Những bàn tay vàng

12/07/2016 11:25

Thông tin một thợ hàn Lilama 69-1 tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn có thể nhận mức lương tháng lên tới hơn 60 triệu đồng khiến nhiều người giật mình. Ai ngờ lương của thợ hàn còn cao hơn cả lương "Tổng giám đốc", từ thắc mắc này, tôi quyết định tìm hiểu về thợ hàn, họ là ai?

Lương "khủng" xứng đáng với giá trị sức lao động

     Không khó để "nhận dạng" thợ hàn bởi quần áo bảo hộ họ mặc trông lúc nào cũng "tả tơi" thủng lỗ chỗ, mặt mũi thì lấm lem suốt ngày. Anh Phạm Ngọc Tiền, thợ hàn tại dự án Lọc hóa dầu Nghi Sơn vừa nhận lương tháng 2/2016 là 61.302.000đ, chia sẻ: "Mức lương chúng tôi nhận hoàn toàn xứng đáng với công sức chúng tôi bỏ ra thôi, làm thợ hàn tại công trường cũng cực lắm, là nghề đòi hỏi tay nghề cao, sức khỏe tốt, vất vả hơn các ngành nghề khác rất nhiều. Hơn nữa, thợ hàn được Công ty khoán trả lương theo sản phẩm rồi, làm nhiều thì hưởng nhiều, như trong tháng 2 để đạt mức lương đó tôi phải làm tăng ca liên tục, hôm nào cũng đến 9, 10 giờ tối mới về, ". Tất nhiên không phải thợ hàn nào cũng đạt được mức lương cao như anh Tiền, anh đạt trình độ tay nghề thợ hàn 6G mà công nghệ 6G được xem là ngành “hàn công nghệ cao". Vị trí hàn 6G là tư thế hàn khó (tư thế hàn trục ống nằm nghiêng 450 ± 50 so với mặt phẳng nằm ngang và ống không quay trong khi hàn), một thợ hàn 6G có thể gọi là một thợ hàn hoàn hảo khi đã thành thạo tất cả các kỹ năng, tư thế của nghề hàn. Tay nghề cộng với 11 năm kinh nghiệm nên năng suất lao động của anh Tiền rất cao, như hiện nay bình quân một ngày anh có thể hàn đến 7 ID loại ống thép trắng dày.

     Qua anh Tiền và những thợ hàn khác, tôi biết đến nỗi vất vả và cái khó trăm bề của nghề này. Với thợ hàn, làm việc trên cao, trèo leo khắp các vị trí dưới cái nắng gay gắt cũng chưa phải là khó khăn nhất, vì ở đó còn thoáng, có không khí để thở, có chỗ để đứng, cực nhất là khi làm việc trong không gian hạn chế vì vừa chật chội, nóng bức, thiếu ánh sáng, khói hàn ngột ngạt, mùi cháy khét của kim loại, đinh tai váng óc vì tiếng ồn rất lớn của cả công trường, trong khi độ nóng của que hàn lên tới 1300 - 1530 độ C, người thường chắc không chịu nổi mươi phút. Người thợ phải hàn trong tất cả các tư thế, có những lúc phải ngửa thẳng mặt lên, có lúc lại phải gập hẳn người sát xuống để hàn.

     Anh Đặng Tuấn Hưng, giáo viên tại Trung tâm đào tạo hàn của Lilama 69-1, cũng là người gắn bó với nghề hàn gần 20 năm nay khẳng định: "Lương của thợ hàn không thể gọi là cao so với giá trị sức lao động, kỹ thuật, tay nghề của họ. Đây là nghề đòi hỏi tính chuyên môn và kỹ năng cao, không phải ai cũng có thể trở thành một người thợ hàn giỏi. Hơn nữa, người thợ hàn thường xuyên đối mặt với nguy cơ mất an toàn lao động và bệnh nghề nghiệp, vì vậy một trong những bài giảng đầu tiên mà chúng tôi dạy cho học viên là an toàn lao động khi làm việc". Có thể kể ra hàng loạt các mối nguy hiểm "rình rập" thợ hàn như: Điện giật, vật bay vào mắt hoặc da, bị cứa hoặc đâm phải bởi các cạnh kim loại sắc nhọn, bị bỏng bởi các bề mặt nóng, ngọn lửa hàn, hoặc tia lửa văng bắn…

     Để đảm bảo an toàn, giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh nghề nghiệp cho thợ hàn Lilama 69-1 đã thực hiện đào tạo một cách có hệ thống bài bản cho thợ hàn, đồng thời cung cấp đầy đủ trang thiết bị cho thợ hàn khi làm việc.

     Thợ hàn cũng là lực lượng đóng vai trò quan trọng làm nên thành công tại tất cả các dự án mà Lilama 69-1 thi công. Mọi hoạt động gia công, chế tạo, lắp đặt, sửa chữa bảo dưỡng các dự án nhà máy công nghiệp bao giờ cũng cần có thợ hàn, đặc biệt ở những dự án lớn, có sự tham gia của các nhà thầu quốc tế, chủ đầu tư yêu cầu chất lượng cao thì người thợ hàn càng đóng vai trò quan trọng. Qua đây cũng cho thấy mức lương "khủng" người thợ hàn được nhận hoàn toàn xứng đáng với mồ hôi, công sức, trí tuệ và vai trò quan trọng của thợ hàn.


"Khổ luyện thành nghề"

     "Phải có sự khổ luyện và từng trải nhiều công trình, dự án mới có thể trở thành một người thợ hàn giỏi", đó là khẳng định chắc như đinh đóng cột của những thợ hàn "lão luyện". Anh Hưng chia sẻ: "Trước đây để được đứng trong hàng ngũ thợ hàn, tôi phải làm thợ phụ mất 2 năm, chỉ làm các công việc do thợ chính sai vặt, ban đầu mới vào nghề gặp rất nhiều khó khăn như vấn đề xử lý hồ quang với loại que hàn một chiều vì hồi đó phổ biến loại que hàn này, rồi khó khăn vì các mối hàn hay bị cong, vênh, phải học hỏi rất nhiều từ các đàn anh đi trước". Bản thân anh Hưng, trước khi "chinh phục" tay nghề hàn 6G, anh phải thành thạo tất cả các kỹ năng, vị trí hàn thép tấm từ 1G-4G và kỹ năng kỹ thuật hàn ống từ vị trí 2G, 3G. Bàn chân anh ngược xuôi khắp các công trình trên mọi miền tổ quốc như Nhà máy đường Quỳ Hợp (Nghệ An), Nhà máy Xi măng Nghi Sơn (Thanh Hóa), Nhà máy Nhiệt điện Phả Lại 2 (Hải Dương), Nhà máy Thủy điện Sơn La, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất (Quảng Ngãi), … Anh nói: "Nghề gì cũng vậy, nhất là với một nghề vất vả như hàn, phải yêu, tâm huyết với nghề mới có tay nghề tốt, tay nghề tốt mới có đồng lương tốt".

     Thợ hàn mới học nghề bị đau mắt, bỏng tay, chân là chuyện cơm bữa. Phạm Trọng Mạnh, có trình độ tay nghề hàn 3G hiện đang làm việc cho dự án GEA - Nhà máy Chế tạo Thiết bị và Kết cấu thép Bắc Ninh chia sẻ: "Hồi mới vào nghề, tôi thường xuyên bị đau mắt. Nặng nhất là lần đau mắt kéo dài 3 ngày, 2 ngày đầu mắt sưng vù, nhức không mở ra được, chỉ nằm nhà và đắp khăn mặt ướt lên, ngày thứ 3 mắt mở được nhưng nhìn bầu trời toàn thấy khói, phải chớp mắt liên tục".

     Có thể nói thành công của người thợ hàn phải trải qua cả một quá trình làm việc và không ngừng học hỏi bởi với mỗi một dự án khác nhau lại có những vật liệu hàn, mối hàn khác nhau.  Bản thân người thợ hàn khi đến bất cứ công trình, dự án mới nào đều phải vượt qua buổi kiểm tra mẫu hàn theo yêu cầu của chủ đầu tư. Vì vậy càng trải qua nhiều dự án, thợ hàn càng rèn rũa, đúc rút được nhiều kinh nghiệm, tay nghề hàn được nâng lên.
Công việc nặng nhọc, vất vả nhưng tất cả những yếu tố đó cũng không thể cản trở những người thợ say mê nghề hàn, anh Mạnh chia sẻ: "Hàn được những mối hàn đẹp, được anh em khen, thán phục đó là niềm vui lớn nhất của tôi trong nghề".

     Khổ luyện mới thành tài, nhưng khi đã thành tài rồi thì thợ hàn được trả mức lương xứng đáng, được mọi người tôn trọng cho dù họ làm việc ở bất cứ công trình, dự án nào của Lilama 69-1. Lilama 69-1 hiện có 382 thợ hàn, trong đó 214 thợ hàn 6G, 168 thợ hàn 2G-3G. Điểm nổi trội đối với nghề thợ hàn tại Lilama 69-1 đó là Công ty đã xây dựng Trung tâm đào tạo hàn từ năm 2011, tất cả thợ hàn khi vào Công ty được đào tạo một cách bài bản có hệ thống từ những kiến thức an toàn đến chuyên môn nghề hàn. Ngoài ra, Lilama 69-1 còn liên kết với các tập đoàn nước ngoài để đào tạo, sát hạch nâng cao tay nghề thợ hàn. Thợ hàn Lilama 69-1 được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động như quần áo bảo hộ, mũ bảo hộ, mặt nạ hàn, mắt kính, dây an toàn, giày da, găng tay da.
 

Nguyễn Phú