Phát triển cơ khí xứng tầm - Kỳ cuối: Đòn bẩy chính sách

04/08/2016 15:12

Khi các doanh nghiệp cơ khí đã xác định được mục tiêu, loại hình sản phẩm để phát triển, các chính sách ưu đãi, nguồn lực cần tập trung xoay quanh những trọng tâm này và quan trọng nhất là tính xuyên suốt, ổn định, lâu dài. Nếu làm được điều này, ngành cơ khí sẽ có thêm cơ hội, điều kiện để phát triển ổn định và bền vững, tránh dàn trải, thiếu hiệu quả như thời gian vừa qua.

Trông chờ vào các chính sách xuyên suốt

     Đầu tư cho cơ khí đòi hỏi nguồn vốn lớn, lãi suất dài hạn, trong khi lãi suất của ngành cơ khí không cao. Do vậy, hầu hết các DN cơ khí rất khó tiếp cận được các nguồn vốn, chứ chưa nói đến các nguồn vốn ưu đãi khác, cho dù sản phẩm của họ nằm trong các chương trình được hưởng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ. Và kể cả các dự án cơ khí hoặc các sản phẩm cơ khí hoàn thiện nếu muốn thế chấp vay vốn ngân hàng cũng không dễ dàng. Hơn nữa, DN cơ khí đều có nguồn vốn pháp định thấp, sản xuất kinh doanh phụ thuộc phần lớn vào vốn vay ngân hàng. Chính vì thế, nhiều DN không chỉ riêng ngành cơ khí mong muốn phía ngân hàng cần tăng cường năng lực thẩm định của các tổ chức tín dụng và khả năng đánh giá thị trường để có những chương trình cho vay phù hợp phát triển cơ khí, một trong những ngành “xương sống” của nền kinh tế.

     Có thể thấy, các chính sách về phát triển cơ khí đã có, nhưng thiếu tính ổn định, lâu dài. Qua nhiều năm phát triển, ngành cơ khí vẫn còn khá “ì ạch” và dễ bị tổn thương, nhất là trong giai đoạn hội nhập hiện nay. Chủ tịch VAMI Nguyễn Văn Thụ đề xuất một nhóm giải pháp. Thứ nhất, Chính phủ cần tiếp tục thực hiện Quyết định 10/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế hỗ trợ phát triển sản xuất sản phẩm cơ khí trọng điểm khi Quyết định này hết thời hiệu, trong đó cần tham khảo ý kiến các DN để làm mới danh mục các sàn phẩm cơ khí trọng điểm, không nhất thiết phải dàn trải ra tám nhóm sản phẩm như trước đây. Thứ hai, đề nghị Chính phủ và Bộ Công Thương xem xét áp dụng chính sách ưu tiên phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ với toàn ngành cơ khí vì thực chất phát triển ngành cơ khí Việt Nam theo hướng hiện đại hóa là phát triển chuyên môn hóa sâu, các DN phải mở rộng họp tác và hoạt động tương hỗ lẫn nhau, tăng cường tính liên kết đối với các DN cơ khí. Thứ ba, về tổ chức, trước đây chúng ta có hẳn một Bộ Cơ khí Luyện kim “quán xuyến” ngành cơ khí, nhưng nay chỉ còn một cơ quan cấp Vụ thuộc Bộ Công thương và đương nhiên, công tác quản lý không theo kịp sự phát triển của ngành. Do vậy cần sớm thành lập một cơ quản quàn lý chuyên ngành về cơ khí ở cấp Cục, Tông cục trực thuộc Bộ Công Thương với đội ngũ cán bộ am hiểu sâu về ngành cơ khí. Thứ tư, sớm củng cố Ban chỉ đạo về Chương trình sản phẩm cơ khí trọng điểm và Ban chỉ đạo chương trinh về cơ chế nội địa hóa thiết bị nhà máy nhiệt điện theo Quyết định 1791/QĐ-CP 1791 của Chính phủ vì thực tế triển khai hiện nay còn nhiều vướng mắc, như: dự án Nhiệt điện Sông Hậu, Long Phú, Quỳnh Lập,... các DN cơ khí đã đăng ký và đủ điều kiện tham gia thì lại chưa được tham gia. Ngoài ra cần dành sự quan tâm để phát triển các Hiệp hội đủ mạnh để làm cầu nối trong các hiệp định thương mại quốc tế, mở rộng quan hệ hợp tác và bảo vệ quyền lợi cho các DN trong nước.
Với đặc thù sử dụng nhiều diện tích để sản xuất kinh doanh, các DN cơ khí rất cần những chính sách ưu đãi về thuế, thuế đất, thuế. Tổng giám đốc Lilama 69-1 Ngô Quốc Thịnh cho biết, hiện nay, Luật thuế sử dụng đất phi nông nghiệp số 48/2010/QH12 đã được Quốc hội nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam khoá XII kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 17-6-2010, khi thi hành còn nhiều khó khăn vướng mắc cho các DN sản xuất, nhất là các DN cơ khí. Trong khi đó do chính sách thu hút đầu tư, tại thời điểm này nhiều doanh nghiệp FDI, vốn lớn mạnh hơn các DN cơ khí trong nước được miễn giảm thuế đất, gây bất bình đẳng, trong cạnh tranh, cho nên rất cần Chính phủ điều chỉnh một số chính sách hỗ trợ để DN cơ khí Việt Nam có thể phát triển được. Bên cạnh đó, đề nghị Chính phủ chỉ đạo xem xét cơ chế hỗ trợ sau đầu tư đối với các DN cơ khí, nhất là các đơn vị xuất khẩu thiết bị cơ khí. Cách làm này sẽ đẩy nhanh tốc độ phát triển của các DN khi có cơ hội tiểp cận được thị trường, tránh lãng phí, thất thoát do đầu tư dàn trải.

Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực

     Câu chuyện này không phải là mới đối với nhiều ngành kinh tế, nhưng có một thực tế đáng buồn là thu hút nguồn nhân lực cho ngành cơ khí còn rất khó khăn. Theo Tổng giám đốc Lilama Lê Văn Tuấn, đơn vị đã liên kết với các trường đào tạo nghề về tận các vùng quê kêu gọi, thu hút nguồn lao động cho ngành cơ khí. Theo đó sẵn sàng bỏ kinh phí lo chi phí học tập cho người dân vào các trường đào tạo nghề, bảo đảm đầu ra khi hoàn thành các khóa học, chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên, số lượng con em theo ngành cơ khí còn khá khiêm tốn. Hằng năm Tổng công ty cũng như các đơn vị thành viên đều đăng tuyển dụng kỹ sư, công nhân, nhưng không đáp ứng đủ nhu cầu của công việc. Cũng có thể đặc thù công việc của ngành cơ khí vất vả, hay di chuyển, lương chưa cao… do vậy chưa thể thu hút được nguồn lao động vào ngành và thực sự lớp trẻ bây giờ đa phần không còn “máu” nghề cơ khí như những lớp trước đây. “Họ thường bị cuốn hút vào các công việc dễ “thở” hơn, thậm chí cả các công việc lao động phổ thông cũng được nhiều con em chọn lựa hơn ngành cơ khí”, ông Tuấn tâm sự.

     Cũng có một thực tế khác là việc đào tạo trong các trường nghề còn quá nặng về lý thuyết, thiếu các kiến thức, trang thiết bị thực hành. Điều này khiến “đầu ra” nguồn lao động cho ngành cơ khí khá “phập phù”. Nhiều lãnh đạo DN cơ khí cho biết, lực lượng lao động mới ra trường đa phần chưa thể đảm nhiệm ngay công việc, nhanh nhất cũng mất vài tháng, thậm chí có nhiều trường hợp hơn hai năm mới nắm bắt được công việc trên công trường. Do vậy, thiếu công nhân kỹ thuật là khó khăn chung của các DN cơ khí. Phó tổng giám đốc Lilama 18 Phạm Văn Vân cho biết, đã vậy khi đào tạo được một kỹ sư, công nhân lành nghề, họ lại “nhảy” việc sang chỗ khác có mức ưu đãi tốt hơn. Đây là điều hết sức bình thường trong thị trường công việc mở. Hiện nay công ty có khoảng 4.000 đến 6.000 lao động thường xuyên, phụ thuộc vào các đơn hàng và để đảm bảo tiến độ, đơn vị buộc phải tìm phương án mới để “lấp chỗ trống”. Cũng may, công ty đã kịp xây dựng một bộ khung cán bộ tốt với một số ưu đãi đặc biệt hơn về tiền lương, đời sống… để họ yên tâm cống hiến cho đơn vị, cho nên được các đối tác tin cậy, tạo thuận lợi trong sản xuất, kinh doanh.

     Có một cái nhìn khác hơn, Giảng viên Viện cơ khí Đại học Bách khoa Hà Nội Trần Ngọc Minh đánh giá, thị trường công việc hiện nay có nhiều lĩnh vực “hot” hơn ngành cơ khí, do vậy ngay cả chất lượng đầu vào tuyển sinh của ngành cơ khí cũng đã thấp hơn so với trước đây. Ngày xưa, khoa cơ khí trường Đại học Bách khoa Hà Nội luôn được đăng ký rất đông, nhưng thời điểm này đã giảm nhiều. Mặt khác, điều kiện tài chính không cho phép, cho nên hệ thống máy móc, thiết bị dành cho thực hành cũng không có khả năng đổi mới, đồng thời độ “ham nghề” của lớp trẻ cũng không “nhiệt” như trước đây. Có thể nói, thị trường công việc của cơ khí vẫn còn, nhưng nếu nền tảng ngành cơ khí không tốt, không bảo đảm tốt thu nhập cho người lao động, sẽ rất khó thu hút sinh viên. “Như tôi biết, nhiều sinh viên ra trường không còn làm trong ngành cơ khí hoặc chỉ làm trong các xưởng cơ khí nhỏ lẻ tại các địa phương. Nếu vậy, đây sẽ là một lãng phí lớn”, anh Minh tâm sự.

     Vừa qua, Hội tự động hóa Việt Nam (VAA) phối hợp VAMI và Trường cao đằng nghề Lilama 2 (thuộc Bộ Xây dựng) đã ký hợp tác chiến lược để đào tạo phát triển nhân lực công nghệ cao, chuyển giao công nghệ trong nhiều lĩnh vực như: điện - điện tử, cơ khí, tự động hóa, công nghệ phụ trợ, công nghệ ô-tô, nhiệt điện và đặc biệt là đào tạo nhân lực phục vụ lắp đặt và vận hành sân bay quốc tế Long Thành. Đồng thời, các bên sẽ kết hợp chặt chẽ trong việc nghiên cứu và triển khai các đề tài khoa học và ứng dụng công nghệ, tận dụng và phát huy thế mạnh của Nhà trường về thiết bị và cơ sở vật chất được Chính phủ Đức và Pháp hỗ trợ. Điều này kỳ vọng sẽ gỡ bỏ “nút thắt” trong khâu đào tạo, bảo đảm nguồn lao động chất lượng cao, giúp ngành cơ khí nói chung và các ngành kinh tế khác phát triển ổn định.


Tăng cường ưu đãi trong đấu thầu đối với các DN cơ khí nội
Theo Luật đấu thầu 2015, khi nhà đầu tư Việt Nam tổ chức đấu thầu quốc tế thì DN trong nước chỉ dược ưu đãi hơn DN nước ngoài 7,5% giá đánh giá là quá thấp. Do vậy đề nghị điều chỉnh lên 25% vì một số nước trong khu vực có chính sách hỗ trợ xuất khẩu lên đến 17% cùng với một số chính sách ưu đãi xuất khẩu khác hơn chúng ta rất nhiều.

Nguyễn Văn Thụ
Chủ tịch VAMI

Xuân Thủy - Duy Tình