Tính đúng, tính đủ trong xây dựng định mức, đơn giá
Đề án Hoàn thiện hệ thống định mức, giá xây dựng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 2038/QĐ-TTg ngày 18-12-2017 (Đề án 2038). Theo đánh giá của các chuyên gia, Đề án 2038 khi đưa vào thực hiện sẽ là cuộc cách mạng trong quản lý đầu tư xây dựng, góp phần nâng cao quản lý các dự án công, hạn chế đội vốn, nâng cao năng suất ngành Xây dựng, tạo sự minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát lãng phí trong đầu tư xây dựng.
Dự án nhiệt điện Sông Hậu 1 gặp khó khăn trong công tác xác định định mức, đơn giá xây dựng.
Định mức lạc hậu, ảnh hưởng tiến độ
Theo Cục trưởng Kinh tế xây dựng Phạm Văn Khánh (Bộ Xây dựng), cơ quan thường trực Ban chỉ đạo Đề án 2038, tính đến tháng 7 vừa qua, Bộ Xây dựng đã hoàn thành rà soát tất cả 14.738 định mức do Bộ Xây dựng công bố và đã loại bỏ hơn 1.000 định mức quá lạc hậu, sửa đổi 3.289 định mức, bổ sung 1.786 định mức. Tuy nhiên, so với yêu cầu quản lý hiện nay, hệ thống này vẫn chưa theo kịp sự thay đổi của công nghệ xây dựng; một số nội dung không phù hợp cơ chế thị trường và điều kiện hội nhập quốc tế cũng như đặc thù công trình và quá trình hình thành sản phẩm xây dựng. Giá xây dựng chưa bảo đảm nguyên tắc tính đúng, tính đủ, cơ sở dữ liệu giá thị trường còn thiếu và chưa đáp ứng yêu cầu về công khai, tạo thị trường minh bạch, cạnh tranh, chống thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng và dịch vụ đô thị. Đồng thời, việc áp dụng định mức còn khá tùy tiện, thậm chí có trường hợp áp dụng năng suất thấp, nhưng khi lập đơn giá lại vận dụng đơn giá năng suất cao, làm tăng chi phí lên tới 200%. Đơn giá xây dựng, nhân công thực tế trên thị trường chênh nhau rất lớn, lên đến 600%, trong khi đó hiện nay mới chỉ có hai phương án tính đơn giá và độ chênh lệch giữa hai loại này khoảng 13%.
Tại các công trường, tác động của hệ thống định mức, đơn giá còn rõ ràng hơn nhiều. Giám đốc Ban dự án điện Sông Hậu 1 - LILAMA, thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) Phạm Hồng Sơn cho biết, tuy cơ chế cũ đã dần được gỡ bỏ, nhưng vẫn căng thẳng. Mặc dù đây không phải những dự án nhiệt điện đầu tiên, nhưng nhiều khâu, công đoạn chưa được cập nhật vào hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia, dẫn đến vướng mắc trong khâu hoàn chỉnh hồ sơ, nghiệm thu, thanh toán. Đơn vị phải thành lập riêng một bộ phận chuyên biệt làm khâu thanh toán và cử một lãnh đạo tổng công ty “nằm vùng” tại công trường để giải quyết ngay phần việc vượt thẩm quyền. Các đơn vị thi công chỉ được thanh toán theo đơn giá tạm tính với tổng giá trị thanh toán 80% (còn lại 20% giữ lại để dự phòng, khi thống nhất đơn giá mới được thanh toán nốt). Với đơn giá tạm tính, cộng thêm việc chậm cập nhật, hoàn thiện tiêu chuẩn, định mức đơn giá xây dựng khiến nhiều nhà thầu gặp khó khăn về tài chính để triển khai thi công, dẫn đến không bảo đảm tiến độ chung, cho dù trong hợp đồng có đề cập đến việc sau này sẽ áp dụng đơn giá điều chỉnh.
Cần sự vào cuộc mạnh mẽ của các bên
Cùng với Bộ Xây dựng, nhiều bộ cũng đang tích cực triển khai Đề án 2038. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn rà soát khoảng 70% hệ thống định mức chuyên ngành; Bộ Công thương cũng đang tiến hành rà soát định mức quản lý các chuyên ngành dầu khí, than, điện lực và năng lượng tái tạo, công nghiệp, hóa chất,... Đối với Bộ Giao thông vận tải, việc xây dựng, điều chỉnh, bổ sung định mức chuyên ngành được thực hiện thường xuyên theo kế hoạch hằng năm. Tuy nhiên, do phạm vi phụ trách chuyên ngành vừa rộng, vừa đặc thù cho nên nhiệm vụ xây dựng, công bố, ban hành định mức được giao cho nhiều cơ quan, đơn vị cùng thực hiện, dẫn đến công tác quản lý định mức còn dàn trải, chưa thống nhất, không có cơ quan tham mưu quản lý chung.
Cục Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) đánh giá, việc điều chỉnh một số định mức có tác động lớn nên cần kiểm chứng lại. Hiện nay, công tác kiểm chứng đã xong và Bộ Xây dựng đang tiến hành thẩm định hệ thống định mức này. Đồng thời, tập trung nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện cơ bản nội dung chính của các phương pháp xác định định mức, giá xây dựng và dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị, bảo đảm phù hợp kinh tế thị trường và thông lệ quốc tế. Hiện nay, Bộ Xây dựng đã hoàn thành dự thảo, trình Chính phủ phê duyệt Nghị định thay thế Nghị định số 32/2015/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng; đang dự thảo 11 thông tư hướng dẫn các phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng theo nội dung quy định tại Nghị định mới này. Trong đó, kết hợp những nghiên cứu, hợp tác của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) cũng như kinh nghiệm của một số nước tiên tiến nhằm mục tiêu tính đúng, tính đủ. Chủ trì xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu bao gồm định mức giá, suất vốn đầu tư và phần mềm quản lý nhằm đánh giá tình hình biến động của thị trường. Đây là nền tảng quan trọng để phục vụ quản lý nhà nước, tạo ra thị trường minh bạch và công khai, góp phần chống thất thoát, lãng phí.
Các địa phương đều mong muốn sớm hoàn thiện và ban hành phương pháp xây dựng hệ thống định mức và giá xây dựng mới nhằm đáp ứng yêu cầu thực tiễn hiện nay, nhất là trong các công tác cần huy động nguồn lực xã hội hóa. Đơn cử, TP Hồ Chí Minh là địa phương ban hành 3.421 định mức về các lĩnh vực bảo trì cầu, đường bộ, hầm sông Sài Gòn, chiếu sáng công cộng, tín hiệu giao thông,... Các định mức này được ban hành trước thời điểm triển khai thực hiện Đề án 2038, đến nay vẫn phù hợp, do đó thành phố kiến nghị Bộ Xây dựng chấp thuận thông qua các bộ định mức để tiếp tục áp dụng sau ngày 1-3-2019. Theo Chủ tịch Hiệp hội Môi trường xây dựng Nguyễn Hữu Dũng, mặc dù, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1354/QĐ-BXD về việc công bố định mức dự toán xây dựng công trình (phần Khảo sát xây dựng), tuy nhiên do không bắt buộc cho nên các địa phương thường ban hành định mức thấp hơn quy định, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi tham gia. Bên cạnh đó, đơn giá đối với những hoạt động dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị cần phải tính đúng, tính đủ bởi đặc thù vùng miền, địa phương khác nhau, phụ thuộc vào công nghệ máy móc, suất đầu tư cũng như cần thêm sự tham vấn của các chuyên gia chuyên ngành.
Nhằm bảo đảm tiến độ triển khai và giải quyết vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện Đề án 2038, Thứ trưởng Xây dựng Bùi Phạm Khánh đề nghị các bộ, ngành, địa phương tăng cường chỉ đạo các cơ quan, đơn vị chuyên môn phối hợp Bộ Xây dựng hoàn thiện rà soát định mức và giá xây dựng đạt chất lượng cao nhất, phục vụ tốt nhất các mục tiêu quản lý chi phí đầu tư xây dựng. Định hướng sẽ tập trung chuyển đổi cơ chế quản lý từ công bố sang ban hành, được phép thay đổi khi không phù hợp; thay đổi theo loại hình dự án (EPC, EP, chìa khóa trao tay,...). Đồng thời, tiếp tục đổi mới phương pháp xây dựng và quản lý hệ thống định mức xây dựng theo năng suất, theo vùng, phù hợp diễn biến của thị trường, điều kiện xây dựng và gắn với kế hoạch triển khai dự án.
Xuân Thủy
Minimum of 10 words Accented Vietnamese Does not contain links
Post a comment