Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam - Từng bước vượt khó

19/12/2011 10:55

Ngành cơ khí luôn đóng vai trò quan trọng trong chiến lược  phát triển kinh tế, củng cố an ninh quốc phòng của Đất nước. Các doanh nghiệp cơ khí trong nước đã có những bước phát triển nhanh chóng, thiết kế chế tạo các sản phẩm cơ khí công nghệ cao, thực hiện nhiều công trình lớn đảm bảo tiến độ, chất lượng, được chủ đầu tư đánh giá cao.

     Theo báo cáo của Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) năm 2011 ngành cơ khí gặp nhiều khó khăn, thách thức. Thị trường tài chính nhiều biến động, lãi xuất ngân hàng và giá cả hàng hóa nguyên vật liệu tăng cao…càng tăng sức ép lên các doanh nghiệp. Trên 20% doanh nghiệp vừa và nhỏ phá sản, nhiều doanh nghiệp cũng đang trên bờ vực này… Trước thực trạng trên, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí nói riêng và cộng đồng doanh nghiệp cơ khí nói chung đã có nhiều giải pháp tích cực để trụ vững và phát triển.


     Sự nỗ lực của các thành viên Tổng công ty Lilama đảm bảo hoàn thành đúng tiến độ các dự án trọng điểm như: Khí điện Nhơn Trạch 2, thủy điện Sơn La, nhiệt điện Vũng Áng 1... Tập trung tìm kiếm hợp đồng chế tạo và lắp đặt thiết bị cho các dự án trong nước và xuất khẩu, điển hình như: Lisemco, Lilama 69-1, Lilama 69-3, Lilama 18… Cùng với sự trưởng thành chung của ngành cơ khí Việt Nam, cơ khí Dầu khí hoàn thành chế tạo và hạ thủy thành công dàn khoan tự nâng có độ sâu 90m. Công ty CP chế tạo thiết bị điện Đông Anh chế tạo thành công máy biến áp 500 Kv.

     Hiệp hội nghi nhận sự nỗ lực vươn lên làm chủ công nghệ, thực hiện tiến trình nội địa hóa sản phẩm cơ khí trong nước của các đơn vị qua các đề án Khoa học công nghệ lớn. Đề án: “nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay, công suất 2.500 tấn Clanke thay thế nhập ngoại”. Lần đầu tiên trong nước, tại dự án nhà máy xi măng Sông Thao, các đơn vị trong nước đã thiết kế, chế tạo hơn 60% thiết bị nhà máy. Đây là thành công bước đầu của chương trình cơ khí trọng điểm đối với lộ trình nội địa hóa các nhà máy xi măng bằng phương pháp tổng thầu EPC trong nước, khẳng định chủ trương đúng đắn của Đảng và Chính phủ về phát triển cơ khí Việt Nam. Đề án “nghiên cứu, thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện than công suất 600 MW”. Địa chỉ ứng dụng đầu tiên là nhiệt điện Quỳnh Lập 1. Phía Việt Nam sẽ thiết kế chế tạo và cung cấp các thiết bị phụ trợ của nhà máy có sự tư vấn của Doosan.

     Trong giai đoạn tới, Hiệp hội cơ khí nhấn mạnh các doanh nghiệp cơ khí phải xác định chiến lược phát triển trên cơ sở đánh giá đúng nhu cầu của thị trường và lựa chọn các sản phẩm có lợi thế để phát triển. Hợp tác, liên kết các đơn vị thiết kế, chế tạo, xây lắp thành tổ hợp để trở thành các nhà thầu hoặc tổng thầu có năng lực đủ sức tham gia các dự án lớn.

     Hội nghị lần này, Hiệp hội bầu bổ sung 3 Phó chủ tịch và 7 ủy viên vào Hội đồng Hiệp hội nhiệm kỳ 2009 - 2013. 3 Phó chủ tịch gồm: Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Lilama, ông Đỗ Việt Nga - Chủ tịch CTy Vinamotor, ông Lâm Chí Quang - Tổng giám đốc TCT VEAM. 

Duy Tình