Gian nan thắng thầu nội địa
Các nhà thầu Việt đang vất vả đối đầu với sự lấn át của nhà thầu nước ngoài. Vì vậy, họ rất cần sự tháo gỡ của cơ quan quản lý nhà nước, sự vươn lên của chính mình để thắng thầu, chiếm lĩnh thị trường nội địa.
Các nhà thầu trong nước đủ khả năng thi công những công trình thủy điện phức tạp như thế này
Cách đây mấy năm, Lilama lần đầu tiên được Chính phủ giao làm tổng thầu EPC nhà máy điện Uông Bí mở rộng với giá trị hợp đồng EPC khoảng 300 triệu USD. Sự kiện này đã mở ra cơ hội làm chủ vận mệnh cho Lilama ở những dự án sau như Nhơn Trạch 1 và 2, Cà Mau và Vũng Áng. Tuy nhiên, không phải DN nào cũng được làm tổng thầu EPC.
Nhà thầu nội thất thế
Chỉ nhìn riêng vào ngành cơ khí những năm qua đã thấy một thực trạng đáng buồn. Đó là 90% các công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim hóa chất của VN đều do Trung Quốc đảm nhận. Có tới 30 DN Trung Quốc đang làm tổng thầu EPC hoặc là đối tác đầu tư cho 41 dự án ở VN. Thậm chí, như bà Phạm Thị Thu Hà - Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí nói: “Nhà thầu Trung Quốc mang theo cả thiết bị vệ sinh, cả lao động dọn dẹp sang dự án nhà máy đạm Cà Mau là đủ thấy: chủ đầu tư lợi một nhưng xã hội thiệt hại nhiều”.
Lý giải cho thực tiễn này, TS Trần Văn Huynh - Chủ tịch Hiệp hội vật liệu XD VN cho biết, nhà thầu VN tỏ ra thất thế vì chưa có sự chuẩn bị cho cuộc chơi sòng phẳng. Nhà thầu trong nước kém hơn nhà thầu nước ngoài về kinh nghiệm, tổ chức điều hành, đội ngũ cán bộ, tài chính, năng lực chế tạo thiết bị đến tổ chức thi công...
Ông Nguyễn Văn Thụ - Chủ tịch Hội DN cơ khí VN thì lại có cách lý giải khác. Theo ông, việc chúng ta bị thất thế còn do chính sách thuế, tín dụng của VN chưa ưu đãi với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước. Trong khi các nhà thầu nước ngoài được hưởng nhiều ưu đãi về xúc tiến đầu tư, chính sách thuế, tín dụng... Chính điều này đã tạo nên sự không bình đẳng trong khi tham gia đấu thầu. Chẳng hạn, khi VN chưa sản xuất được máy biến áp 220 kV thì giá của các nhà sản xuất Trung Quốc thường từ 2,2 - 2,4 triệu USD/máy 250 MVA/22kV. Khi trong nước sản xuất được, đấu thầu với giá 1,7 triệu USD/máy thì các nhà sản xuất Trung Quốc giảm xuống dưới 1,4 triệu USD/máy.
Điều đáng nói, nhiều công trình nước ngoài đảm nhận nhưng chất lượng vẫn kém, công nghệ trung bình, tuổi thọ thấp, tiêu hao năng lực lớn, tiến độ thi công chậm dẫn đến đội vốn. Thực tiễn này đòi hỏi cần có giải pháp khắc phục.
Vì chính sách ?
Cách đây không lâu, ngày 17/5/ 2011, Thủ tướng Chính phủ đã ra Chỉ thị 734 /CT-TTg về chấn chỉnh công tác quản lý đối với các gói thầu EPC, mở đường cho các nhà thầu phát huy nội lực. Theo đó, phân chia gói thầu EPC thành các gói thầu riêng như tư vấn, cung ứng thiết bị vật tư và xây lắp. Hoặc tách gói thầu tư vấn, cung ứng vật tư thiết bị và gói thầu xây lắp để tạo điều kiện cho các DN trong nước có thể tham gia đấu thầu và thực hiện gói thầu. Chủ trương này tạo điều kiện cho các nhà thầu nội vươn lên mạnh mẽ để thắng thầu.
Tuy vậy, theo ông Huynh, thực tiễn, bài học đấu thầu chia nhiều gói thầu được áp dụng trước đó được áp dụng ở nhà máy xi măng Cẩm Phả chia làm 5 lô đấu thầu hay nhà máy xi măng Hà Tiên 2 đòi hỏi phải có lực lượng tư vấn, chuyên gia xét thầu có kiến thức, có tâm đức. Chủ đầu tư cũng cần có năng lực quản lý, quyết đoán, tập hợp được lực lượng có năng lực tài chính. Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Văn Thụ khẳng định: “Muốn làm EPC thì đơn vị phải có lực lượng, am hiểu làm về tư vấn thiết kế”. Cũng theo ông Thụ, Chính phủ cần có chính sách, cơ chế tiếp tục tạo đơn hàng lớn cho các DN bằng hình thức lựa chọn và chỉ định tổng thầu cũng như tổ chức đấu thầu trong nước. Bên cạnh đó, Chính phủ cần có chế tài đối với các chủ đầu tư. Còn bà Phạm Thị Thu Hà - Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí VN bày tỏ rằng cần phải có các biện pháp hỗ trợ đồng bộ từ phía Chính phủ, các bộ, ngành, các chủ đầu tư và bản thân các nhà thầu Việt cũng phải có sự đầu tư chuyên sâu thì mới có thể thắng thầu.
Trước thực trạng nhà thầu nước ngoài được ưu đãi nhiều hơn so với nhà thầu Việt, ông Trần Trịnh Tường - Trung tâm Trọng tài quốc tế VN cho rằng : “Cần có những quy định ưu đãi cho nhà thầu VN hoặc liên danh với các nhà thầu VN khi tham gia đấu thầu quốc tế”. Bên cạnh đó, các nhà thầu trong nước cũng cần có chính sách hỗ trợ của ngân hàng cho các nhà thầu cung ứng thiết bị hàng hóa, xây lắp hoặc các hình thức tổng thầu EC, EP, PC... khi tham gia đấu thầu quốc tế...