Phát triển ngành cơ khí Việt Nam: Kiến nghị cần sớm có Luật Cơ khí
Chỉ khi được “Luật hóa” thì các ngành cơ khí chế tạo - một trong những ngành xương sống cho sự phát triển kinh tế xã hội của đất nước mới có khả năng phát triển. Đó là một trong những nội dung kiến nghị và nhận được sự nhất trí cao của các thành viên Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam (VAMI) mới đây tại phiên họp Hội nghị toàn thể doanh nghiệp hiệp hội lần thứ 1 năm 2022.
Lắp đặt, chế tạo thiết bị tại Công ty CP Lilama 18 - một trong những đơn vị xuất khẩu thiết bị uy tín của Lilama
Chưa có Nghị quyết của Chính phủ cho riêng ngành cơ khí
Ông Lê Văn Tuấn - Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam (Lilama) Phó Chủ tịch VAMI nhấn mạnh: Ngành cơ khí là một ngành mũi nhọn, xương sống cho sự phát triến của đất nước. Nhưng đến nay, chúng ta vẫn chưa có được một Nghị quyết của Chính phủ cho riêng ngành cơ khí. Chính vì thế, các doanh nghiệp (DN) cơ khí chưa có được một chính sách để phát triển, vẫn “loay hoay” tự tìm lối đi.
Cụ thể hơn, ông Tuấn đưa ra 3 nhóm vấn đề có thể đề nghị Chính phủ vào cuộc để tháo gỡ. Thứ nhất là thuế đất cho các DN cơ khí phải giảm hơn so với các lĩnh vực khác. Bởi do đặc thù của ngành cơ khí thường gia công, chế tạo lắp đặt những sản phẩm có kích thước lớn, quá khổ… nên nhà xưởng phải có đủ diện tích lớn, mới đủ cho năng lực chế tạo. Chính vì thế, việc chịu thuế đất cao sẽ làm cho các DN cơ khí khó trụ được lâu dài.
Thứ hai là ưu đãi về thuế thu nhập DN. Theo ông Tuấn, thuế thu nhập DN cho ngành cơ khí phải được giảm nếu DN đó có hàng xuất khẩu, doanh thu cho hàng xuất khẩu được giảm thuế. Như vậy là Nhà nước đã hỗ trợ trực tiếp cho DN để phục hồi và phát triển sản xuất, tăng cường xuất khẩu.
Thứ ba, Nhà nước cần hạn chế nhập khẩu các sản phẩm trong nước đã làm được. Tất cả các DN cơ khí đều phải liệt kê các danh mục cơ khí, cái gì trong nước làm được thì không được nhập. Không làm được việc này là rất khó tạo thị trường, công ăn việc làm cho ngành cơ khí trong nước. Danh sách những mặt hàng trang thiết bị công nghiệp cơ khí phải sản xuất trong nước sẽ do các hiệp hội đề xuất trình cơ quan có thẩm quyền để Tổng cục Hải quan giám sát. Việc này các nước phát triển đều đưa vào luật rất cụ thể. Các DN tư nhân ở nước ngoài được xuất, nhập khẩu tự do nhưng phải theo quy định và quản lý của Nhà nước.
Kiến nghị sớm xây dựng Luật Cơ khí
Ông Đào Phan Long, Chủ tịch VAMI phân tích thêm: Số liệu chưa đầy đủ cho thấy trung bình 5, 10 năm qua, Việt Nam thường nhập khẩu từ nước ngoài trên dưới 40 tỷ USD/năm các trang thiết bị, máy, vật tư sản xuất cho toàn ngành kinh tế bao gồm sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, xây dựng hạ tầng, dịch vụ và an ninh quốc phòng. Đó là thị trường khá lớn mà nhiều nước muốn có mà không được.
Thế nhưng ngành cơ khí nội địa Việt Nam lại không có được nhiều thị phần, phải “tự bơi” trong cơ chế thị trường chưa hoàn thiện còn nhiều bất cập và chưa nhận được sự hỗ trợ hữu hiệu từ hệ thống chính sách của nhà nước để có nhiều đơn hàng từ đầu tư công như các nước khác. Dẫn đến cơ khí nội địa của nước ta đã thiếu đơn hàng và bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nguyên nhân tạo ra thực trạng trên là do cả chính sách, cơ chế của Nhà nước và sự quản trị yếu kém của các DN cơ khí nội địa Việt Nam.
Tới đây chúng ta sẽ triển khai nhiều dự án lớn quan trọng của quốc gia có tổng mức đầu tư lớn như: Quy hoạch điện VIII giai đoạn từ 2021 - 2030 khoảng 133 tỷ USD, đường sắt tốc độ cao 50-60 tỷ USD, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các tuyến đường sắt nội đô, các công trình giao thông, thủy lợi, dầu khí, kinh tế biển, đóng tàu, ô tô, xe máy… Con số thực tế cho thấy, thị trường cơ khí nội địa trong những năm tới của chúng ta vẫn rất lớn.
Để ngành cơ khí nội địa của chúng ta có được đơn hàng ngay trên sân nhà, Nhà nước nên có quy định chặt chẽ tỷ lệ hợp lý trong khối lượng và giá trị dự án để đảm bảo dành cho DN cơ khí nội địa tham gia như thông lệ quốc tế, hạn chế nhập khẩu, khuyến khích nhận chuyển giao công nghệ để các DN trong nước tự sản xuất. Như vậy các DN cơ khí có thể tham gia.
Ông Long cho biết thêm, khi khảo sát tại các Công ty CP Ô tô Trường Hải, Công ty CP Xe lửa Gia Lâm thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, các DN này cho biết, ngoài các toa xe khách, xe hàng cho đường sắt quốc gia, nhà máy hoàn toàn có thể tự đóng được các toa xe nhẹ cho đường sắt đô thị (metro) nếu được yêu cầu. Và gần đây, việc tắc nghẽn cung ứng toàn cầu thiếu “công” cho các tàu vận tải, các DN cơ khí trong nước hoàn toàn có thể đảm nhiệm được. Nhà nước cũng có thể ưu đãi cho các DN đóng tàu về thuế và chính sách hỗ trợ đóng đổi tàu mới cho các DN vận tải để có thể tham gia vào thị trường logistics thúc đẩy xuất khẩu khi thị trường đã đủ lớn và tăng trưởng nhanh. Không để thị phần này gần hết cho nước ngoài mà không thể chủ động được.
Đồng tình với các ý kiến này, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VAMI nhận định: Thị trường cho ngành cơ khí nói riêng phải cạnh tranh rất gay gắt đặc biệt với hàng hóa đến từ Trung Quốc. Do chính sách hỗ trợ phi thị trường của Chính phủ Trung Quốc, hàng hóa của họ không những đáp ứng mọi loại chất lượng mà giá cả còn rất cạnh tranh. Thông thường với các nước đang phát triển, thị trường cho ngành cơ khí được bảo hộ bởi Nhà nước, đặc biệt là cho dự án đầu tư công hay dự án có qui mô thị trường lớn. Tuy nhiên, ở Việt Nam trong thập kỷ trở lại đây, những cơ chế, chính sách để bảo vệ thị trường rất yếu, không đủ để hỗ trợ các nhà đầu tư.
Thêm nữa, cái thiếu nhất của ngành chế tạo cơ khí trong nước hiện nay, đó chính là một chiến lược phát triển tổng thể về ngành. Tới đây, để tạo điều kiện cho ngành cơ khí phát triển, Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam sẽ trình Chính phủ xin ý kiến về xây dựng Luật Cơ khí. Chỉ khi tất cả được “luật hóa” thì các chính sách hỗ trợ của Chính phủ cho ngành cơ khí mới sớm thực thi.
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận