Lắp đặt thành công chiếc rotor cuối cùng của nhà máy thuỷ điện Sơn La

24/07/2012 13:12

Sáng 24-7 tại công trường thủy điện Sơn La, kỹ sư và công nhân Lilama 10 thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) đã tiến hành lắp đặt rotor tổ máy số 6, tổ máy cuối cùng của Nhà máy thủy điện Sơn La. 11 giờ 18 phút, rotor bắt đầu được nhấc lên bằng 2 giàn cẩu sức nâng 560 tấn rồi di chuyển đi qua lần lượt 5 tổ máy đang hoạt động đến vị trí lắp đặt. Sau hơn 3 giờ, theo tiếng còi lệnh của kỹ sư Nguyễn Đình Tình -  giám đốc chi nhánh Sơn La Lilama 10, rotor đã được lắp đặt thành công.

Nhà máy thủy điện Sơn La 7/2012

     Rotor máy phát Nhà máy Thuỷ điện Sơn La có trọng lượng nặng 1000 tấn, đường kính hơn 15,5m, chiều cao 2,8m là kết cấu nặng nhất trong các thiết bị lắp đặt tại công trường. Thiết bị rotor tổ máy thủy điện Sơn La cũng giữ kỷ lục về trọng lượng trong các nhà máy thuỷ điện ở Việt Nam. Là một trong hai thiết bị quan trọng nhất của tổ máy, việc lắp đặt thành công rotor tổ máy 6 là mốc quan trọng để chuẩn bị cho việc chạy thử các hệ thống thiết bị phụ, sẵn sàng cho việc phát điện của tổ máy số 6. Qua đó, cũng là công đoạn quan trọng để đưa công trình thủy điện Sơn La về đích. Sau khi rotor được lắp đặt thành công, các kỹ sư, công nhân Lilama sẽ tiến hành đấu nối đường ống kích từ, kích phanh; đấu nối từ stator ra thanh cái và ống dẫn dòng để phát điện tổ máy. Dự kiến công việc căn chỉnh này sẽ tiến hành trong thời gian 2 tháng, tổ máy số 6 sẽ phát điện vào cuối tháng 9/2012, kết thúc quá trình xây dựng và lắp đặt toàn bộ nhà máy.

    

11 giờ 18 phút, Rotor được nhấc lên

Di chuyển lần lượt qua các tổ máy đang hoạt động 

 

Và tiến dần đến vị trí lắp đặt

Rotor sắp được hạ xuống

Chính xác tới từng mm

Công việc sắp hoàn thành

     Rotor được 50 kỹ sư, công nhân Lilama tổ hợp từ 24.000 tấm tôn từ tính trong thời gian từ 2-2,5 tháng. Sau khi quá trình tổ hợp kết thúc sẽ đến công đoạn sấy ở nhiệt độ từ 60-70 0c để đảm bảo cách điện. Công tác chuẩn bị cho việc tổ hợp đã được thực hiện chu đáo. Các bộ thiết bị phụ như đường ống cấp dầu, nước, đặc biệt là trạm phân phối (GIS) đã được hoàn thành sớm. Trạm phân phối sẽ giúp chuyển tải điện ra trạm biến áp, công nghệ trạm phân phối GIS của thủy điện Sơn La lần đầu tiên áp dụng tại VN với các ưu điểm kích cỡ nhỏ gọn hơn, hiệu suất cao hơn, lắp đặt nhanh hơn. Sau khi hoàn thiện nhà máy giữ lại 200 công nhân để làm công tác hoàn thiện.

Bài, ảnh: Duy Tình