Lilama 69-1 ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực nhiệt điện hạt nhân với công ty Hitachi Plant Construction (Nhật Bản)
Sáng 05/06 tại Bắc Ninh, đã diễn ra lễ ký thỏa thuận hợp tác hai bên giữa Công ty cổ phần Lilama 69-1( thuộc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam) với tập đoàn Hitachi(Nhật Bản) trong lĩnh vực nhiệt điện hạt nhân.
Về phía công ty Hitachi Plant Construction: Ông Nobuho GoTo - Chủ tịch hội đồng quản trị, ông Shinichi Ebata - Phó tổng giám đốc phụ trách điện hạt nhân, ông Kurokawa Amagai - Trưởng nhóm phụ trách tìm kiếm thị trường hợp tác quốc tế và các cán bộ cao cấp khác. Về phía công ty cổ phần Lilama 69-1 có ông Bùi Quang Vinh - Chủ tịch HĐQT, ông Ngô Quốc Thịnh – Tổng giám đốc.
Thay mặt Lilama 69-1, Ông Ngô Quốc Thịnh cảm ơn sự quan tâm, hợp tác của Công ty Hitachi Plant Construction đã dành cho Lilama 69-1 và đánh giá cao về sự giúp đỡ của quý công ty trong lĩnh vực đào tạo nhân lực, đây là kết quả bước đầu trong khuôn khổ hợp tác giữa 2 bên. Ông khẳng định các dự án hợp tác về điện hạt nhân tại thị trường Việt Nam là một lĩnh vực rất mới mẻ và đầy hứa hẹn, khi đi vào hoạt động sẽ góp phần thay thế các dự án nhiệt điện hiện nay khi mà nguồn nguyên liệu than đá cạn kiệt dần. Với sự kết hợp giữa công ty cổ phần Lilama 69-1 (Công ty có thế mạnh và kinh nghiệm trong lĩnh vực lắp đặt, bảo trì, đại tu các dự án Nhiệt điện) và Hitachi Plant Construction với thế mạnh về công nghệ hạt nhân thì chắc chắn sự hợp tác này sẽ mang lại thành công cho cả hai bên.
Thay mặt công ty Hitachi Plant Construction, chủ tịch hội đồng quản trị ông Nobuho GoTo cảm ơn sự tiếp đón rất thịnh tình tình của ban lãnh đạo công ty đối với đoàn. Ông cho biết :" công ty Hitachi Plant Construction tự tin là công ty hàng đầu về công nghệ điện hạt nhân trên thế giới. Do vậy, khi đến Việt Nam tập đoàn rất mong muốn chọn được một đối tác mạnh ở lĩnh vực nhiệt điện nói chung. Tại Việt Nam, công ty đã tin tưởng lựa chọn Lilama 69-1 là đối tác của mình".
Cũng tại buổi ký, hai bên đã trao đổi về những thuận lợi và khó khăn trong khuôn khổ hợp tác nhiệt điện hạt nhân, ông Ngô Quốc Thịnh chia sẻ:" Đây là dự án nhiệt điện hạt nhân đầu tiên mà công ty đảm nhiệm nên còn nhiều khó khăn và bỡ ngỡ từ: Trang thiết bị, kinh nghiệm thi công, đặc biệt là nguồn nhân lực đáp ứng đòi hỏi khắt khe về kỹ thuật của công trình.v.v. Bốn năm chuẩn bị là rất gấp gáp, tuy nhiên toàn thể cán bộ công nhân viên công ty cổ phần Lilama 69-1 sẽ cố gắng hết sức đưa ra các giải pháp hữu hiệu để từng bước khắc phục khó khăn tạo sự chuẩn bị tốt nhất khi bắt tay vào khởi công dự án nhiệt điện hạt nhân Ninh Thuận năm 2018".Để công tác chuẩn bị cho xây dựng nhà máy nhiệt điện hạt nhân được tốt nhất ông mong muốn và đề nghị sự giúp đỡ và góp ý chân thành từ phía Hitachi. Tin tưởng một kết quả tốt đẹp của sự hợp tác giữa hai bên, cuối cùng tổng giám đốc Ngô Quốc Thịnh không quên cảm ơn sự coi trọng và thiện chí từ phía Hitachi khi các lãnh đạo cấp cao của công ty tham dự và chứng kiến buổi lễ ký kết biên bản hợp tác hai bên.
Đại diện cho Hitachi Plant Construction, chủ tịch hội đồng quản trị ông Nobuho TaGo ghi nhận và tiếp thu những ý kiến của lãnh đạo Lilama 69-1. Ông chia sẻ:" Khoảng thời gian 4 năm để các bạn chuẩn bị có thể là ngắn có thể là dài, nếu như các bạn biết sắp xếp và có kế hoạch chuẩn bị chi tiết cho công việc của tương lai thì khoảng thời gian ấy đủ để các bạn chuẩn bị mọi thứ, ngược lại nếu các bạn không có kế hoạch và lịch trình cụ thể thi 4 năm trôi qua rất nhanh. Trong quá trình các bạn chuẩn bị, Hitachi mong muốn được đồng hành, hỗ trợ chia sẻ những kinh nghiệm của chúng tôi tới các bạn nếu như các bạn gặp khó khăn. Bên cạnh đó chúng tôi cũng mong muốn tăng cường hợp tác hơn nữa và nhận được sự phản hồi, góp ý từ các bạn để cùng nâng cao hiệu quả hợp tác giữa 2 bên".
Lễ ký kết đã diễn ra thành công tốt đẹp trong không khí ấm tình đoàn kết giữa 2 doanh nghiệp Việt Nam và Nhật Bản. Với lễ ký kết này, đã khẳng định hướng đi đúng trong tương lai của Lilama 69-1. Từng bước khẳng định thương hiệu Lilama 69-1 nói riêng và Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - Lilama nói chung trong lĩnh vực điện hạt nhân tại Việt Nam.
Việt Cường