Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024

22/01/2024 10:50

Vừa qua (18/1) Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP (LILAMA) đã tiến hành Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2024 để thông qua Đề án cơ cấu lại Tổng công ty giai đoạn 2021 - 2025. Tổng số cổ đông tham dự và uỷ quyền là 64 cổ đông, đại diện cho 98,258% số cổ đông có quyền biểu quyết.

Đại hội đã nghe báo cáo Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP giai đoạn 2021-2025 đã được Bộ Xây dựng thông qua tại văn bản số 5360/BXD-KHTC, ngày 23 tháng 11 năm 2023. Theo đó, Tổng công ty Lắp máy Việt Nam tiếp tục thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp với mục đích nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp và hiệu quả quản lý, điều hành, tăng sức cạnh tranh nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả sản xuất kinh doanh của Tổng công ty và các công ty thành viên hoạt động trong các ngành kinh doanh chính.

Phát huy tối đa giá trị thương hiệu LILAMA, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài nước

Tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được nhằm phát huy tối đa giá trị thương hiệu LILAMA, tạo sức cạnh tranh lớn trên thị trường trong và ngoài nước, khẳng định LILAMA là thương hiệu hàng đầu của Việt Nam trong vai trò tổng thầu EPC, nhà thầu xây lắp, nhà chế tạo dây chuyền thiết bị đồng bộ của các dự án công nghiệp để tiến tới tham gia vào chuỗi sản phẩm liên kết toàn cầu của các công ty đa quốc gia.

Xây dựng Tổng công ty LILAMA trở thành doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực tài chính, có trình độ công nghệ và quản lý hiện đại, phát triển tập trung vào ngành nghề kinh doanh chính đã lựa chọn, hoạt động sản xuất kinh doanh có hiệu quả.

Để thực hiện điều này, LILAMA sẽ tập trung vào hai ngành kinh doanh chính là là ngành EPC, xây lắp và ngành Cơ khí chế tạo. Đồng thời duy trì một số lĩnh vực có liên quan đến các ngành kinh doanh chính (xuất nhập khẩu, cho thuê máy móc thiết bị, quản lý dự án) nhằm hỗ trợ, nâng cao sức cạnh tranh cho các ngành chính.

Hoàn thiện việc xây dựng cơ cấu tổ chức mới, tinh gọn và hoàn thành thoái vốn tại các đơn vị không thuộc ngành kinh doanh chính/hoạt động không hiệu quả; đảm bảo nhân lực đáp ứng kế hoạch phát triển trong các ngành kinh doanh chính căn cứ theo doanh thu; nâng cao tỷ lệ sử dụng cán bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ; tinh giản bộ máy để phù hợp với mô hình hoạt động và tăng năng suất lao động; từng bước nâng cao hiệu quả của người lao động và thu nhập bình quân đầu người lên mức cao hơn.

Đối với quản trị doanh nghiệp, Tổng công ty tiếp tục đóng vai trò là cổ đông trong việc hoạch định, kiểm soát chiến lược, tổ chức thực hiện sản xuất kinh doanh, điều phối chung các hoạt động tại các doanh nghiệp mà Tổng công ty LILAMA góp vốn; thoái vốn triệt để tại các đơn vị ngoài ngành hoặc các đơn vị hoạt động kém hiệu quả không phù hợp với chiến lược phát triển của Tổng công ty. Xây dựng hệ thống quản trị doanh nghiệp theo Luật Doanh nghiệp và phù hợp với các thông lệ tốt của quốc tế, ban hành và áp dụng bộ qui tắc quản trị doanh nghiệp nhằm đảm bảo sự công bằng, tính minh bạch, tính trách nhiệm.

Cơ cấu lại doanh nghiệp, cơ cấu lại tài chính, vốn, tài sản của Công ty mẹ - Tổng công ty LILAMA

Thực hiện thoái giảm vốn nhà nước về 51% vốn điều lệ trong giai đoạn 2024-2025 theo Quyết định số 1479/QĐ-TTg ngày 29/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước giai đoạn 2022 – 2025 và Quyết định số 382/QĐ-BXD ngày 11/4/2023 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Kế hoạch sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp có vốn nhà nước do Bộ Xây dựng làm đại diện chủ sở hữu giai đoạn 2022 – 2025.

Về chủ trương tăng vốn điều lệ của Tổng công ty lên 1.500 tỷ đồng: thực hiện theo quy định tại Khoản 20 Điều 2 Nghị định số 140/2020/NĐ-CP ngày 30/11/2020, Nghị định số 32/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018, Nghị định số 91/2015/NĐ-CP ngày 13/10/2015 của Chính phủ về đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý, sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp và pháp luật khác có liên quan. Việc tăng vốn điều lệ của Tổng công ty chỉ được thực hiện sau khi được cấp có thẩm quyền quyết định.

Thiết lập một cấu trúc tài chính cân đối và bền vững nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng doanh thu, gia tăng tỷ suất sinh lời, giảm thiểu rủi ro, tối đa hóa giá trị doanh nghiệp. Tái cơ cấu các khoản nợ nhằm cải thiện dòng tiền và khả năng trả nợ của Tổng công ty LILAMA cũng như tạo thêm nguồn vốn phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường hiệu quả sử dụng vốn và tài sản cố định. Kiểm soát chi phí hiệu quả, quan tâm thực hành tiết kiệm chống lãng phí.

Đối với các khoản đầu tư ra ngoài doanh nghiệp, LILAMA sẽ duy trì tỷ lệ sở hữu vốn của Tổng công ty đến 36% vốn điều lệ tại 02 công ty là Công ty cổ phần LILAMA 10 và Công ty cổ phần LILAMA 18.

Thoái toàn bộ vốn góp của Tổng công ty tại 19 công ty con, công ty liên kết, đầu tư tài chính ( Công ty cổ phần LILAMA 5; Công ty cổ phần LILAMA 7; Công ty cổ phần Cơ khí Lắp máy LILAMA; Công ty cổ phần Tư vấn Quốc tế LHT; Công ty cổ phần LILAMA 69-1; Công ty cổ phần LILAMA 69-3; Công ty cổ phần LILAMA 45.1; Công ty cổ phần LILAMA 45.3; Công ty cổ phần LILAMA 45.4; Công ty cổ phần Lắp máy Thí nghiệm Cơ điện;  Công ty cổ phần Bất động sản LILAMA (LILAMA Land); Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế Xây dựng và Công nghệ LILAMA; Công ty cổ phần Phú Mỹ Trung Việt; Công ty cổ phần Chế tạo giàn khoan dầu khí; Công ty cổ phần Xi măng Thăng Long; Công ty cổ phần Thủy điện Hủa Na; Công ty cổ phần  Xi măng Sông Thao; Công ty cổ phần  Cơ - Điện - Môi trường LILAMA; Công ty cổ phần Đầu tư Xây dựng LILAMA (CTCP BV INVEST).

Tại đại hội, các cổ đông đã bỏ phiếu tán thành Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Lắp máy Việt Nam - CTCP giai đoạn 2021 - 2025 với tỷ lệ 99,995%.

BP Tuyên truyền LILAMA

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận