Gian nan chuyện điều chỉnh giá (tiếp theo và hết): Sẽ lập hệ thống định mức mới theo thị trường

21/08/2017 09:07

Trong số báo trước, Báo Xây dựng đã có bài phản ánh về tình trạng khó khăn của chủ đầu tư và nhà thầu xung quanh việc áp hệ thống định mức, đơn giá cho các nhà máy nhiệt điện. Trong số báo này, Báo Xây dựng có cuộc trao đổi với ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng xung quanh vấn đề này.

Ông Phạm Văn Khánh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế Xây dựng – Bộ Xây dựng

     Thưa ông, chủ đầu tư và nhà thầu thi công xây dựng một số nhà máy nhiệt điện thuộc danh mục thực hiện 2414/QĐ-TTg cho rằng, hệ thống định mức xây dựng hiện nay còn thiếu hoặc đã quá lạc hậu, quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

     - Hệ thống định mức hiện tại có hạn chế là được làm từ thời bao cấp, được xây dựng trong một điều kiện chuẩn để áp dụng cho mọi công nghệ nên đã không còn phù hợp với cơ chế thị trường. Trong khi đó thị trường thì luôn luôn biến động, đặc biệt là khoa học công nghệ thay đổi rất nhiều.

     Định mức xây dựng thường phụ thuộc vào công nghệ, điều kiện thi công, thiết kế, hệ thống tiêu chuẩn khác nhau với những định mức, năng suất khác nhau. Cơ chế chính sách dù đã có những đổi mới tích cực cũng không thể bao quát hết được thị trường.

     Hiện nay chúng ta có hơn chục nghìn định mức và trước mắt vẫn phải chấp chận thực tế này. Nếu định mức đó phù hợp với dự án nào thì chủ đầu tư quyết định định mức đấy, còn nếu không phù hợp thì chủ đầu tư được quyền tổ chức xây dựng định mức mới hoặc điều chỉnh cho phù hợp với dự án. Vì vậy, những định mức không phù hợp chủ đầu tư phải lập hoặc điều chỉnh cho phù hợp để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và đưa vào ứng dụng.

     Có ý kiến cho rằng, việc làm thủ tục hồ sơ trình cấp có thẩm quyền phê duyệt điều chỉnh giá mất quá nhiều thời gian, đi lại lòng vòng khiến doanh nghiệp (DN) rất ngại. Phải chăng vì thủ tục của chúng ta quá rườm rà hay còn lý do nào khác, thưa ông?

     - Thời gian lâu là do hồ sơ DN chưa đủ, hoặc chuẩn bị chưa kỹ. Một số đơn vị thậm chí còn không gửi hồ sơ đi kèm, mà định mức thì phải có hồ sơ kèm theo để chứng minh nó hợp lý. Thiếu những cái đó chúng tôi yêu cầu phải về bổ sung làm lại.

     Bây giờ việc trả lời công văn của Bộ xây dựng được quy định rất rõ, không có cái nào được phép để lâu. Tùy theo số lượng nhưng nếu đủ hồ sơ thì chỉ trong vòng một tuần Bộ sẽ trả lời.

     Nếu để xảy ra chậm muộn Tổ công tác của Bộ nhắc nhở ngay. Cá nhân tôi không bao giờ để anh em gây khó dễ bất cứ vấn đề gì bởi khi thực hiện thì nhiệm vụ là số một, ngoài ra còn trách nhiệm, lương tâm nữa. Để nhà thầu chờ lâu họ khổ rất nhiều thứ.

     Được biết, Bộ Xây dựng đang trình Thủ tướng Chính phủ Đề án đổi mới hệ thống định mức. Nếu được phê duyệt, Đề án có khắc phục được tình trạng hệ thống định mức vừa thiếu, vừa lạc hậu như hiện nay không, thưa ông?

     - Để khắc phục những tồn tại trên, Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về một số chủ trương, chính sách lớn nhằm tiếp tục đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế đã yêu cầu “Rà soát, hoàn thiện hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật, đơn giá xây dựng, suất đầu tư của các ngành kinh tế”; Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 27/2017/NQ-CP ngày 21/2/2017 ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 05/NQ-TW ngày 01/11/2016; và đã đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2017 của Chính phủ là giao Bộ Xây dựng chủ trì cùng với các cơ quan liên quan xây dựng Đề án hoàn thiện hệ thống định mức và giá xây dựng trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 6 năm 2017.

     Đến nay Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng Chính phủ Đề án, theo dự thảo thì đề án thực hiện từ năm 2018 đến năm 2021, kết quả của đề án sẽ hình thành hệ thống định mức và giá xây dựng phù hợp với cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, nó sẽ khắc phục được những tồn tại hiện nay về định mức và giá xây dựng, bao gồm cả giá dịch vụ đô thị.

     Theo đó, Đề án sẽ khảo sát, lấy ý kiến hàng loạt công trình, các tỉnh thành với các chủ thể khác nhau bao gồm cả cơ quan quản lý, tư vấn, nhà thầu, trên cơ sở đó mới ra được một hệ thống định mức chuẩn theo cơ chế thị trường.

     Năm 2018 mới bắt đầu làm phương pháp lập định mức và lập giá mới, dự kiến năm 2021 sẽ hoàn thành. Khi đó, các thông tin về mã hiệu, tên định mức, đơn vị tính, nội dung công việc phạm vi, điều kiện áp dụng, công nghệ... sẽ được thống nhất trên cả nước để có thể quản lý định mức và giá xây dựng cho hiệu quả.

     Trên cơ sở những danh mục công việc đã có chúng tôi sẽ rà soát lại, cái gì phù hợp thì giữ, cái gì lạc hậu thì bỏ đi lập mức theo phương pháp điều tra mới sát với thực tế hơn, và đó là mức trung bình của thị trường. Có như vậy mới thúc đẩy được thị trường phát triển, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ mới trong xây dựng.

     Khi áp dụng định mức mới, nhà thầu nào có năng lực, năng suất hơn thì sẽ trúng thầu, và được phép thi công theo công nghệ mới. Nhà thầu lạc hậu đương nhiên bị loại. Sau ba năm cơ quan quản lý nhà nước sẽ điều tra làm lại toàn bộ hệ thống một lần. Như vậy sẽ khắc phục được những tồn tại như hiện nay.

     Xin cảm ơn ông!

Vân Anh (thực hiện)