Lilama 45-3 với các công trình thủy điện trên Tây Nguyên

18/08/2011 09:20

Lên với đại ngàn Tây Nguyên từ những năm 90 của thế kỷ trước, cán bộ, công nhân Lắp máy Lilama 45 - 3 được biết đến như những người khẩn hoang một vùng thủy điện.

     Dưới bàn tay các anh, những thác nước của Tây Nguyên hùng vĩ không còn chỉ biết tung bọt trắng xóa, đổ ào ào, để rồi cộng với cái nắng, cái gió, tạo nên bản sắc Tây Nguyên nữa. Thác Tây Nguyên hôm nay đã biết qua bàn tay con người, qua những Đrây H’linh, Buôn Kuốp, SêrêPok, Buôntuasha… làm ra dòng điện, mang ánh sáng của Đảng tới từng buôn làng, cho đồng bào Tây Nguyên ta đỡ cực, cho các cô gái Tây Nguyên ta ai cũng xinh đẹp như hoa Pơ lang.


Tại phòng điều khiển trung tâm nhà máy thủy điện Buôn Kuôp   

      Năm 1996, các anh đến với đại ngàn Tây  Nguyên, bắt tay xây dựng nhà máy thủy điện Đrây H’linh 2 và 3 như một khởi đầu cho sự nghiệp xây dựng thủy điện, để đến hôm nay, thi công các nhà máy thủy điện đã trở thành sở trường của Lilama 45 - 3. Vượt qua gần 20 km, con đường độc đạo dẫn chúng tôi vào nhà máy thủy điện Buôn Kuốp, người ta không khỏi ngỡ ngàng bởi sự hiện diện sừng sững của công trình thủy điện lớn thứ 2 Tây Nguyên sau Yaly. Đứng đây, các anh có quyền tự hào để giới thiệu với mọi người thành quả của mình đã đạt được trong những tháng ngày lao động vất vả. 

     Khởi công năm 2003, sau 6 năm xây dựng năm 2009, nhà máy thủy điện hoàn thành. Với công suất 280 MW,  hàng năm cung cấp cho lưới điện Quốc gia 1,4 tỷ KWh. Buôn Kuop là nhà máy thủy điện lớn nhất trong hệ thống bậc thang thủy điện trên sông Serepok. Năm công trình còn lại trong hệ thống này là Buôn tua sa công suất 85 MW, Serepok 3 công suất 137 MW, Serepok 4 công suất 33KW, Đức Xuyên công suất 58KW và Đrây H’linh công suất 28KW.


     Nhìn gương mặt Nguyễn Văn Việt, một kỹ sư trẻ của Lilama 45-3, người đã từng tham gia xây dựng công trình từ những ngày đầu, thấy được bao khó khăn vất vả các anh phải trải qua. Giữa bạt ngàn Tây Nguyên, ngổn ngang thiết bị của hệ thống ống áp lực, bánh xe công tác, van cung, lưới chắn rác…được chế tạo tại bãi tổ hợp này, để rồi từ đây đưa vào nhà máy lắp đặt. Ở gian máy, từng khối thiết bị Stator, trục, côn, khuỷu được đưa vào vị trí lắp đặt an toàn, chính xác dưới bàn tay thạo nghề của công nhân, cách tổ chức khoa học và linh hoạt của kỹ sư 45-3.

     Có tận mắt chứng kiến thời khắc cả gian máy như vỡ òa trong niềm vui khôn xiết khi chiếc Rotor, trái tim của tổ máy được đưa vào vị trí lắp đặt, mới thấy thế nào là niềm vui, hạnh phúc trong  lao động.

     Đúc rút kinh nghiệm từ thành công của Buôn Kuop, Lilama 45-3 tiếp tục được các đối tác mời tham gia thi công các dự án thủy điện tiếp theo như Buôntuasha, SêrêPốk 3 và 4, Đrây H’linh, Đambo, Krông Hnăng, Đồng Nai 2… để tạo nên một hệ thống các nhà máy thủy điện trên Cao Nguyên đại ngàn, góp phần ổn định lưới điện Quốc gia và phát triển kinh tế của Tây Nguyên và duyên hải miền Trung.

     Rời thủy điện Buôn Kốp, chúng tôi được các anh dẫn đường lên thăm thủy điện Serêpok 4. Nhà máy nằm trên địa bàn 2 tỉnh Đắc Nông và Đắc Lắc với 2 tổ máy, tổng công suất 70 MW do Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển điện Đại Hải đầu tư xây dựng. Công trình đã hoàn thành vào tháng 10 -2010 với sản lượng điện trung bình khoảng 336 triệu kwh/năm.

     Nhớ lại những ngày đầu lên đây, cả công trình chỉ có gần 300 cán bộ kỹ sư và công nhân tham gia thi công. Một khối lượng công việc khổng lồ lại đè lên vai những người thợ Lilama 45-3, nhưng bằng bản lĩnh, trách nhiệm họ đã thi công 3 ca liên tục không kể nắng, mưa, lễ, Tết để công trình hoàn thành đúng tiến độ từng hạng mục công trình.

     Từng khối thiết bị được đưa vào vị trí - Những lưng áo thấm đẫm mồ hôi - Những gương mặt xạm đen vì nắng gió - Tất cả vì dòng điện ngày mai của Tổ quốc, thắp sáng núi rừng Tây Nguyên.


Lilama.com.vn