Thành công và những bài học rút ra từ việc thực hiên một dự án cấp Nhà nước về cơ khí chế tạo - Phần 1.
Qua 10 năm triển khai thực hiện dự án “Nghiên cứu, ứng dụng KH&CN trong việc chế tạo thiết bị thay thế nhập ngoại cho các dự án xi măng và nhiệt điện đôt than” trên cương vị chủ nhiệm, Lilama đã đạt được những thành công đáng khích lệ. Kết quả này đã mang lại cho các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo niềm tin để tiếp tục đầu tư, phát triển vì mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa 70% khối lượng tại những dự án xây dựng mới các nhà máy xi măng và 40% thiết bị trong các nhà máy nhiệt điện vào năm 2015.
Lilama.com.vn trân trọng giới thiệu loạt bài của Kỹ sư Phạm Quang Nhân, Phó Tổng giám đốc Lilama, đơn vị làm chủ nhiệm dự án này. Xem phần II.
Nhà máy xi măng sông Thao, một trong những kết quả của Dự án - Ảnh: Duy Tình
Thành quả 10 năm thực hiện dự án
Tại dự án “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo các thiết bị chủ yếu cho dây chuyền đồng bộ sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500 tấn Clinker/ ngày, thay thế nhập ngoại, thực hiện tiến trình nội địa hoá”: Dự án KHCN được triển khai thực hiện theo Quyết định số 2861/QĐ-BKHCN ngày 14/11/2005 của Bộ trưởng Bộ KH&CN và LILAMA làm Chủ nhiệm Dự án. Dưới đây là những nội dung cơ bản của dự án:
Phạm vi nghiên cứu được lựa chọn thực hiện ở 08 công đoạn có tính quyết định của dây chuyền sản xuất, trong đó đặc biệt quan tâm đến công tác tư vấn, thiết kế công nghệ, thiết kế chế tạo bao gồm: Nghiên cứu, thiết kế kỹ thuật phần công nghệ dây chuyền sản xuất; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo các thiết bị chính trong công đoạn đập đá vôi và đồng nhất sơ bộ đá vôi; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo máy nghiền đứng (nghiền than, nghiền liệu, nghiền Clinker); Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống lò quay; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị lọc bụi công suất lớn; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo hệ thống đóng bao xi măng tự động; Nghiên cứu, thiết kế hệ thống tự động hóa; Nghiên cứu, thiết kế, chế tạo thiết bị quạt gió công suất lớn. Sản phẩm nghiên cứu được ứng dụng trực tiếp vào Nhà máy xi măng Sông Thao và tiếp theo là Nhà máy xi măng Đô Lương và các nhà máy khác (khi có điều kiện thích hợp). Kinh phí để thực hiện Dự án KHCN: 214,9 tỷ đồng, trong đó: Nguồn kinh phí KHCN : 34,15 tỷ đồng; Nguồn vốn tự có : 13,9 tỷ đồng; Nguồn vốn khác : 166,9 tỷ đồng.
Sau hơn 4 năm triển khai thực hiện, Dự án KHCN đã được Bộ Xây dựng nghiệm thu cấp Nhà nước ngày 21/10/2010 trước sự chứng kiến của đại diện Bộ KH&CN, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Hiệp hội doanh nghiệp cơ khí Việt Nam và nhiều Chuyên gia đầu ngành với điểm đánh giá đạt 82,5/100 điểm, đạt loại khá. Đã hoàn thành toàn bộ các nội dung nghiên cứu theo Thuyết minh tổng quát được duyệt bao gồm: Bộ thiết kế kỹ thuật, thiết kế công nghệ của dây chuyền sản xuất xi măng lò quay công suất 2.500T Clinker/ngày. Các chương trình, phần mềm tính toán, điều khiển (07 chương trình phần mềm): Phần mềm tính toán công nghệ dây chuyền nhà máy; Phần mềm tính toán các thông số công nghệ chủ yếu của các thiết bị thuộc hệ thống lò quay; Phần mềm điều khiển Modul cân của hệ thống đóng bao; Phần mềm tính toán thiết bị lọc bụi túi; Phần mềm tính toán thiết bị lọc bụi tĩnh điện; Chương trình điều khiển các khu vực công nghệ trong nhà máy; Chương trình tính toán các thông số kỹ thuật Quạt công suất lớn.
Công tác chế tạo nội địa hóa (áp dụng tại Nhà máy xi măng Sông Thao): Tổng khối lượng chế tạo thiết bị và kết cấu thép: 5.828/ 8.373 tấn, tương đương với 70% khối lượng toàn Nhà máy (vượt so với yêu cầu lộ trình nội địa hóa của BXD đối với Nhà máy 1 là 63%); Tổng giá trị chế tạo đạt khoảng 40% (vượt so với yêu cầu lộ trình nội địa hóa của BXD đối với Nhà máy 1 là 36%). Tổng kinh phí đã thực hiện là: 226 tỷ đồng, đạt 113% so với dự toán được duyệt. Quá trình triển khai, dự án đã thu được những thành công ban đầu: Qua việc thực hiện Dự án KHCN quy mô lớn theo phương thức nghiên cứu và ứng dụng sản phẩm vào thực tế, lần đầu tiên ở Việt Nam đã có được sự kết hợp hầu hết đội ngũ chuyên gia từ các Viện nghiên cứu, các Công ty tư vấn, Hiệp hội cơ khí, các Trường Đại học, các đơn vị thiết kế, chế tạo, các Công ty xây dựng, lắp máy có nhiều kinh nghiệm trong thi công các Nhà máy xi măng để cùng hợp tác triển khai và đưa vào vận hành một nhà máy xi măng hoàn chỉnh.
Do năng lực nghiên cứu, thiết kế, chế tạo được nâng lên do đó nhiều đơn vị tham gia thực hiện các Đề tài thuộc Dự án KHCN đã có thể ứng dụng các sản phẩm của mình ra ngoài như: CCBM nhận thẩm định và thiết kế cho các dây chuyền 1, 2 nhà máy xi măng Lam Thạch, Viện Vật liệu Xây dựng đã kết hợp cùng LILAMA EMC để tìm kiếm công việc tại Châu phi; LILAMA 69-3 nhận thiết kế chế tạo các thiết bị công đoạn đá vôi cho xi măng Bình Phước, máy đập đá vôi cho xi măng Thăng Long, Hoàng Thạch, Bút Sơn; NARIME nhận hợp đồng chế tạo lọc bụi tĩnh điện cho nhiệt điện Vũng áng 1, Thái Nguyên, lọc bụi túi cho xi măng Hạ Long, Bút Sơn,vv... Điều này thể hiện kết quả lan tỏa của các sản phẩm nghiên cứu, chế tạo.
Các đơn vị tư vấn - chế tạo - xây dựng của Việt Nam có thêm nhiều kinh nghiệm để sẵn sàng đảm nhận vai trò Tổng thầu EPC cho toàn bộ nhà máy cũng như từng công đoạn sản xuất của nhà máy. Điều này đã thể hiện mức độ tự chủ đối với quá trình công nghệ sản xuất xi măng cũng như quá trình chế tạo, thiết kế và quản lý dự án đã có được bước tiến mới, cho phép chủ động giải quyết các vấn đề phát sinh trong khi tiến hành công việc. Lần đầu tiên Việt Nam đã chế tạo một số thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất xi măng lò quay 2.500 tấn Clinker/ngày như: Lò nung, thiết bị làm nguội Clinker, máy nghiền liệu, nghiền than, nghiền xi măng, máy rải liệu, rút liệu kho tròn bằng bản vẽ thiết kế của mình theo bản quyền, bảo hành của Viện nghiên cứu thiết kế Thiên Tân (Trung Quốc) và Hãng Loesche (CHLB Đức) với tỷ lệ nội địa hóa Hệ thống lò quay đạt 55,5% khối lượng (Tháp trao đổi nhiệt 95,76%, Lò quay 37,92%, Tháp điều hòa 95,76%), Cụm nghiền liệu đạt 69,6% (máy nghiền liệu 49,2%), Cụm nghiền than đạt 74,1% (máy nghiền than 69,84%), Máy nghiền Clinker 60%, Hệ thống đóng bao tự động (88%),vv... Đến nay, các thiết bị này đang hoạt động ổn định, sản phẩm xi măng Sông Thao đã tạo được uy tín và thị trường đón nhận.
Với tỷ lệ nội địa hóa đạt được tại nhà máy xi măng Sông Thao đạt 70% về khối lượng và khoảng 40% về giá trị thì LILAMA đã hoàn thành vượt mức yêu cầu đối với mục tiêu đặt ra ban đầu về tỷ lệ nội địa hóa với dây chuyền thứ nhất là 63% khối lượng và 36% giá trị. Đây là một thành công rất lớn so với những gì ngành cơ khí Việt Nam đã chế tạo thiết bị cho ngành xi măng từ trước tới nay, chủ yếu là chế tạo kết cấu thép và thiết bị phi tiêu chuẩn, hầu như không có thiết bị công nghệ nào hoàn chỉnh như: Dây chuyền 2 xi măng Hoàng Thạch tỷ lệ nội địa hóa đạt 20,2%, các Nhà máy xi măng Bút Sơn, Hoàng Mai, Sông Gianh, Hải Phòng đạt khoảng 30%, xi măng Tam Điệp đạt 35,2%, Nghi Sơn đạt 46,4% về khối lượng và từ 10-15% về giá trị. Như vậy việc thực hiện thành công Dự án KHCN này còn có ý nghĩa trong việc thực hiện Chương trình chống nhập siêu đối với các hàng hóa là thiết bị hoặc phụ tùng cho các dây chuyền thiết bị toàn bộ. Đây là thành công của mô hình kết hợp việc nghiên cứu KHCN với cơ chế chỉ định thầu EPC cho các đơn vị thiết kế, chế tạo của Việt Nam và giao cho đơn vị Lãnh đạo tổ hợp nhà thầu EPC đồng thời là chủ nhiệm Dự án KHCN.
Dự án "Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong nước thiết bị nhà máy nhiệt điện than công suất tổ máy đến 600 MW":
Xuất phát của Dự án này được điều chỉnh từ Dự án KHCN “Nghiên cứu thiết kế, chế tạo trong n¬ước thiết bị đồng bộ Nhà máy nhiệt điện than công suất 300 MW" sang nghiên cứu Dự án KHCN có gam công suất 600MW. Nội dung của Dự án KHCN nhiệt điện than 300MW đã được Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng chuẩn y và Bộ KH&CN phê duyệt tại Quyết định số 54/QĐ-BKHCN ngày 14/01/2008 với những nội dung chính sau:
Dự án KHCN bao gồm 18 đề tài nhánh với mục tiêu đạt tỷ lệ nội địa hóa trong nước đối với nhà máy nhiệt điện 300MW đạt 40% khối lượng và 30% về giá trị: Nghiên cứu thiết kế kỹ thuật nhà máy nhiệt điện đốt than bột (Antraxít) Việt Nam công suất 300 MW; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo một số thiết bị của hệ thống lò hơi công nghệ đốt than phun cho nhà máy nhiệt điện than công suất 300 MW; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ sấy không khí cho lò hơi nhà máy nhiệt điện đốt than bột công suất 300 MW; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo bộ hâm nước cho lò hơi nhà máy nhiệt điện đốt than bột công suất 300 MW; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo quạt cấp gió công suất trên 500.000 m3/h cho lò hơi của nhà máy nhiệt điện đốt than bột công suất 300MW; Nghiên cứu thiết kế, chế tạo hệ thống khung chính của lò hơi nhà máy nhiệt điện đốt than bột công suất 300 MW... Sản phẩm nghiên cứu được áp dụng trực tiếp vào Dự án Nhà máy nhiệt điện Uông Bí mở rộng 2, nhiệt điện Thăng Long, nhiệt điện Vũng áng 1.
Để có cơ sở tiến hành điều chỉnh, hoàn thiện Đề cương Dự án KHCN với gam công suất tổ máy 600 MW và áp dụng cho các Dự án Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 và Long Phú 2, theo sự chỉ đạo của Văn phòng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan, các bên LILAMA, NARIME, DOOSAN đã ký kết chính thức Thỏa thuận khung thành lập Liên danh Tổng thầu EPC thực hiện Dự án nhiệt điện Quỳnh Lập 1 (Doosan làm Leader), trong đó có xác định cụ thể nội dung phân chia công việc giữa các bên, kế hoạch nghiên cứu chuyển giao cụng nghệ. Việt Nam sẽ cố gắng để đảm bảo tỷ lệ nội địa hóa Nhà máy nhiệt điện Quỳnh Lập 1 đạt trên 40% khối lương.
Còn nữa