Tự hào 60 năm ngành Lắp máy Việt Nam
Sáng ngày 01/12/2020 tại Trụ sở chính của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã long trọng tổ chức Gặp mặt kỷ niệm 60 năm ngày thành lập Ngành Lắp máy Việt Nam (01/12/1960- 01/12/2020). Tới dự buổi gặp mặt có sự hiện diện của các đồng chí lãnh đạo Đảng, nhà nước, các bộ ban ngành và đông đảo các thế hệ cán bộ công nhân lao động của Lilama.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng trao tặng Cờ thi đua của Thủ tướng Chính Phủ cho Tổng công ty LILAMA
Về phía Bộ Xây dựng, có sự hiện diện của đồng chí Phạm Hồng Hà, Ủy viên TW Đảng, Bộ trưởng Bộ Xây dựng; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Lệ, Chủ tịch Công đoàn Xây dựng Việt Nam. Về phía Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, có đồng chí Bùi Đức Kiên, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Đồng chí Lê Văn Tuấn, Anh hùng Lao động, Phó Bí thư Đảng ủy, Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Đình Hải, nguyên Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Lắp máy Việt Nam; đồng chí Phạm Hùng, Anh hùng Lao động, Nguyên Tổng giám đốc Tổng công ty Lắp máy Việt Nam, cùng các đồng chí là thành viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc, Chủ tịch công đoàn Tổng công ty, các đồng chí lãnh đạo phòng ban chức năng, lãnh đạo các công ty con, công ty liên kết qua các thời kỳ.
Được thành lập ngày 01/12/1960, với tên gọi ban đầu là Công ty Lắp máy, sau đó đổi tên thành Liên hiệp các xí nghiệp Lắp máy, nay là Tổng công ty Lắp máy Việt Nam – LILAMA. Suốt chặng đường dài 60 năm qua, các thế hệ cán bộ công nhân viên, người lao động của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã có những cống hiến hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử đối với đất nước ta.
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu chỉ đạo
Công ty Lắp máy là một trong những đơn vị xây lắp đầu tiên, ra đời nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc nước ta thời bấy giờ. Từ những bước chập chững đầu tiên, những người thợ lắp máy đã thi công, lắp đặt thành công nhiều công trình công nghiệp dân dụng và quốc phòng như: Thủy điện Thác Bà, Nhiệt điện Lào Cai, Việt Trì, Ninh Bình, Uông Bí, Nhà máy suppe phốt phát Lâm Thao…đến sau này là những nhà máy xi măng Bỉm Sơn, Hoàng Thạch, Nghi Sơn,.., thủy điện Hòa Bình, Trị An, YaLy, Lai Châu, Sơn La,…, các nhà máy nhiệt điện Phả Lại, Phú Mỹ, Uông Bí 1 mở rộng, Cà Mau 1 và 2, Nhơn Trạch 1 và 2, Vũng Áng 1, Mông Dương 1 và 2, Vĩnh Tân 4, Sông Hậu 1…, đến những giàn khoan dầu khí, nhà máy hóa chất, nhà máy lọc hóa dầu… Những công trình có sự tham gia thi công của cán bộ công nhân viên, người lao động thuộc lĩnh vực Xây dựng nói chung và Lắp máy nói riêng được xem là xương sống, rường cột của nền công nghiệp nước nhà.
Tổng công ty Lắp máy Việt Nam đã trưởng thành từ một đơn vị xây lắp đơn thuần trong điều kiện muôn vàn khó khăn, đất nước bị chiến tranh tàn phá, công nghệ kỹ thuật lạc hậu, để sau 60 năm trưởng thành và phát triển nay đã trở thành Nhà Tổng thầu EPC hàng đầu Việt Nam có khả năng tự thiết kế, cung cấp thiết bị, gia công chế tạo, lắp đặt, chạy thử nhiều công trình công nghiệp hàng đầu của đất nước, hiện LILAMA đang chủ động, tích cực hội nhập vào khu vực và thế giới. Ngoài ra, LILAMA đang là doanh nghiệp tiên phong trong việc xuất khẩu dịch vụ xây lắp ra nước ngoài, đây là hướng đi mới có tính đột phá để LILAMA phát triển trở thành nhà thầu xây lắp quốc tế. Những thành công to lớn mà LILAMA đạt được trong những năm qua là biểu hiện sinh động cho việc phát huy nội lực, chấn hưng tinh thần dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Bùi Đức Kiên phát biểu tại chương trình
Đối với công tác đổi mới và phát triển doanh nghiệp, thực hiện chủ trương của Đảng và Chính phủ, LILAMA đã hoàn thành công tác cổ phần hóa để chuyển từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần từ năm 2016, đến nay với 15.000 lao động, 16 đơn vị thành viên và các công ty liên kết.
Những đóng góp của Tổng công ty Lắp máy Việt Nam trong suốt 60 năm qua đã được Đảng, nhà nước và Chính phủ ghi nhận bằng nhiều phần thưởng cao quý như: Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Độc lập; Huân chương Chiến công; Huân chương Kháng chiến; Huân chương Lao động các loại. Danh hiệu anh Hùng Lao động cho các tập thể và cá nhân LILAMA.
Qua 60 năm xây dựng và phát triển Lilama hiện là doanh nghiệp tiên phong trong ngành xây dựng tham gia lắp đặt và đưa vào sử dụng hàng ngàn công trình thuộc các lĩnh vực công nghiệp, dân dụng văn hóa và quốc phòng, với tổng giá trị sản lượng đạt trên 1 tỷ USD mỗi năm. Nhân dịp này Tổng công ty Lắp máy Việt Nam và nhiều cá nhân đã vinh dự đón nhận Bằng Khen và cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ.
Tổng giám đốc Lê Văn Tuấn phát biểu tại chương trình
Thay mặt Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Phạm Hồng Hà chỉ đạo Tổng công ty cần tập trung thực hiện các mục tiêu và nhiệm vụ sau đây: “ Trước mắt tập trung mọi nguồn lực để triển khai thực hiện dự án nhiệt điện đảm bảo yêu cầu về chất lượng và tiến độ, góp phần giải quyết yêu cầu cấp bách là tình trạng thiếu điện của hệ thống điện quốc gia, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội đất nước; Tăng cường năng lực tự nghiên cứu, đồng thời đẩy mạnh việc tiếp thu, ứng dụng khoa học công nghệ từ nước ngoài và đầu tư có trọng điểm trang thiết bị, công nghệ để có thể sản xuất được thiết bị cơ khí có độ phức tạp cao, thiết bị phụ trợ đồng bộ tại các công trình, dự án mà LILAMA thực hiện, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa thiết bị góp phần quan trọng giảm dần tỷ trọng nhập siêu trong cán cân thanh toán của nền kinh tế nước ta”.
Tin: Thảo Chi.
Ảnh: Đức Bảo
Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết
Gửi bình luận