Lilama 69 - 1: chế tạo thiết bị cho nhiều dự án trong và ngoài nước
Nhà máy chế tạo thiết bị và kết cấu thép Bắc Ninh (trực thuộc Lilama 69-1) đang chạy đua với thời gian khi cùng lúc đảm nhận gia công, chế tạo gần 4.000 tấn thiết bị và kết cấu thép cho hàng chục dự án khác nhau, tiếp tục khẳng định năng lực và uy tín trong lĩnh vực gia công, chế tạo.
Cụ thể, đơn vị đang chế tạo 126 tấn kết cấu thép thang máy xuất khẩu sang thị trường Ma-rốc theo hợp đồng ký kết với IHI - Nhật Bản; Gia công chế tạo 1.300 tấn thiết bị cho dự án Nhiệt điện Thái Bình 1 theo hợp đồng được ký với KAWASAKI; Chế tạo 118.000 ID ống cho dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn; Chế tạo 231 tấn thiết bị, kết cấu thép cho dự án Viglacera Thái Bình…
Theo Phó Giám đốc Nhà máy Vũ Thành Thắng, bên cạnh những dự án nhỏ thì Nhà máy vừa ký kết và triển khai chế tạo đồng loạt 09 dự án hợp tác với các đối tác khác nhau như KAWASAKI, IHI (Nhật Bản), INOAC, Viglacera, JGC, Kirchner (Italia)… Các dự án này đều đòi hỏi yêu cầu cao về mặt kỹ thuật cũng như thời gian thi công gấp rút, tập trung trong giai đoạn từ Tháng 5 đến Tháng 12 năm 2015, đặc biệt giai đoạn nóng sẽ rơi vào khoảng Tháng 9 và Tháng 10,11 khi nhiều dự án phải đẩy nhanh tiến độ chạy về đích.
Trong số các dự án Nhà máy đang thi công, có những dự án hợp tác với khách hàng quen thuộc như IHI, JGC (Nhật Bản), nhưng cũng có những khách hàng hợp tác lần đầu tiên như KAWASAKI (Nhật Bản), Kirchner (Ý)… Bởi vậy Nhà máy không chỉ nỗ lực để giữ được niềm tin và uy tín đã gây dựng mà còn phải khẳng định năng lực gia công chế tạo đối với các khách hàng mới để mở rộng mối quan hệ và nâng tầm thương hiệu Lilama 69-1. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với tập thể cán bộ công nhân viên Nhà máy nói riêng và Công ty nói chung.
Phó Giám đốc Vũ THành Thắng cho biết Nhà máy đã đưa ra các giải pháp đồng bộ và thiết thực nhằm đảm bảo tất cả các dự án về đích đúng hoặc sớm hơn tiến độ mà vẫn đáp ứng các yêu cầu về chất lượng và an toàn. Cụ thể, Nhà máy đã đầu tư thêm một số máy móc, thiết bị như máy sang phanh vát mép, máy lốc tôn 4 trục, máy uốn thép hình đa năng… để đảm bảo tính chủ động và nâng cao hiệu quả; Cải tiến dây chuyền công nghệ (làm mới hệ thống phun bị tự động); Mở rộng nhà xưởng, làm thêm nhà che di động, sắp xếp lại khu vực làm việc để tối ưu hóa dòng chảy sản phẩm; Áp dụng linh hoạt các phương pháp hàn khác nhau, như phương pháp FCAW để giảm biến dạng nhiệt và độ cong vênh.
Bên cạnh đó, Nhà máy sẽ huy động thêm 200 nhân sự cho giai đoạn nóng, tăng gấp đôi so với con số hiện tại và tổ chức làm việc tăng ca để đẩy nhanh tiến độ các dự án. Song song đó, các giải pháp gián tiếp cũng được áp dụng như nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ công nhân viên để thúc đẩy sự đoàn kết và khích lệ tinh thần cho người lao động; Phát huy sáng kiến của cá nhân và tập thể; Chỉ đạo quyết liệt, sát sao với từng dự án, tạo mô hình quản trị dự án theo nhánh để có biện pháp điều hành và xử lý kịp thời; Khoán toàn diện đến các tổ, đội để tăng ý thức tự giác của người lao động; Phát động thi đua, đưa ra các mục tiêu thực hiện rõ ràng.
Dựa trên cơ sở các dự án đang thực hiện cùng với kế hoạch chuẩn bị chi tiết và sẵn sàng vào cuộc, Nhà máy tin tưởng vào thành công của các dự án và đặt mục tiêu đạt được 150 tỷ đồng doanh thu trong năm 2015, cao gấp 2 lần so với kế hoạch ban đầu 80 tỷ đồng, và gấp 2.5 lần so với 60 tỷ đồng trong năm 2014.
Vũ Quyên