“Chất lính” thợ lắp máy

14/07/2022 08:41

Theo kế hoạch, ngày 16/7 tới, Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, dự án nhiệt điện quy mô lớn, hiện đại bậc nhất nước ta tại huyện Châu Thành (Hậu Giang) sẽ chính thức khánh thành, đưa vào khai thác sau gần bảy năm thi công xây lắp. Công trình do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư, Tổng Công ty Lắp máy Việt Nam (LILAMA) là Tổng thầu EPC.

Một góc Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Đối với hơn 3.000 kỹ sư, công nhân-những “người lính” tham gia thi công Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1, chắc chắn đó sẽ là những giờ phút đọng lại thật nhiều cảm xúc hãnh diện, tự hào. Họ đã chờ đợi từ lâu. Dù không còn là công trình đầu tiên với vai trò Tổng thầu EPC, song Nhiệt điện Sông Hậu 1 vẫn ghi đậm “chất lính” thợ lắp máy trong việc làm chủ và ứng dụng sáng tạo, thành công nhiều công nghệ mới.

1. Hơn 150ha ven bờ nam sông Hậu ở thị trấn Mái Dầm (huyện Châu Thành) xưa kia vốn là vùng đất sình lầy hoang vu, phủ kín lau sậy, sú vẹt. Từ khi chiếc cọc móng nhà máy chính đóng xuống vào cuối năm 2015 đến nay, chúng tôi đã nhiều lần về “cùng ăn, cùng ở” trên công trường, nên hình ảnh nhà máy nhiệt điện kỳ vĩ, với những giàn thép cao 40-50m sừng sững vươn cao trên nền trời xanh trở nên khá quen thuộc, nhưng nếu ai xa quê lâu ngày trở lại, chắc hẳn sẽ không khỏi ngỡ ngàng.

Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu 1 có tổng công suất 1.200MW (2x600MW), tổng mức đầu tư hơn 43 nghìn tỷ đồng, tương đương gần 2,05 tỷ USD. Khi đi vào hoạt động, nhà máy sẽ cung cấp cho lưới điện quốc gia khoảng 7,8 tỷ kW giờ/năm, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và phát triển kinh tế khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Đây là một trong các dự án trọng điểm quốc gia thuộc Quy hoạch điện VII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và cho phép áp dụng nhiều cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng. Phó Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (LILAMA) Trần Kim Bích nhớ lại: “Sau khi kết thúc xây lắp dự án Nhiệt điện Vũng Áng 1 (Hà Tĩnh), tôi được điều ngay vào Sông Hậu 1, cùng hơn 30 anh em thuê nhà dân gần đó “cắm trại”, triển khai công tác chuẩn bị, tiến hành khoan khảo sát, xử lý nền đất yếu bảo đảm có cấu kết ổn định cho những hạng mục, thiết bị tải trọng lớn; thiết kế khu văn phòng, cư xá cho cán bộ, công nhân,…”. Trong nửa năm ròng, đội cơ hữu này ngày đêm miệt mài phác thảo từng đường nét hình hài nhà máy từ nơi đồng không mông quạnh. Giai đoạn xử lý nền móng là quãng thời gian quan trọng để LILAMA và các nhà thầu thiết kế hệ thống quan trọng như lò hơi, turbine, hệ thống công nghệ phụ trợ, chuẩn bị đầu tư mua sắm vật tư, thiết bị.

Thợ lắp máy LILAMA lắp đặt máy dỡ than ở Nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1.

Tùy theo “đường găng” tiến độ các hạng mục, Tổng thầu EPC phải tính toán để đưa ra thứ tự thi công ưu tiên, bảo đảm toàn bộ nhà máy hoàn thành xây dựng-lắp đặt vào cùng một thời điểm. Đến cuối tháng 7/2016, chỉ bảy tháng sau khi đóng cọc móng nhà máy chính, LILAMA và các nhà thầu đã tiến hành lắp đặt kết cấu lò hơi và gần một năm sau, tiếp tục lắp đặt máy biến áp chính.

Kỹ sư Vũ Trọng Thiết, Giám đốc Ban dự án Nhiệt điện Sông Hậu 1 (LILAMA) cho biết: Lò hơi, turbine, cảng, vận chuyển nhiên liệu,… là những hạng mục “xương” nhất của nhà máy nhiệt điện vì tập trung nhiều thiết bị quan trọng, thi công khó và cần nhiều thời gian. Ngoài hệ thống cọc móng khổng lồ, việc lắp đặt thành công kết cấu thép lò hơi và giàn ống sinh hơi trọng lượng hơn 10 nghìn tấn, trong đó có những cấu kiện nặng hơn 100 tấn ở độ cao 84m là minh chứng sinh động nhất thể hiện khả năng làm chủ công nghệ của bàn tay, khối óc thợ lắp máy Việt Nam. Thiết bị turbine máy phát nặng hơn 1.000 tấn, những người thợ máy đã phải tính toán, sử dụng hệ thống kích rút thủy lực, một thiết bị đặc chủng chuyên nâng hạ cấu kiện nặng vào vị trí móng cao 18m bảo đảm tuyệt đối chính xác.

Quá trình lắp đặt hai máy dỡ than ngoài cảng, với những cấu kiện tổ hợp sẵn nặng hàng trăm tấn cũng là một “kỳ tích” của thợ LILAMA. Giữa ba bề sông nước, họ đã sáng tạo gia công hệ thống sàn đạo 500 tấn, sử dụng cẩu 250 tấn lắp đặt, bảo đảm an toàn cho khu vực cảng nhà máy. Đó là chưa kể hạng mục nước làm mát, riêng chi phí biện pháp thi công bảo vệ hố đào sâu 18m bằng cọc xi-măng đất CDM, đê quây bằng cừ Larsen hai lớp với hệ giằng chống và đê cát để giữ ổn định trước tác động áp lực nước phía ngoài sông cũng lên tới hàng trăm tỷ đồng.

2. Anh hùng Lao động Lê Văn Tuấn, Tổng Giám đốc LILAMA đánh giá: Từ khi khởi công nhà máy (ngày 16/5/2015) đến nay, LILAMA và các nhà thầu trên công trường đã hoàn thành một khối lượng công việc khổng lồ: lắp đặt khoảng 100 nghìn tấn thiết bị, hơn 270.000 m3 bê-tông cốt thép với 25 triệu giờ vận hành, thi công an toàn. Tất cả các hạng mục đều đáp ứng đầy đủ tiêu chí kỹ thuật và thông số bảo đảm theo đúng yêu cầu của Hợp đồng EPC. Trong đó, tỷ lệ nội địa hóa đạt hơn 30% đối với khâu thiết kế, chế tạo vật tư thiết bị trong nước, thậm chí có gói thầu đạt tỷ lệ lên đến 55% do các đơn vị trong nước sản xuất được.

Cần phải nói thêm rằng, nhà máy nhiệt điện đốt than là công trình hết sức phức tạp với nhiều hệ thống công nghệ khác nhau, đòi hỏi yêu cầu nghiêm ngặt về chất lượng và tính chính xác. Trong mỗi giai đoạn từ thiết kế, chế tạo và xây dựng, lắp đặt, thợ lắp máy và các nhà thầu luôn khắc cốt ghi tâm đặt tiêu chí chất lượng lên hàng đầu, tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản lý chất lượng. Hội đồng kiểm tra nhà nước về công tác nghiệm thu công trình xây dựng mỗi lần kiểm tra, khảo sát đều đánh giá rất cao dự án. Nhà máy cũng đáp ứng đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng, chống cháy, nổ; an toàn về môi trường.

Năm 2002, khi ký gói thầu điện than đầu tiên, LILAMA phải thuê tư vấn nước ngoài đảm trách, bản thân chỉ đóng vai trò hỗ trợ, nhưng đến nay, đơn vị đã hoàn toàn làm chủ công nghệ, đủ sức hoàn thành những “ca” khó nhằn nhất. “Thành công của Nhiệt điện Sông Hậu 1 hôm nay đã đánh dấu sự trưởng thành của chủ đầu tư, Tổng thầu EPC và các nhà thầu phụ trong nước, là niềm tự hào của đội ngũ cán bộ quản lý đầu tư xây dựng một trong những dự án nhiệt điện lớn nhất Việt Nam, bởi tất cả các khâu quản lý, thiết kế thi công, xây dựng, lắp đặt, chạy thử và vận hành đều do người Việt đảm nhiệm chính”, Tổng Giám đốc Lê Văn Tuấn nhấn mạnh.

Sẽ là thiếu sót nếu như không nói về tác động, ảnh hưởng của dịch Covid-19 đối với dự án. Thời gian đầu, dù dịch bùng phát mạnh ở các nơi, nhưng công trường với hàng nghìn lao động vẫn an toàn do tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, với phương châm “nội bất xuất, ngoại bất nhập”. Tuy nhiên, khi Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Cần Thơ xuống xét nghiệm nhanh cho công trường, một cán bộ CDC bị nhiễm Covid-19, khiến cho cả công trường lây theo. May mắn là các cán bộ, công nhân hầu hết triệu chứng nhẹ, nhưng cái rủi ở thời điểm đó là chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy, vật tư thiết bị không được vận chuyển về công trình theo đúng tiến độ. Bước vào giai đoạn chạy thử, cần chuyên gia của nhà cung cấp thiết bị nước ngoài căn chỉnh hệ thống nhưng khi bay sang Việt Nam, theo quy định phòng, chống dịch, họ phải cách ly ở Thành phố Hồ Chí Minh từ 14 đến 21 ngày, sau đó về Cần Thơ lại tiếp tục cách ly thêm một tuần nữa khiến nhiều người phát chán, nằng nặc bỏ về.

Kỹ sư Nguyễn Văn Hiếu, Trưởng phòng Chạy thử (Ban dự án LILAMA) cho hay: Thời điểm đó, việc điều động chuyên gia rất khó khăn, tiến độ chạy thử ảnh hưởng ghê gớm! Kế hoạch sắp đặt xong xuôi mà nhiều chủng loại thiết bị chưa nhập về, chuyên gia không sang được, tiến độ nhiều lúc bị tê liệt. Quãng thời gian chạy thử nghiệm có tải đến chạy tin cậy (từ tháng 5 đến tháng 12/2021), đòi hỏi giám sát hệ thống máy móc liên tục, cả đội kỹ sư khâu chạy thử phải làm việc bất kể ngày đêm, cả tháng không rời khỏi công trường, thậm chí vợ con ốm cũng không về nhà được. Thời điểm này cũng là lúc dịch bùng phát mạnh ở các nơi, nhiều anh em không tránh khỏi dao động, hoang mang lo lắng, song tất cả lại động viên, khích lệ nhau vượt qua áp lực công việc căng thẳng và dịch bệnh,...

Một cán bộ của LILAMA tâm sự, quá trình thi công công trình, thấy thợ lắp máy lành nghề thạo việc, nhiều nhà thầu nước ngoài đã ngỏ ý mời mọc, kéo về làm cho họ. Trong cơ chế thị trường, chuyện “chảy máu” chất xám là không tránh khỏi, một số kỹ sư trẻ vì nhu cầu cuộc sống đã dứt áo ra đi, nhưng nhiều người có thâm niên gắn bó với LILAMA chừng 10-15 năm đều xác định làm lắp máy như lính đánh trận, cuộc sống nay đây mai đó theo dự án. Đã quen việc quen nghề, vì “màu cờ sắc áo” của thương hiệu LILAMA, họ không ngại gian khổ và không dễ bị cám dỗ. Với họ, ước mong lớn nhất là được Nhà nước tin tưởng giao phó, thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia quy mô lớn, để trui rèn năng lực ngày thêm lớn mạnh, tiếp tục vươn tầm với ra thị trường quốc tế trong tương lai không xa.                                                                      

XUÂN THỦY và QUANG HƯNG

                                                                                                                                                                               (Theo: https://nhandan.vn/chat-linh-tho-lap-may-post705376.html)

Bình luận

Tối thiểu 10 chữ Tiếng việt có dấu Không chứa liên kết

Gửi bình luận