
Tập đoàn Định An thi công dự án đường bộ cao tốc bắc-nam phía đông, đoạn Quốc lộ 45-Nghi Sơn.
Hầu hết dự án đầu tư quy mô lớn thực hiện thời gian qua, nhất là các công trình giao thông, gặp vướng mắc do nhiều quy định pháp luật không còn phù hợp. Do đó, việc xây dựng những cơ chế đặc thù là yếu tố tiên quyết giúp các công trình, dự án hoàn thành đúng hẹn.
Ngay sau khi các dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn I (2017-2021) được khởi công, hàng loạt vướng mắc như giải phóng mặt bằng, thủ tục cấp mỏ vật liệu phức tạp, giá vật liệu tăng cao,… đã trở thành “rào cản” khiến một số dự án “lụt” sâu về tiến độ. Theo quy định của Luật Khoáng sản, thủ tục cấp phép khai thác mỏ vật liệu mới phải qua nhiều trình tự thủ tục như điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác; đấu giá quyền khai thác; lập đề án thăm dò, phê duyệt trữ lượng, lập dự án đầu tư, cấp giấy phép khai thác, thời gian kéo dài cả năm, rất khó đáp ứng tiến độ triển khai các dự án.
Rút ngắn thời gian, đẩy nhanh tiến độ
Trước áp lực về tiến độ hoàn thành, Quốc hội và Chính phủ đã ban hành cơ chế thí điểm đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu thông thường, với cơ chế chỉ định thầu; giao chủ đầu tư được khai thác mỏ khoáng sản; phân cấp, phân quyền, bố trí nguồn vốn cho cấp tỉnh thực hiện dự án..., góp phần đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các dự án.
Ông Cao Đăng Hoạt, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Định An, nhà thầu thi công tại dự án thành phần đường cao tốc bắc-nam giai đoạn I, đoạn Quốc lộ 45- Nghi Sơn cho biết, để phục vụ đất đắp cho 2 gói thầu XL01 và XL02, Định An đề nghị tỉnh Thanh Hóa cấp quyền khai thác mỏ đất tại huyện Như Thanh trữ lượng khoảng 5 triệu mét khối và được chấp thuận. Khi được cấp mỏ vật liệu, nhà thầu sẽ chủ động được khối lượng và giá không vượt dự toán, giúp dự án triển khai thuận lợi.
Dự án đường cao tốc bắc-nam giai đoạn II (2021-2025) cũng được phép áp dụng ngay cơ chế này. Nhà thầu chỉ cần lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác để trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có mỏ vật liệu xác nhận bản đăng ký khối lượng khai thác và thực hiện đúng cam kết yêu cầu là hoàn thành thủ tục cấp mỏ vật liệu.
Những cơ chế đặc thù đúng và trúng được áp dụng trong quá trình triển khai các dự án là yếu tố cốt lõi giúp mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm nay trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. Các chuyên gia cũng kỳ vọng, nếu Quốc hội và Chính phủ tiếp tục quan tâm và điều chỉnh, bổ sung cơ chế kịp thời, quá trình hiện đại hóa hệ thống giao thông đường bộ sẽ được đẩy nhanh hơn nữa, với ưu tiên hàng đầu đến năm 2030, cả nước có khoảng 5.000 km đường cao tốc.
Những cơ chế đặc thù đúng và trúng được áp dụng trong quá trình triển khai các dự án là yếu tố cốt lõi giúp mục tiêu hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào cuối năm nay trở nên hiện thực hơn bao giờ hết. |
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) nhận định, từ năm 2016 trở lại đây, dòng vốn đổ vào lĩnh vực giao thông theo phương thức hợp tác công-tư (PPP) có xu hướng chững lại. Khi Luật PPP chính thức có hiệu lực, “điểm nghẽn” mấu chốt nhất là Điều 69 quy định vốn nhà nước tham gia không quá 50% tổng mức đầu tư dự án, khiến phương án tài chính của dự án PPP kém hấp dẫn. Kết quả, hiện nay chỉ còn một vài công trình đầu tư theo phương thức PPP được triển khai, nếu nhà đầu tư không quyết tâm cao, chắc chắn dự án chỉ ở dạng “khả thi trên giấy”.
Tại kỳ họp thứ 6 (ngày 28/11/2023), Quốc hội khóa XV thông qua Nghị quyết thí điểm cơ chế đặc thù, cho phép nâng tỷ lệ vốn Nhà nước lên 70%, giúp “cởi trói” phương án tài chính, tạo niềm tin cho nhà đầu tư, thúc đẩy nhà thầu hai dự án đường cao tốc Hữu Nghị-Chi Lăng và Đồng Đăng-Trà Lĩnh tăng tốc tiến độ, sớm đưa công trình vào khai thác cuối năm nay.
“VARSI đang tập hợp ý kiến của các nhà đầu tư để dự thảo kiến nghị trình Chính phủ và Quốc hội xem xét, tiếp tục điều chỉnh Luật PPP để giải quyết những bất cập nảy sinh, từ đó xây dựng khung pháp lý linh hoạt, phù hợp với thực tiễn và có sức hấp dẫn hơn, nhằm huy động tối đa nguồn lực tư nhân, đưa nguồn lực này trở thành động lực quan trọng hàng đầu trong phát triển kinh tế”, Tiến sĩ Trần Chủng nhấn mạnh.
Hiệu quả của mô hình tổng thầu trong nước
Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) cho biết, cơ chế đặc thù trước đây áp dụng thành công tại nhiều dự án thủy điện, đã góp phần đưa giá thiết bị cơ khí thủy công từ 3.500 USD/tấn thành phẩm, giảm xuống gần một nửa, chỉ còn 1.700 USD/ tấn.
Tuy nhiên, giá thiết bị chỉ là một phần nhỏ của vấn đề, tính tự chủ mới đem lại ý nghĩa to lớn. Minh chứng rõ nhất tại dự án Thủy điện Sơn La, mô hình Tổng thầu EPC, gồm các tổng công ty: Sông Đà, Lắp máy Việt Nam (Lilama), Xây dựng và phát triển hạ tầng (Licogi), Trường Sơn và chủ đầu tư là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã triển khai thi công dự án vượt tiến độ hơn 2 năm. Mô hình này tiếp tục áp dụng thành công tại Thủy điện Lai Châu, vượt tiến độ Quốc hội giao 1 năm. “Nhà máy thủy điện Sơn La có tổng mức đầu tư khoảng 6 tỷ USD. Do tự chủ được về phần cơ khí thủy công, tiến độ nhà máy vượt trước hơn 2 năm, tính toán sơ bộ cả lãi suất ngân hàng và giá trị phát điện trong thời gian đó, đã đem lại lợi ích cho ngân sách khoảng 2,6 tỷ USD”, Tiến sĩ Nguyễn Chỉ Sáng cho biết.
Tương tự, sản phẩm máy biến áp của Tổng công ty Thiết bị điện Đông Anh cũng là thí dụ rất sinh động về vấn đề tự chủ. Trước đây, để đầu tư, mua sắm 1 chiếc máy biến áp 250 MVA ở nước ngoài, giá thấp nhất khoảng 3 triệu USD, nhưng khi Thiết bị điện Đông Anh tự sản xuất được, giá đã giảm xuống chỉ còn 1,5 triệu USD.
Trước kia, khi máy biến áp 250 MVA ở đường dây 500 kV bắc-nam bị hư hỏng, phải mất 1-2 tháng vận chuyển linh kiện ra nước ngoài sửa chữa, nay chỉ trong vòng 24 giờ, các chuyên gia, kỹ sư của Thiết bị điện Đông Anh đã có mặt và xử lý được ngay. Thực tế cũng cho thấy, nếu sản phẩm, hạng mục nào trong nước chưa tự chủ được, nhà cung cấp nước ngoài sẽ chào giá với mức rất cao, đi kèm những điều kiện khắt khe, bất lợi.
Không chỉ lĩnh vực thủy điện, các dự án nhiệt điện cũng phát huy tốt vai trò tổng thầu trong nước. Gần đây nhất là dự án nhiệt điện Vũng Áng 1, Sông Hậu 1 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (nay là Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng quốc gia Việt Nam) làm chủ đầu tư và Lilama làm Tổng thầu EPC. Các đơn vị của Lilama đã đảm nhận hầu hết phần việc quan trọng trong lắp đặt và chế tạo thiết bị, làm lợi cho chủ đầu tư hàng trăm triệu USD về chi phí đầu tư, cũng như nhiên liệu, vận hành trong suốt vòng đời nhà máy.
Theo tinh thần cơ chế 1791 (Quyết định 1791/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ) thí điểm thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị các nhà máy nhiệt điện được đưa vào vận hành giai đoạn 2012-2025 tại dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1, toàn bộ phần xây dựng, lắp đặt và hầu hết hệ thống phụ trợ đều do các đơn vị trong nước chủ trì, thực hiện. Theo tính toán, khối lượng thiết bị, kết cấu do các doanh nghiệp trong nước thực hiện khoảng 56.000 tấn, chiếm khoảng 50% tổng khối lượng toàn dự án. Đồng thời, các nhà thầu nội cũng đảm nhận 40-60% khối lượng công việc tư vấn, thiết kế tùy thuộc đặc thù bản quyền công nghệ mỗi hệ thống.
Cùng với đó, giá trị thực hiện của các đơn vị trong nước, gồm cả doanh nghiệp FDI trên tổng giá trị hợp đồng EPC đã tăng rõ rệt tại các nhà máy nhiệt điện (Vĩnh Tân 4 khoảng 36%, Thái Bình 2 khoảng 37,5%, Sông Hậu 1 khoảng 40%,...). Đồng thời, việc ký kết, triển khai các gói thầu nội địa hóa hoàn toàn minh bạch, các doanh nghiệp trong nước đã chủ động liên kết, không dựa dẫm, trông chờ vào cơ chế “xin-cho” như trước đây.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, thành công của mô hình tổng thầu trong nước nhờ sự quyết tâm mạnh mẽ của Chính phủ, tin tưởng giao việc cho các đơn vị, doanh nghiệp. Sau một vài dự án, các đơn vị đã hoàn toàn đủ năng lực đảm trách phần việc liên quan đến thi công đập thủy điện hoặc lắp đặt, chế tạo kết cấu thép dự án nhiệt điện, thậm chí năng lực một số doanh nghiệp lĩnh vực này đã ngang tầm khu vực, có thể đảm nhận toàn bộ việc xây dựng, lắp đặt, thi công công trình. Đó là nền móng hết sức quan trọng để các doanh nghiệp triển khai các dự án quy mô lớn trong thời gian tới, tiến tới từng bước làm chủ công nghệ, nâng tầm giá trị qua mỗi công trình.
(Còn nữa)
Xuân Thủy-Quang Hưng (Theo: nhandan.vn)
Minimum of 10 words Accented Vietnamese Does not contain links
Post a comment