Hủa Na - những “đường găng” phải vượt.

27/09/2011 15:53

Dự án xây dựng nhà máy thủy điện Hủa Na đã được khởi công ngày 28/03/2008. Qua bao thăng trầm, đã có lúc như “đìu hiu” nay nhộn nhịp trở lại khi các lực lượng Lắp máy triển khai thi công.

     Những công việc đã làm…

     Nhà máy thủy điện Hủa Na được xây dựng trên dòng sông Chu, phía thượng nguồn công trình Cửa Đạt (Thanh Hóa) thuộc địa bàn xã Đồng Văn, huyện  miền núi Quế Phong, tỉnh Nghệ An với hồ chứa rộng 5.345km2, đập hồ là đập bê tông CVC, công nghệ mới đã được áp dụng thành công ở thủy điện Sơn La, đường hầm dẫn nước 3.812,9 m đường kính 7,5m. Nhà máy gồm 2 tổ máy với tổng công suất 2X90MW.

     Thực hiện công trình này, LILAMA đảm nhận vai trò Tổng thầu thiết bị với giá trị là 963,4 tỷ đồng, Hợp đồng này đã được ký ngày 26/10/2009 giữa Công ty Cổ phần thủy điện Hủa Na (HHC) và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam với các mốc tiến độ ngăn sông đợt 1 vào 30/1/2010, nút cống dẫn dòng vào 15/5/2012 và phát điện tổ máy số 1 vào 30/9/2012.

     Áp lực về tiến độ lại đè nặng lên đôi vai các lực lượng Lắp máy tại đây. Cam kết về đúng tiến độ không chỉ tại dự án này mà trên tất cả các công trình đã trở thành văn hóa ứng xử của Lilama. Thông qua Ban dự án, Tổng công ty đã điều động về đây một lực lượng tinh nhuệ từ các Công ty có nhiều kinh nghiệm và thành công trong lĩnh vực chế tạo và xây dựng công trình thủy điện của Đất nước như: Lilama 10, Lilama 7, Lilama 5 và Cơ khí Lắp máy. Ngoài lực lượng này trên công trường, công tác chế tạo thiết bị và kết cấu thép được thực hiện tại các nhà máy chế tạo thiết bị của các Công ty nói trên.

     Đến thời điểm này, tiến độ thi công dự án được kiểm soát chặt chẽ bám sát các mốc tiến độ chính của dự án, các lực lượng thi công phối hợp nhịp nhàng và đã hoàn thành 1 khối lượng lớn công việc. Hầu hết các hợp đồng với các nhà thầu phụ đã được ký kết và triển khai, đáp ứng tiến độ đã ký với Chủ đầu tư. Toàn bộ phần thiết kế thiết bị  cơ khí thủy công đã được phê duyệt và đang được chế tạo để thi công  lắp đặt. Tại thời điểm này đã chế tạo được 1.152,7/2.647,32 tấn đạt 44%. Thiết bị đập tràn do Công ty Cổ phần Cơ khí Lắp máy thực hiện được 650/800 tấn, thiết bị cửa nhận nước do Công ty cổ phần Lilama 5 thực hiện, đã chế tạo 252,55/478,86 tấn và ngày 28/8 vừa qua đã vận chuyển các chi tiết đặt sẵn, thép ống, thép bọc đoạn chuyển tiếp đến công trình với khối lượng 67,9 tấn. Lilama 7 trên hạng mục đường ống áp lực, các thiết bị này được chế tạo tại Thanh Hóa và Ninh Bình. 606,2 tấn vật tư đã được chuyển đến công trường. Thi công khu vực hạ lưu nhà máy là Lilama 10, thiết bị của hạng mục này được Công ty chế tạo tại nhà máy cơ khí ở Phủ Lý. Các chi tiết đặt sẵn, ngưỡng và thiết bị khe van hạ lưu đã được đưa đến công trình hôm 21/8 vừa qua với tổng khối lượng là 52,72 tấn.

     …Và những “đường găng” phải vượt.

     Đó là việc bàn giao mặt bằng thi công của nhiều hạng mục tiềm ẩn nguy cơ bị chậm, tất yếu ảnh hưởng đến tiến độ phát điện của nhà máy. Thêm vào đó là sự đỏng đảnh của thời tiết trong những tháng này. Mưa giông kéo dài gây sạt lở đất đá làm tăng đáng kể chi phí vận chuyển thiết bị vào công trường của các nhà thầu. Bên cạnh những phần việc được tiến hành suôn xẻ, đảm bảo tiến độ cam kết như khu lắp thiết bị thủy lực TM2, TM1, thiết bị nhà máy và hạ lưu do Công ty Lilama 7 và Lilama 10 đảm nhận, mặc dù khối lượng công việc là rất lớn song khi mặt bằng được bàn giao kịp thời thì việc hoàn thành nó đúng tiến độ luôn được đảm bảo.

     Khó khăn mà các đơn vị thi công của Lilama gặp phải hiện nay tập trung ở các phần việc như; trên khu vực đập tràn, theo thỏa thuận thì 1/9/2011 nhà thầu xây dựng phải bàn giao mặt bằng nhưng đến nay, các đơn vị lắp máy vẫn chưa có mặt bằng thi công, khu vực cửa nhận nước cũng trong tình trạng như thế, thời gian thi công bị rút ngắn 50 ngày. Công ty Cơ khí Lắp máy đang ngày đêm thi công lấy lại thời gian bị chậm để đáp ứng yêu cầu của công trình. Công tác thi công đường ống áp lực và tháp điều áp của Lilama 7 cũng gặp nhiều khó khăn, lẽ ra Lilama 7 phải nhận được mặt bằng từ 1/7/2011 nhưng đến nay mặt bằng lắp đặt đường ống áp lực các phân đoạn trong hầm dẫn nước vẫn chưa được bàn giao trong khi điều kiện tối thiểu để  phát điện thì ngày 14/5/2012 công tác lắp đặt phải được hoàn thành. Đây là đường găng thi công thứ 2 của dự án mà các lực lượng lắp máy trên công trường phải vượt qua.

     Trước những yêu cầu khắt khe của kỹ thuật, áp lực của tiến độ, Ban dự án đã có nhiều biện pháp tích cực nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công trên tất cả các hạng mục công trình. Chỉ đạo quyết liệt, tập trung lắp đặt thiết bị TM2, chế tạo và lắp đặt tuyến ống áp lực đảm bảo hoàn thành công tác chế tạo trước 30/1/2012 và lắp đặt xong trước 14/5/2012. Tập trung sức người, trang thiết bị thi công, tập kết vật tư chế tạo và biện pháp thi công tua bin, máy phát.

     Trước những khó khăn mà các đơn vị thi công đang phải đối mặt, Ban dự án đã yêu cầu Tổng công ty tăng cường kỹ sư giám sát thi công cho dự án, phê duyệt điều chuyển công việc lắp thiết bị cơ điện tại đập tràn từ Lilama 10 sang Cơ khí Lắp máy. Đặc biệt tạo điều kiện cho Ban dự án trong công tác thanh quyết toán và các chế độ đối với người lao động.

     Khó khăn còn nhiều nhưng những gì các lực lượng thi công trên công trình đã đạt được là đáng ghi nhận. Kết quả trước hết thuộc về mồ hôi, tinh thần lao động quên mình của gần 300 CBCNV Lilama 10, Lilama 7, Lilama Ninh Bình, sự chỉ huy khôn khéo của kỹ sư, cán bộ quản lý, sự chỉ đạo sát sao của Tổng công ty, sự phối kết hợp, ủng hộ của Chủ đầu tư cùng các nhà thầu phụ. Đây còn là kết quả của việc chăm sóc chu đáo đến đời sống của người lao động trên công trường.

   Hủa Na sẽ là một công trình như bao công trình khác về đích đúng hẹn dưới bàn tay Lilama.

Ngụy Hoàng Sơn