, hải sản. Như vậy, có thể thấy, mặc dù dư thừa thép xây dựng, nhưng nước ta chưa có nổi tấn thép nào phục vụ công nghiệp chế tạo. Nếu 20 năm trước, ngành thép biết nhìn xa, trông rộng, tập trung đầu tư chiều sâu công nghệ, sản xuất thép chế tạo để chủ động nguồn nguyên liệu, không những sẽ giải được bài toán giảm nhập siêu, mà còn đóng góp quan trọng vào sự ổn định và phát triển của nền kinh tế. Tuy nhiên, tương lai phía trước chưa hẳn đã “khép chặt cánh cửa” với ngành thép, dư địa thị trường vẫn hết sức dồi dào. Nếu triển khai được dự án sản xuất thép chế tạo với công suất khoảng 6 triệu tấn/năm, doanh thu có thể đạt 4 tỷ USD/năm, có thể đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào GDP khoảng 2 tỷ USD.

     Có một thực tế rất lãng phí hiện nay, nhiều DN cơ khí để trống nhà xưởng, máy móc, thiết bị, trong khi nhiều DN cơ khí khác lại không có điều kiện, khả năng để “sở hữu” những nguồn lực này. Lý do chủ yếu từ hệ quả việc đầu tư tràn lan ngoài ngành từ nhiều năm trước, không đủ khả năng vận hành, sản xuất, trong khi nếu những thiết bị này nằm trong tay các đơn vị có năng lực, đầu ra ổn định sẽ phát huy hiệu quả rất cao. Trước đây, Vinashin đầu tư xây dựng tổ hợp cơ khí chính xác tại Khu công nghiệp Lai Vu (Hải Dương). Các phân xưởng trong tổ hợp được trang bị dây chuyền sản xuất khá hiện đại và đồng bộ như máy tiện dài 19,5 m, máy tiện và phay CNC 6 m, máy doa ngang CNC, khoan phay, tiện đứng,… Sau khi Vinashin thực hiện tái cơ cấu, toàn bộ tổ hợp này với nhiều thiết bị, máy móc hiện đại bị “đắp chiếu” hàng chục năm nay. Tổng Giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Lê Văn Tuấn xót xa: Điều kiện nhiều DN cơ khí hiện nay chưa đủ khả năng đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại, trong khi những thiết bị này là tư liệu sản xuất hữu ích, để bỏ không hàng chục năm, theo thời gian bị xuống cấp như vừa qua là hết sức lãng phí. Một bên có thiết bị, nhưng không thể đưa vào sử dụng trong tương lai gần, còn một bên có “đầu ra”, nhưng chưa đủ tiềm lực tài chính, thiết bị, cần có bàn tay can thiệp thỏa đáng của Nhà nước với vai trò “cầu nối”. Lẽ ra, Nhà nước cần tập hợp các DN cơ khí, đơn vị nào có khả năng đảm nhận để tiến hành bàn giao, phát huy hiệu quả đúng mức.

     Sự thay đổi và tiến xa của nền công nghiệp Việt Nam chắc chắn không chỉ trông chờ vào những chuyển biến của riêng ngành thép hay CNHT. Nhà nước cần quan tâm và đầu tư trọng tâm, trọng điểm vào những ngành, lĩnh vực chủ chốt, mũi nhọn để đem lại hiệu quả kinh tế cao, tránh tình trạng dàn trải và lãng phí các nguồn lực đầu tư từ mọi thành phần kinh tế. Với xu hướng hội nhập hiện nay, để “chen chân” vào chuỗi giá trị toàn cầu đối với nhiều sản phẩm công nghiệp chế tạo đang là bài toán đặt ra khá hóc búa. Tiềm lực các DN mỏng, kinh nghiệm hạn chế, vì thế tăng tính liên kết giữa các DN cùng nhóm ngành theo hướng bổ trợ lẫn nhau, tránh đầu tư trùng lắp, tạo dựng sức mạnh tập thể, nâng cao sức cạnh tranh có ý nghĩa sống còn. Nhiều chuyên gia đã đề xuất thành lập Liên đoàn sản xuất và công nghiệp Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, tăng cường liên kết, phát huy năng lực của các ngành sản xuất công nghiệp, xây dựng nền công nghiệp tự chủ. Nhiều quốc gia như  Thái-lan, Nhật Bản, Hàn Quốc xây dựng mô hình Liên đoàn công nghiệp rất thành công, trở thành cầu nối giữa DN với Nhà nước, hình thành chính sách hỗ trợ DN công nghiệp hiệu quả và sát thực.

     Chúng tôi cho rằng, tư tưởng muốn nhanh chóng đi lên hiện đại ngay trong điều kiện đất nước chưa xây dựng được một nền tảng công nghiệp cơ bản, sẽ là nóng vội, thiếu tính bền vững. Tiềm lực hiện tại của Việt Nam mới chập chững bước vào nấc thang đầu tiên của quốc gia có mức thu nhập trung bình. Nhận định của các chuyên gia kinh tế đầu ngành trong và ngoài nước về hiện trạng nền công nghiệp nước ta “dưới đáy” sau 30 năm đổi mới tuy đau xót nhưng là sự thật. Chúng ta đã quá tham vọng muốn hình thành nhanh nhiều ngành công nghiệp trong khi nguồn lực mỏng manh, trình độ phát triển quốc gia, chất lượng nguồn nhân lực, vốn, dung lượng thị trường, năng lực DN,… đều dưới khả năng phát triển công nghiệp. Đã đến lúc, cần chủ động, quyết liệt và dứt khoát, tìm ra những sản phẩm “lõi” để ưu tiên phát triển, có chính sách đồng bộ, nhất quán và khả thi nhằm tạo bước đột phá xây dựng những nhóm ngành có lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.


Hiện nay, chính sách điều chuyển nguồn lực giữa các đơn vị sử dụng nguồn vốn Nhà nước vẫn chưa rõ ràng. Phải xét trên bình diện lợi ích quốc gia, mục tiêu là tối đa hóa hiệu quả, tránh lãng phí nguồn lực, mạnh dạn ban hành các chính sách sắp xếp, chuyển giao các nguồn lực để phát huy hiệu quả cao nhất. Nếu Nhà nước có chính sách chuyển giao các thiết bị, dây chuyền, nhà xưởng theo hướng đánh giá lại tài sản, ghi tăng vốn Nhà nước tại DN, bổ sung như vốn chủ sở hữu, chắc chắn sẽ DN sẵn sàng tiếp nhận và sử dụng hiệu quả hơn vì “có nghề” và bảo đảm được đầu ra.

LÊ VĂN TUẤN,
Tổng Giám đốc Lilama


Mới đây, Tập đoàn Hoa Sen đã thỏa thuận hợp tác với Ninh Thuận triển khai một “siêu dự án” thép với tổng mức đầu tư tới 10 tỷ USD, công suất 16 triệu tấn/năm, nhưng các chuyên gia ngành thép tỏ ra lo ngại, bởi dự án sử dụng công nghệ lò cao thông thường, hàng loạt thông số quan trọng về thiết bị, chất lượng, tiêu chuẩn, chủng loại sản phẩm,… còn rất mơ hồ, vì vậy các cơ quan quản lý cần hết sức thận trọng khi thẩm định, đánh giá trước khi cho phép triển khai, nhằm tránh lặp lại “bài học Formosa”.
(Đại diện Hiệp hội Thép Việt Nam)

Nhóm phóng viên kinh tế - báo Nhân dân